Kính thưa quý Niên trưởng.
Kính thưa quý Huynh trưởng.
Kính thưa quý Chiến hữu.
Các em, các cháu thuộc thế hệ hậu duệ QLVNCH thân mến.
Từ sau cuộc chính biến 01/11/1963, cuộc chỉnh lý vào tháng 01/1964 cho đến năm 1965, tình hình chính trị của Miền Nam thật sự rối ren và bất ổn trải qua nhiều thời chính phủ dân sự. Bọn Cộng sản Bắc Việt với sự hổ trợ của cả khối Cộng sản Quốc Tế, đã lợi dụng tình trạng này để gia tăng đánh phá Miền Nam Việt Nam trong mưu đồ nhuộm đỏ nửa phần còn lại của đất nước. Trước tình hình lâm nguy của tổ quốc và sau nhiều phiên họp của Thượng Hội Đồng Quốc Gia, chính phủ dân sự của thủ tướng Phan Huy Quát đã quyết định trao quyền lãnh đạo quốc gia lại cho quân đội.
Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia và Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương được thành lập và trình diện trước quốc dân, để thay mặt cho QLVNCH đứng ra nhận lãnh trọng trách lèo lái con thuyền quốc gia trong cơn phong ba trên dòng sông lịch sử. Đó là ngày 19/06/1965, Ngày Quân Lực của chính thể VNCH. Nhân dịp kỷ niệm ngày Quân Lực lần thứ 45, người viết có đôi dòng nói sơ qua về Người Lính VNCH trong trách nhiệm "Bảo Quốc_An Dân" trong suốt hai mươi năm chinh chiến trên quê hương Việt Nam.
Từ những cảm nghĩ chân thành tận đáy sâu thẳm trong tâm hồn, các nhà văn, thi sĩ, nhạc sĩ đặt Người Lính VNCH vào một vị trí trang trọng nhất và cao quý nhất trong kho tàng văn chương, âm nhạc Việt Nam. Người Lính Việt Nam Cộng Hòa ... Anh là ai ?
Anh là người thanh niên tuổi trẻ Việt Nam lớn lên khi quê hương dày lửa khói, ý thức được trách nhiệm của người trai trong thời loạn, anh xếp lại trang vở của tương lai, gác bút nghiên chưa vơi mực trong bao năm miệt mài đèn sách. Anh mang bầu nhiệt huyết tuổi trẻ đặt bước chân bỡ ngỡ vào ngưỡng cửa quân trường, tình nguyện hiến dâng cuộc đời cho Non Sông, Tổ Quốc, mang hoài bảo giữ gìn quê hương đất mẹ được thanh bình, mang lại cuộc sống an lành, ấm no, hạnh phúc cho người dân nơi hậu phương. Anh đã khép mình trong khuôn khổ của thời gian, kỷ luật của quân đội ... sau những tháng ngày dài huấn luyện cam go, khổ cực ... Anh đã rèn luyện được một sức chịu đựng phi thường từ thể xác đến tinh thần cùng với kiến thức hấp thụ nơi quân trường. Cho đến khi đứng nghiêm trước bàn thờ Tổ Quốc nơi Vũ Đình Trường trong ngày lễ mãn khóa với lời thề "Vị Quốc Vong Thân", người thanh niên tuồi trẻ ngày nào giờ đây da sạm đen màu nắng đổi cuộc đời, anh hãnh diện trở thành Người Lính của QLVNCH. Người Lính mới mang gói hành trang vỏn vẹn chỉ có sáu chữ "Tổ Quốc_Danh Dự_Trách Nhiệm" ca vang lời sông núi, hiên ngang hiện diện nơi tuyến đầu lửa đạn.
Trong suốt hai mươi năm chinh chiến tang thương trên quê hương Việt Nam, Người Lính VNCH đã đem thân xác của mình đắp xây thành lũy ngăn bước quân thù, anh đã bước đi trên khắp nẻo đường quê hương với một tay cầm súng diệt lũ giặc thù cộng sản, một tay che chở bảo vệ người dân. Anh băng rừng vượt suối khi mặt trời còn say ngủ, những hạt sương đêm đẫm ướt cả đôi vai, anh dừng gót khi hoàng hôn vừa buông phủ, nuốt vội chút lương khô, gạo sấy rồi tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ quê hương, tổ quốc.
Hai mươi năm chinh chiến, hằng triệu quả đạn pháo đủ loại, hằng tỷ viên đạn của khối Cộng sản Quốc Tế được bọn Cộng sản Việt Nam dùng để bắn giết, gây cảnh máu chảy, thịt rơi, tang tóc phủ trùm đất mẹ. Với một khối lượng đạn dược khổng lồ như thế thì sắt cũng phải chảy, núi đá cũng vỡ tan, chẳng có một sinh vật nào có thể tồn tại được thì đừng nói chi là thân xác của con người ... nhưng Người Lính VNCH vẫn sừng sững hiên ngang dưới những trận pháo kinh hồn, những cơn mưa đạn của quân thù trùm phủ đất trời. Anh đã đem sinh mạng của mình bảo vệ từng tấc đất của quê hương, đem máu của mình tô thắm uy linh Lá Cờ Vàng hồn thiêng sông núi, đem tấm thân bé nhỏ hứng chịu tất cả đạn pháo của quân thù để che chở cho người dân miền Nam được sống trong cảnh thanh bình, ấm no, hạnh phúc nơi hậu phương.
Hai mươi năm chinh chiến, Người Lính VNCH sống kề cận với cái chết nhiều hơn là kề cận với cái sống của chính bản thân mình ... Người Lính đi vào chỗ chết để cho quê hương, dân tộc được sinh tồn. Cái chết đến với Người Lính bất cứ giờ phút nào, bất cứ nơi đâu dưới nhiều hình thức khác nhau ... Người thì tan xác trong chiếc "quan tài bay" đỏ lửa giữa vùng trời "Tổ Quốc Không Gian" ; Người thì nhổ neo theo chiến hạm "Tổ Quốc Đại Dương" miên viễn đi vào lòng biển mẹ ; Người thì hiên ngang bằng "viên đạn sau cùng đó, anh nào nghe tầm đạn đi đâu em" ; Người thì chết hai lần, xác thân tan nát trộn lẫn trong cát bụi vĩnh viễn ở lại với ngọn đồi Charlie ; Người thì an giấc nghìn thu và sống mãi với người dân nơi "An Lộc Địa Sử Ghi Chiến Tích, Biệt Cách Dù Vị Quốc Vong Thân" ; Người thì âm thầm trút hơi thở cuối cùng trên đất Bắc, trong mật khu của giặc, đó là những người chiến sĩ Biệt Kích, Biệt Hải ... những Kinh Kha thời đại và còn bao nhiêu người đã xong nợ xương máu không trở về thuộc Nha Kỹ Thuật, hai sư đoàn tổng trừ bị "Thiên Thần Mũ Đỏ" và Thủy Quân Lục Chiến, Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù, chín liên đoàn Biệt Động Quân, mười một sư đoàn bộ binh, sáu sư đoàn Không Quân, quân chủng Hải Quân với năm vùng duyên hải, các chiến sĩ mũ đen "Cua sắt", Pháo Binh, Địa Phương Quân, Nghĩa Quân, các đơn vị Yểm Trợ Tiếp Vận .v..v... Người Lính VNCH gục ngã trên chiến trường hay chết âm thầm trên đất giặc, hình ảnh những Người Lính khoác áo trận bạc màu khập khễnh với đôi nạng gỗ hoặc những Người Lính với đôi ống quần dư thừa trên chiếc xe lăn ... tất cả sự hy sinh đó là để bảo vệ người dân có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc dưới bầu trời tự do của miền Nam Việt Nam trong suốt 20 năm chinh chiến. Cũng có những cái chết mà Người Lính vẫn chưa biết mình đã chết khi một viên đạn của quân thù bắn sẻ xuyên qua đầu, đôi mắt mở trừng trong khi miệng vẫn còn đầy những hạt cơm sấy !
Hai mươi năm khói lửa chiến chinh phủ dày quê hương, Người Lính đã chứng kiến bao nhiêu cảnh thê lương tang tóc bởi bàn tay của bọn cộng sản gây ra. Người Lính căm thù lũ giặc đến tận xương tủy nhưng Người Lính luôn luôn đối xử tử tế, nhân đạo với những thành phần tù binh hoặc hàng binh địch. Người Lính và Chính phủ Miền Nam Việt Nam bao giờ cũng mở rộng vòng tay nhân ái chào đón những người "tung cánh chim tìm về tổ ấm" trong tình người trên nền tảng nhân bản của chính thể VNCH, trong tình thương yêu của Mẹ Việt Nam.
Hai mươi năm chinh chiến, Người Lính hít thở khói thuốc súng sa trường đầy hai lá phổi, bạn đường là cây súng, bạn đời đa dụng, hữu ích nhất là chiếc nón sắt vừa che chở cái "gáo", vừa làm nồi nấu ăn, làm gối kê đầu, làm ghế ngồi, khi thì dùng đựng "nước mắt quê hương" nâng chén "Túy ngọa sa trường quân mặc tiếu ; Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi". Hơn bảy ngàn đêm trên đoạn đường chiến binh, Người Lính nhìn ánh sáng "đèn cầy trời" nhiều hơn ánh đèn phố thị. Trên bảy ngàn đêm, hầu như anh chưa có một lần được tròn giấc ngủ ... Những giấc ngủ chập chờn nơi địa đầu giới tuyến, những giấc ngủ lạnh buốt dưới cơn mưa trên đồng ruộng ngập nước, những giấc ngủ tinh thần bên sườn đồi núi cheo leo dưới cơn nắng cháy nung người ... Người Lính VNCH ngủ trong thức và thức trong từng giấc ngủ, tấm poncho nhỏ bé không đủ phủ ấm thân anh trong những cơn mưa buốt giá tầm tả, không đủ che mát cho anh dưới sức nóng cháy đỏ của mặt trời nhưng tấm poncho đó đã che cả bầu trời Miền Nam Việt Nam được tự do trong suốt hai mươi năm dài chinh chiến.
Người Lính VNCH có một sức chịu đựng dẽo dai, một sức chiến đấu phi thường không mệt mỏi trong suốt hai mươi năm chinh chiến, chưa có Người Lính của quân đội nào trên thế giới có thể so sánh với Người Lính VNCH trên phương diện này. Người Lính VNCH đã tạo nên bao nhiêu chiến công lừng lẫy, Người Lính VNCH đã cắm ngọn cờ chiến thắng trên khắp các mặt trận trên bốn vùng chiến thuật, Người Lính VNCH đã không để một tấc đất nào lọt vào tay quân thù cộng sản. Những địa danh Cổ Thành Quảng Trị, Bồng Sơn, Khe Sanh, Tống Lê Chân, Sa Huỳnh, Komtum, Bình Long, An Lộc, Đồng Tháp, Rừng U Minh .v..v... đã đi vào trang quân sử oai hùng của QLVNCH. QLVNCH hãnh diện và vinh dự được xếp hạng là một quân đội thiện chiến nhất, hùng mạnh nhất vùng Đông Nam Á và đứng vào hàng thứ tư trên thế giới.
Hai mươi năm khói lửa trên quê hương Việt Nam, Người Lính VNCH không một lời than thở, không bao giờ đòi hỏi hay yêu cầu bất cứ một điều gì cho lợi ích cá nhân. Người Lính nghiêm chỉnh chấp hành quân lệnh của thượng cấp, đem hết khả năng hoàn thành nhiệm vụ mà tổ quốc giao phó cho dù phải hy sinh. Người Lính VNCH không đem sinh mạng của mình để đánh đổi cấp bậc trên bâu, vai áo ; Người Lính VNCH không đem một phần thân thể của mình để làm nấc thang trong cuộc đời binh nghiệp ; Người Lính VNCH hy sinh một phần thân thể để cắm ngọn cờ chiến thắng trên xác giặc ; Người Lính VNCH đem thân xác của mình chống đỡ ngọn cờ ngạo nghễ dưới trời cao, bảo vệ lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ mãi mãi tung bay phất phới trên từng phần đất mẹ. Người Lính VNCH chấp nhận hy sinh mạng sống của mình cho sự tồn vong của quê hương, dân tộc. Người Lính VNCH khi bị thương nặng sắp từ giã cõi đời, nằm thoi thóp trong vòng tay của cấp chỉ huy giữa những người bạn đồng đội, trong những giây phút cuối cùng này, Người Lính thều thào trong từng hơi thở đứt quảng "Ông thầy nhắn lại với mẹ của em là em đã đáp đền nợ nước, nhắn lại với vợ con của em là em thương vợ con nhiều lắm, vĩnh biệttttttttttttttt ông thầy cùng bạn ... bạn bè !", Người Lính nằm im bất động, hồn đã quyện vào Lá Cờ Hồn Thiêng Sông Núi trước khi thân xác được gởi vào lòng đất mẹ. Suốt cuộc đời vì Nước vì Dân, Người Lính không đòi hỏi hay yêu cầu bất cứ một điều gì cho lợi ích cá nhân ngay cả trước khi trút hơi thở cuối cùng.
Hai mươi năm chinh chiến, trong tất cả các cuộc hành quân tiêu diệt lũ giặc thù cộng sản khi bọn chúng lén tràn về đốt phá xóm làng hoặc những trận chiến trong thành phố, một mệnh lệnh bao giờ cũng được ban hành trước giờ xuất quân như một lời dặn dò, nhắn nhủ của cấp chỉ huy "Tránh thiệt hại tối đa sinh mạng cũng như tài sản của người dân". Người Lính VNCH bao giờ cũng nghĩ đến sinh mạng của người dân trước sinh mạng của mình. Người Lính VNCH ơi, Anh thật là cao cả.
Hai mươi năm chinh chiến, Người Lính VNCH đã hiến dâng và nhận được những gì ... Người Lính hiến dâng cả quảng đời thanh xuân tuổi trẻ, hy sinh tình cảm cá nhân, gia đình, hy sinh cả cuộc đời cho Non Sông, Tổ Quốc, hy sinh xương máu, một phần thân thể ngay cả sinh mạng để bảo vệ quê hương, dân tộc ; Người Lính nhận được những gì sau những chiến thắng được đánh đổi bằng xương máu ... Người Lính nhận được những vòng hoa mừng chiến thắng từ các cô em gái hậu phương choàng vào cổ, nhận được những chiếc huy chương cài trên ngực áo, những nấc thang binh nghiệp trên bâu, vai áo ........ Nhưng cũng có những thứ Người Lính nhận được mà họ không hay biết, đó là vòng hoa thương tiếc "Tổ Quốc Ghi Ơn" trước quan tài gỗ được trang trọng phủ lá quốc kỳ kèm theo chữ "Cố".
Hai mươi năm chinh chiến, có mấy ai hiểu được nỗi vui buồn của Người Lính ... Trên bước đường quân hành xuôi ngược, nỗi vui của Người Lính hiện lên trên đôi môi, ánh mắt khi nhìn thấy người dân nơi thôn quê vui sống trong cảnh thanh bình ; Tiếng ê a của trẻ thơ nơi mái trường làng cuối xóm văng vẳng vọng vang vào tâm hồn Người Lính một niềm vui khôn tả ; Hình ảnh cuộc sống an bình của người dân ở hai bên đường hiện ra và vùn vụt lướt nhanh xa dần đoàn quân xa để lại trong lòng Người Lính một niềm hạnh phúc vô biên ; Những lần về phép với bộ chiến y còn vương mùi thuốc súng, nhìn người dân nhộn nhịp sinh hoạt an vui nơi phố thị, Người Lính mỉm một nụ cười thanh thản thầm kín rồi lặng lẽ đếm bước. Hai mươi năm khói lửa chiến chinh lan tràn phủ dày quê hương ... hằn lên ánh mắt u buồn trên khuôn mặt trầm ngâm đã kết đọng thành nỗi đau xót xa trong lòng Người Lính ; Hình ảnh đau thương, tang tóc của người dân trong thời chinh chiến đã làm Người Lính trăn trở, thao thức trong từng giấc ngủ. Những buổi chiều tàn khi ánh nắng vàng sắp tắt trong ánh mắt đăm chiêu xa vắng của Người Lính nơi tiền đồn biên giới hay những đêm buốt giá cuộn mình ôm nỗi tâm tư trĩu nặng trong chiếc poncho nơi giao thông hào ... lúc đó ai hiểu được Người Lính đang nghĩ gì ...
Hai mươi năm chinh chiến, không ai hiểu được trong ánh mắt xa vắng hay một nụ cười mỉm thầm kín của Người Lính đang nghĩ gì ... ngoại trừ ... Người Lính VNCH.
Những năm sau cùng của cuộc chiến, Người Lính VNCH ngoài việc lo về mặt quân sự, Người Lính còn đảm trách thêm về mặt dân sự hành chánh ... Đó là những chức vụ Tư Lệnh Quân Đoàn kiêm Đại Biểu Chính Phủ cấp Vùng, Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng, Quận Trưởng kiêm Chi Khu Trưởng. Người Lính VNCH vừa đánh giặc, vừa bảo vệ và quan tâm đến đời sống của người dân.
Người Lính lớn nhất của nền Đệ Nhị Cộng Hòa, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu kiêm tổng tư lệnh tối cao QLVNCH trong hai nhiệm kỳ (1967-1971-1975) và trong hai năm (1965-1967) với chức vụ Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc gia đã lèo lái con thuyền Quốc Gia vượt qua những cơn phong ba bão táp của thời cuộc, đánh tan nát các cuộc xâm lăng của bọn CSVN trên khắp bốn vùng chiến thuật, mang sự tự do, ấm no, hạnh phúc cho người dân miền Nam Việt Nam. Cho đến một ngày vì lợi ích và các thế lực chính trị của các cường quốc tư bản và cộng sản ... Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã bị áp lực phải từ chức trao quyền lại cho Phó tổng thống Trần Văn Hương ngày 21/04/75 ... Ngày 28/04/1975, Tổng thống Trần Văn Hương từ chức và trao quyền lại cho Quốc Hội và Lưỡng Viện Quốc Hội VNCH đã biểu quyết trao quyền tổng thống cho đại tướng Dương Văn Minh, để rồi hai ngày sau đó người dân Việt Nam cùng Quân Cán Chính VNCH đã hứng chịu một sự đau thương tang tóc nhất bởi thảm họa cộng sản. Chiếc thuyền VNCH đã bị người bạn đồng minh gián tiếp nhận chìm vào dòng sông máu của bọn CSVN, trong thiên đàng đỏ của khối CSQT.
Hai mươi năm chinh chiến, có biết bao nhiêu Người Lính cũng như hầu hết các đơn vị đã hãnh diện đặt bước chân vào trang chiến sử hào hùng của QLVNCH bằng những chiến tích lẫy lừng, những chiến công hiển hách. Ngày cuối cùng của hai mươi năm chinh chiến ... Năm vị tướng lãnh cùng một số sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ các cấp hiên ngang, anh dũng đi vào lịch sử để bảo toàn "Danh Dự" cho đại gia đình QLVNCH và cũng để bảo vệ hai chữ "chính nghĩa" cho Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ được tung bay phất phới nơi các quốc gia tự do trên thế giới ngày hôm nay.
Bọn CSVN cưỡng chiếm quê hương nhưng không bao giờ chiếm đoạt được Tổ Quốc của Người Lính VNCH. Chúng ta, những người một thời khoác chiến y đang lưu vong trên khắp nẻo đường thế giới hay đang ngậm đắng nuốt cay ngay trên chính quê hương bị tạm chiếm, cho dù mái đầu đã bạc nhưng chí cả không phai, dù thân thể bị hao mòn bởi dòng thời gian nhưng nghị lực và tinh thần vẫn không cạn. Người Lính VNCH còn một hơi thở là còn "Trách Nhiệm" đối với Quê Hương, Dân Tộc. Chúng ta, những gót giày saut lưu vong huyết thệ phải lái con tàu "Lưu Vong Quốc Hận" chở ba triệu người Việt xa xứ vượt trùng dương trở về siết tay với những "KBC của ngày xưa" cùng với 85 triệu người dân trong nước diệt trừ lũ cộng sản, quang phục lại Quê Hương.
Chúng ta, những Người Lính VNCH là thế hệ hậu duệ của Quang Trung Đại Đế, Bắc Bình Vương Lê Lợi, Hưng Đạo Vương, Ngô Quyền ... quyết tâm giành lại Giang San mà các bậc tiền nhân đã tạo dựng và gìn giữ bằng xương máu ; Chúng ta quyết không để những người bạn đồng đội, những người đã nằm xuống vì hai chữ tự do phải ôm nỗi quốc hận mãi mãi ở một nơi nào đó bên kia thế giới.
Chúng ta, những Người Lính VNCH và những Người Lính hậu duệ của QLVNCH cùng 85 triệu người dân trong nước sẽ tổ chức một cuộc diễn hành vĩ đại mừng Ngày Quân Lực từ Thủ đô Sài Gòn mến yêu ra tận đến Thành phố ngàn năm Thăng Long Hà Nội.
Ngày Cộng sản Việt Nam sụp đổ sẽ thê thảm gấp trăm ngàn lần ngày 30/04/1975.
Ngày đó sẽ không xa.
Việt Nam Cộng Hòa muôn năm.
Quân Lực VNCH bất diệt.
Người Lính VNCH bất tử.
Vinh Danh-Tưởng Niệm-Tri Ân Người Lính VNCH.
Trân trọng kính chào trong niềm tin chiến thắng.
Kỷ niệm ngày Quân Lực lần thứ 45
"Mũ Đen" Hoàng Nhật Thơ
No comments:
Post a Comment