Pages

Monday, August 08, 2011

Giọt Nước Mắt Đêm Giao Thừa !

Người viết diễn đọc : Hoàng Nhật Thơ


     36 lần năm mới đến ... 36 lần Tết về nhưng mùa Xuân chưa đến ... Mùa Xuân của Mẹ Việt Nam đã rũ bên cội mai già kể từ khi làn sóng đỏ phủ trùm lên Miền Nam Việt Nam, cả Quê Hương bị ngập chìm trong biển máu "chủ nghĩa cộng sản" 36 năm về trước. Mùa Xuân ơi ... Mùa Xuân của Mẹ Việt Nam ơi ... bao giờ trở lại ...

     Những vạt nắng cuối ngày phai dần rồi tắt hẵn, nhường không gian lại cho màn đêm ngự trị, phố xá đã lên đèn ... dòng người tấp nập ngược xuôi trên đường trong tiếng còi xe inh ỏi, đa số họ là những người nhờ ơn của đảng và nhà nước nên được trở thành "vô sản", chật vật lo từng buổi ăn để lo lót cho cái bao tử luôn luôn "bạo động" ; Kẻ hối hả, người uể oải còng lưng trên những chiếc xe đạp cũ kỹ ... kẻ vội vã chân đuổi chân, người lê bước nặng nhọc với gánh hàng rong trên vai, kẻ mệt nhoài nghiêng ngả kéo chiếc xe cây trở về nhà sau một ngày ngụp lặn rã rời trong "thiên đàng máu" để mua lon gạo, bó rau, con cá ... chuẩn bị đón năm mới với cuộc đời chẳng có gì mới ngoại trừ lam lũ, thống khổ, tang thương, uất nghẹn trong chính sách bịp bợm, luận điệu tuyên truyền xảo trá "xóa đói, giảm nghèo" của lũ bạo quyền CSVN.

     Một năm dài lặng lẽ lùi vào dĩ vãng khi phút giao mùa vừa sang ... Năm mới, Tết đến với mọi người, không phân biệt cao sang, nghèo nàn ... dù rượu thịt đầy bàn trong căn phòng dưới ánh đèn điện sáng rực hay một chén cơm với dĩa rau luộc chấm nước mắm trong ánh sáng leo lét của ngọn đèn dầu nơi mái tranh rách nát, bốn bề gió lùa hoặc một chén cháo dưới gầm cầu, một mẩu bánh mì nơi góc phố hoặc khập khểnh đói lã trên đường phố ... thì Tết vẫn là Tết ... có khác chăng là người đón Tết trong hoàn cảnh nào mà thôi.
 
     Giao Thừa vừa sang, trong lúc nhà nhà đang đón mừng năm mới ... có biết bao nhiêu mảnh đời bất hạnh không nhà, không thân nhân, âm thầm nơi vĩa hè, góc phố nhìn năm mới đến, hoặc có những kẻ ngủ vùi trong một xó nào đó, không màng cũng chẳng bận tâm ... vì năm mới hay cũ đối với họ cũng giống nhau, cuộc đời vẫn là thống thổ, tang thương khi quê hương còn nằm trong tay của loài quỷ đỏ ; Từ một góc tối tăm dưới gầm cầu, một mảnh đời tang thương đang lặng lẽ đưa ánh mắt xót xa từ trong sâu thẳm bóng tối của cuộc đời, nhìn năm mới đến khi hai giọt nước mắt vừa rơi ...

     Đã 36 lần năm mới bước sang, Tết đến trong ánh mắt cuối đáy tang thương, nỗi lòng tan nát tận cùng thống khổ, con tim rỉ máu trên đỉnh cao chất ngất thương đau, một nỗi đau câm nín uất nghẹn, đôi gò má hóp trên khuôn mặt đầy dẫy những nếp tang thương, thống khổ của cuộc đời bên lề cõi sống hằn sâu trên dấu thời gian từ sau cuộc đổi đời tang tóc của quê hương dân tộc ! Với manh áo trận bạc màu không lành lặn, phủ lên một thân thể chỉ còn lại phân nửa từ háng trở lên, anh đã lê lết trong địa ngục trần gian dài hơn 1/3 thế kỷ ....
 
     Anh là người của một thời bi hùng trong khói lửa chiến chinh, máu của anh đã tuôn đổ bao nhiêu lần trong cuộc chiến để bảo vệ hai chữ tự do cho quê hương, đôi chân của anh đã gởi lại chiến trường vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến trong lúc tận dụng hết khã năng, sức lực kể cả sinh mạng để cố bảo vệ gìn giữ quê cha, đất mẹ. Anh là một trong những người lính VNCH sau cùng trở thành thương binh trong 20 năm chinh chiến, là một trong những nạn nhân đầu tiên bị lũ người chiến thắng "khoan hồng" bằng những báng súng AK đánh phủ đầu, kéo lê lết "giải phóng" ra khỏi quân y viện trong khi đôi chân cụt mới vừa được quấn băng trắng còn rỉ máu ... những người thương binh VNCH không nguyên vẹn hình hài, thân đẫm máu vì vết thương, vì trận đòn thù "Giải phóng Miền Nam", lê lết, bò trườn, khập khểnh níu kéo, dìu nhau trên đường phố của quê hương vừa bị cưỡng chiếm ...!

     Gia đình, người thân của anh đã tan xác trên "Đại Lộ Kinh Hoàng" vì đạn pháo của quân thù trong Mùa Hè Đỏ Lửa 1972. Tháng Tư Đen 1975, với tấm thân tàn tứ cố vô thân, anh lê lết thoi thóp hít thở bụi đường ngay chính trên mảnh đất mà anh đã đem xương máu gìn giữ, giờ đây mảnh đất thân yêu đã bị "giải phóng" thành cái thiên đàng máu "chủ nghĩa cộng sản" bệnh hoạn vô thần của những kẻ ngu dốt, khát máu, không tánh người, chỉ biết thù hận, độc ác. Sau khi cướp được Miền Nam Việt Nam, những con quỷ đỏ mang danh "giải phóng" đã bần cùng hóa người dân, dã man công khai cướp tiền, đoạt tài sản của người dân bằng cách đổi tiền, đánh tư sản mại bản và hai lần thi hành "kế hoạch 5 năm" với chính sách độc ác dùng xiềng xích cột bao tử người dân để trị mà lũ "đỉnh cao ngu dốt, đần độn" trường kỳ gọi là thời kỳ "bao cấp", người dân nguyên vẹn hình hài còn phải trợn trừng nuốt từng hạt bo bo bữa đói, bữa chẳng no thì nói chi những người tàn phế như anh ... Một thân thể bầm dập, rách nát ... từng giòng máu chảy ra từ trận đòn thù, từ vết thương lở loét, đau buốt của đôi chân cụt khi bị "giải phóng" dã man ra khỏi quân y viện và quăng ra ngoài đường ...anh đã lê tấm thân tàn phế bằng đôi mông trên suốt quãng đường dài không tính bằng cây số mà được tính bằng thời gian ... 36 năm ...! Hơn mười ngàn đêm, anh đã ngủ ở bao nhiêu góc phố, mái hiên dưới cơn mưa tầm tả, bao nhiêu lần thiếp đi nơi bến xe, bến phà và sau cùng là nương náu dưới cái gầm cầu này, nhiều đêm lết lê trên đường khuya vắng, anh chợt nhớ trong bài nhạc "Người ở lại Charlie" của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh có một câu "Điạ danh nào thiếu dấu chân anh ..." ... Anh chua xót buông khẽ "địa phương này còn nơi nào thiếu dấu mông anh ...". Anh đã bao lần ngã quỵ vì kiệt sức, vì đói, vì vết thương lở loét đau nhức, vì bệnh hoạn trên quãng đường tang thương, thống khổ đó ... nhưng anh vẫn còn sống là nhờ vào những chiếc "lá rách đùm lá tả tơi" trong một đất nước tơi tả, rách nát bởi lũ cộng sản độc tài, ngu đần, dốt nát.

     Trên quãng đường lê lết mòn thời gian của phần đời còn lại, anh đã hứng chịu bao nỗi đắng cay, đớn đau, tủi nhục bởi sự chà đạp, sự trả thù hèn hạ, độc ác của lũ người cướp nước "ngụy danh" đi "chống Mỹ, cứu Nước" ; Hình ảnh người TPB.VNCH khập khểnh, lết lê tìm sự sống trong khói xe, bụi đường là cây gai trong mắt của kẻ chiến thắng, là đối tượng bị trù dập, bị căm thù bởi lũ quỷ đang chễm chệ trên đỉnh cao quyền lực từ địa phương đến trung ương, cai trị người dân bằng bạo lực súng đạn, nhà tù và ngu dốt ... một sự trả thù hèn hạ, đê tiện của kẻ "chiến thắng" đối với người thương phế binh của phe "gãy súng", một sự căm thù ngược đời của kẻ cướp đối với người bị cướp. Vết thương thân thể trong cuộc chiến, dù lở loét, đau đớn, loang máu trên quãng đường dài tang thương lê lết cũng đã lành theo thời gian ; Vết thương lòng ngày tàn cuộc chiến không lở loét, không rỉ máu, không để lại vết sẹo nhưng không bao giờ lành và đau nhức mãi ; Vết thương trên thân thể quê hương mẹ trong 20 năm chinh chiến đã bị rách nát thêm sau ngày tàn cuộc chiến bởi một lũ ngu dốt, độc ác, vong bản, tham quyền cố vị ... Vết thương của quê cha, đất mẹ bao giờ lành ...!
   
     Nơi một góc chợ tàn chiều cuối năm ... chỉ còn lưa thưa vài người mua kẻ bán... anh uể oải xoay người chuẩn bị rời khu chợ với những tấm vé số ế trên tay trong nỗi lo âu hiện lên ánh mắt, bất chợt một bàn tay vỗ nhẹ vai anh ... Anh ngước nhìn lên ... một người đàn ông khoảng trạc tuổi anh với mái tóc hoa râm và khuôn mặt hình như ... bốn mắt nhìn nhau trong thoáng ngỡ ngàng, rồi hai người cùng lúc nghèn nghẹn buông ra một câu ngắn gọn ... đó là tên của nhau ...! Họ là bạn học cũ, gia nhập quân đội cùng ngày và cùng khóa nơi quân trường, khi ra trường thì về cùng đơn vị ...

     Một vài ngày sau khi anh bị thương thì người bạn này bị "gãy súng" và được lũ cách mạng "khoan hồng" bằng 5 năm tù ... khi được thả ra đã vượt biển tìm tự do, đây là lần đầu tiên trở về sau 30 năm rời khỏi địa ngục trần gian, về để chịu tang mẹ vừa vĩnh viễn giã từ thiên đàng máu đúng ngày đưa ông Táo về trời ; Người bạn đã mua hết những vé số còn lại của anh và nói "mầy ở đây chờ tao tí nhé ..", người bạn đi vào chợ một tí sau trở lại nào là gạo, thịt, rau cải, thuốc lá  .v..v... Người bạn đưa anh rời chợ bằng chiếc xe gắn máy cũ của cô em, trên đường về cũng không quên xách thêm thùng beer ...

     Một bếp lửa hồng nhỏ bập bùng dưới gầm cầu ... Người nấu cơm, kẻ kho thịt ... một buổi cơm tràn đầy tình người, một buổi cơm khơi lại hình ảnh tình đồng đội của một thời lửa đạn, mỗi một điếu thuốc tàn là một quãng đường quân hành cũ, mỗi lon beer cạn là cả một trời hàn huyên, tâm sự ... từng hình ảnh của một thời để nhớ, một thời để thương và một thời để đau lần lượt hiện ra trong ánh mắt xót xa của hai người. Trước khi tạm chia tay, người bạn không quên để vào túi anh tí quà đón tết ... Anh đưa mắt nhìn bóng dáng người bạn dần khuất xa ... Bốn giọt lệ tình người, tình "Huynh Đệ Chi Binh" bất chợt hiện ra nơi khóe mắt ... hờ hững rơi khi phút giao thừa vừa đến./.
     
Đời lính chiến ... tung hoành mang hạnh phúc,
Kiếp thương binh ... khập khểnh gánh tang thương !

Một ngày cuối năm 2010
Hoàng Nhật Thơ
   
       

No comments:

Post a Comment