Pages

Tuesday, January 10, 2012

Anh Hùng Hải Quân.

Hải Quân Thiếu Tá Lê Anh Tuấn
Trong cuộc triệt thoái từ Vùng I, Vùng II chiến thuật và Sàigòn hay Phú Quốc, Không một giới chức hay một người dân nào là không ca ngợi sự hy sinh và tinh thần kỷ luật của các thủy thủ đoàn trên các chiến hạm.
Hơn một trăm ngàn di tản một cách an toàn trên các chiến hạm Hải Quân. Ngày 5 tháng 5 năm 1975, hàng ngàn đồng bào đã cùng thủy thủ đoàn các chiến hạm làm lễ hạ kỳ lần cuối cùng trên một "lãnh thổ nối dài" của Việt Nam Cộng Hòa là các chiến hạm Hải Quân tại vịnh Subic Bay, Phi Luật Tân. Trong buổi lễ hạ kỳ đó, hàng ngàn đồng bào đã cùng khóc với các chiến sĩ Hải Quân. Ðó là lần đầu tiên người Việt Nam khóc cho hận mất nước, những tiếng khóc ấy vẫn còn kéo dài cho đến ngày nay, hơn hai mươi ba năm sau, trong tâm khảm của tất cả dân Việt.
Các đơn vị còn lại sau cùng của Hải Quân đã hiên ngang chấp nhận cái thách đố nghiệt ngã của cuộc chiến, đi vào đường chết để tìm sự sống. Cả đơn vị chiến đấu như một khối thuần nhất. Tình đồng đội lúc ấy thể hiện đầy đủ. Sự hy sinh nào cũng đau đớn, nhất là chọn lựa sư hy sinh chính đời sống bản thân mình để bảo toàn danh dự Quân Ðội, danh dự đơn vị cùng mạng sống của các chiến hữu thuộc quyền mình. Sự hy sinh đó mới thật là cao cả tột cùng, xứng đáng cho toàn thể chúng ta ghi nhớ.
Một tấm gương hy sinh dũng liệt của Hải Quân Thiếu Tá Lê Anh Tuấn
Hải Quân Thiếu Tá Lê Anh Tuấn, sanh năm 1943, con của ông bà Lê Chân. Thiếu Tá Tuấn xuất thân Khóa 14 Sĩ Quan Hải Quân, đã từng phục vụ hầu hết các chiến hạm của Hạm Ðội, Duyên Ðoàn 27, Duyên Ðoàn 23, Phòng Tâm Lý Chiến Bộ Tư Lệnh Hải Quân, và chức vụ cuối cùng là Chỉ Huy Trưởng Giang Ðoàn 43 Ngăn Chặn.


LƯỠI GƯƠM SẮT KÊ VÀO HỌNG KẺ THÙ
Trong cuộc chiến lâu dài và đầy gian khổ của chúng ta vừa qua (và hiện vẫn còn tiếp tục), đã có biết bao nhiêu chiến hữu có những hành động hào hùng. Tiếc là chúng ta không có khả năng để ghi chép lại được. Tôi cảm thấy có nhiệm vụ phải viết về một người mà tôi hằng quen biết và yêu mến. Người ấy đã có nhiều đức tánh rất đáng ca ngợi, và kết thúc đời mình một cách dũng cảm. Ðó là HQ Thiếu Tá Lê Anh Tuấn.
Tuấn học Khóa 14 Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang. Khi tôi làm Trưởng phòng Tâm Lý Chiến Bộ Tư Lệnh Hải Quân, và có nhiệm vụ phụ trách giảng dạy về ngành liên hệ của mình cho lớp Tham Mưu Trung Cấp tại Sàigòn, tôi có biết Tuấn. Tôi còn nhớ khi tôi hết giờ thuyết trình, Tuấn tìm đến gặp tôi và nói: "Qua phần trình bày của commandant, thì ngành CTCT thật là cần thiết, nhưng… theo tôi thấy, hình như Quân Ðội chúng ta đã không coi vấn đề này như chúng ta quan niệm đâu…" Lời nhận xét của Tuấn làm tôi chú ý đặc biệt. Ðặc biệt vì Tuấn có những nhận xét tinh tế và thẳng thắn, ngoài ra còn có lối trình bày khúc chiết và hấp dẫn. Từ đó tôi chú ý đến Tuấn rất nhiều. Và sau này Tuấn đã đồng ý về làm Phó Trưởng Phòng cho tôi. Mặc dù không ở trong ngành nhiều, Tuấn đã thay tôi điều hành công tác một cách khéo léo và sắc bén. Từ đó chúng tôi có với nhau một thứ tình sâu đậm. Lo lắng và để ý đến nhau rất nhiều.
Suốt hai năm Tuấn phục vụ Bộ Tư Lệnh tại Sàigòn, hầu như đêm nào Tuấn cũng vào ngủ tại phòng làm việc. Phần vì tiện, phần vì để có thì giờ giải quyết các vấn đề cần thiết khi tôi vắng mặt, phần vì Tuấn muốn lợi dụng thời gian ở Sàigòn để tiếp tục học bên cử nhân Luật Khoa.Và Tuấn đã thành công, trong hai năm vừa làm vừa học, Tuấn đã lấy xong hai chứng chỉ Luật. Ðầu năm 1973, vì nhiều chuyện không được như ý, đặc biệt là có nhiều áp lực từ nhiều phía, tôi làm đơn rời chức vụ để đi học, rồi đi tàu. Tuấn, sau thời gian xử lý Trưởng Phòng TLC, cũng đã xin đi đơn vị chiến đấu. Trước khi làm đơn xin đi, Tuấn có tìm gặp tôi và cho biết ý định ấy, tôi có hỏi Tuấn:
- Sao lại đi? Toa ở đây gần hai năm. Ðợi một thời gian nữa móc cái Trung Tá nhiệm chức cái đã, đi làm gì cho uổng.
Tuấn cười, nói:
- Commandant ở chức vụ cao hơn tôi, và đã trên hai năm, rồi cũng phải làm đơn xin đi, ở lại làm gì?
- Cậu khác, tôi khác.
- Ý Commandant muốn nói về ảnh hưởng của ông anh tôi?
- Một phần như vậy.
Tuấn cười, nói:
- Tất nhiên là nếu tôi nuốn, chắc ông ấy cũng sẽ can thiệp, nhưng thật tình tôi không muốn vì nhiều lẽ:
Thứ nhất là chưa cần phải phiền đến anh tôi.
Thứ hai, mặc dù ở Sàigòn, lại đảm nhiệm chức vụ có cấp số cao, so với anh em khác tôi thấy hơi kỳ….


Sau lần gặp gỡ ấy, Tuấn xin đi đơn vị tác chiến. Lâu lâu trở lại Sàigòn công tác, và cũng để lấy bài trên trường Luật, Tuấn thường ghé thăm tôi. Tuấn thường nhắc đến những liên lạc đặc biệt giữa anh và Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam. Có lần Tuấn nói: "Ông tướng Nam lâu lâu lại bay xuống làm mình ngán bỏ mẹ. Nhưng được cái ông ấy giản dị, lại rất hợp với tôi, còn độc thân, nên nhiều lúc vui lắm…" Tuấn kể lòng vòng nhiều chi tiết giữa cá nhân và công vụ, nhưng tất cả đều toát ra rằng nơi Tuấn đóng là một vị trí quan trọng. Tuấn đảm nhiệm chức vụ Chỉ Huy Trưởng Giang Ðoàn 43 Ngăn Chặn, đóng chung căn cứ với Giang Ðoàn 64 Tuần Thám do Thiếu Tá Vũ - khóa 12 là Chỉ Huy Trưởng. Vì là một "địa điểm yết hầu rất quan trọng" ngăn chặn đường tiếp vận của địch từ vùng Mỏ Vẹt xuống, tiếp tế cho Vùng IV Chiến Thuật, nên địch hầu như lúc nào cũng gây áp lực nặng nề tại đây. Tuấn đã phải đương đầu với hiều cuộc pháo kích, tấn công thật nặng nề. Và sau đây là một cuộc tấn công được coi là ác liệt nhất, theo lời thuật lại của một số bằng hữu của Tuấn và cả các vị Chỉ Huy trực tiếp của Thiếu Tá Tuấn nữa.
Khoảng đầu năm 1975, tin tình báo cho hay địch có ý định dứt điểm căn cứ Tuyên Nhơn do Thiếu Tá Vũ và Thiếu Tá Tuấn chỉ huy hai Giang Ðoàn 64 Tuần Thám và 43 Ngăn Chặn tại đây. Do đó việc tuần tiểu các nhánh sông quanh vùng như kinh Tuyên Nhơn, sông Vàm Cỏ đoạn giữa Mộc Hóa và Tuyên Nhơn càng trở nên cấp thiết. Hàng ngày Tuấn đích thân xuống từng chiến đỉnh xem lại máy tàu, xem lại từng ổ súng và thường cười nói với các anh em đoàn viên: "Không phải tôi nói dọa đâu. Mình cỡi hổ rồi đấy. Phải thận trọng tối đa thì mới mong có ngày về phép kỳ tới".
Và hằng đêm Tuấn vẫn thường thức trắng, vừa học bài vừa sẵn sàng theo dõi mọi hoạt động và sự canh phòng căn cứ. Một đêm, đâu như vào đầu tháng năm 1973, Vũ, vị sĩ quan thâm niên, vắng mặt vì công vụ, Tuấn đương nhiên phải trông coi cả hai Giang Ðoàn. Từ sáng, Ðại Tá Thông (đầu bạc), vị chỉ huy trực tiếp của Tuấn, đã duyệt lại tình hình với Tuấn và nhắc: "Các cậu phải thận trọng tối đa đó nghe". Rồi Phó Ðề Ðốc Ðặng Cao Thăng, với tư cách là Tư Lệnh Hạm Ðội Ðặc Nhiệm 21, cũng nhắc qua hệ thống âm thoại: "Cẩn thận nghe Tuấn…" Tuấn nghe lệnh chỉ "Dạ" rồi nhìn lên tấm bản đồ trong phòng Hành Quân. Các vị trí phản pháo đã có sẵn. Các điểm hỏa lực cũng đã được bố trí thật chu đáo. Có điều Tuấn lo là tình trạng căng thẳng này kéo dài quá lâu, sợ tinh thần anh em nản và lơ là. Vì thế giữa cái lo lắng cực độ, Tuấn làm ra vẻ cười đùa với các đoàn viên. Buổi chiều Tuấn hay uống bia. Ðôi khi xách chai Quân Tiếp Vụ đi ra ụ súng uống với Lính.
Vào lúc hai giờ sáng, khi cuốn Công Pháp Quốc Tế đang đến chỗ khó, mệt, Tuấn gấp sách lại, đi tiểu, rồi đi một vòng quanh căn cứ. Cùng lúc ấy Tuấn kêu cho các chiến đỉnh đang đi tuần phải sẵn sàng theo kế hoạch đã ấn định. Tuấn dứng trên nóc lô cốt chính nhìn ra bốn phía. Những hàng đèn vàng, èo uột lấp lánh qua những hàng kẻm gai. Gió thổi mát. Tuấn nhìn qua sông. Mặt sông phẳng lặng. Bên kia bờ sông những lùm cây đen xẫm. Những con đôm đốm loé lên từng đợt. Không hiểu sao Tuấn thấy rờn rợn; Tuấn định thần lại thấy sao đêm nay tĩnh mịch quá. Thiếu hẳn tiếng vạc bay qua bầu trời. Thiếu tiếng chim đêm…. Tất cả như một chờ đợi kinh khiếp sắp xảy ra. Tuấn cho chiếu đèn pha ra ngoài rào. Ánh sáng lóe lên, Tuấn thấy bờ rào phía Bắc căn cứ bọn Cộng phỉ lô nhô, và từng tràng đạn bừng lên từ bốn phía.
Ngay lúc ấy, hỏa lực của ta chống trả lại ngay, hỏa châu được bắn lên sáng rực bầu trời. Các ổ súng đều vững tay súng. Các chiến đỉnh đi tuần, được lệnh theo kế hoạch nằm im, và bây giờ xả máy về giải vây. Trên hệ thống âm thoại các chiến đỉnh báo cáo đều. Hệ thống báo cáo với thượng cấp cũng được tức thời sử dụng. Tuấn trong phút bùng lên của lửa đạn vẫn thật bình tĩnh báo cáo: "Thưa Thẩm Quyền, tôi bị tấn công mãnh liệt từ bốn phía, đang phản công, sẽ thông báo sau…".
Sau đó, đích thân Tuấn đi từ ổ súng để đốc thúc và nhắc nhở: "Không bắn phí đạn. Ðợi chúng qua hàng rào thứ nhất, ta dùng mìn Claymore đã…" Bên ngoài nghe tiếng "xung phong!" Dưới ánh hỏa châu, từng hàng người đen thẫm lấp loáng trong bóng đêm đang lũ lượt tiến vào hàng rào thứ nhất. Tuấn nhìn thấy rõ, và nói: "Bấm nút mìn". Ầm… Lửa bùng lên quanh đồn, hất đi tất cả những thây người tung tóe. Có những xác vắt vẻo trên hàng kẻm gai. Ðợt thứ nhất qua, đợt thứ hai lại như thế. Nhưng địch cậy đông, chúng dùng kèn thúc quân, và từng đợt khác lại tiến lên. Lúc ấy các chiến đỉnh đã về đến nơi. Ðại liên 20 ly, 30 ly, 40ly… đủ loại từ mặt sông cày lên, đạn chéo quanh căn cứ. Trong đài chỉ huy, Tuấn châm một điếu thuốc Quân Tiếp Vụ và ra lệnh cho các cho các chiến đỉnh: "Cứ từ từ, bắn từng đợt thôi, đợi tụi nó nhào tới mới khai hỏa."
Cho đến gần sáng thì địch dùng hỏa lực từ xa pháo tới ào ạt. Các chiến đỉnh tạm thời phải chạy xa căn cứ tránh đạn. Hỏa lực phòng thủ chỉ còn trông vào các họng súng trong căn cứ. Tuấn nói với các sĩ quan trong phòng Hành Quân:
- Thế nào cũng còn một đợt nữa, hãy tiết kiệm đạn, cố giữ cho đến sáng.
Quả như vậy, đợt pháo vừa chấm dứt hàng hàng lớp lớp quỉ đỏ lại nhào vô. Ðợt mìn chót được sử dụng và hàng rào kẻm gai chỉ còn lớp chót, dưới ánh hỏa châu quanh đồn la liệt những xác địch quân.
Cho đến 7 giờ sáng chúng mới rút. Sương còn giăng mắc trên mặt sông và đọng ở những lùm cây. Tuấn cầm trên tay ly cà phê nóng, uống từng ngụm nhỏ rồi báo cáo cho thượng cấp:
- Thưa thẩm quyền, chúng vừa rút. Chi tiết chúng tôi sẽ kiểm điểm và trình thẩm quyền sau.
Vào khoảng 11 giờ trưa, chiếc trực thăng đưa phái đoàn của thượng cấp tới. Chiến trường còn la liệt xác địch cháy cong queo. Một số lớn vũ khí của địch bỏ lai trong đó có một khẩu súng đại bác không giựt loại mới nhất của Trung Cộng lần đầu tiên được ghi nhận tại chiến trường Vùng IV Chiến Thuật. Phó Ðề Ðốc Ðặng Cao Thăng, Ðại Tá Thông bước ra khỏi trực thăng, Tuấn đã đứng đó, ánh mắt sáng nhưng không dấu được nét mệt mỏi qua làn kính cận, nhưng dáng điệu vẫn bình tĩnh, tự tin. Qua thuyết trình, phái đoàn cho biết theo tin của của phòng nhì, địch đã tung vào cuộc tấn công với một lực lượng hùng hậu gồm có một Trung Ðoàn của Công Trường 5 (Sư Ðoàn), hai đơn vị súng nặng quyết san bằng cho được cứ điểm Tuyên Nhơn. Nhưng tất cả đã xảy ra ngoài dự liệu của chúng. So sánh những thiệt hại đôi bên với sự chênh lệch một trên tám, ta đã bẻ gãy hoàn toàn ý đồ của chúng.
Sau chiến tích này, trong một dịp về công tác ở Bộ Tư Lệnh Tuấn có ghé thăm tôi và kể lại trận chiến, kẻ viết bài này có nói với Tuấn:
- Theo dõi trận đánh qua Trung tâm Hành quân, toa phản ứng đẹp quá.
Tuấn cười nói:
- Tôi đi tiểu đêm, nên phản ứng đúng lúc. Cả hai chúng tôi cùng cười rồi Tuấn nói tiếp. Ông Nam (Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam) có gọi tôi và nói ông chạy cho tôi một chân tỉnh trưởng nào đó….
- Thế là đeo lon trước tôi.
- Ðâu có, Commandant đeo thực thụ còn tôi may ra chỉ nhiệm chức, còn việc qua bên hành chánh tôi muốn thư thả để cho xong cái bằng Luật đã, kẻo họ lại bảo mình lấy lon đè nhau.
Ðó là lần chót tôi gặp Tuấn. Khi bắt tay từ giã tôi có nói với Tuấn thế này: "Biểu diễn như thế được rồi, nên nghĩ đi ông" "Binh đường khác đi". Tuấn cười đáp "Ðể từ từ đã". Nhìn mái tóc Tuấn khôn, da mặt xanh tái theo như sách tướng là tướng xấu, nhưng đôi mắt vẫn tinh anh và sánh, tôi cũng yên tâm phần nào.
Sau đó là những ngày đất nước chìm ngập trong cơn đổi thay. Gia đình Tuấn di tản được hết qua Hoa Kỳ. Người anh cả của Tuấn là một vị Tướng có nhiều liên hệ với Hải Quân, hình như đã có lần trách cứ: "Các Anh khi di tản đã quên thằng Tuấn…". Lời trách cứ ấy đã làm áy náy nhiều người. Vì có tin tàu Tuấn bị B40 bắn chìm hôm 30-4-1975, Tuấn tử nạn. Nhưng mới đây qua sự tiết lộ của Phó Ðề Ðốc Ðặng Cao Thăng, căn cứ trên lời tường thuật lại sủa một sĩ quan dưới quyền Tuấn, có mặt trên đoàn tàu của Tuấn, thì sự việc diễn ra khác hẳn, cái chết của Tuấn rất anh dũng như sau:
Trong những ngày chót của miền Nam, địch bám sát quanh căn cứ Tuyên Nhơn như đỉa đói, chúng đào hầm quanh đồn hở ra chúng bắn xẻ. Chúng chận cứng kinh Tuyên Nhơn để trong ngoài không tiếp cứu được nhau. Trước tình thế ấy, Tuấn vẫn bình tĩnh đốc thúc anh em binh sĩ phòng thủ, đặc biệt là bảo vệ khu gia binh. Chiều 29-4-1975, khi Bộ Tư Lệnh Hải Quân ra lệnh: "Kể từ giờ phút này các anh được quyền tự do quyết định" thì Tuấn đã cho họp ban Tham Mưu để thảo luận khế hoạch di tản ra biển, rồi sẽ tính. Nửa đêm 29 đoàn chiến đỉnh rời căn cứ Tuyên Nhơn mang theo tất cả gia đình binh sĩ, trong căn cứ đã được gài mìn và vẫn để đèn nhằm đánh lạc hướng địch.
Khi đoàn chiến đỉnh rời căn cứ địch bắn theo dữ dội, dưới chiến đỉnh vẫn bắn trả lại lấy lệ và tiếp tục tiến ra sông Vàm Cỏ. Ðến khúc quẹo cách vàm kinh Tuyên Nhơn 10 cây số lòng sông hẹp, cây cối rậm rạp Tuấn tin chắc bọn quỉ đỏ sẽ phục kích đoàn chiến đỉnh ở đây. Quả đúng vậy, hai chiến đỉnh đi đầu đã bị bắn và bốc cháy sáng cả một khúc sông rồi chìm lần. Ðoàn chiến đỉnh đành tạm giảm máy. Trên đài chỉ huy Tuấn để chiếc radio vặn nhỏ, theo dõi các diễn tiến của Sàigòn. Tuấn liên lạc với Bộ Chỉ Huy nhưng hệ thống truyền tin đã rối loạn. Tuấn cho lệnh đoàn tiếp tục tiến, lại bị bắn ra như mưa bằng đủ loại súng, trời sáng dần. Rồi lời kêu gọi của Dương Văn Minh và Nguyễn Hữu Hạnh: "Anh em ai ở đâu ở đó để bàn giao cho phía bên kia…"
Trước tình thế đó, trên các chiến đỉnh thì chi chít những đàn bà, trẻ con liều ra thì chết hết…. Do đó, Tuấn ra lệnh cho tất cả chiến đỉnh thi hành lệnh của Sàigòn, ủi bãi vào bờ chiếc soái đỉnh của Tuấn cũng vậy, nhưng khi chiếc soái đỉnh vừa ủi bãi thì cũng là lúc Tuấn dùng súng colt bắn vào đầu tự sát. Tuấn gục ngay trên bàn máu chảy loang cả trên tấm bản đồ hành quân.


Bao năm qua, giờ thân xác của Hải Quân Thiếu Tá Lê Anh Tuấn đã tan biến vào lòng đất quê hương. Tôi ngồi lại để ghi những giòng này thay cho cái chào vĩnh biệt một quân nhân quả cảm, bất khuất của Hải Quân Việt Nam, tôi cũng muốn đặc biệt gởi đến tất cả anh em Sĩ quan Hải Quân Khóa 14, các anh cũng nên làm một cái gì để cho người anh hùng Lê Anh Tuấn đồng khóa của các anh được nở cụ cười trong lòng đất mẹ.
PHAN – QUÂN   

No comments:

Post a Comment