Saturday, January 21, 2012

Dòng Tâm Tư Đầu Năm




      Hàng cây khô đứng trơ buồn lắng im trong tuyết trắng, mặt trời ngủ vùi trong giá rét của mùa đông. Thời gian chầm chậm trôi phía trước mặt và hầu như muốn cô đọng lại trong mùa đông băng giá, nhưng ở phía sau lưng thì nó đã âm thầm lướt qua bao nhiêu mùa đông viễn xứ và lặng lẽ mang đi gần hết một đời người. Thắm thoát mà con Mèo Tân Mão đã đi hết 365 ngày của nó ... 1 năm, 2 năm, 10 năm rồi 37 năm vụt thoáng qua như giấc mộng ... 37 lần tết đến không có mùa xuân kể từ khi con Mèo "Ất Mão 1975" mang vết thương đẫm máu bởi búa liềm, quê hương bị nhuộm đỏ từ một tháng tư xưa.

     Mỗi buổi sáng thức dậy, nhẹ mở đôi màn cửa "trần gian" đời người mới biết mình vẫn còn đây, vừa trở về từ một nơi hư không nào đó trong giấc ngủ, vội bước xuống giường chuẩn bị đi cày trả nợ áo cơm hoặc nằm nướng thêm tí nữa trong ngày nghỉ, đưa mắt nhìn trần nhà tha hương hay khép mắt cuộn mình trong chiếc chăn viễn xứ, người suy nghĩ chuyện này, kẻ suy nghĩ chuyện kia trong cuộc sống ... chuyện hôm qua, hôm nay, ngày mai ... những suy nghĩ miên man lặng lẽ đi xa trong dòng tiềm thức kéo ngược thời gian trở lại hay đưa ta trôi bềnh bồng về dòng sông dĩ vãng ... từng hình ảnh từ những ngày xưa thân ái trải dài dưới nắng ấm tự do trên quê mẹ mến yêu cho đến một ngày nghiệt ngã của quê hương ... những ngày di tản kinh hoàng từ một "Tháng Tư Đen" ... những tháng năm dài tang thương lết lê "du lịch" 18 tầng địa ngục trong "thiên đường cộng sản" ... những ngày hãi hùng lênh đênh trên sóng nước đại dương bao la không bờ bến đi tìm bến bờ tự do... những tháng ngày nơi trại tị nạn dài cổ chờ đợi phỏng vấn, định cư ... những ngày đầu bỡ ngỡ đặt bước chân lên xứ người, nương náu mảnh đời vong quốc ... bao nhiêu thăng trầm, đổi thay trên quãng đường dài thăm thẳm đã đi qua trong đời người như một giấc mộng. "Chủ nghĩa cộng sản" vô thần đã xô đẩy chúng ta ra khỏi quê cha đất tổ, lê bước tha hương khoác manh áo tị nạn trên mọi nẻo đường thế giới tự do ; Người Việt tị nạn cộng sản hội nhập vào cuộc sống mới rồi trở thành thường trú nhân cho đến một ngày ... vui cũng nhiều mà nghẹn ngào, xót xa cũng không ít khi đưa tay tuyên thệ nhập tịch trở thành công dân của xứ người, một xứ sở xa lạ đã dang rộng vòng tay nhân ái cưu mang chúng ta trên quãng đường vong quốc. Có quê hương mà phải uất nghẹn lìa xa rồi mang quốc tịch xứ người ... con cái lớn khôn, trưởng thành trên bước lưu vong của cha mẹ. Quê hương vẫn còn đó mà chúng ta lại trở thành những kẻ mất quê hương từ một ngày nghiệt ngã tang thương, đứng bên này bờ đại dương nhìn về phương trời cố quốc với bao nỗi nhớ thương, chua xót, nghẹn ngào hằn lên ánh mắt ... Ôi ! Tất cả cũng chỉ vì quê hương đã bị cưỡng bức đổi chủ thay tên, hai chữ "Tự Do" bị vỡ tan dưới "búa liềm" đẫm máu, "Nhân Quyền" bị giẫm nát dưới đôi dép râu "giải phóng" ... Dù dĩ vãng tang thương có phôi pha phần nào theo dòng thời gian nhưng thời gian làm sao bôi xóa được vết thương lòng từ một ngày 30 của "Tháng Tư Đen" năm xưa.
 
     Trước khi có chương trình đoàn tụ hoặc ra đi theo diện "tù nhân chính trị" của các quốc gia tự do đón nhận người Việt tị nạn cộng sản và chính sách "móc túi" người Việt hải ngoại của bạo quyền CSVN ... Người ra đi, kẻ ở lại ... không một ai nghĩ sẽ còn gặp lại người thân ... một lần cất bước ra đi cũng là lần vĩnh biệt ... vĩnh biệt quê hương, vĩnh biệt người thân, vĩnh biệt tất cả những gì thân yêu nhất ... bao nhiêu giọt nước mắt mới đủ để chảy đến tận cùng ý nghĩa của hai chữ "vĩnh biệt" này. Ngay sau khi đặt bước chân tị nạn lên mảnh đất định cư xa lạ, tạm ổn định nơi ăn chốn ở trên quê người ... lỡ thầy, lỡ thợ trong cuộc sống mới trên đất khách, người Việt được các hội thiện nguyện, người bảo trợ, người đến trước hướng dẫn tìm trường để học, tìm việc làm, thi lấy bằng lái xe, những gia đình có con nhỏ được chính phủ trợ cấp hoặc phụ cấp thêm trong những bước đầu chân ướt, chân ráo .v..v... Người Việt làm đủ mọi ngành nghề để lo cho cuộc sống gia đình, con cái, tạo lập lại cuộc đời đã vỡ tan từ một ngày đen tối của quê hương. Người vừa làm để trang trải miếng cơm tha hương, manh áo tị nạn, vừa học để lo cho tương lai ; Người thì chuyện học hành xin hẹn lại mai sau, lo cày miệt mài ... có người cày luôn 2 việc, về đến nhà thì đã bước sang ngày mới, vội vã lao vào phòng tắm, chui vào bếp loay quay vài phút rồi lim dim tận hưởng tô mì gói "đại dương" mênh mông nước trước khi cặp mắt khép lại thêm một ngày trôi qua của cuộc đời ; Có những gia đình, chồng cày một ca, vợ bấm thẻ một ca, đồng vợ đồng chồng không phải để tát Biển Đông mà là ngụp lặn vì chén cơm manh áo trong cuộc sống mới ... chăm sóc, nuôi nấng, dạy dỗ con cái còn đang ngơ ngác trước những con đường xa lạ, bỡ ngỡ nơi ngôi trường mới giữa những người bạn khác màu da tiếng nói. Với sự thông minh, cần cù và nhẫn nại ... người Việt đã vượt qua "vạn sự khởi đầu nan" từ những nghề cắt cỏ, rửa chén nhà hàng, quét dọn, phát báo .v..v... vừa làm vừa học để vươn lên có một cuộc sống ổn định trong một xã hội hoàn toàn xa lạ nơi xứ người ... con cái lớn khôn, thành đạt trong nhiều lãnh vực từ đôi bàn tay khô cằn cắt cỏ, những đêm đông buốt giá đi phát báo của người cha, từ đôi bàn tay "mười ngón kiêu sa" của người mẹ đã móp méo trong các bồn rửa chén nơi nhà hàng.

     Những năm cuối thập niên 70s, bạo quyền cộng sản cho phép người dân trong nước được nhận quà từ thân nhân ở hải ngoại gởi về nhưng chỉ giới hạn tối đa 2 pounds (khoảng gần 1 kí) .... người Việt hải ngoại gói ghém tình thương, nỗi lòng của kẻ ra đi trong những gói quà nhỏ bé gởi về tiếp hơi nhỏ giọt cho thân nhân, những người không mong gì còn gặp lại đang thoi thóp trong thiên đàng "xuống hố cả nước" của "chủ nghĩa cướp sạch" ... từ cướp nước đến cướp nhà cửa, tài sản và cướp luôn cả nhân quyền, mạng sống của người dân. Năm 1986, đất nước đứng cheo leo bên bờ vực thẳm bởi sự lãnh đạo "tài tình" của đảng CSVN với chính sách "ngu hết chỗ nói" trong thời kỳ "10 năm bao cấp", những "đỉnh cao trí tuệ" hối hả nhảy ra khỏi miệng giếng mở cánh cửa "thiên đàng cộng sản" tìm luồng gió hồi sinh từ thế giới tư bản ... đất nước đổi mới ... Người dân trong nước mừng nhưng ... mừng hụt vì bạo quyền CSVN không phải đổi mới cho người dân được tự do, ấm no, hạnh phúc mà đổi mới để bạo quyền cộng sản tiếp tục được sinh tồn. Lũ "đỉnh cao gian manh" lợi dụng nỗi nhớ quê hương, lợi dụng "tình cảm" của người Việt hải ngoại đối với thân nhân còn kẹt lại quê nhà nên đã "hồ hởi, phấn khởi" tung ra chính sách "móc túi" người Việt hải ngoại bằng cách "khoan hồng" cho thành phần "phản động chạy theo đế quốc" ngày xưa được trở về thăm lại quê hương, gia đình với tên gọi mỹ miều "Việt kiều yêu nước" ; Những bộ óc "siêu việt" nhất thế giới về mặt ngu đần với danh xưng "đỉnh cao trí tuệ" trơ trẽn vuốt ve kêu gọi người Việt hải ngoại "một bộ phận không thể tách rời của quê hương" đem "chất xám", mang tiền "đế quốc" về đầu tư, xây dựng lại quê hương đã tan nát, đang tan nát và sẽ nát tan thêm bởi sự lãnh đạo tài tình của đảng "hang Pắc Pó" và nhà nước cách mạng "rừng U Minh". Những gói quà nhỏ bé 2 pounds ngày xưa từ từ tăng lên năm, bảy chục pounds và tăng dần lên 8 đến 10 tỷ dollars hằng năm đổ về quê hương ngày hôm nay ... nguồn lợi ngoại tệ từ người Việt hải ngoại đã làm lộ rõ thêm bộ mặt gian xảo, nham hiểm của lũ cộng sản ... bọn "phản động, ma cô, đĩ điếm chạy ra nước ngoài bám chân đế quốc ăn bơ thừa sữa cặn" ngày xưa đã được lũ cộng sản gian trá, trơ trẽn, uốn lưỡi quay 180 độ thành "Việt kiều yêu nước_Khúc ruột ngàn dặm" nhưng ... "đừng nghe những gì cộng sản nói mà hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm" ... Lũ cộng sản đã dùng một phần trong số tiền "Việt kiều yêu nước", tung ra "Nghị quyết 36" đánh phá lại "Khúc ruột ngàn dặm" nơi hải ngoại ... đảng và nhà nước cũng dùng số tiền này nuôi dưỡng đám công an, cán bộ, đảng viên đàn áp, đánh đập, bịt miệng những người đòi hỏi dân chủ, công khai cướp nhà cửa, đất đai, tài sản của người dân, nghênh ngang dùng "búa liềm" đập phá hoặc chiếm đoạt nhà thờ, chùa chiền ... Đúng là bản chất gian manh, vô thần, độc ác cố hữu của bầy quỷ đỏ mạo danh "chống Mỹ, cứu Nước" đi "giải phóng" Miền Nam.

     Đã là con người ngoại trừ lũ cộng sản vô thần thì ai lại không nặng lòng với quê hương ... Ai mà không có tình thương yêu đối với gia đình, tình người và người ... vì thế sau chính sách đổi mới gian manh "móc túi" người Việt hải ngoại của bạo quyền CSVN ... hằng ngàn, hằng chục ngàn tăng lên hằng trăm ngàn người Việt từ khắp mảnh đất lưu vong trở về thăm lại quê hương, gia đình ngày hôm nay ... Dù quê hương từ một "Tháng Tư Đen" không còn là một quê hương của những "ngày xưa hoàng thị" nhưng vẫn là quê hương của tổ tiên để lại, quê hương của Mẹ Việt Nam, của dân tộc Việt Nam đang bị tạm chiếm bởi lũ quỷ đỏ cướp nước, bán nước và sống trên xương máu, nước mắt, mồ hôi của người dân ; Người thì về thăm lại đấng sinh thành giờ đây như chiếc lá vàng mùa thu không biết khi nào sẽ lìa cành ... Kẻ trở về thăm mồ mả cha mẹ đã bao lần xanh cỏ, sẵn dịp thăm anh chị em, họ hàng, người thân ; Thăm hàng xóm của một thuở "bà con xa không qua láng giềng gần" ; Thăm bạn bè chung xóm cùng nhau ôn lại từ những "ngày xưa lên năm lên ba" cho đến lúc trưởng thành ; Thăm những đồng đội của một thời đổ máu chung vai gánh vác sơn hà, những anh em Thương Phế Binh đang lê lết tang thương bên lề cõi sống ; Thăm lại thầy cô xưa, bạn học cũ cùng giở trang lưu bút "ký ức" ngày hai buổi đi về của một thời áo trắng ; Một chút gì xót xa dâng lên ánh mắt và đọng vương long lanh nơi khóe mắt ... những người muôn năm cũ đã hao mòn theo dòng thời gian ... người đã ngủ yên dưới lòng đất mẹ tang thương ... người thì ông "Phán Quan" chưa giũ sổ bộ đời, nên còn nấn ná nơi địa ngục trần gian hy vọng được nhìn thấy "thiên đàng cộng sản" sụp đổ ; Người thả hồn tìm về dĩ vãng trên những con đường xưa, lối cũ còn hằn in dấu chân kỷ niệm trong tiềm thức ; Thăm lại quê ngoại với con kinh rạch lặng lẽ êm trôi uốn quanh ôm những rặng dừa nước trơ buồn theo năm tháng ... những chiếc xuồng ba lá nhẹ lướt lững lờ trên dòng đời nghiệt ngã với khuôn mặt cằn cỗi của người dân quê càng thêm cằn cỗi bởi những nếp tang thương của cuộc sống từ một ngày "giải phóng" năm xưa ... những sợi tóc huyền lả lơi trong gió mơn man dung nhan không phấn son thị thành của những đóa hoa đồng cỏ nội e ấp u buồn sau vành nón lá nghiêng nghiêng với chiếc áo bà ba phai sờn vì dãi dầu mưa nắng trên dòng đời thống khổ ... từng đám lục bình ngược xuôi theo con nước lớn, nước ròng bấp bênh nổi trôi trên sóng nước như số phận người dân trong một đất nước không có tương lai bởi sự cai trị bạo tàn của lũ người không tim óc, như thân phận người Việt tha hương lênh đênh nơi xứ lạ. Xen lẫn trong số người về thăm quê hương, gia đình là những bộ mặt vui mừng hớn hở khoác "áo gấm về làng" tung tiền ăn chơi nhởn nhơ trên quê hương thống khổ, vui cười nham nhở trên thân xác người con gái Việt Nam nhuộm đầy nước mắt tang thương ... có người vì lợi ích cá nhân mở mắt nằm mơ trên cái "thiên đàng cộng sản" đã đê tiện cúi đầu gục mặt, trơ trẽn khoác chiếc áo gấm bố thí "Việt kiều yêu nước_khúc ruột ngàn dặm", "vinh quy bái tổ" bắt tay, hợp tác với những kẻ đã tạo cho mình cảnh nước mất, nhà tan, quấn mảnh khăn tang mang kiếp lưu vong ... bao nhiêu người lê tấm thân tàn ma dại chạy trối chết trở lại mảnh đất tạm dung nơi xứ người sau khi bị đảng "giải phóng" mở mắt thêm lần nữa nhưng không biết họ có sáng mắt hay chưa ... bao nhiêu người được đảng và nhà nước CSVN "hòa hợp, hòa giải" bằng cái còng số 8 đưa đi đầu tư trong lao tù, gỡ lịch nhìn chiếc áo "Việt kiều yêu nước" tả tơi, quặn đau "khúc ruột ngàn dặm" suy ngẫm câu "Đừng nghe những gì cộng sản sản nói mà hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm" ... ôi thấm thía làm sao ... ; Người thì không bao giờ trở về khi quê hương còn bị cai trị bởi đảng cướp "búa liềm" cờ máu đỏ.

     Năm mới đến ... thêm một tuổi đời chồng chất lên thân phận kẻ tha hương ... những thế hệ lớn lên và trưởng thành trước ngày "đại tang" của quê hương, ai cũng qua tuổi "ngũ thập tri thiên mệnh", người thì vượt qua ngưỡng cửa "nhân sinh thất thập cổ lai hy", người thì lần mò gần đụng nóc "trăm năm trong cõi phù du"...  Ai cũng mong ngày quê hương sớm thoát khỏi gông cùm cộng sản để trở về sống hết quãng đời ngắn ngủi còn lại trước khi ra đi đoàn tụ diện "Ông Bà", xuôi tay chào từ tạ mọi người và không hẹn ngày gặp lại. Một đời người có bao lâu mà dân tộc Việt Nam bị cướp đi mấy mươi năm cuộc sống hoặc cả mạng sống kể từ khi Hồ Chí Minh mang búa liềm cộng sản quốc tế cướp chính quyền tại miền Bắc ngày 19/08/1945 và đảng "đỉnh cao trí tuệ" nắm quyền cai trị bằng sự ngu dốt dựa trên bạo lực, gông cùm, họng súng, nhà tù trên toàn cõi quê hương kể từ ngày 30/04/1975 cho đến hôm nay và cho đến bao giờ ...

     Những ngày trước Tết ... các khu phố, chợ Việt Nam trưng bày đầy đủ các loại bánh mứt, hoa quả, thiệp chúc xuân ... xôn xao kẻ mua, người bán ... dù nhộn nhịp như ở Cali nắng ấm hay chói chang nắng Hạ ở Úc hoặc âm thầm đón Tết nơi những vùng bị ngập chìm trong tuyết băng lạnh giá thì vẫn là Tết tha hương ... Bao nhiêu năm đón Tết nơi xứ người mà chạnh lòng luyến nhớ những mùa xuân xa xưa trên quê mẹ, thương người Chiến Sĩ Cộng Hòa ngày đêm gìn giữ quê hương, đón xuân nơi địa đầu giới tuyến, lênh đênh vui tết trên sóng nước trùng khơi ngút ngàn hải lý ... các chiến sĩ áo đen "cán bộ xây dựng nông thôn" bảo vệ thôn xóm ... lực lượng Cảnh sát Quốc Gia giữ gìn an ninh, trật tự nơi hậu phương để người dân được an lành đón chúa xuân về trên cành lộc thắm, trọn vẹn vui Tết trong ánh nắng hồng đầu năm. Tết tha hương cũng bánh Tét, bánh Chưng, cũng hoa Mai, Đào, Lan, Cúc nhưng trên đường phố làm sao tìm có bóng dáng ông đồ già khòm lưng viết câu đối tết, không có bóng dáng trẻ thơ tung tăng trong áo mới vô tư khoe chiếc bao lì xì, không dập dìu tài tử giai nhân, không văng vẳng rộn rã lời hát "Ngày Xuân nâng chén ta chúc nơi nơi" hoặc "Đầu Xuân năm đó anh ra đi, mùa Xuân này đến anh chưa về" cùng những bài nhạc xuân hòa trong tiếng pháo đì đùng chào đón chúa xuân sang khi quê hương chưa bị ngập chìm dưới làn sóng đỏ ... vui hay buồn, chúng ta cũng gượng đếm thêm một cái Tết tha hương trên bước đường lưu vong, viễn xứ và đếm bớt một năm trong chuỗi ngày hoàng hôn vương hờ hững cuối chân trời.

     Những đóa hoa khoe sắc thắm tươi trong vườn xuân thì mái tóc của chúng ta cũng điểm tô thêm sắc "lão" trên dung nhan in hằn bao nếp thời gian của dòng đời. Bao mùa xuân lặng lẽ đến trên cành mai viễn xứ và âm thầm ra đi bỏ lại phía sau những nỗi buồn tha hương vương trong ánh mắt kẻ lưu vong. Mùa Xuân của Mẹ Việt Nam ơi ! Bao giờ trở lại trên quê hương để người dân trong nước được hít thở không khí tự do, vui hưởng những mùa xuân "hạnh phúc" vĩnh cữu ... để đàn chim Việt tha hương tung đôi cánh mỏi trở về tổ ấm "Mẹ Việt Nam" ngàn đời yêu dấu.
     "Mẹ ơi, hoa Cúc, hoa Mai nở rồi ... đời con giờ đây đang còn lênh đênh ..."   

Xuân Tha Hương_Nhâm Thìn 2012.
Hoàng Nhật Thơ. 

No comments:

Post a Comment