Mùa xuân tha hương âm thầm len lỏi trong từng cơn gió buốt đến với người Việt viễn xứ rồi lặng lẽ ra đi trong ánh nắng nhạt một chiều đông. Người Việt tị nạn trở lại làm việc vì "cơm áo gạo tiền" vào ngày thứ hai nhằm ngày Mùng 2 Tết. Xuân đến, xuân qua ... Tết về, tết đi ... rơi rớt lại những dư âm vang vọng nỗi buồn man mác của kiếp đời tị nạn tiếp tục lầm lũi bước trên con đường viễn xứ ...
Những người Việt tị nạn đầu tiên đặt bước chân vong quốc lên xứ người từ cuộc di tản kinh hoàng, đau thương không có cơ hội từ giã gia đình trong những ngày cuối "Tháng Tư Đen" ... những bước chân lầm lũi cúi mặt trốn tránh ánh mắt người quen để ra đi trên những chiếc thuyền gỗ mong manh trong chuyến vượt biển hãi hùng với muôn ngàn hiểm nguy, không biết cuộc đời sẽ trôi giạt về đâu trên sóng nước đại dương bao la không bờ bến ... những chuyến bay ra đi đoàn tụ mà nước mắt ngập lòng vì lìa xa quê hương yêu dấu ... những chuyến bay chuyên chở uất nghẹn, đớn đau của người mang thân phận kẻ thua cuộc đành phải rời bỏ quê hương mang gia đình ra đi lập lại cuộc đời bằng đôi tay trắng trên xứ lạ quê người theo chương trình tù nhân chính trị ... cho đến hôm nay, 38 năm kể từ ngày quân cướp nước gọi là "giải phóng Miền Nam", vẫn còn người tìm đường bỏ nước ra đi bằng con đường thân xác theo diện hôn nhân "trao đổi" để từ giã cái "thiên đàng" hoang tưởng của chủ nghĩa cộng sản. Người Việt tị nạn cộng sản nói riêng, người Việt ly hương xa xứ nói chung ... không một ai ngóng chờ xuân về, tết đến trong hoàn cảnh tha hương, biệt xứ ... Xuân tha hương, Tết biệt xứ có gì vui, có ý nghĩa gì đâu mà ngóng chờ mong đợi ...
Ngày tháng dần trôi ... đa số người Việt ly hương đã cúi đầu an phận với cuộc đời tị nạn cũng như không ít người chấp nhận ngồi trong chiếc xe hơi trên những nẻo đường viễn xứ thênh thang hơn là ngồi trên chiếc xuồng bé nhỏ mộc mạc đơn sơ bồng bềnh trên dòng sông, kinh, rạch của quê mẹ và một số người thích ngồi trong những chiếc xe đắc tiền như Mercedes, BMW, Lexus, Acura hơn là cỡi chiếc xe gắn máy trên những con đường đất đỏ bụi mờ, sình lầy nhưng thơm mùi đất mẹ đượm nghĩa tình quê hương. Họ thản nhiên, thờ ơ với sự sinh tồn của quê hương dân tộc để được mang nhãn "Việt kiều" mỗi khi có dịp trở về "nổ" văng miểng trên quê hương rách nát và bơm máu, tiếp hơi cho lũ CSVN sinh tồn. Trong số 4 triệu người Việt ly hương có bao nhiêu người tị nạn chính trị, bao nhiêu người thật tâm yêu nước ... Công nhận những vị lãnh đạo các hội đoàn, tổ chức, lực lượng, đoàn thể đấu tranh chống cộng, có lòng với quê hương, đất nước nhưng buồn thay ... cái "TÔI" và cái "DANH" lại nặng hơn lòng yêu nước của họ !
Bao nhìêu mùa xuân tha hương nữa sẽ trở về trên con đường viễn xứ dài đã 38 năm ...!!!
Feb 19, 2013
Hoàng Nhật Thơ
No comments:
Post a Comment