Pages

Monday, April 01, 2013

Ngày QUỐC HẬN 30-4-1975 - Tưởng Chừng Đêm Qua ...


Mùa xuân tha hương lặng lẽ đến trong giá băng rồi ra đi trong băng giá ... những ngày tết viễn xứ, ngắn ngủi đến rồi cũng vụt thoáng qua nhanh. Xuân tha hương, tết viễn xứ trôi qua, rơi rớt lại những dư âm buồn man mác trong lòng người Việt ly hương. Những tia nắng ấm nhạt còn thoảng mùi đông đang trải dài mong manh trên đường viễn xứ, chuẩn bị chuyển giao mùa sau những tháng ngày dài âm u chìm trong rét buốt, mang dòng dĩ vãng tang thương từ 38 năm trước trở về khơi lại ký ức về một tháng tư xưa. Một Tháng Tư của tan vỡ toàn diện ... Tháng Tư Đen 1975 ! Mùa Quốc Hận lại trở về ... Hình ảnh thê lương, tang tóc trùm phủ Miền Nam khi lũ "đôi dép râu tràn về giẫm nát lòng đất mẹ" đã trôi qua 38 năm mà sao cứ ngở như là cơn ác mộng đêm qua ...
Một năm sau khi được Mỹ bật đèn xanh bằng Hiệp Định Ba Lê 1973, Trung Cộng đã đưa một lực lượng tàu chiến hùng hậu xâm lăng hải đảo Hoàng Sa của VNCH vào tháng 1/1974. Nhà Trắng im tiếng ... thế giới lặng im. Một năm tiếp theo đó, khối cộng sản quốc tế đã ra lệnh và viện trợ số lượng vũ khí không giới hạn cho tên nô bộc trung thành và cũng là lũ Việt gian CSBV công khai ào ạt xua quân cày nát Hiệp Định Ba Lê để cưỡng chiếm MNVN năm 1975 trước sự làm ngơ đến độ lạnh lùng nhẫn tâm của thế giới tự do ...
Sau khi Quân Đoàn 2 triệt thoái, Quân Đoàn 1 di tản, nửa giang san đã lọt vào tay giặc. Thiếu Tướng Lê Minh Đảo, Tư Lệnh Sư Đoàn 18BB kiêm tư lệnh chiến trường Tuyến Thép Xuân Lộc cùng các đơn vị VNCH chiến đấu liên tục 12 ngày đêm không ngủ đã được lệnh lui quân để thành lập phòng tuyến mới. Mọi nổ lực, cố gắng còn lại của Người Lính VNCH trong việc cứu lấy quê hương trong những ngày cuối Tháng Tư Đen hầu như quá trễ khi bọn CSBV dồn lực lượng khoảng 16 Sư Đoàn vây kín Sài Gòn ngày 29-4, chuẩn bị san bằng Sài Gòn, biến Sài Gòn thành thành phố máu trong biển lửa. Dân chúng Miền Nam hoang mang, Sài Gòn hỗn loạn ... người chen lấn nhau để tìm đường di tản, rời khỏi quê hương tránh thảm nạn như thành phố Huế trong Tết Mậu Thân kinh hoàng 1968 tái diễn. Từng chiếc phản lực cơ gầm rú chạy dài trên phi đạo rồi vượt cao vút cao lao về một phương trời xa lạ ... từng cánh quạt trực thăng xé gió vội vã nặng nề cất cao, chao nghiêng mang theo số lượng người quá tải còn in hằn nét kinh hoàng lao vào không trung hướng ra biển Thái Bình Dương ... những chiếc tàu, chiến hạm cố tống hết ga, ì ạch rời bến mang theo hằng trăm, hằng ngàn người di tản. Họ ra đi rời bỏ quê hương, lìa xa người thân không kịp lời từ giã, không mong gì gặp lại, họ ra đi trong đau đớn vô cùng tận, những dòng lệ tang thương lăn dài trên khuôn mặt ngơ ngác còn in đậm nét kinh hoàng. Sài Gòn, nơi tập trung quyền lực của chính thể VNCH đang hấp hối nguy kịch trước sự ngoảnh mặt của các quốc gia tự do trên bàn cờ chính trị thế giới. Trong giờ phút tử sinh này thì Quân Đoàn 4 vẫn yên tĩnh, chưa có 1 đồn bót, mảnh đất nào lọt vào tay cộng sản. Dù hoang mang vì phân nửa giang san đã mất, sinh mệnh Sài Gòn như ngàn cân treo sợi tóc nhưng tinh thần người chiến sĩ VNCH của Quân Đoàn 4 vẫn không bấn loạn. Họ vẫn ghìm chặt tay súng ngày đêm đem sinh mạnh cố giữ phần đất còn lại của quê hương trong hy vọng mong manh ...
3 giờ chiều 29/4/75, các chiến sĩ mũ đen thuộc Chi đội 911, Chi khu Kiên Lương, Tiểu khu Kiên Giang, tập hợp đầy đủ quân số 100% tại sân cờ đơn vị. Trung úy Trần Nhã Kỳ, chi đội trưởng nhìn lướt qua hàng quân rồi chậm rãi nói :
_Như các anh em đã biết tình hình đất nước qua tin tức, giờ này thì xem như không còn hy vọng gi nữa ...
Cả đơn vị im lặng ... không khí u buồn, ảm đạm của quê hương đang trùm phủ một đơn vị nhỏ bé chưa đến 30 chiến sĩ !
Trung úy chi đội trưởng nói tiếp :
_Các anh em nào muốn trở về với gia đình thì bước ra khỏi hàng quân đứng riêng một bên và tôi cho phép đi nhưng tôi không thể cấp giấp phép. Các anh em tự lo liệu lấy ...
Chẳng ai lên tiếng và không một bàn chân nào xê dịch khỏi hàng quân.
_Tốt. Nếu tất cả anh em đồng một lòng ở lại thì phải chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Nếu như địch tấn công mà anh em nào bỏ chạy thì tôi sẽ bắn bỏ người đó. Sau khi tan hàng, chúng ta sẽ mở kho vũ khí và mang mọi hỏa lực đặt vào nơi các vọng gác và giao thông hào, gài các mìn claymore chung quanh vòng đai phòng thủ của đơn vị, ban đêm tất cả phải ngủ nơi giao thông hào. Kể từ giờ phút này, các anh em được quyền đi xa nhất là quán cafe sát bên đơn vị và vũ khí luôn mang theo bên mình, ai trái lệnh sẽ bị phạt. Mọi người nghe rõ không ?
_Nghe rõ.
_Tan hàng.
_Cố gắng. Cả đơn vị đồng thanh hô to.
Mỗi người một tay, người thì lo gài mìn claymore bên ngoài vòng đai phòng thủ, người thì gài thêm lựu đạn nơi hàng rào, kẻ thì mang súng đạn ra các vọng gác và giao thông hào. Chu vi đơn vị không lớn nên khoảng nửa tiếng sau thì xong tất cả ... mỗi ụ gác được trang bị một khẩu đại liên M60 làm hỏa lực chính với 2 khẩu M16 ... những dây đạn M60 được kết nối lại với nhau nạp vào khẩu đại liên, những băng đầy đạn M16, súng M79 cùng lựu đạn để dưới giao thông hào. Ba chiếc xe bọc sắt V100 bất khiển dụng vì không có phụ tùng thay thế được dùng làm ba lô-cốt chiến đấu ... tất cả đã sẵn sàng ...
Trung úy chi đội trưởng đi một vòng kiểm soát và nói :
_Tốt.
6 giờ chiều, tôi cùng 9 người bạn đồng đội lên 2 chiếc xe bọc sắt V100 đi nằm điểm trên cây cầu nơi công trường xi măng Hà Tiên, bắt ngang qua liên tỉnh lộ Rạch Giá_Hà Tiên. Một đêm im lắng, căng thẳng chậm chạp trôi qua.
30.4.75, chúng tôi rời điểm lúc 6 giờ sáng trở về đơn vi. Sau khi vệ sinh cá nhân xong, một số anh em trong đơn vị kéo nhau qua quán cafe sát cạnh đơn vị uống cafe và nghe tin tức, theo dõi tình hình nước nhà đến đâu rồi ...
Cả bọn vừa uống cafe, phì phà điếu thuốc trên môi vừa hồi hộp im lặng lắng nghe tin tức từ chiếc radio của quán bỗng bàng hoàng khi nghe :
  
_Audio "Lời tuyên bố của Tổng Thống Dương Văn Minh.........."
Vết thương "Tháng Tư Đen" hoành hành, tàn phá và bộc phát nhanh chóng. Dù những Người Lính VNCH đã tận tình đem cả sinh mạng để cứu chữa nhưng Sài Gòn đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 10:30 sáng 30-4-75 khi ông Dương Văn Minh tuyên bố khai tử sau những ngày dài thoi thóp trong cô đơn. Ngụm cafe chưa kịp nuốt hình như nghẹn nơi cổ họng, điếu thuốc cháy dở trên môi hờ hững muốn rơi xuống. Cả bọn thẫn thờ đưa ánh mắt nhìn nhau mà không nói được lời nào. Quang cảnh ồn ào trong quán vài phút trước đây bỗng trở nên im lắng, thời gian như chùng lại, ngưng đọng như muốn vỡ tan trong nỗi buồn khôn tả.
Cả bọn trả tiền cafe và thất thểu lê những bước chân nặng nhọc về đơn vị. Trung úy chi đội trưởng từ văn phòng bước ra nhìn chúng tôi với nét mặt buồn thiểu não. Chúng tôi cũng đoán là ông đã nghe tin Tổng thống Dương Văn Minh ra lệnh buông súng vì trong phòng của ông có một máy radio transitor nhỏ. Ông không nói lời nào nên anh em chúng tôi tiếp tục làm nhiệm vụ của mỗi người. Không khí thê lương ảm đạm phủ trùm đơn vị.
6 giờ chiều, tôi cùng một số bạn đồng đội tiếp tục đi nằm điểm. Khoảng 8 giờ tối, Trung úy chi đội trưởng đến và nói với anh em chúng tôi :
_Anh em ở yên vị trí và chỉ nổ súng trong trường hợp bất đắc dĩ, đợi tôi lên chi khu họp rồi sẽ cho anh em biết sau.
Cuộc họp nghiêm trọng gồm các vị trưởng phòng, các đơn vị trưởng những đơn vị trực thuộc chi khu được triệu tập và chủ tọa bởi Thiếu Tá Sầm Long, Chi Khu Trưởng Chi Khu Kiên Lương.
Đúng 9 giờ tối, Trung úy chi đội trưởng trở lại, chúng tôi đến vây quanh ông, nôn nao chờ nghe quyết định từ buổi họp trên chi khu ... Ông buồn bã nói :
_Cấp trên ra lệnh cho chúng ta buông súng !
Bọn chúng tôi bàng hoàng, nghẹn ngào, uất nghẹn nhìn nhau không nói được tiếng nào.
Trung úy chi đội trưởng nói tiếp :
_Để tránh sự việc đáng tiếc xảy ra vào giờ thứ 25, anh em tìm trong xe xem có mảnh vải trắng nào không rồi treo lên cần ăng-ten của xe và trở về đơn vị, trên đường về ... cấm không được nổ súng.
Anh em tìm trong hai xe bọc sắt không có mảnh vải trắng nào, một người bạn đồng đội cởi chiếc áo thun trắng, xé làm hai mảnh rồi treo lên 2 cần ăng-ten của xe và trở về đơn vị. Hai chiếc V100 âm thầm lầm lũi trong bóng đêm, không một ai lên tiếng ... buồn hơn đi đưa đám tang !
Vừa về đến đơn vị, Trung Úy chi đội trưởng ra lệnh đơn vị tập hợp ngay sân cờ. Ông chậm rãi nói :
_Chúng ta chào quốc kỳ lần cuối rồi tan hàng.
Cả đơn vị nghiêm trang chào và ngước nhìn lá quốc kỳ lần cuối đang ủ rũ u buồn theo vận nước. Buổi chào cờ không có quốc ca giống như phút đại mặc niệm chế độ VNCH bị cáo chung ... thoảng trong gió hình như có tiếng oán hờn của Hồn Thiêng Sông Núi, của anh linh những người đã nằm xuống vì hai chữ "Tự Do" của quê hương. Có vài tiếng nấc vang lên trong hàng quân. Anh em đồng đội không khóc thành tiếng nhưng những giọt nước mắt uất nghẹn đã lăn dài trên đôi má của mỗi người !
Chào cờ lần cuối xong, Trung úy chi đội trưởng ra lệnh kéo lá quốc kỳ xuống và treo lên mảnh vải trắng. Vài tiếng khóc đã bật lên ... đau lòng, uất nghẹn ... Tôi nhìn chiếc đồng hồ trên tay đúng 10 giờ đêm 30.4. Tôi chính thức trở thành người vong quốc kể từ giờ phút đau thương này !
Trung úy chi đội trưởng ra lệnh tan hàng, nói đôi lời giã biệt và cầu chúc mọi người an lành !
Mọi người lăng xăng lo thu xếp hành trang, vội vã bắt tay nhau giã từ để rời đơn vị trở về với gia đình. Khoảng 1/2 tiếng sau thì đơn vị vắng lặng, trơ vắng chỉ còn lại ba người ... Trung úy chi đội trưởng, tôi và người bạn tên Quang. Trung úy chi đội trưởng lặng lẽ đi vào phòng. Tôi và Quang đứng ngơ ngác, u buồn nơi sân cờ trống vắng. Đưa mắt nhìn quanh đơn vị giống như một trại lính bỏ hoang, đồ đạc, súng ống, quần áo tứ tung. Đã trên 10 giờ đêm ... đi về đâu giữa đêm thanh vắng thế này, thôi thì ngủ lại tại đơn vị rồi sáng mai tính, tới đâu hay tới đó ...
Tôi buồn nhìn và bảo Quang :
_Buồn quá, đêm nay chắc không ngủ được đâu. Mày đi lục xem còn rượu không, uống cho say để dễ ngủ.
Quang chạy vào các phòng một lúc rồi trở ra nói :
_Không còn miếng rượu nào hết Thơ ơi.
Tôi bảo nó :
_Mày chui vào mấy chiếc xe tìm thử coi.
Quang chui vào 1 chiếc xe bọc sắt lôi ra được 1 thùng rượu đế 25 lít và nói với tôi :
_May quá, còn được 1 thùng rượu nè.
Hai thằng kê thùng đạn gầy sòng ngoài trời dưới mái hiên nơi 1 góc của đơn vị. Quang chạy vào phòng tìm được 1 bịch đậu phọng và mang ra một cái chén với một cây đàn guitar thùng. Trời bắt đầu đổ mưa lâm râm ... Nó đàn và hai thằng thay phiên nhau hát ... những bài ca về đời Lính với giọng ca vịt đực của hai người lính vừa gãy súng ... ôi ! buồn làm sao ... Đêm đã khuya ... ngoài đường vắng tênh ... mưa vẫn rơi lất phất ... men sầu đã thấm hòa với nỗi buồn mất quê hương càng làm cho cõi lòng thêm rách nát, tả tơi. Từng dòng lệ tuôn lăn dài theo những lời ca ...  
Từng chén rượu cạn rồi lại đầy, từng điếu thuốc tàn trên môi ... mưa vẫn lâm râm rơi hòa với những giọt nước mắt nhòa nhạt gương mặt của 2 người lính trẻ. Hai thằng không biết đã uống bao nhiêu chén "nước mắt quê hương", men cay đã thấm. Tôi nhìn đồng hồ đã 3 giờ sáng ... Quang nói với tôi :
_Thôi đi ngủ Thơ ơi, buồn ngủ và say rồi.
Tôi bảo Quang :
_Mày vào phòng ngủ đi, tao chui vào xe ngủ.
Quang mang cây đàn lủi thủi đi vào phòng, tôi mệt mỏi chán chường mở cửa xe bọc sắt chui vào. Nằm trăn trở suy nghĩ miên man, số phận sáng mai này sẽ ra sao ... buồn đau uất nghẹn ... tôi cố dằn sự xúc động không bật ra tiếng khóc nhưng sự đè nén uất nghẹn đó đã bật lên những tiếng nấc đau thương và tôi thật sự đã khóc như chưa từng được khóc. Rượu đã thấm ... những dòng lệ đau thương đua nhau chảy dài nhòa nhạt đưa tôi thiếp vào giấc ngủ trong tiếng mưa buồn tí tách ...
Tiếng dộng cửa xe làm tôi giật mình thức giấc. Tôi nằm im lắng nghe và tự hỏi "giặc vào rồi sao ..." ???
_Thơ ơi, thức dậy đi về. Tiếng thằng Quang vang lên hối hả.
Tôi uể oải ngồi dậy mở cửa xe và thò đầu ra ngoài.
Quang nói :
_Tao kêu nhiều lần nhưng mày ngủ say không nghe nên tao lấy báng súng dộng vào xe kêu mày. Thức dậy đi về, bộ mày định ngủ đây chờ Việt cộng vô hả ?
Tôi mệt mỏi leo ra khỏi xe và đi rửa mặt rồi thay bộ đồ dân sự vào. Hai thằng buồn bã rời đơn vị khoảng 9 giờ sáng ngày 1.5.1975. Thôi giã từ đơn vị, giã từ đời lính chiến thương yêu !
Hai thằng ra đường lộ đứng chờ đón xe về nhưng chẳng thấy chiếc xe nào chạy ngang qua. Hai thằng đành vào quán cafe sát bên đơn vị, uống cafe và chờ xe từ Hà Tiên đỗ về. Mỗi lần nghe tiếng xe là hai thằng chạy ra đường chờ, khi xe đến thì hai thằng ngoắc tay nhưng chẳng chiếc xe nào dừng lại vi trên xe đã chật người kể cả trên mui.
Tôi nói với Quang :
_Tao có người bạn trên Hà Tiên. Hai thằng mình lội bộ lên đó rồi sáng mai tìm phương tiện quá giang về.
10 giờ sáng 1-5, hai thằng trả tiền cafe và giã từ anh chị chủ quán rồi thất thểu bước ra đường. Đi ngang đơn vị, hai thằng nhìn đơn vị lần cuối rồi bước đi vội vã trên con đường quen thuộc trong tương lai vô định ... Từ đây lên đến Hà Tiên là 30 cây số nhưng hôm nay, tôi cảm thấy nó dài vô hạn ...
Hai thằng lội bộ khoảng 5 cây số đến ngả ba Ba Hòn, nắng đã lên ... hai thằng cũng khát nước và hơi mệt nên ghé vào quán nước bên đường gọi ly trà đá lớn, ngồi uống nước, nghỉ mệt và chờ xe vì nơi đây có một khu chợ nhỏ, các chuyến xe từ Hà Tiên về Rạch Giá thường ghé lại đây rước thêm khách. Hai thằng ngồi chờ khoảng 1 tiếng, có 2 chuyến xe nhưng đã chật cứng hành khách nên không dừng lại. Tôi nói với Quang :
_Thôi hai thằng mình tiếp tục lội bộ lên Hà Tiên, dọc đường nếu gặp xe thì quá giang.
Vi đường còn xa nên tôi đã bỏ ba-lô tại quán cafe cho khỏi nặng, tôi bỏ đôi dép vào ba-lô và mang đôi giày lính vào cho tiện việc đi đường. Dọc đường cũng có vài chuyến xe chật người lao nhanh lướt qua không dừng lại. Hai thằng cố đi nhanh đến Hà Tiên trước khi trời sụp tối. Từ đây đến Hà Tiên thưa thớt nhà dân ở hai bên đường, bước qua chiếc cầu sắt nơi ngã ba Ba Hòn là những ruộng muối nằm im u buồn trơ vắng bóng người hoặc có vài người dân đang hì hục cào muối, phơi lưng dưới cơn nắng nóng ... từng giọt mồ hôi tuôn chảy đẫm ướt thân người rồi rơi vào ruộng muối cho thêm mặn hay cho cuộc đời rồi đây sẽ mặn chát và khô cằn như hạt muối trong những ngày tới dưới chế độ mới. Có những đoạn đường một bên là biển, một bên là vách núi đá sừng sững ... không có một mái nhà. Tiếng sóng biển rì rào không còn là nguồn cảm xúc cho văn nhân, thi sĩ mà như tiếng oán than, khóc tiễn đưa một thể chế Tự Do-Dân Chủ-Nhân Bản vừa sụp đổ trong thê lương, chiến sĩ VNCH gãy súng uất nghẹn. Con đường từ Kiên Lương đến Hà Tiên dài 30 cây số thì quá ngắn so với cuộc đời những kẻ sống kiếp gió sương mang nắng ấm cho đời nhưng sao hôm nay tôi cảm thấy nó dài lê thê ... chán chường, ê chề, uất nghẹn đè nặng trên mỗi bước đi.
Rời quán nước nơi ngã ba Ba Hòn, hai thằng miệt mài đi không ngừng nghỉ ... nhìn bia cột số bên đường, hai thằng mới biết đã đi hơn nửa đường, sức nóng từ ánh mặt trời đã giảm. Nhìn đồng hồ thì ra hai thằng đã đi được bốn tiếng, cuống họng đã khô, cái bụng thì trống đổ liên hồi, đôi chân cũng mỏi, những giọt mồ hôi đua nhau tuôn đổ ... Tôi chợt nhìn thấy một lu nước dưới mái hiên nhà và một bà cụ ở căn nhà lá thụt sâu bên đường, hai thằng vội đi vào xin nước uống để tiếp tục lên đường. Bà cụ bước vào nhà và mang ra cho mỗi thằng một ca nước ... từng ngụm nước mát lạnh trôi qua cuống họng đã xua đi cơn khát ... ca nước mưa thơm ngọt hương vị quê hương sau cùng của đời lính ... Hai thằng cảm ơn và chào giã biệt bà cụ rồi tiếp tục lên đường ... màn đêm vừa buông phủ thì hai đứa cũng vừa đặt chân đến phía bên này cầu nổi Hà Tiên. Nhìn sang bên kia, phố đã lên đèn ... hai thằng đi qua cầu nổi đặt chân lên lên phố thị Hà Tiên, khu chợ đêm lưa thưa vài kẻ bán, người mua, hấp tấp, vội vã. Đường phố đông người nhưng không ồn ào náo nhiệt như mọi khi ... đa số im lặng lầm lũi bước như đi đưa đám tang, tôi nghĩ phần đông trong số họ là những người lính vừa gãy súng đang khoác vào mình bộ quần áo dân sự tìm phương tiện trở về với gia đình giống như hai thằng tôi. Đến giờ phút này vẫn chưa thấy bóng dáng một chiếc mũ tai bèo, nón cối nào ngoại trừ một số tên cách mạng 30.4 trên cánh tay mang băng đỏ trên hai chiếc xe jeep của quân đội VNCH bỏ lại, chúng nó chạy rão trên đường phố, thỉnh thoảng bắn vài loạt đoạn chỉ thiên, cười hả hê như để thị oai và ăn mừng đã cưỡng chiếm được MNVN. Hai thằng vừa đói khát vừa mệt nhưng cũng mừng là đã đặt chân đến phố thị Hà Tiên. Tôi thì không còn đồng nào vì tiền lính đã được "tính liền" vào những ngày đầu tháng Tư và lương tháng 5 thì không được lãnh vì bị "gãy súng". Thằng Quang còn được mấy trăm để thủ cho hai thằng trên đường về nhà ... Hai thằng đi thêm khoảng 2 cây số nữa thì đến nhà anh bạn tên Tấn là lính BĐQ/BP đã giải ngũ vì bị thương gãy 1 chân và hư 1 mắt.
Vừa bước vào nhà thì gặp anh Tấn. Anh vội hỏi :
_Sao giờ này em còn ở đây ?
_Hai thằng em ghé đây ngủ nhờ 1 đêm rồi sáng mai tìm phương tiện về nhà. Hai thằng lội bộ từ Kiên Lương lên đây, quá mệt rồi.
Anh Tấn nói :
_Chắc đói bụng lắm rồi hở. Để kêu chị nấu cơm cho 2 em ăn.
Sau buổi cơm, vì quá mệt nên sau vài phút tâm tình, tôi và Quang chui lên giường ngủ. Vợ anh Tấn đã giăng mùng sẵn cho tôi và Quang.
Sáng 2-5, hai thằng dậy sớm nói chuyện qua loa vài câu rồi Anh Tấn lấy chiếc xe gắn máy Yamaha đưa tôi và Quang ra bến xe. Hai thằng cảm ơn và giã từ chị Tấn.
Đến bến xe Hà Tiên không thấy chiếc xe đò nào vã lại còn sớm nên tôi và Quang mời Anh Tấn uống cafe nhưng anh từ chối và nói :
_Thôi được rồi. Hai em lo tìm phương tiện về nhà sớm đi.
Hai thằng cảm ơn anh và không dám hẹn ngày tái ngộ vì biết cuộc đời người lính thua cuộc sẽ ra sao trong những ngày sắp tới ... Anh quay xe về, hai thằng nghẹn ngào vẫy tay từ giã ... một chút gì cay cay nơi khóe mắt ...
Hai thằng đi đến bến tàu đường sông thì may quá có một chiếc sắp khởi hành, hai thằng vội đi xuống tàu. Dù tàu chạy đường sông nhưng cũng khá lớn, hành khách kẻ đứng, người ngồi chật cả tàu ... hai thằng chen vào ... Tàu sắp khởi hành, anh xét vé tàu đi len lõi kiểm soát vé, anh đến bên tôi hỏi vé. Tôi trả lời :
_Tôi và người bạn đây là lính hiện giờ không còn tiền. Anh vui lòng cho tụi tôi quá giang.
_Các ông vậy không, ngày xưa đi không trả tiền, bây giờ "giải phóng" rồi cũng vậy.
Trời thần, đất địa ơi ! Những Người Lính QLVNCH trấn đóng ở mảnh đất biên giới này có bao giờ quá giang tàu đò đường sông đâu mà giờ đây lại bị xài xể ... Cả cuộc đời đem sinh mạng, máu xương bảo vệ quê hương để cho người dân có được cuộc sống an lành thế mà Người Lính VNCH mới vừa gãy súng đã bị đối xử như thế này sao ...!
Nghẹn ngào, đau đớn ... Tôi liếc nhìn đám thanh niên mang băng đỏ trên tay đang đi vòng vòng trên tàu như để nhìn mặt, tìm kiếm những Quân Cán Chính VNCH hầu trả thù cá nhân. Tôi nhỏ nhẹ nói :
_Chúng tôi không còn tiền, anh cảm phiền cho quá giang đi.
Anh đưa cặp mắt giận dữ nhìn tôi định nói thêm thì một chị đứng kế bên lên tiếng :
_Cậu làm ơn cho hai cậu này quá giang đi, mấy ngày qua loạn lạc lính tráng giờ này đâu còn tiền, thông cảm cho người ta mà.
Anh xét vé quay đi sau khi lườm chúng tôi một cái.
Tôi quay lại chị vừa lên tiếng và nói :
_Cảm ơn chị.
Chị gật đầu như cảm thông cho hoàn cảnh chúng tôi.
Bọn thanh niên mang băng đỏ rời tàu. Tàu rời bến ... giã từ Hà Tiên, giã từ mảnh đất ngày tháng khoác áo chinh nhân xuôi ngược gìn giữ Tự Do ... nhưng đoạn đường 90 cây số tới đây, không biết có bất trắc gì xảy ra không ...
Chiếc tàu chầm chậm rẽ nước lướt êm trôi ... đây đồn của Đại Đội 1/TĐ530ĐPQ ngày nào giờ tiêu điều xơ xác lắng im bên cạnh bờ sông buồn thảm. Chiếc tàu tiến vào địa phận Kiên Lương qua khỏi ngã ba Ba Hòn, nhìn bên phải là đơn vị Chi Đội 911 vắng lặng, tiêu điều ... bên trái là Công Trường xi măng Hà Tiên cũng là nơi đóng quân của Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn 530ĐPQ ngày nào. Tất cả chỉ còn là kỷ niệm trong giọt lệ đang vương nơi khóe mắt ...
Khoảng 1 giờ trưa thì tàu đến Xã Lỳnh Huỳnh, đến đây cũng được 1/2 đường rồi. Trên đường có một chiếc xe đò ... tàu ghé vào bờ, anh xét vé nói :
_Nơi đây có xe đò rồi. Bà con cô bác lên bờ đi xe.
Hành khách lật đật rời tàu, hối hả chạy đến xe đò. Tôi và Quang rời tàu bước lên bờ nhìn thấy cây cầu Lỳnh Huỳnh đã bị gãy vì lũ giặc pháo kích mấy ngày trước, hèn chi xe đò không lên Hà Tiên được. Mọi người lũ lượt kéo nhau đi vòng phía bờ sông để qua bên kia bờ lên xe. Tôi nói với anh lơ xe :
_Tôi và thằng bạn là lính ở Hà Tiên về, không còn tiền, anh vui lòng cho chúng tôi quá giang về Rạch Giá.
Anh lơ xe vui vẻ trả lời :
_Được nhưng hai anh thông cảm ngồi trên mui nhé.
Tôi cảm ơn và hai thằng vội leo lên mui, xe đã chật cứng từ trong xe đến trên mui. Xe lăn bánh ... nhìn hai bên đường, nhà dân thưa thớt ... bên trái là dòng sông lững lờ xuôi chảy. Cuộc sống an lành, bình dị của người dân Miền Nam sắp sửa bị cuốn vào cơn phong ba, bão táp "giải phóng". Quê hương Việt Nam ngàn đời yêu dấu bây giờ đã lọt vào tay những kẻ đi gây tang tóc, chết chóc ... mai này rồi sẽ ra sao ...
Đang nhìn những cảnh vật quen thuộc mà ngày nào còn xuôi ngược, đầu óc suy nghĩ miên man buồn khôn xiết thì bỗng nhiên tôi bị chột bụng, cơn đau quặn thắt từng cơn làm tôi chịu đựng không nổi nữa, tôi nói với Quang :
_Mày về trước đi, tao về sau ... đau bụng quá chịu không nổi rồi.
Tôi thấy chiếc cầu xí bên bờ sông ... mừng quá tôi vội nói với anh lơ xe :
_Anh cho tôi xuống đây.
Quang hỏi tôi :
_Mày xuống đây hở Thơ ?
_Tao chịu hết nổi rồi ... mày về trước đi.
Xe dừng lại, tôi leo xuống xe, cảm ơn anh lơ xe và vội vã chạy qua bên kia đường đến chiếc cầu xí cứu tinh trơ trọi im lắng bên bờ sông. Nơi đây còn cách Rạch Giá 13 cây số, cũng dễ đón xe, nếu không có thì lội bộ tiếp cũng chẳng sao. Tôi nói thầm trong bụng "giờ này mà còn bị Tào Tháo rượt nữa .."
Sau khi giải quyết bầu tâm sự, tôi ra đường lội bộ lơn tơn đón xe quá giang về ... Một chiếc xe Lam trờ tới, tôi ngoắc lại ... xe dừng bánh, tôi đến nói với anh tài xế :
_Tôi là lính ở Hà Tiên về, anh vui lòng cho tôi quá giang về chợ Rạch Giá.
Anh tài xế nói :
_Được, anh lên xe đi.
Trên xe chật người, tôi leo vào ngồi kê được một chút bàn tọa lên cạnh băng xe, tôi phải dùng đôi cùi chỏ tựa cả thân người lên đôi chân để khỏi bị té chúi nhủi về phía trước. Xe mới vừa lăn bánh khoảng chục thước, anh tài xế quay đầu nhìn lại trong xe chỉ và bảo tôi :
_Anh gì đó ơi, xuống xe ra trước này nè.
Tôi bước xuống xe và ra phía trước. Anh tài xế nói :
_Anh ngồi kế tôi cho khỏe, xe chật quá.
Tôi nói lời cảm ơn và leo lên ngồi kế anh tài xế. Ôi cảm động làm sao tình người dân đối với Người Lính VNCH thất trận. Xe đến bến xe Rạch Giá, tôi vừa nói lời cảm ơn anh tài xế thì nghe tiếng kêu :
_Thơ, mày về tới hở ? Lên xe tao chở về.
Thì ra đó là Sĩ, thằng bạn chung xóm, phục vụ bên Phòng 5 Tiểu Khu. Giờ hành nghề chạy xe ôm sau khi gãy súng.
Xe dừng lại trước nhà, tôi thoáng thấy cha già bên khung cửa sổ đang nhìn ra ngoài đường nóng lòng trông ngóng đứa con duy nhất sao chưa thấy về ... tôi cố ngăn dòng lệ, tôi bước xuống xe nói với Sĩ :
_Cảm ơn nhé Sĩ, tiền xe tính sau nhé.
 Sĩ nói :
_Tao với mày mà tiền bạc gì ... thôi vô nhà đi.
Tôi bước vào nhà cúi đầu chào và nghẹn khẽ gọi 1 tiếng Ba. Nước mắt nhạt nhòa chiếc đồng hồ trên tường vừa qua vài phút sau 3 giờ chiều ngày 2-5-1975 ....
Chiến tranh tàn trong dãy khăn tang trắng trùm phủ cả quê hương đẫm máu dưới những đôi dép râu xâm lăng. Nước Mỹ đồng minh và thế giới tự do đã nhẫn tâm nhìn VNCH thoi thóp rồi cáo chung. Chính thể VNCH bị bức tử tang thương. Người Lính VNCH bị bức tử uất nghẹn. Trang sử máu trùm phủ quê mẹ Việt Nam đến nay đã hơn nửa kiếp người ... 38 năm qua ... Người Lính xưa, ai còn, ai mất sau cuộc đổi đời tang thương tràn ngập máu và nước mắt !!!
Hai mươi năm chinh chiến tang thương trên quê hương do tên già đại gian ác HCM và đảng CSVN gây nên ... Hằng trăm ngàn người chiến sĩ VNCH nói chung, người lính VNCH nói riêng đã gục ngã đem thân xác làm phân bón cho cây "Tự Do" trên quê hương ... Hằng triệu lít máu của họ đã đổ xuống thấm vào lòng đất mẹ để cho cây "Tự Do" đó nở hoa khắp nẻo đường đất nước trong 20 năm. Ngày 30.4.1975, làn sóng đỏ từ phương Bắc đã tràn vào MNVN, hủy diệt và tàn phá tất cả dù chỉ là những nắm xương tàn, những bia mộ vô tri nơi Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa ...! Sau ngày đại tang này, lũ người chiến thắng đã bóp méo lịch sử, đê tiện dựng những chuyện xấu xa nhất trút tất cả lên thân phận người thua cuộc. Những người mạo danh "chống Mỹ, cứu Nước" đã trả thù một cách hèn hạ lên những thân xác trong tay không tấc sắt bằng những hình thức hành hình dã man nhất, số còn lại được "khoan hồng" vào các trại tù khổ sai khắc nghiệt trên hai miền Nam, Bắc được ngụy danh hoa mỹ bằng danh từ "Trại Cải Tạo", bị vắt cạn mồ hôi, bị giết dần mòn trong cạm bẫy "một tháng học tập" mà ngày về là giấc mơ trong giấc ngủ buốt giá trong cùm sắt rỉ máu.
Hai mươi năm dài khói lửa tang tóc ... Người Lính VNCH chỉ biết đem sinh mạng, máu xương của mình để phục vụ Tổ Quốc, bảo vệ sự sinh tồn của quê hương, dân tộc. Người Lính VNCH không mơ ước cao xa ngoài ước mơ đơn sơ, hiền hòa mong chiến chinh tàn để người dân Miền Nam được sống trong cảnh thanh bình ... Người Lính được trở về mái nhà xưa phụng dưỡng cha mẹ già cho tròn chữ hiếu, trọn đạo làm con ... được xum họp bên người vợ hiền cùng đàn con thơ khắc khoải chờ mong trong tiếng đạn pháo vang vọng đêm đêm ... trở lại với người yêu của thuở sân trường áo trắng, thực hiện lời hẹn ước năm xưa ... đi thăm thắp nén nhang tưởng niệm bạn bè chiến hữu đã ngủ giấc nghìn thu ... viếng thăm, an ủi và giúp đỡ những anh em đã không may gởi lại một phần thân thể nơi sa trường NHƯNG mơ ước hiền hòa này đã vỡ tan trong biến cố tang thương Tháng Tư Đen uất hận.
Chính nghĩa VNCH phải được khôi phục ngay trên đất mẹ thân yêu. Tinh thần "Vị Quốc Vong Thân" của người chiến sĩ VNCH phải được trang nghiêm vinh danh trên phần đất mà họ đã đem cuộc đời, sinh mạng và máu xương để gìn giữ. Lũ CSVN phản quốc, bạo tàn, khát máu không còn một lý do gì để tồn tại trên quê hương. Lũ vô thần này phải biến mất vĩnh viễn trên dãy giang sơn hoa gấm hình chữ "S" mang tên VN để trả quê hương đất nước lại cho người dân Việt đã hứng chịu quá nhiều tang thương, thống khổ.
Đảng CSVN sụp đổ sớm hay muộn tùy thuộc vào sự đấu tranh của người Việt hải ngoại tiếp tay với người dân trong nước vùng lên khai tử Đảng CSVN, thiêu hủy một trong những mảnh giẻ rách của chủ nghĩa cộng sản còn sót lại trên quê hương Việt Nam, giựt sập cái thiên đường hoang tưởng "xã hội chủ nghĩa" đã và đang trùm phủ tang tóc trên quê mẹ Việt Nam.
Thoáng đó mà đã 38 năm, quê hương đắm chìm trong máu và nước mắt của dân tộc bởi thảm họa cộng sản. Không biết anh kiểm soát vé tàu hung hăng, anh lơ xe vui vẻ tốt bụng, anh tài xế xe Lam giàu lòng người cùng tất cả hành khách trên chiếc tàu đò, xe đò, xe Lam ngày xưa đó ... có thoát khỏi cái thiên đường máu hay không ... Tôi luôn cầu chúc cho tất cả quý vị cùng gia đình được an lành dù sống nơi đâu. Bạn bè, đồng đội xưa thuộc Tiểu Đoàn 530ĐPQ và những người bạn đồng đội mới quen thuộc Chi Đội cơ giới 911 chưa lần gặp lại ... Ai còn ... Ai mất từ ngày gãy súng tang thương, uất nghẹn. Ai đã vượt qua những cơn sóng đỏ tàn bạo liên tiếp ập phủ lên người trong thiên đường cộng sản ... Ai còn đang thoi thóp, sức tàn, hơi cạn ngụp lặn trong biển máu "thiên đường Xã Hội Chủ Nghĩa" hoang tưởng ... Ai đã cạn sức, nhắm mắt, xuôi tay trong những năm dài tang thương, thống khổ trong làn sóng đỏ ... 
Tháng Tư Đen Quốc Hận lần thứ 38. Dòng sông dĩ vãng uất nghẹn, tang thương đã trôi xa hơn 1/3 thế kỷ. Hôm nay trên xứ người tạm dung, mái đầu đã bạc với dòng ký ức cạn dần theo thời gian mà cứ ngỡ Tháng Tư Đen như là một cơn ác mộng mới vừa xảy ra trong giấc ngủ chập chờn đêm qua ..! Dĩ vãng có phải chăng là giọt buồn vương đọng lắng im nơi ký ức bất chợt hiện về trong những dòng lệ đau thương lăn dài trên khuôn mặt in hằn những dấu vết của dòng thời gian ...
Vết thương lòng "Tháng Tư Đen" không để lại vết sẹo nhưng để lại cả một trời tang thương tràn ngập tâm hồn hơn 1/3 thế kỷ ... vết thương đó đau âm ỉ 38 năm qua và quặn thắt đau đớn hơn làm tuôn trào những dòng lệ đau thương vào mỗi dịp tháng 4 về và chưa hề khép lại dù chỉ một giây trong hơn nửa kiếp người !
Lũ quỷ đỏ Việt cộng đang thoi thóp nằm cheo leo bên bờ vực thẳm của biển lửa địa ngục. Bọn chúng gắng gượng sức tàn tung ra cạm bẫy sửa đổi hiến pháp để tiếp tục mị dân hầu kéo dài sự sinh tồn của đảng. Bọn chúng cũng rục rịch tung ra luật rừng dã man độc ác được "bắn người chống đối người thi hành công vụ" để cứu nguy, bảo vệ chế độ cộng sản vô thần đã và đang mục rã. Hỡi toàn dân ... Đừng thờ ơ lạnh lùng đến mức vô cảm nhìn quê hương tan nát và mất dần vào tay Trung Cộng với sự tiếp tay của lũ nội gian CSVN phản quốc. Đừng nhẫn tâm lặng im đứng nhìn những giọt nước mắt, những dòng máu tang thương, thống khổ của đồng bào ngày đêm tuôn rơi vì bị chà đạp, hà hiếp, bị đánh đập, bị giết bởi lũ thú đội lớp công an được chỉ đạo bởi lũ "đỉnh cao trí tuệ" chỉ biết "còn Đảng, còn mình". Hãy cùng nhau đứng lên, mỗi người góp một bàn tay siết chặt trên con đường tranh đấu đem căm hờn, đau thương, uất hận biến thành sức mạnh vô biên tiêu diệt lũ CSVN phản quốc, khôi phục lại Quê Hương Việt Nam mến yêu.
Tôi luôn hãnh diện về QLVNCH nói chung và Chi Đội 911 nói riêng, một đơn vị nhỏ bé chưa tới 30 chiến sĩ đã giữ vững tay súng đến giờ thứ 25 của cuộc chiến.
_Chân thành thắp nén hương lòng "Tưởng Niệm" những chiến sĩ anh hùng VNCH đã ngã xuống cho hai chữ "Tự Do'' của Quê Hương, những anh hùng đã tuẫn tiết sau khi uất nghẹn nhận lệnh "buông súng" và những chiến hữu đồng đội đã gục ngã nơi lao tù "thù hận" mang 3 chữ máu "Trại Cải Tạo".
_Thành tâm "Tri Ân" những chiến sĩ VNCH anh hùng sa cơ, thất thế đang lang thang khắp nẻo đường thế giới hoặc đang ngậm đắng nuốt cay khắp hang cùng ngõ hẻm trên quê hương, đặc biệt "Tri Ân" sâu xa đến những anh em Thương Phế Binh VNCH đã bỏ lại một phần thân thể nơi chiến trường trong suốt 20 năm khói lửa hiện đang lê lết mảnh đời bất hạnh trong tay giặc trên quê hương.
_"Vinh Danh"  Người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa. 
_Việt Nam Cộng Hòa Muôn Năm.
_Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa Bất Diệt.
_Tinh Thần "Vị Quốc Vong Thân" của Người Lính Việt Nam Cộng Hòa Bất Tử. 
Tưởng Niệm Quốc Hận lần thứ 38.
Hoàng Nhật Thơ

3 comments:

  1. Con xin chia sẽ cùng chú Thơ người Lính TGVNCH kính yêu, câu chuyện của thấm được tình đồng đội, tình dân và lính, nhưng mà đau và buồn lắm chú ah, nghe bài của chú con bao giờ cũng có cái gì đó nghèn nghẹn lại mà nước mắt con cứ chảy, nhất bài nầy mà lại sắp đến ngày quốc hận 30/4.
    Con kính chúc chú Thơ luôn vui khỏe và kể cho con và tất cả mọi người cùng nghe sự thật về cộng sản và hình ảnh đẹp của người lính VNCH mà thế hệ sau tụi con chưa biết nhiều

    ReplyDelete
  2. Cảm ơn và thân chúc con cùng gia đình luôn an lành trong cuộc sống.

    Chú Thơ

    ReplyDelete
  3. Cám ơn em HNT. Bài viết làm xúc động xoáy vào tâm can người đọc.
    Không biết những Vịt kìu đã từng đạp nhau trên sân thượng Toà Đại Sứ Mỹ ngày này 38 năm trước có còn nhớ ngày Quốc Nhục, Quốc Hận tang thương này không ? Chắc là họ đã quên hết nên mới "áo gấm về làng" , làm "khúc ruột thừa ngàn dặm" để nuôi kẻ thù tiếp tục phè phỡn trên xương máu của dân lành trong nước..

    Còn nỗi đau nào, nỗi nhục nhằn nào sâu sắc hơn không ?!!

    ReplyDelete