Wednesday, August 31, 2011

Cái Muỗng

I. Tôi không nhớ rõ năm đó là năm thứ mấy chúng tôi "học tập cải tạo", chỉ biết rằng đã có những người "quen" với những ngày tháng cực khổ, dài lê thê trong những căn nhà giam được "xây dựng" bằng đủ thứ kiểu giữa những vùng rừng núi âm u. Ở Sơn La thì "trại" được làm trên những nhà tù từ thời xa xưa, chỉ còn lại những cái nền nhà lỗ chỗ, người ta dựng vách đất trộn rơm, mái lợp bằng các kiểu lá rừng, miễn sao che kín được khung trời.

Nơi này xưa kia, Pháp dùng để giam giữ tù chính trị, rồi một thời gian sau, VN giam những người tù Thái Lan và trong chiến tranh đã có khi người ta dùng làm "công binh xưởng" chế tạo lựu đạn. Vì thế nên thỉnh thoảng chúng tôi nhặt được một cái vỏ lựu đạn ở đâu đó quanh khu vực này. Ở Vĩnh Phú thì nhà tranh vách đất, ngoại trừ một khu người ta gọi là khu "biệt kích" gồm vài căn nhà "xây dựng kiên cố" bằng gạch lợp tôn xi măng. Chúng tôi "được học tập cải tạo" trong dãy nhà này. Cũng nghe người ta nói lại là khu này trước kia dùng để giam giữ những người lính biệt kích đã từng nhảy dù ra Bắc rồi bị bắt giam ở những khu đặc biệt đó. Muốn vào khu này phải qua hai lần cổng có tường gạch bao quanh. Nhưng có lẽ khi giam giữ biệt kích thì khác, còn khi chúng tôi "được giam" ở đây có vẻ như "cởi mở" hơn vì những cánh cổng thường không đóng bao giờ. Họ để cho chúng tôi đi lao động hàng ngày cho khỏi phải mở ra mở vào.

Cuộc sống dù cực khổ đến đâu, sống mãi rồi người ta cũng phải quen. Nhịp sống hàng ngày cứ thế trôi đi dù là trong đói rét, thiếu thốn và trong những cấm đoán vô cùng khe khắt. Nhà tù nào chẳng thế, nó có những quy luật và quy định riêng. Những ngày đầu người ta cấm luôn cả trà, cà phê, thậm chí cấm cả đeo kính cận. Nhưng sau này nới dần, những thứ như thế không bị cấm nữa. Chỉ còn những thứ đã thành "luật" thì luôn bị cấm và cấm ở bất cứ đâu. Cấm "mua bán đổi chác linh tinh", cấm dùng thức ăn lâu ngày bằng bột, cấm tỏi và cấm tất cả những dụng cụ sinh hoạt bằng sắt như dao, kéo, muỗng nĩa… Tuy vậy có anh tù nào lại ngây thơ ngoan ngoãn đến nỗi tuân theo hoàn toàn những quy định ấy. Mua bán đổi chác linh tinh vẫn cứ diễn ra, dao kéo vẫn cứ được lén lút xử dụng hàng ngày nhưng đó là những thứ đã được "cải biên" thành dao kéo mini nhỏ nhắn cho dễ cất giấu. Nó là những vật dụng cần thiết cho đời sống hàng ngày, dù có bị bắt thì cũng chỉ bị tịch thu chứ không đến nỗi bị cùm một hoặc hai chân –tùy theo tội– đưa vào "thiên lao" tức là thứ phòng giam đặc biệt trong trại tù.

II. Ngày qua ngày
, cái "không khí êm ả" của trại giam trở nên phẳng lặng nhưng dĩ nhiên là không thể nào nói rằng đó là thứ "an tâm, hồ hởi phấn khởi" mà bất kỳ anh "trại viên" nào cũng cứ phải viết khi phải làm những "bản kiểm điểm", mặc dù kể cả người viết và người đọc đều chẳng ai tin.

Nhưng cái không khí ấy đôi khi bỗng nhiên bị xáo trộn. Vào một buổi sáng tinh mơ, khi chúng tôi đang ngồi ở cái sân đất giữa trại, chuẩn bị gọi tên từng đội đi lao động để "một ngày lại vinh quang như mọi ngày" thì bỗng đâu toán lính gác trại tù sồng sộc chạy vào. Họ chạy rầm rập như ra trận, súng ống chĩa về phía "quân thù", mặt mũi "khẩn trương" rõ rệt. Họ sộc thẳng vào phòng giam trống hốc cứ làm như có địch ẩn nấp đâu trong đó.

Chúng tôi ngẩn ngơ đứng nhìn, không hiểu họ giở trò gì. Có những khuôn mặt lo lắng, một nỗi lo bâng quơ. Chuyển trại hay có một ai đó trốn trại? Chưa biết. Toán lính lục tung hết mọi thứ đồ đạc ít ỏi mà mỗi người tù có được trong gói hành trang của riêng mình. Sau đó chừng nửa giờ, một vài gói đồ bị tịch thu được vác lên "phòng thi đua". Lúc đó thì chúng tôi mới hiểu rằng đó chỉ là một kiểu khám phòng để tìm ra những thứ đồ "quốc cấm" của trại đã quy định.

Thật ra, đó cũng là cái cung cách mà ở những "trại cải tạo" thường dùng để khuấy động cái không khí trầm lặng dễ phát sinh ra những "tiêu cực". Bởi trong cái sự yên bình của một trại giam, người tù có thể liên kết với nhau làm một chuyện gì đó như tổ chức trốn trại hoặc có thể có những vụ xúi giục "tuyệt thực", bàn bạc chống đối… Và nếu nói đến sự chống đối thì có hàng trăm thứ để có thể chống đối được. Thí dụ sự ăn đói, sự đối xử bất công, sự oan ức vô lý, sự trù dập của một vài anh "quản giáo", sự hỗn hào của mấy anh lính võ trang. Chuyện gì cũng có thể chống đối được. Vì thế thỉnh thoảng họ phải làm cho cái không khí đó mất hẳn cái vẻ trầm lặng để chứng tỏ lúc nào họ cũng đề phòng, lúc nào họ cũng "đề cao cảnh giác", lúc nào họ cũng sẵn sàng đối phó với mọi "mưu đồ".

Các anh tù đừng có tưởng bở, chẳng bao giờ yên đâu. Cứ sau mỗi lần như thế, chắc chắn thế nào họ chẳng vớ được một anh nào đó giấu những thứ vớ vẩn như dao kéo, thư từ, sách vở tiếng nước ngoài, tiền bạc, đồ dùng ngoài quy định. Tất nhiên sẽ có những cuộc "kiểm điểm, phê bình" mà chúng tôi gọi là những "buổi tối ngồi đồng" để từ đó hy vọng lòi ra một vài cái "tội". Đội nào khôn ngoan thì cứ ngồi im, ai "phê" thì cứ mặc, còn cãi là còn "ngồi đồng". Đi làm suốt một ngày mệt mỏi đến thở không ra, tối về còn ngồi đồng, còn "phê bình" còn "kiểm thảo" thì chịu sao nổi. Nay "làm chưa xong" thì mai lại ngồi tiếp, ngồi cho đến khi nào tìm ra tội mới thôi. Tội nặng, tội nhẹ tùy theo tình hình của từng thời điểm.

Thời điểm "căng" thì vào nhà kỷ luật đặc biệt nằm "treo một chân", thời điểm nhẹ nhàng thì cảnh cáo, ghi tội vào biên bản. Và họ sẽ có những biện pháp an toàn như chuyển đổi năm bẩy anh từ đội này sang đội khác để phòng tránh những chuyện thông đồng, những tổ chức, những phe nhóm có thể gây nguy hại đến an ninh của trại tù.

Chung quy đó chỉ là một cách đào xới tung cái tinh thần "tưởng rằng yên ổn" của mấy anh "trại viên" còn tỏ ra cứng đầu, còn có mưu toan lôi kéo người này người kia vào trong phe mình để từ đó có những yêu sách hoặc toan tính bất lợi cho trại tù. Quả là mỗi lần như thế trại tù cũng rối tung lên và làm cho những anh yếu bóng vía thường phải sống dựa vào tinh thần bè bạn càng thêm rụt rè, chẳng biết tin vào ai được nữa. Nhưng riết rồi trò gì cũng thành quen và đối với một số người "chẳng có gì để mất" thì họ trơ như đá, muốn làm gì thì làm, chỉ có cái thân tù đói này thôi, sống cũng được mà chết cũng chẳng sao.

Có lẽ tôi cũng đã học tập được cái tinh thần ấy của những anh bạn trẻ, bởi tôi cũng chẳng có gì để mất. Vợ con nhà cửa đều đã mất tất cả rồi, chẳng có gì phải lo. Đôi khi tôi sống tưng tưng, ông anh rể ở Sàigòn gửi cho cái gì thì nhận cái nấy. Và một sự thật không thể quên là nếu không có ông anh rể tốt bụng đó thì tôi cũng đã trở thành một thứ "caritas" như một số anh em ở trong trại tù rồi. Tức là những người chẳng có ai thăm nuôi.

Những bà vợ đau khổ với những gia đình đói rách lầm than, họ lo cho chính họ còn không xong thì lấy gì đi "thăm nuôi" người ở trong tù mà lại tù ở tuốt tận miền Bắc xa tít mù tắp. Thậm chí có người còn vui mừng khi thấy vợ mình bước đi bước nữa với một anh nào đó đưa các con ra được nước ngoài. Tôi nói thế để chứng minh rằng không nên trách cứ bất kỳ một ai trong hoàn cảnh cay nghiệt này. Theo tôi thì những anh "mồ côi" không ai thăm nuôi trong trại tù mới chính là những anh hưởng trọn vẹn được cái "thú đau thương".

III. Trở lại chuyện buổi sáng tinh mơ
, khi toán lính chạy sồng sộc vào trại. Đó là một buổi sáng cuối mùa đông, trước Tết âm lịch chừng vài ngày. Đây cũng là biện pháp an ninh thông thường của các trại tù trước những ngày lễ tết lớn. Tôi thảnh thơi theo đội đi làm ở ngoài đồng. Tôi vẫn cứ yên trí rằng chẳng có gì để mất, chẳng có gì quan trọng.

Vào mùa đông cái thứ quan trọng nhất chỉ là rau. Mùa này thiếu rau đến… khô quắt cả dạ dày, rau muống bầu bí không trồng được, chỉ còn rau cải và trồng cải thì lâu ăn và năng suất không cao, cho nên có được tí rau là hạnh phúc nhất. Tôi ngồi lê la trước mấy luống xu hào, đó là thứ "thực phẩm cao cấp" nhất trong khu vườn rau của toàn đội. Những củ xu hào bắt đầu to hơn nắm tay nằm tròn trĩnh dưới những tàu lá xanh mượt mà, tôi trông coi chúng vì cái công sức tôi bỏ ra hơn một tháng trời. Tôi coi chúng cũng như một tác phẩm nào đó mà tôi đã từng viết ra, ở đây không có gì để coi như tác phẩm thì coi nó là tác phẩm vậy, để có cái mà thú vị và để có cái mà quên đi những thứ quanh mình.

Cứ như thế tôi tha hồ đặt tên từng luống xu hào, có khi là một cái tên nghe có vẻ "lả lướt" như tôi đã gặp ở phòng trà tiệm khiêu vũ, có khi là một cái tên rất dung tục. Âu cũng là một trò "nghịch ngầm" giữa vùng rừng núi âm u, hầu như không có mặt trời mùa đông này. Nhưng tôi biết rằng trò chơi của tôi sẽ phải chấm dứt trong một hai ngày nữa. Bởi Tết đã đến, dù 12 luống xu hào còn non chưa đến ngày "thu hoạch" nhưng cần thức ăn trong ba ngày Tết nên họ sẽ nhổ. Nếu tù không ăn thì cai tù ăn, chứ không đời nào họ chịu để đến mùa xuân. Nhưng vui chơi được giờ nào hay giờ ấy trong cuộc sống phù du này.

Buổi trưa về đến trại, trong khi bạn bè xung quanh đang xôn xao, kẻ bị tịch thu cái này, người bị mất cái kia thì tôi vẫn nhởn nhơ vì tôi chẳng có gì để mất. Tôi xách tô đi lấy cơm, gọi là phần cơm, nhưng thật ra chỉ có đúng một bát bo bo tương đối khá đầy đặn. Tôi ăn thì tạm lưng lửng, nhưng những người bạn tôi thì không bao giờ đủ. Họ thường nói "Vừa ăn xong mà vẫn cứ tưởng như mình chưa ăn". Cái đói cứ lửng lơ mãi ngày này qua ngày khác, thế mới là khó chịu. Có những ông bạn tôi ăn theo cái kiểu câu dầm, tức là lấy cái muỗng tre nhỏ xíu, hoặc một cái gì đó lớn hơn cái đầu đũa, múc từng muỗng ăn rả rích suốt ngày để có cảm tưởng lúc nào cũng được ăn, nó làm lu mờ cái cảm giác đói, đó là cách tự đánh lừa mình.

Tôi cũng "ăn dè hà tiện" nhưng tôi ăn bằng muỗng. Cái muỗng rất đặc biệt bằng inox hẳn hoi, có chạm trổ tinh vi và luôn được chùi rửa sáng bóng. Nhưng sáng nay, được chia hai củ khoai lang ăn sáng nên tôi để cái muỗng ở nhà. Tôi thường cất nó vào trong chiếc lon Guigoz – một loại vỏ hộp sữa được chế biến thành đồ dùng rất thông dụng và nhiều lợi ích của hầu hết những anh tù, nó có thể dùng "trăm công ngàn việc" từ đựng các loại thức ăn, thức uống đến đun nấu, câu móc, đựng mắm muối, chứa đồ để dành, tắm rửa đánh răng, rửa mặt. Nhưng hôm nay thì cái muỗng biến mất, tất nhiên là nó đã bị tịch thu trong buổi khám xét trại sáng nay.

Đây là thứ "gia bảo" tôi đã cất giấu nó suốt mấy năm nay chưa hề lơi lỏng. Nó luôn nằm sát bên tôi, lúc đi lao động cũng như khi nằm ngủ. Có thể ví như cái nạng của một anh què, cái gậy của ông lão chín mươi, một thứ đã thành thói quen bám vào cuộc sống.

Sau một buổi trưa mưu toan tính kế, chiều hôm đó tôi quyết định đến gặp Dực, anh chàng trưởng ban thi đua của trại. Dực cũng chỉ là một "trại viên", nhưng trước đây anh ta là cán bộ, "thoái hóa tiêu cực" sao đó nên bị đi tù. Những anh cán bộ và quân nhân trong trại tù thường được gọi là "phạm binh phạm cán" tức là tội phạm thuộc binh sĩ hoặc cán bộ cũ. Họ có một chế độ đãi ngộ riêng và thường được dùng vào trong các công việc cần đến sự tin cậy của giám thị.

Bữa khai lý lịch, thấy tôi khai là dân huyện Quỳnh Côi, tỉnh Thái Bình, Dực liền hỏi quê quán và nhận là người cùng quê. Một lần Dực dẫn chúng tôi đi lấy quần áo ngoài trại chính, qua khoảng đồi núi quanh co, anh ta chỉ tay lên mảng cây cối thưa thớt, nói với tôi rằng "cậu huyện Nhụ nằm ở đó".

Tôi hỏi anh có họ hàng thế nào với ông Huyện Nhụ, anh ta nói là cháu gọi ông Nhụ bằng cậu, nhưng gia đình cụ Nhụ vào Nam còn gia đình anh vốn là nông dân nên ở lại miền Bắc.

Cụ Nguyễn Mạnh Nhụ trước năm 75 làm chánh án ở tòa án Sài Gòn và tôi nghe nói là cũng có họ hàng với gia đình tôi, nhưng là họ xa. Cụ làm tri huyện từ khi còn rất trẻ. Sau này tôi có gặp cụ vài lần. Tôi kể cho Dực nghe đôi ba chuyện về cuộc sống của cụ huyện Nhụ khi còn ở Sài Gòn. Sau này đi "cải tạo" cụ mất ở trại này. Dực nói là trước khi cụ chết, cụ chỉ thèm được ăn một cái bánh dò. Dực nhắn người nhà ở Thái Bình khi đi thăm nuôi thì ghé qua Hà Nội mua lên vài cái, nhưng khi bánh dò mang lên thì cụ mất rồi.

Từ đó, đối với tôi, Dực có phần dễ chịu hơn. Nhưng dĩ nhiên cái khoảng cách giữa một bên là "ngụy" một bên là "cán" thì khó mà san lấp được...

Nhưng hôm nay thì tôi cần đến hắn. Suốt buổi trưa tôi không gặp được Dực. Cho đến hai hôm sau, khi trại đã xôn xao chuẩn bị cho những ngày Tết tôi mới gặp được Dực. Trong khi đó tôi dò hỏi mấy tay làm văn hóa xem những thứ bị tịch thu còn để trong phòng thi đua không. Họ nói còn để trong kho lẫn lộn với những thứ đồ dùng khác. Tôi mang cho Dực một ít thuốc đau dạ dày của ông anh tôi gửi vào. Rất may cho tôi là hắn cũng bị đau dạ dày. Mà cái thứ thuốc trị bệnh dạ dày ở miền Bắc hồi đó chỉ là tí mật ong trộn với nghệ nên không công hiệu. Tôi có thứ thuốc "cao cấp" hơn là Maalox, uống vào là cơn đau dịu xuống ngay. Thuốc Mỹ đàng hoàng, người ta ghét Mỹ nhưng thuốc của nó tốt thì cứ thích, có sao đâu.

Tôi gạ chuyện để xin lại cái muỗng. Dực trợn mắt:

- "Anh làm cái gì mà cần cái muỗng đến thế? Bây giờ để trong kho, chui vào đấy mà trực trại nó biết thì tôi vào
nhà đá."
Tôi nằn nì:

- "Đấy là đồ gia bảo của tôi đấy. Anh biết không, tôi mất nhiều thứ lắm, một cái bằng lái xe ba dấu, một cuốn tự
điển. Nhưng tôi không cần, chỉ cần cái muỗng thôi."
Dực nhìn tôi nghi ngại:
- "Hay là mày giấu tiền trong đó?"
Dực hơn tôi hai tuổi nên hắn có gọi tôi bằng mày tôi cũng không tự ái, mà dù hắn có kém tôi vài ba tuổi mà lúc đó gọi tôi bằng mày tôi cũng cho qua luôn.
- "Cái muỗng đặc và nhỏ như thế làm sao giấu tiền được?"
Dực nửa đùa nửa thật:

- "Bọn mày thì lắm trò lắm, cái gì chúng mày chẳng làm được. Chưa biết chừng mày giấu cả cái máy quay phim
trong đó cũng nên. Tao nghe nói mày có sách làm phim phải không?"

- "Đúng, nhưng là tôi viết truyện rồi người ta lấy làm phim chứ tôi biết cái cóc khô gì."

- "Vậy sao mày chỉ đòi lấy cái muỗng, mày mua chuộc tao bằng hai vỉ thuốc đau dạ dầy, không bõ. Khéo không
chết cả đám. Tao không chơi."
Tôi thất bại, nhưng vẫn không chịu bỏ cuộc. Chiều hôm đó, Dực lại được lệnh phải làm một cái phòng đọc sách vào dịp Tết. Tôi đang loay hoay dán mấy cành hoa đào lên tấm phông trên hội trường thì Dực kéo tôi xuống. Nó bảo tôi đi khuân sách trên thư viện về hội trường, kê bàn ghế, trang trí thành khu đọc sách báo trong ba ngày Tết cho ra vẻ "có văn hóa". Nhưng nếu coi thư viện thì không được ăn tết ở phòng mà phải ngồi trực ở hội trường. Tôi nhận lời ngay dù biết rằng sẽ mất cái thú dự những ngày Tết với anh em trong phòng và mất cái thú ngồi đánh mạt chược bằng những con bài gỗ do chúng tôi tự làm lấy.

Thế là tôi lại có dịp lân la nói chuyện với Dực về cái muỗng của tôi. Dực vẫn nghi ngờ rằng tôi có cái gì giấu trong đó. Tôi đành kể cho Dực nghe:

- "Buổi sáng hôm tôi phải đi "học tập cải tạo", vợ tôi chuẩn bị một số đồ dùng hàng ngày đưa vào túi xách. Đứa con gái của tôi, khi đó mới hơn ba tuổi, thấy mẹ nó bỏ vào túi xách nào là quần áo, khăn mặt, thuốc men… nó đang ăn sáng, cũng bỏ vào xách tay của tôi cái muỗng nó đang ăn và dặn: "con cho bố mượn, khi nào bố về, phải trả lại cho con đấy".

Tôi ôm con gái gật đầu hứa khi về bố sẽ trả. Nhưng quả thật tôi vẫn nghĩ chẳng bao giờ tôi trả lại được cho nó. Lần chia tay này có thể là vĩnh viễn… Chúng tôi ngậm ngùi chia tay, không thể hẹn được ngày về vì có biết ngày nào về đâu mà hẹn!

Thế là từ đó, cái muỗng theo tôi suốt trong những bữa ăn, suốt trong những giấc ngủ. Hình ảnh con gái và gia đình tôi hiện lên qua cái muỗng đó. Tôi vẫn đánh lừa tôi rằng tôi đang được ăn bên con gái, bên những người thân. Dù tôi biết rất rõ sự lừa dối ấy là một niềm ước vọng không bao giờ thành hiện thực, nhưng vậy mà đôi lúc tôi cũng thấy ấm lòng.

Nghe câu chuyện ấy, Dực tỏ ra chần chừ, nhưng hắn vỗ vai tôi:

- "Thôi được, nếu đã là như thế thì tôi giúp cậu. Tối nay, khi ngồi coi phòng đọc sách, tôi sẽ giữ phần bánh chưng lại cho cậu, tôi sẽ gọi cậu xuống phòng thi đua cho cậu ngồi ăn ở đó, trong khi tôi gọi ban thi đua lên phòng hội thì tôi giả vờ để quên chìa khóa kho. Cậu mở cửa vào lấy, có gì thì cậu chịu trách nhiệm. Nó mà vớ được thì ‘kỷ luật’ suốt cái Tết này đấy, chưa biết chừng suốt mùa xuân."

Chẳng còn cách nào khác, tôi đành làm theo cách "ăn trộm" này. Tối đó tôi mở khóa mò vào gian nhà kho. Ánh điện từ nhà ngoài hắt vào, vừa đủ soi sáng cái đống hầm bà làng đủ thứ đồ dùng lặt vặt vừa bị thu mấy hôm trước. Tôi sục ngay vào cái đống linh tinh đó, quả là những anh bạn tù của tôi có lắm trò chơi thật.

Thôi thì đủ thứ, cái điếu cày được làm bằng những ống hỏa châu hoặc những cáng băng ca được cắt ngắn, chạm trổ rồng phượng, khắc gọt rất tinh vi. Những cái trâm cài đầu, những cái lược cho con gái hay cho người yêu, làm bằng nhôm được khắc những cái tên "Hồng Hoa, Bích Phượng, Thúy Hường…" nghe nao cả lòng. Những con dao nhỏ xíu, những cái muỗng gò bằng tôn cũng có hoa lá cành xinh xắn. Tất cả những cái gì bằng sắt đều nằm gọn ở đó.

Sách vở tiếng Anh tiếng Pháp và đủ thứ giấy tờ lộn xộn. Cái mà tôi kiếm được trước tiên lại là cái bằng lái xe của tôi. Tôi không dại gì mà không đút vào túi, dù chẳng biết để làm gì. Tôi lại hì hục lục tiếp, vừa hồi hộp vừa phải thật nhanh tay, tôi đâm ra lính quýnh. Dù chỉ một tiếng động nhỏ cũng khiến tôi giật mình. Cái muỗng của tôi vẫn chưa tìm thấy. Ruột nóng như lửa đốt, tôi bới tung hết cả cái đống ấy và đâm hốt hoảng nếu cái muỗng không còn ở đó nữa. Nhưng may quá, cái muỗng kia rồi, nó nằm dưới cuốn sách dày cộm của "thằng chết tiệt" nào đó. Nó chỉ thò ra có mỗi cái đuôi, tôi cũng nhận ra nó ngay. Lúc đó tôi có cảm tưởng như "con có ở xa hàng cây số thì bố cũng cứ nhận ra con như thường".

Tôi vồ lấy nó như sợ bị người ta giật mất. Tôi nhìn cái hoa văn chạy dọc theo cán muỗng mà tôi đã quá thân thuộc như chính cái nét mặt con gái tôi khi nó "nhí nhảnh" đưa cái muỗng vào trong túi xách. Nó vẫn cứ tưởng là một chuyện vui, bố đi chơi rồi mai bố về. Ừ thì vui. Tôi cười trong nụ cười mếu máo của mẹ nó và trong nụ cười hồn nhiên của nó. Không hiểu sao trong lúc gay cấn như thế mà hình ảnh xưa lại hiện lên rất nhanh như một ánh chớp. Tôi vọt ra khỏi phòng khóa cửa lại, biến nhanh vào bóng tối trên con đường về "khu biệt kích". Thoát nạn! Cái Tết ấy tôi lại được vui chơi với cái muỗng của tôi, dù tôi đã phải hy sinh suốt ba ngày, trong khi mọi người được nghỉ ngơi thì tôi cứ phải quanh quẩn trong cái "phòng đọc sách" chẳng có ma nào thèm ngó đến ấy.

Những dịp nghỉ ngơi như thế cũng hiếm hoi như chuyện được ăn một bữa cơm đúng là cơm chứ không phải khoai sắn hay bo bo. Nhưng quả là tôi thấy hạnh phúc dù ngồi thui thủi một mình. Tôi có cái muỗng rồi, còn cần gì vui chơi nữa. Đó chính là mùa xuân của tôi.

Nhưng không phải đó là một lần duy nhất tôi phải "cứu lấy" cái vật gia bảo của mình. Hai lần sau cũng tương tự, cũng bị tịch thu rồi cứu lại được cứ như sắp ra pháp trường rồi lại được cứu. Chỉ tiếc rằng người cứu tôi không phải là người bạn đồng minh đã từng chiến đấu với các đồng ngũ của tôi trong những năm qua, người đồng minh đó đã "gan dạ" cuốn cờ chạy nhanh và chạy xa quá rồi. Thôi thì tôi tự cứu lấy cái muỗng của tôi vậy.

Một lần khác, tôi lội qua con suối sau cơn mưa lớn. Chỗ chúng tôi làm phải đi qua một con suối, gọi là suối lạnh. Bình thường nó cạn, dòng nước trong vắt dịu dàng trôi lờ lững trên những tảng đá xanh. Chúng tôi thường dùng nơi này làm bến tắm. Nhưng cứ có một cơn mưa lớn là nước từ những triền đồi vây quanh bốn hướng ào ạt đổ xuống, chỉ cần nửa giờ sau là con suối trở nên hung hãn, nước chảy cuồn cuộn và mang theo những cành cây, những khúc gỗ lao băng băng. Chúng tôi phải gấp rút lội qua con suối trở về trước khi con suối trở thành hung dữ. Sang gần tới bờ bên kia, tôi loạng chọang làm đổ cái túi đồ đựng những thứ lặt vặt trong đó có cái muỗng. Ở đây tôi thuộc từng khe đá nên tôi không ngần ngại nhoài người xuống mò. Anh bạn nhảy dù, la lên:
- "Bộ ông điên sao?"
Tôi điên thật, hy vọng mình mò được. Nhưng nước chảy xiết quá tôi lại thua. Anh bạn nhảy dù trẻ, què một tay vì bị thương ngoài chiến trường, rất hiểu tôi nên anh đi xa hơn một chút và khom người xuống, thò một tay ra cái khe hòn đá là tìm được lại cho tôi được cái muỗng. Đôi mắt anh rất tinh, anh mỉm cười:
- "Tôi biết ông mất cái gì rồi."IV. Chuyện trớ trêu là hơn 12 năm sau, tôi đã trở về, nhưng chưa trả lại cái muỗng cho con tôi được vì mẹ con nó đã vượt biên, định cư ở nước ngoài. Hơn hai mươi năm, tôi chưa hề gặp lại con gái tôi. Tính đến năm nay là 27 năm, con gái tôi đã 30 tuổi. Ngày 29 tháng 9-2002 vừa qua, cháu đã lập gia đình ở Miami Florida.

Nhận được thiệp báo tin, tôi không biết mình vui hay buồn. Hình như không phải là vui hay buồn mà là một thứ cảm giác kỳ lạ cứ lơ lơ lửng lửng lẫn lộn. Chú thím nó và các anh chị nó ở Mỹ đều hẹn nhau đi dự đám cưới. Tôi thì không, chẳng hẹn hò được điều gì cả và chẳng làm được cái gì cả. Tôi có cảm giác như mình thừa. Rất may là trước ngày đám cưới, cô chú nó về Sàigòn, chính tay tôi gửi được tấm thiệp mừng con gái. Tôi gửi theo cái muỗng trả lại cho con gái tôi như lời hứa 27 năm về trước. Vật đó có thể thay cho sự có mặt của tôi không? Tôi không biết. Nhưng tôi chỉ nghĩ rằng gửi cho cháu để cháu hiểu rằng lúc nào tôi cũng coi như cháu còn nhỏ lắm, như mới hôm qua hai bố con còn ở bên nhau. Tôi đi chơi đâu đó và hôm nay trở về. Nhưng cháu đã đi xa và tôi còn ở lại Sàigòn, nơi nó đã sinh ra. Cháu sẽ nghĩ gì, tôi không biết.

Nhưng vài hôm sau thì có một điều tôi biết rất rõ là từ khi cái muỗng được gửi đi, tôi cảm thấy trống trải như mất mát một cái gì, xa vắng một cái gì thân thiết hàng ngày ở bên mình. Tôi cho rằng nó cũng giống như cái cảm giác của những ông bố bà mẹ khi cho con gái mình đi lấy chồng xa. Nỗi buồn lâng lâng bay chập chờn khắp nơi. Nhưng đó chính là sợi dây vô hình nối liền mãi mãi tình thương yêu dù ở bất kỳ nơi nào trên hành tinh này. Cuối cùng người ta chỉ còn lại cái tình. Cái tình ấy dù gửi đi tới đâu cũng vẫn còn lại, đôi khi lại mạnh mẽ và sâu sắc hơn, chỉ khi nào người ta tự đánh mất nó thì nó mới mất mãi mãi. Tôi chắc chẳng ai dại gì làm mất cái thứ báu vật đó trên đời không gì có thể so sánh được.

Lẽ ra chuyện này tôi đã viết ngay từ tháng 9/2002 nhân dịp cháu lập gia đình. Nhưng tôi ngồi mãi trước computer, không gõ được chữ nào, đầu óc lung tung. Dường như khi cảm xúc quá đầy, người ta không thể làm gì được ngoài việc cứ để cho nó tuôn trào lênh láng như ngồi dưới cơn mưa. Không nghĩ ngợi gì cả, không làm gì cả, cứ ngửa mặt lên cho mưa đầy mặt, thế thôi! Đúng là chuyện của người thì nhanh mà chuyện của mình thì nghẹn. Mãi đến hôm nay tôi mới ghi lại được những dòng chữ này, nhưng tôi cho rằng chẳng bao giờ muộn vì nó là thứ chuyện của cả một đời hay là của muôn đời.

Văn Quang
 

Một Chút Trong Cuộc Đời



Tàu Đêm Năm Cũ

Tác giả : Trúc Phương
Trình bày : Hoàng Nhật Thơ

Tám Điệp Khúc

Tác giả : Anh Việt Thu
Trình bày : Hoàng Nhật Thơ

Saturday, August 27, 2011

Bài Nhạc "Nỗi Lòng Thương Binh"


Đêm Tình Thương
Gây quỹ giúp anh em TPB.VNCH nơi quê nhà.
Detroit, Michigan 2008

     "Đêm nay thời gian đứng im lắng đọng, cho đôi tình nhân đắm trong giấc mộng ...", câu mở đầu bài hát "Đường xa ướt mưa" của nhạc sĩ Đức Huy thật sự đã đứng im lắng đọng trong tâm hồn tôi đêm nay ... nhưng không có đôi tình nhân đắm trong giấc mộng mà chỉ có mình tôi nằm thao thức trên chiếc sofa nơi phòng khách. Thời gian lặng lẽ trôi trên chiếc đồng hồ đã một giờ khuya, nhìn ra đường không một bóng dáng chiếc xe qua lại, màn đêm được phủ một màu trắng của những "hoa tuyết" đang rơi giăng kín đất trời, không gian chung quanh không một tiếng động ... thời gian như ngừng trôi ... một đêm Đông viễn xứ buốt giá tâm tư ... sắp đón thêm một cái tết tha hương quặn đau lòng cô lữ ... chỉ còn một tháng là bước sang năm mới, 2005 âm lịch.

     Tôi cuộn mình trong chiếc chăn tận hưởng thú "cô đơn" tuyệt vời giữa hơi nóng của máy sưởi hòa trong thời tiết lạnh buốt của mùa đông băng giá ... đưa mắt nhìn trần nhà, tôi nghĩ đến ba triệu người Việt bị làn sóng đỏ "Tháng Tư Đen" xô đẩy trôi giạt, phải khoác manh áo tị nạn sống đời tha hương khắp mọi nẻo đường "Tự Do" trên thế giới. Cuộc sống mới trên đất khách dù đã trôi qua ba mươi năm nhưng vẫn là cuộc sống mới của những kẻ mất quê hương ... Tùy vào khả năng tài chính, việc làm hoặc vì bất cứ một lý do riêng tư của mỗi người ... Người thì mua nhà, người mướn nhà, apartment hoặc "share" phòng ... dù sao đi nữa, chúng ta cũng có một nơi nương náu phủ che "mảnh đời tha hương" trong những đêm lạnh giá, gió mưa, giông bão ... còn những "mảnh đời thống khổ" trên quê hương nói chung, những "mảnh đời bất hạnh" TPB.VNCH nói riêng ... thì sao đây ...! Họ không có được một cái chòi để trú mưa, che chắn bão giông ... chiếc lá rách càng rách nát thêm ... chiếc lá tả tơi càng tơi tả thêm kể từ khi "được" những bộ óc ngu đần kinh niên của lũ "đỉnh cao trí tuệ" "giải phóng" xuống tận cùng vực sâu thống khổ ... tiến nhanh, tiến mạnh, tiến thoi thóp lên chót vót đỉnh tang thương ...

     Họ đi về đâu giữa cái thiên đàng xiềng xích phủ lá cờ máu bị cai trị bởi một lũ quỷ đầu thai đội lốt người trơ trẻn, man rợ, dã man, độc ác khoác chiếc áo "giải phóng" nhuộm đầy máu của dân Việt. Bầu trời quê cha bao la nhưng họ không có một khoảng không gian nhỏ hẹp để hít thở không khí tự do ... đất mẹ rộng thênh thang muôn ngàn lối đi, vạn nẻo đường nhưng họ không có một góc tự do kể từ "Tháng Tư Đen" tang tóc cả quê hương. Những đêm gió mưa giông bão ... người thì khập khểnh bước vào khép nép nơi góc phố, mái hiên ... người thì cố lết lê vào góc cây bên ven đường ... người đang khập khểnh tiếng nạng gỗ tang thương, kẻ lê đôi mông xót xa trên đường vắng ... Cơn mưa khuya lạnh buốt nhẫn tâm trút xuống những "mảnh đời bất hạnh" hay những giọt lệ trời tuôn rơi, tắm mát, xót thương người ngã ngựa ...!

     Hai giọt lệ hiện ra nơi khóe mắt của tôi ... rồi từng giọt lệ nóng theo nhau lăn dài thành một giòng nước mắt xót xa những chiến hữu đã đem một phần thân thể ghép vào hai chữ "Tự Do" cho Miền Nam Việt Nam suốt chiều dài cuộc chiến ... giờ đây phải hứng chịu sự tang thương trên đỉnh tang thương. Trong mắt tôi hiện ra hình ảnh những anh em TPB đang lết lê trong cơn mưa bão, trong tâm tư tôi hiện ra dòng chữ  "Đêm nay trên đường phố thênh thang, một mình tôi giòng nước mắt tuôn tràn ...", tôi vội ngồi dậy ghi lại những dòng chữ đó để sáng dậy đem niềm cảm xúc đêm nay và tâm tư viết bài nhạc. Tôi học nhạc qua bạn bè và tìm tòi thêm trong sách vở, vì thế căn bản nhạc lý của tôi rất nghèo nàn trong khi chỉ còn một tháng nữa là bước sang năm mới theo âm lịch cho nên tôi cố viết để kịp hát trong Hội chợ Tết Nguyên Đán 2005 được tổ chức tại thành phố Cincinnati, tiểu bang Ohio ... Tôi viết nơi làm việc, viết trong buổi ăn, trong lúc lái xe, viết ngay cả lúc đang tắm, viết bất cứ lúc nào tôi có thể ngoại trừ trong giấc ngủ, khi thì viết vào máy computer, khi thì viết trong đầu ... trong hai ngày, tôi đã tạm viết xong bài nhạc và dùng cây đàn guitar khều khều để lấy "tone", tôi hát thì thầm, hát trong đầu giống như thời gian viết nhạc để xem ổn chưa ... sau đó tôi gọi cho ban nhạc để dợt và tôi đã hát trong dịp Tết Nguyên Đán 2005, niềm cảm xúc dâng trào thành những giọt lệ rơi vào tâm tư để trở thành những nốt nhạc "Người Thương Binh Đêm Giao Thừa".

     Đầu tháng tư 2005, ban nhạc gọi tôi cuối tuần đến tập dợt để hát trong đêm tưởng niệm Quốc Hận lần thứ 30, tôi chỉ dợt với ban nhạc một bài "1954 Cha bỏ Quê_1975 Con bỏ Nước" của nhạc sĩ Phạm Duy. Người trưởng ban nhạc yêu cầu tôi hát thêm một bài nữa, tôi trả lời :
_Thôi, một bài được rồi, đâu biết bài gì nữa thích hợp với chủ đề Quốc Hận, các bài khác thì có các anh chị em ca sĩ lãnh phần rồi.
Trưởng ban nhạc nói tiếp :
_Hay là anh Thơ hát thêm bài "Người Thương Binh Đêm Giao Thừa" đi.
_Bài hát đó về Tết không phù hợp với chương trình Quốc Hận đâu.
_Đâu có sao, bài hát đó hay và có ý nghĩa mà.
Thế là tôi dợt thêm bài "Người Thương Binh Đêm Giao Thừa", tôi vừa hát vừa suy nghĩ phải đổi lời bài hát một chút cho phù hợp với chủ đề 30/04. Sau khi dợt xong, tôi đến ngồi một mình ở cái bàn trống để suy nghĩ ... tôi lướt qua trong đầu từng chữ của bài nhạc, tôi nhận thấy nguyên văn bài nhạc không cần sửa đổi ngoại trừ hai câu chót :
"Nơi hè phố, tôi khóc đón xuân sang ... xuân vừa sang, tôi gục ngã bên đường."
Khoảng mười phút sau, tôi đã tìm được ý mới để thay thế hai câu đó, tôi đến gặp ban nhạc xin được dợt lại. Khi tôi vừa dợt xong thì người trưởng ban nhạc hỏi :
_Anh Thơ mới sửa lời bài hát hở ?
Tôi trả lời ngắn gọn :
_Ừ.
_Anh sửa lúc nào ?
_Mới sửa cách đây khoảng 10 phút.
Tôi đã sửa hai câu đó lại như sau :
"Tim rỉ máu, tôi nhớ tháng tư xưa ... ngày ba mươi, máu nhuộm đỏ quê nhà" và tôi cũng đổi tên bài hát thành "Nỗi Đau Ngày Quốc Hận".

     Thời gian chầm chậm trôi trong cuộc sống nhưng vụt lướt qua rất nhanh trong đời người ... Tháng 5/2008, anh em trong Hội Cựu Quân Cán Chính VNCH tại thành phố Detroit, tiểu bang Michigan mời tôi đi tham dự Ngày Quân Lực 19/06 và yêu cầu tôi hát một bài trong phần văn nghệ "Đêm Tình Thương" sau buổi lễ để gây quỹ giúp anh em TPB còn kẹt lại trên quê hương. Tôi nhận lời ngay và xin được đóng góp chút ý kiến với chị trưởng ban văn nghệ :
_Để phần văn nghệ gây quỹ giúp anh em TPB được thêm phong phú, ý nghĩa hơn và cũng để đưa hình ảnh "những mảnh đời bất hạnh" đi sâu vào lòng khán thính giả ... tôi sẽ đóng vai và hát một bài nói về người thương phế binh ... Chị tìm cho tôi một người nữ hát giọng miền Nam bài "Chiều Qua Phà Hậu Giang" để kết hợp với bài hát của tôi thành liên khúc "Thương Phế Binh"
_OK, chị sẽ tìm.
Ngày hôm sau, chị gọi tôi và báo tin vui là chẳng những tìm được một người nữ mà còn có thêm một nam ca nhạc sĩ sẽ hát một bài nhạc về thương binh trong liên khúc TPB.
Tôi dặn chị tìm cho tôi một cây nạng gỗ và sắp xếp với chị về nhạc cảnh liên khúc thương binh đó như sau :
_Tôi sẽ đóng vai thương binh cụt tay hát bài "Nỗi Đau Ngày Quốc Hận", sau đó thì cô ca sĩ Kim Tài bước ra hát tiếp bài "Chiều Qua Phà Hậu Giang" và sau cùng là ca nhạc sĩ Việt Hải vừa đàn vừa hát bài "Giữa Xứ Người ... Tôi Hát Tên Anh".

     Lần đầu tiên tôi đóng vai người TPB.VNCH và hát trong đêm văn nghệ gây quỹ, dù bài hát và nhạc cảnh không diễn tả được trọn vẹn sự thống khổ và nỗi lòng của anh em TPB nhưng tôi thật sự đã nhập vai những mảnh đời bất hạnh, đôi lúc tôi nghẹn ngào trong lời ca tiếng hát ... tôi cảm động rưng rưng nước mắt khi nhiều khán giả đã lên tận sân khấu ủng hộ tài chánh.

     Buổi văn nghệ "Đêm Tình Thương" thành công tốt đẹp trên hai phương diện tinh thần và tài chánh, kết quả mỹ mãn vượt qua sự ước mong của Ban Tổ Chức và cũng trong đêm văn nghệ này, tôi đã đổi tên bài hát một lần nữa cho phù hợp với chủ đề.

     Bài nhạc "Người Thương Binh Đêm Giao Thừa" ra mắt lần đầu tiên trong dịp Tết 2005 rồi trở thành "Nỗi Đau Ngày Quốc Hận" trong đêm văn nghệ tưởng niệm Quốc Hận lần thứ 30 và sau cùng trở thành "Nỗi Lòng Thương Binh" trong "Đêm Tình Thương" tại thành phố Detroit, Michigan năm 2008.

     Tôi không phải là nhạc sĩ, những lời nhạc trong bài hát được hình thành từ tâm tư, niềm cảm xúc của một "Người Lính VNCH" may mắn thoát khỏi cái thiên đường cộng sản ; Mỗi một nốt nhạc là một giọt nước mắt của một "KBC" trôi giạt đến bến bờ Tự Do. Tâm tư, niềm cảm xúc và những giọt lệ đã kết tụ lại thành nhạc phẩm "Nỗi Lòng Thương Binh" ... thân thương kính tặng các anh em TPB.VNCH như một sự tri ân những anh hùng QLVNCH đã đem một phần thân thể ghép vào hai chữ Tự Do cho Miền Nam Việt Nam trong suốt chiều dài cuộc chiến và hiện đang lê lết tang thương, thống khổ bên lề cõi sống dưới đôi dép râu "giải phóng" trong thân phận một người mất nước ngay chính trên Quê Hương Mẹ Việt Nam.

Ngày 26/08/2011
Hoàng Nhật Thơ  


Ngày xưa chiến đấu oai hùng,
Ngày nay nửa tỉnh nửa khùng lang thang,
Quê hương lịch sử sang trang,
Đời tôi lê tấm thân tàn ăn xin.

     Đêm nay trên đường phố thênh thang, một mình tôi giòng nước mắt tuôn tràn, thân tàn phế lê kiếp sống lang thang, không người thân ... bạn bè ở nơi đâu ...
     Ba mươi lăm năm*, tôi buồn khóc quê hương, quê mẹ tôi giờ lắm nỗi đoạn trường. Ôi thành phố ... ôi đất nước tan hoang ... Sài Gòn xưa giờ đã đổi tên rồi.
     Ôi một ngày ba mươi đó, chiến tranh tàn gieo tang tóc thê lương. Người chiến binh tự sát không quy hàng, khắp xóm  làng hằng vạn người phơi thây.
     Ôi một ngày ba mươi đó, kiếp lao tù không có bữa ăn no, ngày đem thân cày thay thế trâu bò, đêm tối về đói lạnh nằm co ro.
     Sương khuya (Mưa rơi) rơi lạnh buốt thân tôi, đi về đâu thành phố đổi tên rồi. Tim rỉ máu, tôi nhớ tháng tư xưa, ngày ba mươi máu nhuộm đỏ quê nhà.

26/08/2011
Hoàng Nhật Thơ

*câu nguyên thủy của bài hát là "ba mươi năm, tôi buồn khóc quê hương ..."
Tôi thay đổi theo mỗi năm đi hát (30, 31, 32, 33, 34, 35 năm ....)

Thursday, August 25, 2011

Thêm một chiến sĩ đấu tranh bị cầm tù.

Thêm một chiến sĩ đấu tranh bị cầm tù




Ông Lư Văn Bảy trong phiên xử tại Toà án Kiên Giang hôm 22/08/2011

Hôm 22/08/2011, Tòa án tỉnh Kiên Giang đã xử ông Lư Văn Bảy 4 năm tù, 3 năm quản chế với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước CHXHCNVN”.

Ông Lư Văn Bảy năm nay 59 tuổi, ngụ tại thị trấn Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang. Theo cáo trạng của phiên tòa Kangaroo, không có luật sư bào chữa, ngoài gốc gác là một quân nhân thuộc binh chủng Không quân QL VNCH, sau năm 1975 ông có tham gia hoạt động chống Cộng trong “Mặt trận Liên tôn” vào tháng 9/1977, và sau đó bị bắt và bị giam cầm 6 năm tù đến 9/1983,...

Ông Bảy là một cựu quân nhân, thuộc binh chủng Không quân QL VNCH. Năm 1970, lênh tổng động viên ban ra, khi đó ông tròn 18 tuổi, đành từ giã tuổi học trò để lên đường nhập ngũ, gia nhập binh chủng không quân và trở thành chuyên viên kỹ thuật phục vụ tại Sư đoàn 1 Không quân giới tuyến (đóng tại Đà Nẵng). Vì thuộc đơn vị trực thăng chuyên thả toán cho lực lượng biệt kích Lôi Hổ nhảy toán trong rừng, cho nên ông đã có dịp đi khắp các địa danh thuộc Vùng I địa đầu đất nước của miền Trung khô cằn sỏi đá, chứng kiến được những cảnh khổ đau mà nhân dân miền Trung phải chịu đựng, nhất là vào Mùa Hè đỏ lửa 1972. Nhờ đó ông cũng đã chứng kiến được cảnh tan hoang chết chóc trên con đường dẫn vào Quảng Trị với hàng đống thây người chất chồng thành núi, khiến cho một nhà báo Tây phương phải đặt tên là Đại lộ Kinh hoàng (Terror Boulevard).

Vào ngày 28 Tết năm 1974 khi Trung Cộng tấn công Hoàng Sa thì ông Bảy đang đóng ở Đà Nẵng. Khi đó tinh thần chống ngoại xâm trong đơn vị đã dâng cao, thật sự đi vào lòng mọi người và toàn đơn vị đều tình nguyện hiến dâng cho Hoàng Sa.

Ông Lư Văn Bảy, một con người luôn tâm huyết, đau đáu với vận mệnh của đất nước trước họa ngoại xâm từ Trung Cộng. Đó là lý do rất nhiều bài viết của ông mang sắc thái chủ quyền biển đảo, Hoàng Sa-Trường Sa và vấn đề cho Trung Cộng khai thác Bô-Xít ở Tây Nguyên.

Ông bắt đầu viết bài và gởi ra hải ngoại từ những năm 2005, 2006. Để che mắt lực lượng công an, ông đã dùng nhiều bút danh khác nhau như Chánh Trung, Hoàng Trung Việt, Hoàng Trung Chánh, hoặc Nguyễn Hoàng. Vào khoảng tháng 8 năm 2007, ông bắt đầu gởi bài trực tiếp đến Ban Biên Tập trang web Tiếng Nói Tự Do Dân Chủ để nhờ hiệu đính bài vở và phổ biến rộng rãi đến các nơi.

Kể từ đầu năm 2010, ông bắt đầu sử dụng bút danh Trần Bảo Việt và có gởi bài trực tiếp đến một số trang như Đàn Chim Việt, Thông Luận, Đối Thoại, Báo Tổ Quốc,...

Tháng 1 năm 2008, ông bị công an tỉnh Kiên Giang đến tận nhà bắt, thu giữ máy vi tính có chứa nhiều bài viết trong ổ cứng. Tuy nhiên ngay sau đó, ông được thả ra với lời cảnh cáo và cam kết không viết bài nữa.

Tuy nhiên, vì “không thể chịu nổi cảnh ngang trái trong xã hội ngày nay” và “không chấp nhận sự uơn hèn của CSVN trước giặt bành trương Trung Cộng”, cho nên chỉ sau một thời gian ngắn ông lại tiếp tục viết nhiều hơn và mạnh hơn. Chỉ riêng từ cuối tháng 10 năm 2010 cho đến trước lúc bị bắt vào 26/03/2011, ông đã viết khoảng 15 bài, tức là khoảng 1 bài trong mỗi tuần!

Trong bài “Lời cuối cho những ai còn tự nhận mình là người Việt Nam”, ông đã nhắn nhủ với lãnh đạo CSVN bằng những lời nhẹ nhàng nhưng rất kiên quyết:
“nếu ngay từ bây giờ mà quý vị sẵn sàng từ bỏ quyền lợi riêng trong vai trò độc tôn lãnh đạo, để chấp nhận con đường dân chủ đa nguyên phù hợp với trào lưu tiến bộ của thế giới, phù hợp với ý nguyện của toàn dân, đây là hành động tự cứu mình và cứu đảng ĐCSVN tiếp tục tồn tại song hành cùng với dân tộc bởi vì, sự bình đẳng giữa các đảng phái trong đó có ĐCSVN để toàn dân tự do chọn lựa người lãnh đạo đất nước”

Tuy dân tộc Việt Nam vẫn phải oằn oại dưới cai trị của cộng sản trên toàn cõi Việt Nam gần 36 năm dài, nhưng ông vẫn tin tưởng rằng “Dân tộc Việt Nam sẽ hồi sinh sau những năm dài đen tối”.

Trong bài “Phong trào Dân chủ Việt Nam: Niềm tin và hy vọng”, ông đã thể hiện niềm tin sắt đá hơn vào phong trào dân chủ Việt Nam, ngay sau khi cao trào đấu tranh đòi hỏi dân chủ bùng nổ tại các nước Bắc Phi, đưa đến sự sụp đổ đầu tiên của chế độ độc tại tại Tunisia và Ai Cập:
“Cuộc cách mạng thành công của nhân dân Tunisia, Ai Cập, Sudan và đang lan rộng ra các nước Phi châu khác trong thời gian qua sẽ là kết quả đáng theo gương cho sự tranh đấu của nhân dân VN trong thời gian tới.
Chắc chắn phong trào dân chủ VN sẽ là niềm tin và hy vọng, là niềm tự hào cho toàn dân trên con đường xây dựng quê hương đầy đổ nát”.

Chỉ khoảng 10 ngày trước khi bị bắt hôm 26/03/2011, ông đã có bài “Nhận định tình hình và vài thiện ý cho phong trào đấu tranh dân chủ hiện tại” với một số nhận định và đề nghị, mà ông cho rằng “Nếu thực hiện được như thế thì con đường tranh đấu cho nền dân chủ đa nguyên của chúng ta chắc chắn sẽ sớm thành công trong sự ôn hòa và không đổ máu. Hồn thiêng sông núi sẽ không bao giờ quay lưng với con đường chính nghĩa của toàn dân tộc VN chúng ta”.

Tuy luôn trăn trở với những ưu tư buồn phiền về vận mệnh của dân tộc, nhưng ông vẫn luôn nghĩ đến những con người kiên cường, những người tù bất khuất hiện vẫn còn đang bị giam hãm đâu đó trong các nhà tù cộng sản. Ông đã thể hiện tình “huynh đệ chi binh” cũng như tình người đối với thân phận nghiệt ngã của anh Nguyễn Hữu Cầu qua bài “Xin chút tình thương với người tù chính trị xuyên thế kỷ Nguyễn Hữu Cầu” và ông cũng không quên người tù bất khuất Trương Văn Sương qua bài “Trương Văn Sương: niềm tự hào của dân tộc”.

Những bài viết của ông hoàn toàn thể hiện tâm huyết, trăn trở của một con người yêu nước tha thiết. Rõ ràng những bài viết đó là vũ khí, là cái gai khiến chế độ run sợ, phải đem ông ra xử chóng vánh trong một phiên tòa Kangaroo không có luật sư bào chữa. Tuy thân xác đã bước vào nhà tù nhỏ, nhưng ông vẫn đặt Niềm tin và hy vọng vào Phong trào Dân chủ Việt Nam.

Lê Minh
Ngày 24/8/2011


Sài Gòn ơi, ngày xưa ấy vẫn còn đây.

Kính dâng hương hồn anh NTN . Riêng tặng chị Thế Mỹ và những ai đã một lần là người yêu của lính)





Tiếng nhạc văng vẳng từ chiếc máy Cassette phòng kế bên đánh thức tôi dậy …"Sài gòn đẹp lắm SàiGòn ơi SàiGòn ơi !". Chẳng biết mấy giờ nữa . Trời đêm nay lạnh hơn mọi đêm . Kéo chăn lên phủ kín người . Tôi đưa mắt nhìn qua khung cửa sổ . Cửa kính một màu trắng đục . Tôi không nhìn thấy gì cả ngoài những hình ảnh một đời dấu yêu của Sài Gòn đi về …
Còn hơn nửa tháng Tết mới về mà Sài Gòn chừng như đã vào xuân . Các lớp học đều ở tình trạng vắng học trò ở giờ cuối . Các vị tướng thiếu quân cũng đâm ra hờ hững với bài giảng . Rạo rực cùng với những rạo rực của đám học trò xôn xao đó Tết về . Nắng trải vàng ngoài đường phố . Chiều nay có hai giờ Kinh Tế . Tôi muốn ở nhà phụ Mẹ làm cho xong mấy lọ kiệu để Ba ăn Tết , song vẫn tiếc giờ học của thầy Mẫu . Tôi đạp xe đến trường . Con đường Duy Tân cây dài bóng mát đã là người tình muôn thuở của dân trường Luật rồi . Con đường dễ thương chi lạ . Từng đôi , từng đôi đang chụm đầu vào nhau uống nước dừa bên đường . Đang lúi cúi khóa xe , nghe tiếng ai gọi . Tôi giật mình ngước lên . Thì ra là con nhỏ Dung
- Gì đó nhỏ
- Mau lên . Anh Nghiệm đang đợi mầy ở Thư Viện
Tôi bàng hoàng khẽ hỏi:
- Ủa ! Sao Nghiệm về giờ nầy
Dung nắm tay tôi . Liến thoắng giục
- Nhanh lên công chúa ơi . Người hùng chờ mầy dài cổ sắp khóc rồi . Nhờ tao dỗ nãy giờ đó
Tôi cùng Dung bước vào thư viện . Thư viện của những ngày sắp Tết buồn thiu . Học trò đã lãng quên sách vở hết rồi . Nghiệm đón tôi vẫn với nụ cười dễ thương muôn đời của chàng
- Anh mới về .Ghé nhà Mẹ bảo Vy đã đến trường . Anh đi ngay . Sao Vy đến muộn vậy ?
Tôi vẫn chưa hết bàng hoàng , vân vê tà áo
- Xe Vy hư máy dọc đường đó anh
- Anh Nghiệm đừng tin . Nhỏ Vy đụng mấy cây si dọc đường nên đến trễ đó .
Nghiệm cười thật tươi và bảo Dung:
- Dung chỉ anh đi , anh đốn hết cho mà coi
Tiếng chuông reo vang ,Vy hốt hoảng bảo Dung :
- Chết ! Tới giờ học rồi Dung ơi
Dung nheo mắt chọc ghẹo
- Đi với Dung vào lớp hay đi với anh Nghiệm nè hở nhỏ ?
Nghiệm cười hiền hòa
- Cho anh bắt cóc Vy chiều nay đi nghe Dung . Tết anh lì xì Dung thiệt nhiều
Vy nhẹ nhàng khẽ nói:
- Dung vào học nha . Nhớ ghi bài cho kỹ cho Vy mượn . Vy cũng tiếc giờ học lắm , nhưng Dung thương Vy nha . Lâu lâu anh Nghiệm mới về một lần mà ..
Trong câu nói của bạn dường như như có tiếng khóc . Dung nghe ngậm ngùi thương Vy làm sao . Những mối tình trong thời chiến là thế ấy . Gặp được nhau là mừng . Là hạnh phúc .Còn ngày mai ? Chẳng ai dám nghĩ "Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi" mà . Dung thấy buồn buồn chào Vy và Nghiêm .
- Vy yên tâm đi chơi với anh Nghiệm vui nha . Ghé Viễn Đông ăn dùm Dung hai cuốn bò bía với
Bóng Dung khuất sau hai hàng cây trong sân trường . Thư viện chỉ còn Vy và Nghiệm .Vy chớp mắt nhìn Nghiệm nhỏ nhẹ hỏi :
- Sao thơ cho Vy anh bảo 28 Tết anh mới về cơ ?
Vy nghe một thoáng buồn nào đó trong câu trả lời của Nghiệm
- Tình hình sôi động . Có công văn khẩn trực Tết 100%. Do đó anh phải về sớm ăn Tết trước với Vy .Tết anh không về được bé ạ ! Sao hôm nay còn học nữa Vy. Mọi năm giờ nầy đã nghỉ rồi mà
- Ông thầy Vy bảo dạy rút cho hết chương trình . Có thể năm nay thi sớm đó anh
- Thì ra thế…
Vy đứng lên nắm hai tay Nghiệm . Nàng nghiêng đầu nũng nịu :
- Cho Vy nhìn lại anh cái đã
Nghiệm làm bộ đứng nghiêm . Hất cầm lớn tiếng:
- Đây kẻ đã về xin trình diện Hoàng hậu
Vy cười . Nghiệm vẫn là một hình ảnh thật đẹp . Đẹp hơn bất cứ người đàn ông nào trên cõi đời nầy
- Xong chưa ? Sao Vy ? Thế nào ?
- Anh đẹp nhất thế giới
- Anh nhường cho Vy đó
Chúng tôi cười vang . Vy ôm cập lên và bảo :- Bây giờ mình về nhà nghe anh
- Chưa được . Anh đã thăm người yêu của anh rồi . Bây giờ Vy phải cho anh đi thăm người tình của anh nữa chớ .
Vy nhìn Nghiệm ngơ ngác . Nghiệm choàng tay qua người Vy khẽ bảo :
- Vy là người yêu . Sài Gòn là người tình . Bỏ xe Vy ở trường đi . Lên xe với anh đi thăm một vòng Sài Gòn nha Vy 


Vy sung sướng gật đầu . Gío chiều lồng lộng thổi . Tôi nép người bên lưng chàng thật thương yêu . Tiếng chàng văng vẳng :
- Anh về Vy mừng không Vy ?
Vy nũng nịu :
- Gặp lại anh vẫn là một hạnh phúc lớn nhất trong đời Vy
Chúng tôi đi ra Nguyễn Huệ .Sài Gòn rực rỡ khi Xuân về . Tiệm hoa vải Bạch Tuyết muôn màu muôn sắc . Chiều nay hạnh phúc thật bất ngờ đến với tôi . Chàng đã về . Và bên chàng tôi không còn mơ ước nào hơn nữa
- Vy đói bụng không Vy
- Vy muốn đến Pagode uống cà phê với anh
Pagode đã là nơi chốn kỷ niệm của tôi và chàng . Pagode của những chiều mưa . Pagode của những chiều nhạt nắng . Tôi bên chàng thì thầm nói chuyện tình yêu. Quán chiều nay thật vắng . Chỉ có vài bàn có khách . Hình như họ cũng là người yêu của nhau như tôi và chàng . Chúng tôi vẫn ngồi ở chiếc bàn mọi lần
- Anh uống phin đen . Vy thêm sữa nghe
- Dạ
Hai cà phê phin được mang ra . Từng giọt cà phê nhỏ xuống . Tôi thật yêu những buổi chiều mưa ngồi với chàng nơi đây . Ngồi bên chàng nhìn ngoài trời mưa giọt vắn giọt dài . Nghe tiếng cà phê nhỏ giọt tôi thấy ấm áp lạ thường . Chiều nay trời không mưa . Nắng vẫn vàng ngoài lòng đại lộ
- Vy nghĩ gì đó Vy ?
- Vy nghĩ anh có quà gì cho Vy
- Đâu Vy đoán thử coi
- Anh ép hoa rừng về tặng Vy phải không ?. Vy khẽ hát nho nhỏ “Nếu em không là người yêu của lính . Ai mang cánh hoa rừng về tặng em”. Đúng không anh ?
Nghiệm cười trêu Vy
- Trật rồi bé ơi
Chàng đưa tay vào túi áo lấy ra một chiếc hộp nhỏ trao tôi
- Quà của Vy nè . Vy mở đi
Tôi tần ngần giở nắp hộp . Tự nhiên nghe xao xuyến lạ thường .Chiếc nhẫn đính hôn lấp lánh trên nền vải gấm đỏ
- Đưa tay đây anh đeo cho Vy
Tay tôi run run trong tay chàng .Chiếc nhẫn đã lồng vào ngón tay tôi tự bao giờ. Chàng thì thầm :
- Vy có sung sướng không Vy ?
Nước mắt tôi đong đầy bên khóe .Tôi vẫn thường khóc khi sung sướng . Tôi không biết làm gì hơn nữa trong lúc nầy . Chàng kéo ghế sát tôi hơn .Vòng tay qua bờ vai người yêu . Tiếng chàng êm êm
- Qua Tết ba má anh sẽ qua nhà thưa chuyện với Ba Mẹ hỏi Vy cho anh . Mà sao anh sợ Mẹ quá hà Vy
Vy ngước mắt nhìn Nghiêm vời vợi yêu thương
-Mẹ cũng thương anh . Nhưng Mẹ thương Vy hơn . Mẹ sợ Vy khổ một đời nếu Anh có mệnh hệ nào .. Ba cũng ở quân đội . Mẹ khổ vì những lo lắng đêm ngày cho Ba . Vì vậy Mẹ chần chờ . Mẹ không muốn Vy làm vợ anh sớm . Mẹ cứ bảo “Vy còn nhỏ . Đợi thanh bình Mẹ cho Nghiệm cưới Vy”
Nghiệm âu yếm vuốt tóc Vy :
- Số anh cao lắm .Vy đừng lo .Nhưng dù sao anh cũng ráng xin Mẹ cho anh hỏi Vy . Bao giờ Mẹ cho cưới là quyền của Mẹ .Anh chờ Vy suốt đời anh mà
Nhà năm nay ăn Tết buồn hiu . Nghiệm đã về đơn vị sáng 22 Tết . Ba cũng chẳng về được .Mấy ngày Tết vội vã qua đi .Mùng 4 Tết Ba mới ở đơn vị về . Ba không được vui như những lần về phép thăm nhà . Ba hỏi thăm Nghiệm . Tôi tíu tít kể chuyện chàng về ăn Tết sớm với Bé Vy . Trong buổi cơm chiều bỗng Mẹ bảo Ba
- Ba má Nghiêm nhờ người đến xin hỏi bé Vy . Ba Vy nghĩ sao?
Tôi giật mình lo sợ .Tôi sợ ba chối từ . Tôi sợ phải xa Nghiêm .Vì đời sống của tôi bây giờ là của chàng mất rôi . Ba xoa đầu tôi khẽ bảo:
- Làm vợ lính bé Vy sợ khổ không con .
Tôi gục đầu vào lòng Ba nước mắt ràn rụa
- Ba Mẹ thương con . Thương Nghiệm nữa nha …
Thế mà mau quá . Chỉ còn dăm ngày nữa là đến ngày lễ hỏi của Vy và chàng . Tôi lăng xăng với trăm thứ việc . Chiếc áo dài đã lấy về từ chiều hôm qua . Hàng áo gấm vàng Nghiệm đã chọn cho tôi trước ngày chàng trở về đơn vị . Nghiệm vẫn thích bé Vy mặc màu vàng .Chàng thương màu vàng từ ngày hôm ấy .Chàng cứ bảo “ màu vàng chỉ để cho một mình Vy mặc mà thôi” . Tôi còn nhớ hôm đó đang đứng trước sân trường chờ nhỏ Dung đi về bỗng có tiếng người hỏi:
- Cô bé ơi hôm nay có còn ghi danh nữa không?
Tôi ngước mắt nhìn lên . Chàng trai nầy lạ . Chẳng phải bạn cùng lớp với Vy mà . Vy đáp nhẹ
- Dạ ông ghi danh năm thứ mấy hở ?
-Năm cùng năm cô bé đang học đó
Tôi cười:
- Ông xạo ghê , biết Vy học năm thứ mấy mà nói
Chàng thật tự nhiên :
- Vy học năm thứ mấy nói đi . Mà đừng gọi ông nữa . Nghe già lắm . Bộ Vy thấy tôi già lắm hở Vy ?
Vy luống cuống:
- Vy đâu biết gì . Vy đâu có quen ông lần nào đâu . Vy biết gọi là gì ?
Chàng thân mật hơn . Giới thiệu ngay
-Tôi là Nghiệm - Hoàng xuân Nghiệm - nghề nghiệp :lính . Hôm nay về phép đến thăm trường cũ ngày xưa . Xong rồi đó cô bé . Bây giờ đến phiên Vy nè
Vy thấy tự nhiên hơn :
- A! Vậy thì ngày xưa anh Nghiệm học ở đây hả ? Vui ghê . Vy học năm thứ nhứt .Tên Vy là Nguyễn Vy Lan song bạn bè và gia đình vẫn gọi là Vy . Mà anh Nghiệm đi ghi danh thiệt hôn ?
Nghiệm cười:
- Anh đi thăm Vy đó 


…. Thế là chúng tôi quen nhau từ hôm ấy và tình yêu kéo dài gần 4 năm nay . Nhà thực bận rộn. với ngày lễ hỏi sắp đến của Vy . Mẹ thì không hài lòng lắm trong cuộc hôn nhân nầy . Tôi nghe Mẹ bảo nhỏ với các cô: Chiều Vy . Chớ tình hình lộn xộn quá . Đời quân ngũ biết ra sao . Có gì nó khổ một đời .Nhưng tôi vững tâm với lời chàng nói hôm nào “ Số anh cao lắm mà Vy”. Tôi yên lòng và tôi nghĩ chúng tôi sẽ ở bên nhau đến suốt cuộc đời !
Chiều nay Nghiệm vẫn chưa về . Mai là lễ hỏi rồi . Tôi đã lấy bộ đồ Veste về cho chàng như lời chàng dặn .Nhà Nghiệm cũng sốt ruột . Ai cũng trông ngóng chờ đợi chàng về . Tôi buồn rầu ai cũng thấy . Má Nghiệm đến bên tôi dỗ dành :
- Chắc trễ xe . Vy đừng lo. . Tối Nghiệm sẽ về mà
Tự nhiên tôi òa lên khóc
- Nhỡ Nghiệm không về sao Bác
- Không ! Tối Nghiệm sẽ về
Đêm càng khuya . Hơn 12 giờ tôi cùng chưa về nhà .Tôi đợi chàng từng giờ từng phút .Tôi thầm gọi chàng trong đêm "Nghiệm ơi ! Nghiệm ơi ! Về với Vy đi"
Chợt có tiếng gõ cửa thật nhẹ . Tôi cuống lên "Nghiệm về . Nghiệm về". Tôi vội nép vào góc tủ . Tôi muốn gây cho Nghiệm một sự bất ngờ . Bỗng tôi nghe tiếng òa khóc lên của Má Nghiệm . Tôi ló đầu ra . Mắt tôi nhòa đi . Tôi chỉ nghe tiếng khóc thét của mình và ngất đi ….
…Tôi nghe tiếng Mẹ khóc và bảo
- Bé Vy tỉnh rồi anh
Tôi đưa mắt nhìn chung quanh .Nhà cửa rộn rịp quá . Hôm nay là lễ hỏi của Vy mà . Đầu óc tôi vẫn còn mê man :
- Nghiệm về chưa Mẹ
Mẹ ôm tôi khóc nhiều hơn và không trả lời
- Mẹ thương con quá Vy ơi
Tôi nắm tay Mẹ lắc mạnh
- Cho con biết Nghiệm về chưa Mẹ
Tiếng Mẹ đứt quãng , xót xa :
- Nghiệm về rồi con
Tôi bật ngồi dậy
- Nghiệm về sao không thăm con . Cho con gặp Nghiệm đi
Mẹ tôi dìu tôi đứng lên .Bên kia là Mẹ Nghiệm . Tôi đi ra phòng khách . Không khí yên lặng bao trùm căn phòng . Chàng đâu ? Nghiệm đâu ? Mẹ chỉ cho con đi . Ba chỉ cho con đi . Bác ơi chỉ cho con đi . Không ai biết Nghiệm ở đâu để chỉ cho Vy bây giờ . Chàng đã đi thật xa rồi . Tôi gục dầu trên nắp quan tài phủ lá quốc kỳ đã lịm kín hình hài người tôi yêu dấu và tôi lại ngất đi …
Chiều nào ở trường ra tôi cũng vào nghĩa trang thăm chàng . Con đường Mạc đỉnh Chi muôn đời sầu muộn . Tôi mang cặp sách đi thăm người yêu . Tôi thì thầm kể chuyên với anh trong khói nhang lãng đãng bay bay theo gió chiều hiu hắt trong khung cảnh buồn bã , ảm đạm của Nghĩa trang. Ly caphê đây . Anh uống với em đi . Em mua cho anh từ Pagode đó . Uống đi anh . Thuốc nè, em đã đốt cho anh rồi đó . Thuốc Salem của anh đó . Anh hút đi rồì nghe em kể chuyện chúng mình nha anh . Tôi cứ say sưa , thỏ thẻ với chàng cho đến khi đêm xuống tôi mới giã từ chàng ra về . Mẹ tôi vỗ về khuyên lơn nhưng giờ nầy đời sống tôi không còn gì nữa .Chẳng ai khuyên nhủ được tôi . Bạn bè nhìn tôi lắc đầu thương xót . Ba buồn rầu thương cho con gái chịu nhiều đau đớn xót xa …
Tháng tư tình hình rất sôi động . Đêm đêm nghe tiếng hỏa châu từ xa vọng về tôi nhớ chàng sao là nhớ . Chàng đã nằm xuống . Nợ nước đã đền . Cho tròn phận sự của kẻ nam nhi . Cho khăn sô quấn lên đầu tôi một đời góa phụ . Rồi Đà Nẵng mất . Ban Mê Thuộc mất . Dân quân trên đường di tản . Ba cho người đưa tin về dặn Mẹ thu xếp đồ đạc cho gọn . Tôi cũng chẳng hiểu thế nào . Đầu óc tôi lúc nầy chẳng còn là của tôi nữa …
Dân Sài gòn đã nhốn nháo hẳn lên . Xuân Lộc ngút trời khói lửa . VC đã về đến Biên Hòa . Quốc Lộ 4 đã bị cắt đứt . Sài Gòn có thể đổ máu . Tôi nghe người ta bàn tán . Mẹ tôi như điên chẳng biết đưa chị em tôi đi đâu .. Tôi , chàng và tất cả những đứa con VN đều là nạn nhân của chiến cuộc . Tôi thu xếp thư từ của Nghiệm . Chiếc ảnh bán thân của chàng cùng những kỷ niệm dấu tích một đời yêu nhau của hai đứa cho vào một cái túi nhỏ . Mẹ bảo thu xếp quần áo .Tôi chẳng cần gì cả . Đời tôi chỉ còn bao nhiêu đó thôi . Tôi không vơi nhớ chàng và trong giây phút đất nước ngả nghiêng, tôi nhớ chàng hơn bao giờ hết
Sài Gòn đêm nay trong kinh hoàng . Lịnh giới nghiêm đã được ban hành .Tổng Thống Thiệu đã ra đi đêm qua và một số tướng lãnh khác đã lên phi cơ hết rồi . Các vị lãnh đạo sinh mệnh dân tộc đã buông tay , để lại nhục nhằn cho đám dân đen .
Phi trường Tân Sơn Nhất bị pháo kích dữ dội . C S đã về tới Hàng Xanh . Có tiếng hỏa tiễn rớt vào thành phố . Mẹ bảo tất cả xuống hầm núp .. Mẹ cứ mếu máo bảo “ Chẳng biết ba có làm sao không”. Nửa đêm nghe tiếng đập cửa thật lớn . Tôi rón rén bước ra . Tôi nghe tiếng hốt hoảng của Ba
- Mở cửa mau lên Mẹ Vy
Tôi nhanh tay mở chốt . Ba lách người vào thật nhanh . Mẹ và chị em tôi vây quanh Ba . Tôi nghe tiếng Ba thật nhỏ
- Mẹ Vy và các con nhanh lên . Mỗi người mặc hai bộ đồ . Mang theo những giấy tờ cần thiết của gia đình . Bỏ lại tất cả . Ra xe ngay
Tôi khóc trong tiếng nấc
- Đi đâu bây giờ hở Ba
- Ít ra Ba phải ẩn trong giai đoạn nầy .Bỏ nước ra đi trong lúc nầy là cái nhục lớn của những người cầm súng như Ba .Song Quân đội giờ nầy đã tan rã hết rồi .Chẳng còn ai để chỉ huy nữa . Các tướng lãnh đã bỏ anh em mà đi hết rồi . Đã bỏ đi hết rồi con ơi !
Ba gục đầu trên thành ghế . Tôi khóc to hơn . Ba đứng lên giục
- Nín đi Vy . Mau lên . Có chuyến bay đêm nay và Ba đã dành được chỗ cho gia đình . Ba đưa tay kéo lá Quốc Kỳ trên tường xuống . Ba xếp lại cho vào chiếc cặp nhỏ .Tôi thấy những giọt nước mắt chảy dài trên đôi gò má sạm nắng của người chiến sĩ già đã nửa đời trong quân ngũ
Tôi nhìn căn nhà lần cuối .Nước mắt ràn rụa . Đường phố Sài Gòn vắng tanh , ghê rợn . Xe chạy thật nhanh trong đêm . Tôi mở mắt thật to như muốn thu hết những gì còn lại của SàiGòn đêm nay vào tâm hồn . Tiếng đại bác nổ ròn . Có tiếng người la , khóc … Thành phố diễm lệ ngày nào giờ kinh hoàng thế đó . Tôi mong xe chạy qua nghĩa trang Mạc đỉnh Chi để tôi vẫy tay chào chàng lần cuối . Song xe chạy hướng khác . Nhắm phi trường Tân Sơn Nhất .
Phi trường hỗn độn .Người ta chen lấn nhau để lên phi cơ . Ba dặn chị em tôi ôm nhau kẻo lạc . Mẹ nước mắt đầm đìa .Tôi không còn nước mắt để khóc nữa . Đau đớn đến tận cùng cuộc đời rồi , tôi đã mất tất cả . Ước mơ của đời con gái . Niềm tin tuổi trẻ cùng lúc chắp cánh bay cao . Chỉ còn lại trong tôi một tâm hồn đổ nát, hoang tàn
Ba giục đẩy chị em tôi lên phi cơ . Tiếng động cơ nổ đều cùng tiếng đại bác hỏa tiễn ầm vang phi trường . Phi cơ đã cất cánh . Nghiêng mình nhìn qua khung cửa tôi nhìn Sài Gòn lần cuối cùng . Thành phố nhỏ dần ,nhỏ dần cho đến lúc tôi không còn thấy gì nữa . Tôi gục đầu vào lòng Mẹ nức nở .
Tiếng đồng hồ thong thả ngân lên trong đêm đưa tôi trở về thực tại . Đã 12 giờ . Giao thừa rồi đó anh . Giao thừa của em nơi xứ người bao nhiêu năm nay vẫn là những trống vắng mông mênh không bến bờ .Thời gian vẫn chưa làm em nguôi ngoai niềm thương nhớ xa xưa . Dù chúng mình chưa một lần ân ái , Nhưng chiếc nhẫn đính hôn anh trao em một chiều nào nơi Pagode năm xưa vẫn còn đó . Như một định mệnh . Như một khẳng định . Em đã là của anh trọn đời trọn kiếp .
Đã 32 năm trôi qua . Em vẫn chưa một lần về thăm chốn cũ . Con đường dẫn về khuôn viên Đại học những chiều mưa bay . Bến tàu chiều lộng gió . Kỷ niệm ngày xưa của chúng mình vẫn đong đầy trong hồn em . Từ ánh mắt , môi cười . Như anh vẫn còn đây . Thế mà chúng mình đã muôn đời vĩnh viễn cách chia . Về với em đêm nay đi anh . Hát cho em nghe bản tình ca thật buồn của chiều cuối năm xưa
“ Ngày em thắp sao trời .
Chờ trăng gió lên khơi .
 Mà mưa bão tơi bời .
 Một ngày mưa bão không rời .
 Trên vai đôi thanh xuân
. Ướp hương nồng trên gối đắm say .
 Ánh sao trời theo gió rụng rơi đầy .
 Cùng rót bao nhiêu ngày hoang .
Cùng đếm bao nhiêu mộng tàn .
 Ru người yêu dấu trong vòng trời đêm
. Vừa hoa nở tươi môi .
Tình nhân đã xa rồi .
 Đời ngăn cách nhau hoài .
Yêu nhau trong lo âu
.Biết bao lần tha thiết nhớ mong .
Lá hoa rừng mau xóa đường quay về …”. Bài hát không hợp với khung cảnh ngày Tết chút nào song em yêu vô cùng . Bài hát như đã vận vào đời em , đời anh và bây giờ chúng mình nghìn trùng mãi mãi cách xa . Đêm nay trong giờ phút thiêng liêng của đêm trừ tịch hình ảnh anh là một vuốt ve đầm ấm hơn bao giờ hết . Vy nghe như tiếng chàng văng vẳng đâu đây: "Anh về ăn Tết với Vy nè Vy ơi !"
Ngoài trời tuyết vẫn rơi …. 



Winnipeg cuối năm 2007
Ngày xưa Hoàng Thị

lyhuong-rachgia.blogspot.com