Mùa xuân tha hương âm thầm len lỏi trong từng cơn gió buốt đến với người Việt viễn xứ rồi lặng lẽ ra đi trong ánh nắng nhạt một chiều đông. Người Việt tị nạn trở lại làm việc vì "cơm áo gạo tiền" vào ngày thứ hai nhằm ngày Mùng 2 Tết. Xuân đến, xuân qua ... Tết về, tết đi ... rơi rớt lại những dư âm vang vọng nỗi buồn man mác của kiếp đời tị nạn tiếp tục lầm lũi bước trên con đường viễn xứ ...
Những người Việt tị nạn đầu tiên đặt bước chân vong quốc lên xứ người từ cuộc di tản kinh hoàng, đau thương không có cơ hội từ giã gia đình trong những ngày cuối "Tháng Tư Đen" ... những bước chân lầm lũi cúi mặt trốn tránh ánh mắt người quen để ra đi trên những chiếc thuyền gỗ mong manh trong chuyến vượt biển hãi hùng với muôn ngàn hiểm nguy, không biết cuộc đời sẽ trôi giạt về đâu trên sóng nước đại dương bao la không bờ bến ... những chuyến bay ra đi đoàn tụ mà nước mắt ngập lòng vì lìa xa quê hương yêu dấu ... những chuyến bay chuyên chở uất nghẹn, đớn đau của người mang thân phận kẻ thua cuộc đành phải rời bỏ quê hương mang gia đình ra đi lập lại cuộc đời bằng đôi tay trắng trên xứ lạ quê người theo chương trình tù nhân chính trị ... cho đến hôm nay, 38 năm kể từ ngày quân cướp nước gọi là "giải phóng Miền Nam", vẫn còn người tìm đường bỏ nước ra đi bằng con đường thân xác theo diện hôn nhân "trao đổi" để từ giã cái "thiên đàng" hoang tưởng của chủ nghĩa cộng sản. Người Việt tị nạn cộng sản nói riêng, người Việt ly hương xa xứ nói chung ... không một ai ngóng chờ xuân về, tết đến trong hoàn cảnh tha hương, biệt xứ ... Xuân tha hương, Tết biệt xứ có gì vui, có ý nghĩa gì đâu mà ngóng chờ mong đợi ...
Ngày tháng dần trôi ... đa số người Việt ly hương đã cúi đầu an phận với cuộc đời tị nạn cũng như không ít người chấp nhận ngồi trong chiếc xe hơi trên những nẻo đường viễn xứ thênh thang hơn là ngồi trên chiếc xuồng bé nhỏ mộc mạc đơn sơ bồng bềnh trên dòng sông, kinh, rạch của quê mẹ và một số người thích ngồi trong những chiếc xe đắc tiền như Mercedes, BMW, Lexus, Acura hơn là cỡi chiếc xe gắn máy trên những con đường đất đỏ bụi mờ, sình lầy nhưng thơm mùi đất mẹ đượm nghĩa tình quê hương. Họ thản nhiên, thờ ơ với sự sinh tồn của quê hương dân tộc để được mang nhãn "Việt kiều" mỗi khi có dịp trở về "nổ" văng miểng trên quê hương rách nát và bơm máu, tiếp hơi cho lũ CSVN sinh tồn. Trong số 4 triệu người Việt ly hương có bao nhiêu người tị nạn chính trị, bao nhiêu người thật tâm yêu nước ... Công nhận những vị lãnh đạo các hội đoàn, tổ chức, lực lượng, đoàn thể đấu tranh chống cộng, có lòng với quê hương, đất nước nhưng buồn thay ... cái "TÔI" và cái "DANH" lại nặng hơn lòng yêu nước của họ !
Bao nhìêu mùa xuân tha hương nữa sẽ trở về trên con đường viễn xứ dài đã 38 năm ...!!!
Những hàng cây trụi lá đứng im trơ buồn trong băng giá... thỉnh thoảng vài cơn gió rít lên làm đong đưa những cành khô còn vương vài chùm hoa tuyết gượng long lanh dưới ánh nắng mệt mỏi của mùa đông cũng là lúc mùa xuân tha hương lại trở về với người Việt xa xứ. Thời gian chầm chậm trôi trong sự mỏi mòn trông ngày về cố quốc khi không còn cộng sản nhưng vụt thoáng qua rất nhanh khi những đóa hoa mai hé nhụy báo thêm một mùa xuân tha hương lại đến trên xứ người.
Xuân tha hương trên xứ người ở những nơi có đông người Việt và phố xá Việt Nam, chúng ta cũng có chợ hoa muôn màu sắc với các cửa hàng chưng bày những hình ảnh của Tết quê hương như bánh mứt, hoa quả, bánh Tét, bánh Chưng, bao lì xì .v..v... Người mua, kẻ bán líu lo, khung cảnh nhộn nhịp, tiếng cười nói xôn xao át đi phần nào những bài nhạc xuân xưa vang lên từ các máy đĩa CD, DVD. Xuân tha hương, Tết viễn xứ cũng có đầy đủ các mặt hàng nhưng nó thiếu không khí quê hương và nhất là thiếu bóng dáng Ông Đồ già cặm cụi ngồi viết câu đối Tết trên những tờ liễng đỏ, một nét đặc thù trong phong tục VN khi xuân về, tết đến.
Những Người Lính trẻ mới ngày nào vùi tuổi xuân trong khói lửa chiến tranh, đôi chân cứng đá mềm miệt mài đi mang cuộc đời đặt trên nòng súng để bảo vệ quê hương mà giờ đây họ là những Người Lính già xa quê hương, mái đầu bạc trắng. Những đóa hoa mai hé nhụy báo hiệu mùa xuân đến đã làm cho Người Lính già chạnh nhớ những mùa xuân xưa khi chợt thấy những đóa hoa mai rừng trên bước quân hành mà nhớ thương mẹ già đang mòn mỏi ngóng trông "Mẹ ơi ... hoa cúc, hoa mai nở rồi ... Đời con giờ đây đang còn lênh đênh, đèo cao gió lộng ngày đêm bạt ngàn, áo trận sờn vai bạc màu, nhìn xuân về lòng buồn mênh mang ..." ; Từng mùa xuân đến mang Người Lính đi muôn nơi để bảo vệ người dân hậu phương được an lành vui hưởng những ngày tết trọn vẹn, vì thế Người Lính đã bao lần thất hứa với mẹ già mỗi khi xuân về, tết đến "Con biết bây giờ mẹ chờ tin con, khi thấy mai đào nở vàng bên nương ...năm trước, con hẹn đầu xuân sẽ về, nay én bay đầy trước ngõ mà tin con vẫn xa ngàn xa ...". Những lời nhạc xuân vang lên vô tình đưa Người Lính trở về vùng kỷ niệm đêm giao thừa năm nao bên vọng gác "Đón giao thừa một phiên gác đêm, chào xuân đến súng xa vang rền, xác hoa tàn rơi trên báng súng ngỡ rằng pháo tung bay ngờ đâu hoa lá rơi .." hoặc những cánh mai vàng gợi nhớ "Đồn anh đóng ven rừng mai, nếu mai không nở, anh đâu biết xuân về hay chưa. Chờ em một cánh thư xuân nhớ thương gom đầy cho lính chiến vui miền xa xuôi ...". Từng mùa xuân đến trong khói lửa chiến tranh ... Người Lính cảm thấy xót xa cho mùa xuân quê mẹ, chạnh nhớ thương người tình âm thầm ôm nỗi nhớ nhung nơi hậu phưong, chấp nhận cảnh chia ly vì đã gởi trọn trái tim yêu vào chiếc áo phong sương bạc màu của người trai thời loạn ... Người Lính khe khẽ buông lời ca trong những đêm đón giao thừa lạnh giá nơi tiền đồn biên giới hay bên chiến hào lặng lẽ đón xuân sang "Lại một xuân nữa đến trong khói lửa chiến tranh, mùa xuân vẫn xanh, xanh như cuộc tình em với anh. Xuân nay anh chưa về, ngàn câu thề không chắc em vui. Quà xuân, anh chẳng có ... gác giặc từng giờ ... đời lính chiến lấy gì gởi về em ..." hoặc những lá thư từ KBC giá lạnh rừng sâu gởi về người vợ hiền "Hoa nở trên cành mai, biết xuân nay lại về bên chiến hào đồn xa mua quà xuân chẳng có, anh đã vội biên thư. Thư biết em chẳng được, vẫn ghi cho đẹp tình. Mùa xuân này không tới cho chúng mình bên nhau, thư viết hẹn xuân sau ...". Những "Mùa Xuân Lá Khô" lặng lẽ đến trên bước quân hành khi Người Lính trở lại vùng hành quân từ Tổng Y Viện Cộng Hòa "Tôi đã quen rồi chuyện đi và quen xa ánh đèn phố thị. Nên dẫu mùa xuân đơn vị không bánh ngon, không rượu quý, tôi nào nghe thấy lạnh trong tôi. Chỉ thương em gái quê hương trong nắng xuân hồng thiếu cả người thương. Em hỡi em khi chiến chinh dài, xa nhau từng ngày và xa cả xuân nay ...". Mùng 1 Tết năm nay nhằm ngày chủ nhật, cả gia đình có dịp quây quần bên nhau để đón thêm một cái Tết ly hương. Nhìn những đứa con ngày nào còn thơ ngây đón xuân thiếu vắng bóng cha trên quê hương khói lửa mịt mờ, không được cha dẫn đi sắm bộ quần áo mới mỗi khi xuân về tết đến mà giờ đây tụi nhỏ đã khôn lớn thành đạt ... Người Lính nhìn đàn con ... một khúc phim ký ức lại trở về "Lời đầu năm ba viết cho con, trên quê hương khói lửa mịt mờ. Ba vẫn miệt mài thân chinh chiến nên biết rằng con chẳng được vui, ngày đầu xuân sẽ vắng tiếng cười ..."
Biết bao nhiêu bài nhạc xuân của một thời để nhớ nói về đời Lính nhưng những ngày đầu xuân trên đất khách người lính lại u buồn hát "Lại một mùa xuân buồn xa xứ, nghe nhớ thương vây kín trong hồn từ những mùa xuân qua lạnh lùng nghe lòng bâng khuâng. Ôi nhớ thương sao những xuân nào, Lan Cúc xôn xao đón Mai Đào. Mùa xuân đẹp sao giờ đây tìm đâu thấy đâu ...". Cả một rừng nhạc Lính trong những ngày khói lửa phủ trùm bước quân hành mà giờ đây trong đêm Giao Thừa tĩnh lặng đón chào năm mới, Người Lính phải nghẹn ngào hát "Người Lính già xa quê hương nghe trong tim đêm ngày trăn trở, nhớ quá một thời chinh chiến gian lao, nhớ phút hiên ngang đi vào binh lửa sắt thép trong tay đang đối diện thù bỗng tiếng loa vang lệnh truyền buông thả, nửa đời còn gì cung kiếm ngang trời ...". Đau đớn thay cho một lần gãy súng ... một đời trai ngang dọc gìn giữ quê hương mà bây giờ xót xa mang thân phận kẻ lưu vong !
Bao mùa xuân đến rồi qua đi ... quê mẹ vẫn oằn oại tang thương trong thiên đàng cộng sản. Người lính tha hương hy vọng mùa xuân tới nhưng 37 mùa Xuân tới đến rồi qua đi mà mùa xuân của mẹ vẫn chưa về trên quê hương ... Người Lính lại đành chờ và hy vọng xuân tới nữa ... Mùa Xuân này nữa là 38 mùa xuân tha hương, Người Lính miệt mài đấu tranh và chờ đợi từ lúc mới đặt chân lên mảnh đất tạm dung khi mái tóc còn đen mà bây giờ đã một màu tuyết phủ. Dù nghị lực vẫn tràn đầy nhưng thời gian hơn nửa kiếp người ... hơi thở đã mỏi mòn, sức đã cạn ... bao nhiêu chiến hữu đã nhắm mắt, xuôi tay vùi thân xác lưu vong uất hận dưới ba tấc đất tha hương ! Dù ánh sáng niềm tin và hy vọng đã thấy le lói cuối đường hầm nhưng con đường hầm này dài bao xa và Người Lính già còn đủ hơi sức đi đến cuối đường hầm đó hay không ...!
Thêm một mùa xuân tha hương ... Dù buồn cho thân phận viễn xứ nhưng ít ra chúng ta cũng được hít thở không khí tự do nơi mảnh đất tạm dung trên xứ người ... trong khi người dân trong nước thì bị Đảng CSVN chỉa súng vào lưng bắt hít thở mùi tử khí trong địa ngục trần gian suốt 38 năm dài. Thương tâm nhất là những mảnh đời bất hạnh Thương Phế Binh VNCH, những người đồng đội, chiến hữu đã không may gởi lại một phần thân thể trên chiến trường cho chúng ta còn được sống và được hít thở bầu không khí tự do ngày hôm nay ... họ đã nuốt nước mắt vào lòng hứng chịu sự trả thù dã man, đê tiện, hèn hạ nhất của bạo quyền CSVN trên con đường dài hơn một phần ba thế kỷ. Có người không còn đôi mắt để nhìn xuân sang, tết đến vì anh đã bỏ đôi mắt lại bên bờ Tuyến Thép Xuân Lộc trong một trận chiến ngăn chận quân giặc tiến về Sài Gòn trong những ngày của Tháng Tư Đen ... mà nếu như anh còn đôi mắt thì cũng chẳng thấy mùa xuân vì trong lòng anh chỉ có mùa xuân của mẹ nhưng mùa xuân của mẹ đã không còn xuất hiện từ sau mùa xuân 1975 năm xưa ; Kẻ phải nhờ người bạn đồng đội, chiến hữu ngày xưa đút cho ăn miếng bánh Tét, bánh Chưng để hưởng hương vị ngày Tết vì đôi tay của anh đã bỏ lại trong đống gạnh vụn hoang tàn đổ nát của Cổ Thành Quảng Trị để những người bạn đồng đội dựng cờ chiến thắng vào Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 ; Kẻ thì hòa vào dòng người đón xuân bằng đôi mông lết lê bán vé số vì đôi chân đã dâng hiến cho Tự Do trong những ngày Tết Mậu Thân kinh hoàng đánh đuổi quân cộng sản dã man độc ác nơi Thành Phố Huế tang thương. Đối với họ ... ngày Tết hay ngày thường thì cũng vậy thôi ... Họ đã lết lê tấm thân không nguyên vẹn hình hài sống cuộc đời thống khổ, cơ cực nhất trong con đường hầm tăm tối lầy lội máu và nước mắt trên quê hương thống khổ dưới sự cai trị độc ác của lũ CSVN hơn 1/3 thế kỷ ... cuộc đời của họ sẽ đi về đâu ... Đôi khi xuân về, tết đến càng làm cho họ buồn thêm vì gợi lại những mùa xuân thanh bình, ấm no, hạnh phúc của người dân nơi hậu phương trong những ngày họ còn là người lính trẻ gìn giữ quê hương ; Nhớ những cánh thư hồng, những món quà xuân tinh thần của người em gái và người dân hậu phương trên cành "Cây Mùa Xuân Chiến Sĩ" ... "Đợi hai, ba năm nữa quê mình thôi khói lửa, mời xuân đến với tôi. Giờ này còn nổi trôi, riêng tôi xin từ chối mà xuân chán gì ơi. Nàng xuân chán gì ơi, xuân là của muôn người, mặc tình xuân lả lơi, xuân chẳng phải riêng ai, xuân đi rồi xuân tới, ngại rằng xuân kém tươi ..." ! Đêm Giao Thừa, nhà nhà đoàn tụ quây quần bên nhau chuẩn bị tiễn năm cũ vào dĩ vãng và đón năm mới đi nhẹ vào đời với bao ước mơ hy vọng mùa xuân của mẹ sẽ trở lại trên quê hương đã chịu quá nhiều tang thương dưới lá cờ máu. Giờ phút thiêng liêng chuyển giao mùa với thời tiết se lạnh đêm cuối đông phủ trùm những mảnh đời bất hạnh đang co ro nơi góc phố, vỉa hè, trong những căn chòi mục nát gió lùa tám hướng. Họ nhìn xuân về, tết đến trong dòng lệ lăn dài tiếc nhớ những mùa xuân xưa của một thuở hậu phương thanh bình dưới bầu trời Tự Do nơi Miền Nam Việt Nam thân yêu đã không còn đến nữa kể từ khi quê hương bị nhận chìm trong làn sóng đỏ. Dù xuân tha hương đến trong giá rét nhưng chúng ta có quần áo ấm trong căn phòng sưởi ấm thì ở một góc phố, vỉa hè nào đó trên quê hương... từng cơn gió khuya lạnh buốt xuyên qua chiếc áo trận năm xưa đã bạc màu, anh thương phế binh giật mình thức giấc ngồi dậy co ro thờ thẫn đón xuân sang trong ánh mắt u buồn. Anh đưa bàn tay chỉ còn 2 ngón của cánh tay còn lại duy nhất trong tứ chi xoa xoa vết thương đã lành của đôi chân cụt, anh lần xoa đến vết thương của cánh tay cụt bên kia chỉ còn chưa đến cùi chõ ... anh xoa nhè nhẹ vết thương nơi ngực còn mang một mảnh pháo nhỏ trong trận chiến năm nào ... những hình ảnh bi hùng của thời chinh chiến hiện về làm cho những dòng lệ xót xa chợt chảy dài từ đôi hố mắt trũng sâu không còn ánh sáng. Anh đã không không còn đôi mắt nhưng những giọt lệ đau thương uất nghẹn của người thua cuộc vẫn tuôn rơi hơn 1/3 thế kỷ. 38 đêm Giao Thừa, anh đón Tết đến trong nỗi xót xa, cay đắng ... Tương lai đất nước này, số phận dân tộc Việt Nam sẽ đi về đâu dưới ách cai trị của đám người ngu dốt, tham quyền cố vị, độc tài, bán nước, hại dân ...
Dù "Người Lính Già Xa Quê Hương" không tránh khỏi bi quan về con đường quang phục giang san nhưng Người Lính vẫn đặt niềm tin mạnh mẽ và hy vọng vào thế hệ hậu duệ VNCH sẽ kiên gan, bền chí đi tiếp con đường ngày xưa mà thế hệ cha, ông đã đi dang dở.
Từ những hình ảnh giới trẻ từ Mỹ, Úc, Pháp, Gia Nã Đại, Đức, Bỉ, Hòa Lan .v..v... xuống đường tranh đấu cho một Nước Việt Nam không còn cộng sản cho đến các diễn đàn chính trị trên mạng lưới toàn cầu Paltalk, giới trẻ cũng nhiệt tình góp tiếng nói đấu tranh, chuyển tải những tin tức, những sự thật về cho người dân trong nước biết những gì mà bạo quyền CSVN gian trá đã dùng bạo lực bưng bít. Giới trẻ cũng dùng mạng lưới toàn cầu Facebook làm mặt trận đối đầu và lột mặt bạo quyền CSVN trên bình diện Văn Hóa-Chính Trị. Từ những bài sưu tầm trên NET cho đến những bài thơ, bài văn từ sự suy nghĩ, nhận định sâu sắc, trung thực và ý chí kiên cường của giới trẻ sẽ là những quả bomb hạt nhân vô hình góp phần khai tử lũ bạo quyền "ÁC với DÂN-HÈN với GIẶC" trong một ngày không xa.
Tinh thần đấu tranh của thế hệ hậu duệ VNCH nói chung ... Tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất của các cô em gái, cháu gái "liễu yếu mong manh" nói riêng sẽ góp phần mang Mùa Xuân Của Mẹ và Lá Quốc Kỳ màu Vàng Ba Sọc Đỏ ngạo nghễ sớm trở lại Quê Hương, viết trang sử mới cho Dân Tộc Việt Nam.
Vinh Danh tinh thần hy sinh của tuổi trẻ Việt Nam trên con đường tranh đấu giải thể bạo quyền CSVN. Những Người Lính già này nguyện đồng hành và ủng hộ thế hệ hậu duệ với tất cả khả năng của mình trong thời gian hạn hẹp còn lại của cuộc đời.
5 năm, 10 năm hoặc 20 năm nữa ... Người Lính cuối cùng của QLVNCH sẽ trở về với cát bụi. Ngày đó nếu lũ bạo quyền CSVN chưa sụp đổ ... Người Lính chỉ muốn nhắn lại với giới trẻ hãy kiên cường tiếp tục tranh đấu bằng mọi phương cách khai tử lũ CSVN, xóa bỏ vĩnh viễn chủ nghĩa cộng sản vô thần trên quê hương để quê mẹ Việt Nam có được những mùa xuân hạnh phúc ấm no vĩnh cửu, để đất nước Việt Nam còn được tôn trọng trên chính trường quốc tế, được hãnh diện hòa nhập vào thế giới văn minh dưới khung trời "Tự Do" của nhân loại và cũng để những thế hệ sau này được sống đúng với ý nghĩa của hai chữ "con người".