Sunday, August 14, 2011

Người Tù Đêm Giao Thừa ... Năm Xưa

 

Người viết diễn đọc : Hoàng Nhật Thơ

     Đêm 30 tối đen như mực, trên nền trời chẳng có một ánh sao ... khu rừng già hoang vắng âm u, im lắng không một tiếng động, sương mù giăng kín, lũ chim rừng đang ngủ say trên cành, thỉnh thoảng vài cơn gió rít lên hòa vào âm thanh của loài côn trùng đang rả rích, tạo cho sự hoang vắng của khu rừng càng thêm rợn người. Trong khung cảnh của không gian lắng đọng vào sự tĩnh lặng tột cùng đó, một người đang lầm lủi với cành cây trên tay dùng làm gậy dò đường và nương tấm thân gầy yếu, run rẩy, mệt mỏi lê từng bước chân nặng nhọc ... Ai lang thang trong khu rừng già giờ này ... Đó là một người tù "cải tạo", hay nói đúng hơn là một trong hằng trăm ngàn Quân-Cán-Chính VNCH đã uất nghẹn trở thành người tù không bản án, bởi sự trả thù đê tiện, hèn hạ, độc ác của những kẻ dùng bạo lực quân sự cưỡng chiếm Miền Nam Việt Nam ngày 30/04/1975. Anh mới vừa được thả ra chiều nay, sau nhiều năm dài bị gông cùm, bị đánh đập, bị bỏ đói, bị tra tấn rách nát thịt da, bị cưỡng bức lao động kiệt sức, bị vắt cạn mồ hôi trong cái ngôi mộ máu "Trại Cải Tạo".

       Anh lần mò theo con đường đất khô cằn duy nhất này để băng qua khu rừng, con đường xuất hiện từ khi có trại tù "cải tạo" nơi đây và đã thấm bao nhiêu mồ hôi của những người tù và người đi thăm tù. Thân xác đau nhức, mệt mỏi, rũ rượi, đói khát, lạnh căm trong thời tiết khắc nghiệt buốt giá tận xương tủy của mùa Đông nơi miền Bắc này ... đôi chân rã rời hầu như không còn nhấc lên nổi nữa, anh lần mò ngồi xuống co ro dựa vào một thân cây bên đường ... hai cổ chân đau buốt, anh đưa tay sờ và cảm nhận được những giọt máu đang rỉ ra từ vết thương của bao lần bị cùm biệt giam ... một nỗi xót xa chợt dâng lên nghèn nghẹn, thoáng đó đã trên mười năm kể từ ngày bị bức tử "tan hàng" không nói được hai chữ "cố gắng" trong đớn đau, uất nghẹn. Cả một quãng đời hy sinh tất cả, đem xương máu và sinh mạng để bảo vệ hai chữ "Tự Do" cho quê hương ... giờ đây ngồi một mình co ro trong bộ quần áo cũ mỏng manh phủ tấm thân tàn ma dại, rét buốt, đau nhức, đẫm ướt sương đêm, đói khát trong bóng tối của đêm giao thừa giữa khu rừng vắng lặng ... một người tù không còn sức lao động đã "tốt nghiệp cải tạo" vừa được thả ra từ cái nhà tù nhỏ, lê cái xác chết biết đi, chưa biết cuộc đời sẽ ra sao trong cái nhà tù vĩ đại hình chữ "S", cái nhà tù lớn nhất thế giới mà lũ khốn nạn "đỉnh cao ngu đần" nhất nhân loại đã độc ác dùng bạo lực xây dựng lên ngay sau ngày 30/04/1975 và dùng máu, nước mắt của người dân viết bốn chữ "Thiên đường cộng sản". Quá mệt mỏi vì đuối sức ... anh rã rời thiếp vào giấc ngủ trong giá lạnh, đói khát và buốt đau ... hai giòng lệ nóng len lén rời khỏi khóe mắt chầm chậm chảy vào dòng dĩ vãng ....

     Từng hình ảnh của một thời tung hoành trong lửa đạn, những trận đánh tạo nên địa danh chiến sử mà anh cùng những người bạn đồng đội đã đem máu xương, sinh mạng để đổi lấy chiến thắng, để bảo vệ gìn giữ từng tấc đất của quê hương, để đánh đổi sự an lành cho người dân hậu phương trên khắp nẻo đường đất nước. Một trong những trận chiến đáng nhớ nhất, bi hùng nhất trong hai mươi năm chinh chiến ... một trận thư hùng khốc liệt, long trời, lở đất có một không hai giữa QLVNCH và quân đội CSBV trong suốt chiều dài cuộc chiến tranh Việt Nam ... một trận chiến làm nổi bật thêm sự oai hùng, dũng cảm, can trường, sự hy sinh, sức chịu đựng bền bỉ, dẽo dai thần kỳ của người lính VNCH ... Trận chiến "Mùa Hè Đỏ Lửa 1972" ...

     Trưa ngày 30/03/1972, CSBV đưa quân, chiến xa và trọng pháo ào ạt vượt sông Bến Hải, tấn công vào thị trấn Đông Hà, một thành phố cực Bắc của Miền Nam Việt Nam, mở đầu cho trận chiến "Mùa Hè Đỏ Lửa" ... đạn bay, súng nổ, máu lửa đỏ cả quê hương, các mặt trận nặng nhất là An Lộc, Bình Long, Komtum, Tân Cảnh, Quảng Trị ... người lính VCNH chiến đấu dưới sức nóng cháy da thịt của quả cầu lửa khổng lồ thiên nhiên và trong hơi nóng kinh khiếp ngàn ngàn độ "C" của ngọn lửa nhân tạo được những kẻ đi xâm lược mang từ miền Bắc vào định thiêu hủy QLVNCH và nhuộm đỏ Miền Nam Việt Nam. Chiều ngày 06/04/1972, CSBV bất ngờ tấn công vào thành phố An Lộc ... Người lính VNCH chiến đấu chống trả một cách dũng cảm, can trường ... tiến lên trong mưa pháo của quân thù, máu chảy theo mỗi bước đi để chiếm lại từng căn nhà, góc phố cho người dân nơi thị trấn An Lộc, một trận chiến lưu lại cho hậu thế hai câu thơ bất hủ "An Lộc Địa Sử Ghi Chiến Tích ... Biệt Cách Dù Vị Quốc Vong Thân", trận chiến An Lộc kết thúc ngày 12/06/1972 sau hơn hai tháng ngập chìm trong hằng trăm ngàn quả đạn pháo đủ loại của cộng quân ... Anh mang hai vết thương nhẹ trên thân thể làm kỷ niệm, vội vã cùng những người bạn đồng đội với khuôn mặt còn bám đầy cát bụi, chinh y còn vương mùi thuốc súng lên trực thăng ra tiếp ứng cho chiến trường Quảng Trị ; Ngày 01/05/1972, CSBV đưa lực lượng tương đương sáu sư đoàn tấn công vào thành phố Quảng Trị và chiếm Cổ Thành Đinh Công Tráng ... xác dân lành vô tội rải rác khắp nơi trong hoang tàn đổ nát ... các đơn vị thuộc QLVNCH chiến đấu anh dũng, lần lượt tiêu diệt các lực lượng cộng quân, cái chốt khó khăn còn lại cuối cùng là Cổ Thành ... Người lính VNCH trong lửa khói mịt mờ, trong những cơn mưa đạn lớn nhỏ đủ loại của cộng quân bắn ra từ Cổ Thành giăng kín đất trời ... kẻ bị thương, người gục ngã, kẻ tải thương, người kéo xác đồng đội, người tiếp tục tiến lên trong sức nóng như thiêu đốt của mặt trời và ngọn lửa chiến tranh hoặc âm thầm trong bóng đêm bò trườn lên trên đống gạch vụn đổ nát hôi tanh mùi máu và xác người, đối diện với tử thần trên từng tấc đất để tiêu diệt lũ giặc khát máu "Sinh Bắc, Tử Nam", quyết chiếm lại Cổ Thành bằng bất cứ giá nào, cho dù với cái giá đắc nhất "sinh mạng".

     Sáng ngày 16/09/1972, Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ ngạo nghễ phất phới tung bay trên Cổ Thành và thành phố Quảng Trị. Chiến dịch "Lôi Phong" lịch sử tái chiếm Cổ Thành của người hùng "Mùa Hè Đỏ Lửa", danh tướng Ngô Quang Trưởng đã chấm dứt trận chiến 4 tháng 16 ngày tại mặt trận Quảng Trị, kết thúc trận chiến "Mùa Hè Đỏ Lửa" kéo dài năm tháng rưởi từ trưa ngày 30/03 đến 16/09/1972. Một chiến thắng đã làm cho cả thế giới phải nghiêng mình, cuối đầu khâm phục QLVNCH. Chiến thắng nào không đánh đổi bằng hòm gỗ cài hoa, chiến thắng nào không để lại những mảnh đời trên chiếc xe lăn hoặc khập khểnh nạng gỗ, chiến thắng nào không để lại những vành tang trắng trên đầu góa phụ và trẻ thơ, chiến thắng nào không để lại những giòng nước mắt của lá vàng khóc lá xanh rơi, chiến thắng nào không được viết bằng máu của người lính VNCH trong trách nhiệm "Bảo Quốc-An Dân" ...!

     Từng quãng đường quân hành lần lượt hiện ra cho đến biến cố "Tháng Tư Đen Gãy Súng" tang thương ... Anh giựt mình tỉnh giấc, dòng tiềm thức đã len lén thoáng qua trong giấc mộng của anh vào những giây phút đầu năm giữa khu rừng hoang vắng. Từng hình ảnh của một thời bi hùng đã được ký ức thâu lại thành những đoạn phim ngắn trong một cuốn phim dài hai mươi năm mang tên "Chiến tranh Việt Nam", được trân quý lưu giữ trong dòng tiềm thức của mỗi một người lính VNCH ; Hơn bảy ngàn ngày đêm chiến đấu không mệt mỏi chỉ để bảo vệ hai chữ "Tự Do" cho Miền Nam Việt Nam ... Người lính VCNH đã dùng máu của chính mình viết thành một bộ quân sử bi hùng dày hơn bảy ngàn trang, một bộ quân sử giá trị nhất trên thế giới, được trang trọng đặt tên "Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa".

     Tiếng chim hót ríu rít trên cành mừng Xuân đến, những vạt nắng hồng xuyên qua khe lá ... giấc mơ đã tan ... nhưng dư âm vẫn còn vương đọng lại chút gì đó xót xa trong ánh mắt của anh ... một giấc mộng của một thời bi hùng và kết thúc tang thương ... dù mộng hay thực thì cũng qua rồi, anh buông khẽ tiếng thở dài ...nhưng trong tiếng khẽ thở dài đó là cả một trời tang thương ...! Anh đưa tay cầm cây gậy uể oải gượng chống đứng dậy tiếp tục lê bước đường trường xa ... hy vọng ra được đến bên ngoài quá giang một chiếc xe cộc cạch nào đó ra quốc lộ đón xe về Nam. Đường về Nam, ôi ngút ngàn xa thẳm ... chút hơi thở mòn, sức cạn dần, biết còn đủ để đưa tấm thân người chẳng ra người, ma chẳng ra ma về đến cố hương, hay một khoảnh khắc nào đó chút nữa đây sẽ gục ngã bên đường rồi mục rã trong lá cây rừng, không nấm mộ, chẳng nén hương buồn ... Tưởng Niệm ...!


Một ngày cuối năm Canh Dần 2010.
Hoàng Nhật Thơ                               
     


No comments:

Post a Comment