Wednesday, November 30, 2011

Viết Đúng Tiếng Việt Dễ Hay Khó ?



Khi đặt câu hỏi này , người viết cũng ước lượng sẽ gặp những câu trả lời như : " Đã sinh ra ở Việt Nam , sinh sống , lớn lên đi học trường Việt Nam , thấm nhuần văn hóa Việt Nam , còn viết không đúng tiếng Việt , nên " đi chết " đi ! .

Ấy ! ấy ! xin đừng nóng , người viết xin thưa cùng quí vị đôi điều : Thấy vậy mà không phải vậy !

Một cách căn bản , muốn viết đúng tiếng Việt cần viết cho đúng dấu hỏi ngã , và đúng chính tả . Đó là chưa nói tới phải đúng trong cách đặt câu cho rõ ràng , có chủ từ , động từ , túc từ ...v . . . v . . . Tĩnh từ và trạng từ cũng quan trọng không kém , phải đặt đúng vị trí trong câu . Ngay cả cách chấm câu , xuống hàng không phải muốn chấm câu ở đâu cũng được . Những dấu cuối của một câu , như dấu chấm hỏi , chấm than cũng không phải bạ đâu cũng chấm than , chấm hỏi , vì những dấu này đặc biệt thể hiện ý muốn của tác giả muốn đặt một câu hỏi , hay nghi vấn về một việc chưa rõ , hay than vãn về một sự việc nào đó . Nói tóm lại là phải đúng văn phạm .

Có người cho rằng người sinh trưởng ở miền Bắc nói và viết tiếng Việt chuẩn vì cách phát âm đã có sẵn dấu hỏi ngã và chính tả rồi .

Đúng 90/100 thôi , chuyện này mình sẽ bàn ở đoạn sau .

Thú thật khi viết về đề tài này , tôi rất ngại ngần . Bởi lẽ chủ đề không đơn giản , đã viết là phải phân tích rõ ràng , thí dụ cụ thể và như thế không thể tóm gọn trong vài trang . Mặt khác anh em mình cũng đã " chuẩn thất thập " trở lên , không ai huỡn mà nghiền ngẫm , lại có thể một số anh em " rầy " mình nữa : " Sao bày đặt khó khăn làm chi ? " Các bạn và quí vị ơi , thôi thì ai thích thì đọc cho vui , không thì đừng để mắt tới .

Xin quí vị hãy xem đây là một bài viết thuộc loại tạp văn , hay tùy bút , không phải là một bài nghiên cứu về ngôn ngữ có tính hàn lâm . Việc ấy thuộc thẩm quyền của các nhà ngôn ngữ học , khoa bảng . Tôi chỉ lượm lặt , ghi lại những điều đã đọc , nghe được . Cũng xin nói thêm một số thí dụ tôi đưa ra được ghi lại từ báo chí , internet . Một số câu tôi đặt ra để lồng vào những từ ngữ muốn thí dụ . Xin quí vị lấy ý mà quên lời , không xét nét về cách đặt câu , cũng như qui tắc văn phạm vì đây chỉ là những thí dụ mà thôi .

Trở lại câu hỏi : Viết đúng tiếng Việt dễ hay khó ? Xin thưa rằng : không dễ ! Vì viết sai là bị khi dể ( có lẽ nói trại từ chữ dở ) .

Rắc rối là ở đây : " Chiều nắng ngả ở ngã tư , nơi những ngả đường giao nhau , em ngả đầu lên vai anh , bóng mình ngã dài trên ngã hẹp "

" Nó đang ngả nón chào thì ngã khuỵu tại ngã ba đường gần ngả ra bờ sôngì " Chỉ một chư " ngã " mà khi thì dấu hỏi khi dấu ngã vì mỗi dấu làm khác nghĩa của chữ gốc .

Nếu viết một bài phân tích đầy đủ lại phải xét rất nhiều thứ . Nào là ngữ âm ( nguyên âm , phụ âm ) , qui tắc hài thanh , từ đơn âm , từ kép , từ ghép , từ đa âm , từ Hán Việt , từ láy , tiếng địa phương , tiếng Nôm . Làm sao phân biệt từ Hán Việt và tiếng Nôm . . . Thật là nhiêu khê , vậy nên người viết chỉ đơn giản , lượt qua những chữ thường gặp thôi .

Ngữ âm : Gồm các nguyên âm và phụ âm sau đây :

Nguyên âm : a , ă , â , e , ê , i , y , o , ô , u , ư ,

Phụ âm : b , c , k , ch , d , đ , g , gi , gh , k , kh , l , m , n , ng , nh , p , ph , qu , r , s , t , th , tr , v , x .

Qui tắc hài thanh :

Thanh bổng : giọng cao cho những chữ có dấu : không dấu , sắc , hỏi .

Thanh trầm : giọng thấp cho những chữ có dấu : huyền , nặng , ngã .

Qui tắc : Những chữ cặp đôi với chữ có thanh bổng ( không , sắc , hỏi ) = viết dấu hỏi

Những chữ cặp đôi với chữ có thanh trầm ( huyền , nặng , ngã ) = viết dấu ngã

Thí dụ : lững lờ , vì lờ là dấu huyền , nên lững là dấu ngã , còn lửng lơ , vì lơ không dấu nên lửng là dấu hỏi

Qui tắc này có những ngoại lệ sẽ bàn sau .

Từ đa âm : có từ hai âm tiết trở lên , có ít nhất một âm vô nghĩa ( hoặc không rõ nghĩa ) khi tách rời ra . Thí dụ : ba ba , tẽn tò , vẻn vẹn , vỏn vẹn .

. . Những chữ sau đây không biết nên xếp vào loại tự nào : nghểu nghến , nghễu nghện , ngất nghểu , tủn mủn . . . cũng đa âm , vô nghĩa khi tách rời ra , nhưng chắc không phải là từ ghép ( tách ra vẫn còn nghĩa )

Từ láy : thí dụ : hợm hĩnh , hậu hĩnh , hý hửng . . .

Từ ghép : tập hợp vài từ đơn âm : đo đỏ , tim tím , hậu sự , hậu đãi . . .

Trong vài trường hợp không có ranh giới rõ ràng cho các từ láy và từ ghép , hoặc vừa là láy cũng vừa là ghép .

Qui tắc hài thanh cũng có những trường hợp ngoại lệ . Đáng lẽ phải là dấu hòi vì : không sắc hỏi = hỏi , đằng này lại viết ngã . Thí dụ : sư sãi , đối đãi , hung hãn , ve vãn , minh mẫn , trơ trẽn , vung vãi , khe khẽ , ngoan ngoãn , nông nỗi . . v .v . .

Đáng lẽ phải là dấu ngã vì : huyền , nặng , ngã = ngã , nhưng lại phải viết dấu hỏi . thí dụ : lẳng lặng , mình mẩy , sàng sảy , vẻn vẹn , bền bỉ , nài nỉ , nhỏ nhặt , nhỏ nhẹ , sừng sỏ , học hỏi , sành sỏi , mềm mỏng , bồi bổ , niềm nở . . . v . v . .

Xin đọc một vài thí dụ sau đây , khi thì dấu hỏi , khi dấu ngã :

" Đừng phí công nài nỉ ỉ ôi một cách ầm ĩ để xin tao cái nón nỉ . Cái nón rất bền bỉ , vì là kỷ vật nên tao giữ rất kỹ , đó là kỹ thuật cao cộng thêm kỹ xảo . Nó bền bỉ trong lúc tao bĩ vận . Đừng làm hỏng nó mà bỉ mặt tao "

" Đừng kêu la ầm ĩ , cứ để nó âm ỉ , chớ ỷ lại bắt người ta nấu chè ỉ . Cũng đừng ỷ y sức khoẻ khi bị mưa ướt i ỉ "

Từ Hán Việt :

Hơn phân nửa từ ngữ Việt Nam là từ Hán Việt . Mình quen dùng đến độ cứ tưởng đó là tiếng Việt thuần túy . Đó là những chữ gốc Hán mình phát âm theo tiếng Việt . Thí dụ : kinh tế , quân sự , quốc gia , văn hóa , ngoại giao , văn minh , chính trị ....v . . . v . . . Tiếng Việt thuần túy khi nói ra là người nghe hiểu dễ dàng . thí dụ : " Hôm qua tôi đi chợ mua đồ ăn " không cần phải moi móc diễn giải , kiểu : quốc = nước / gia = nhà v . .v . Xin quí vị đọc thử câu sau đây :

" Chính phủ ban lệnh cải cách điền địa song song với chương trình tu chỉnh hệ thống ngân hàng " Chỉ có một chữ " với " là thuần Việt mà thôi . Có người cắc cớ hỏi : Vậy chính phủ là gì ? Lại phải hì hục giải nghĩa ( không phải giải mã đâu nghe ) . Thật ra là thông dịch ý nghĩa : Chính phủ là cơ quan quyền lực tối cao của một quốc gia , bao gồm ba ngành Hành pháp , Lập pháp , Tư pháp . Lại đa phần là từ Hán Việt . Có thể nói khoảng 70/100 chữ Việt Nam là từ Hán Việt .

Từ Hán Việt có luật hỏi , ngã của riêng nó .

Những chữ có khởi đầu bằng các nguyên âm sau đây : a , â , o , ô , u , ư . viết dấu hỏi . thí dụ : ẩm thực , ải quan , ảnh hưởng , ổn thỏa , ảm đạm , ủng hộ . . . v . v .

Những chữ khởi đầu bằng các phụ âm sau đây : L, m , n , ng , nh , d , v . phải viết dấu ngã . thí dụ :

L = lãng mạn , lễ nghĩa , lẫm liệt . . .
M = mãn nguyện , mỹ nhân , mỹ mãn , mãnh liệt . . .
N = nữ lưu , nữ sĩ , não loạn , não bộ , noãn sào . . .
Ng = ngũ cốc , ngữ ngôn , ngẫu nhiên , quân ngũ . . .
Nh = nhẫn nại , nhĩ căn , nhãn khoa , nhã ý . . .
D = diễm lệ , diễn đàn , dũng cảm ,dĩ vãng . . .
V = vãng lai , vĩ đại , võ trang , vũ trụ . . .

Những chữ khởi đầu bằng các phụ âm sau đây : b , c , d , h , k , qu , t , có một số viết hỏi và một số viết ngã . Thì ra từ Hán Việt mặc dầu có luật hỏi , ngã của riêng nó , nhưng vẫn có ngoại lệ . Thí dụ :

Bải bôi / bãi thị
Bảo trọng / bão hòa
Cửu vạn / linh cữu
Đảng viên / du đãng
Hải đăng / hãi hùng . . .

Có một câu thiệu để viết đúng dấu ngã trong tiếng Hán Việt . Câu thiệu này tôi lượm được trên net . Đó là

Mình Nên Nhớ Vũ Là Dấu Ngã / hoặc quí vị có thể đổi vị trí các phụ âm đầu để " chế " ra một câu thiệu khác theo ý thích .

Tiếng Nôm :

Tất cả các từ không phải Hán Việt đều là tiếng Nôm . Thí dụ : cái nhà , lúa gạo , hôm nay . . . v . . v . . nghĩa là không phải truy xét ý nghĩa ẩn tàng nào . Khác với từ Hán Việt có nghĩa ẩn tàng cần phải truy dịch ra để hiểu . Thí dụ :

Bệnh viện : chỗ chứa người bệnh để chữa bệnh
Phi trường : chỗ sân rộng để máy bay lên xuống . . . .
Những chữ có nghĩa tương tự , nhưng viết khác :

Thí dụ :

" Đừng vung vẩy nước mà ướt áo " và :
" Đừng vung vãi lúa gạo như thế phí quá "

Xét ra hai chữ vung vẩy và vung vãi nghĩa rất tương cận nhau nhưng hỏi , ngã lại khác .

Cùng một chữ nhưng viết khác dấu tùy vị trí chữ ấy ( là danh từ , động từ , tĩnh từ hay trạng từ . . . ) :

" Mành treo trướng rủ nên treo cờ rủ , vậy phải rũ mành và để cho lá cờ rũ . Mọi người đều ủ rủ đứng cú rũ "

" Thằng Tám bị niểng cổ , đi cà niễng "

" Muốn dỡ hổng gánh này phải dỡ lên bằng cách dở bổng ( dỡ hổng : nhấc lên vừa khỏi mặt đất , dở bổng : đưa lên cao hẳn )

" Anh là người có lễ nghĩa thì đừng kể lể về chuyện chích lể trong ngày lễ lạc "

Những chữ chính tả bất phân biệt :

Những chữ sau đây thấy có hai cách viết , kể cả các văn bản nghiêm túc ( xử dụng , sử dụng ) ( lõi cây , lỏi cây ) ( lõi tì , lỏi tì ) ( rán học , ráng sức ) ( cọng sản , cộng sản ) ( ễnh ương , ễng ương ) ( giằn vặt , dằn vặt ) ( gièm pha , dèm pha ) ( giùi mài , dùi mài ) . Dùi mài có lẽ sai vì là đem cái dùi đi mài .

Đọc , bắt gặp nhiều nhất là xử dụng và sử dụng / rán , ráng / chia xẻ và chia sẻ / cọng sản và cộng sản .

Tra từ điển wikipedia/viet không thấy có chữ xử dụng , cũng không có chia xẻ , không có sáng lạn mà là xáng lạn . Tra thêm từ điển online khác cũng như thế . Tôi tin rằng những " kho chữ " này đươc xây dựng sau 1975 . Vì trước 75 miền nam luôn viết " xử dụng " vì là cư xử và ứng dụng , dùng cho một sự việc nào đó , chẳng ai nói " sử dụng " cả , chỉ có sử học , lich sử , sử ký . . . Cũng thế , chẳng ai nói " chia sẻ " cả . Xẻ là cắt ra , chia ra như xẻ thịt , xẻ gỗ , xẻ trái cây , xẻ bắp chuối . . . Còn " sẻ " là thế nào ? Chim sẻ chăng ? hay se sẻ ( khe khẽ ) ? Còn xáng lạn là sao ? Trước kia chỉ nghe nói ' xáng bạt tai " hoặc là " kinh xáng " chẳng nghe nói " xáng lạn " bao giờ . " sáng lạn " hàm ý một điều gì sáng sủa , nghe còn có ý nghĩa .

Chữ " rán " và " ráng " có cùng nghĩa là cố lên , gắng lên . Thí dụ: "

Con rán học giỏi để ba , mẹ vui lòng , nên nhớ rằng mình cố công ráng sức thì việc khó cũng làm được " ( không bàn đến nghĩa rán là chiên , như cá rán , đậu rán . Còn ráng cũng có nghĩa là áng mây , như ráng chiều ) .

Hai chữ dòng và giòng gây nhiều lẫn lộn . Xin đọc thí dụ sau đây :

" Đứng Bên Dòng Sông Trẹm chợt nhớ về Giòng Sông Thanh Thủy " Đây là hai tác phẩm của hai nhà văn tên tuổi , Bên Dòng Sông Trẹm của Dương Hà , còn quyển Giòng Sông Thanh Thủy của nhà văn Nhất Linh . Tôi vào Google , type tên hai quyển sách thì thấy hiện lên đầy đủ bài viết và hình bìa của cả 2 quyển sách . Điều tôi muốn nêu ra đây là 2 quyển sách đó có tựa đề là tên của 2 con sông mà cách viết khác nhau , " Dòng Sông " và " Giòng Sông " . . . Xin các bậc thức giả chỉ ra giùm viết sao cho đúng . Tôi không tin rằng hai nhà văn tên tuổi lại thiếu cẩn trọng cho tựa đề tác phẩm của mình .

Chúng ta cũng thường thấy như sau : " Dòng dõi Việt Nam " nhưng cũng có " giòng giống Việt Nam " cũng như " Dòng tộc nhà Nguyễn " nhưng là " Giòng họ nhà Nguyễn " Thế thì " Dòng tộc " và " Giòng họ " thì khác gì nhau ?.

Lại cùng âm " ồng " , xin đọc thí dụ sau đây :

" Loại khoai mì ( sắn ) chỉ thích hợp với đất giồng ( đất có gò nổi , đất pha cát ) . Người ta cuốc đất thành từng dòng ( hàng ) để trồng khoai . Mỗi luống phát triển thành những vồng khoai to tướng ." Chắc các quí vị còn nhớ câu sau đây :

" Sông kia giờ đã nên vồng " ( có người ghi là đồng , giồng ) để thấy rằng muốn viết cho thật đúng cũng không dễ .

Những chữ dễ nhầm vì xuất hiện hai cách viết :

Xoi mói / soi mói
Cọ xát / cọ sát

Tôi nghĩ hai cặp chữ này có thể chấp nhận được , vì xoi hay soi cũng đều có nghĩa là moi ra , vạch ra , soi còn có nghĩa là chiếu soi , rọi sáng . Còn xát là chà xát cũng có nghĩa tương cận với hai vật gì cặp sát nhau . Hai vật cặp sát nhau mà cọ thì đúng là chà xát rồi .

tham quan và thăm quan : Theo tôi hai chữ đều sai vì hướng tới một nghĩa khác .

" tham quan " rất ít khi dùng ở miền Nam trước 75 . Đó là một chữ chính thức trong ngôn ngữ tiếng Việt . Tuy nhiên sau này quí ngài vc sợ " quần " chúng hiểu lầm là quan tham nên chế ra chữ " thăm quan " . Lại hỏng nữa vì thăm quan còn có nghĩa là thăm viếng một ông quan nào đó . Thí dụ câu sau đây :

" Quan chức tỉnh A đi thăm quan cửa khẩu B " . Sao không nói đơn giản là thăm viếng ?

Những chữ sau đây ít còn thấy dùng :

Giặt gỵa / gièm giẹp / giạng háng / ( là dạng chân ra , soãi chân ra ) không chắc phải viết sao cho đúng , dạng chân hay giạng chân ? xoãi chân hay soãi chân ? Chính tả tiếng Việt làm mình khốn khổ chứ chẳng phải chuyện thường . Xin kể thêm vài chữ khó nhớ :

Giôn giốt / giấm giúi / giần sàng ( sảy trấu cho sạch ) / giập giờn ( có thấy dập dờn ) / giắt răng / giằm ớt .

Hai chữ giẵm và dẫm đều có nghĩa tương tự là bước chân lên , đạp lên một thứ gì , nhưng giẵm là vô tình bước nhẹ lên . thí dụ :

" Cẩn thận , kẽo giẵm lên lúa mạ " . " Dẫm " lại mang ý đạp mạnh lên . Thí dụ : " Này , dẫm mạnh lên để hạt bắp rời ra "

Cái lắt léo trong tiếng Việt :

Hai chữ hoàn toàn đối chọi nhau nhưng tùy cách viết trở thành nghĩa giống nhau .Thí dụ :

" Nhờ can đảm nên võ sĩ A đánh thắng địch thủ "

Lại xét câu sau đây :

" Tuy là nước nhỏ nhưng Việt Nam nhiều lần " đánh bại " quân xâm lược .

Như vậy hai chữ " đánh thắng " hay " đánh bại " cùng có một nghĩa là chiến thắng đối phương .

* Hai chữ giống hệt nhau mà tùy cách viết mà trở thành nghĩa đối chọi nhau . Thí dụ :

" Nhìn bản mặt thằng đó thấy dễ ghét quá " . Rồi xét câu sau đây :

" Cái miệng em bé nhỏ xíu trông dễ ghét làm sao " . Đây lại là lời nói yêu , mà câu trước là ghét thật .

Một vài chữ đọc nghe trúc trắc và khó viết : Xin đọc thí dụ sau đây :

" Nó cười ngặt nghẻo với tướng đi ngỏng nghoẻo trên con đường ngoằn ngoèo , bị té nằm khoèo , cổ ngoẹo một bên "

" Cách phát âm và viết không trùng khớp nhau :

Người miền Bắc viết và phát âm chính xác trong việc phân biệt dấu hỏi , ngã và những chữ có phụ âm cuối là c , t , n , ng , ch và phụ âm đầu v , d , . Thí dụ :

các / cát
lườn / lường
chít / chích
chín / chính
vân / vâng
vâng / dâng

Tuy nhiên , những chữ sau đây được phát âm giống nhau nhưng viết thì khác :

xong / song ( x và s cùng phát âm " xờ " cả )
trăng / chăng ( tr và ch cùng âm " chờ " cả )
rừng / dừng ( r và d đều âm " dzờ " cả )

Chữ " gi " trong chữ " giang " " giỏi " đều phát âm là dzang , dzỏi . Có một số người chịu khó uốn lưỡi để phát âm thành " djang " để phân biệt như Cửu Long Djang ( giang ) v . . .v . . .

Thế nhưng , những bài hát thì phải dùng giọng Bắc , tiếng Bắc thì mới thêm tình tứ phải không quí vị . Mình nghe cũng hiểu ngay nghĩa của lời hát , bất kể cách phát âm . Thí dụ :

" Mưa dzừng ơi ! mưa dzừng ! " . Mình biết ngay đó là " Mưa Rừng " không nhầm lẫn với " mưa dừng " . Có một số phát âm ngọng nghịu chỉ nghe thấy trong văn nói , ít thấy trong văn viết đàng hoàng ( thỉnh thoảng có thấy trên internet ) . Thí dụ ;" Nèn cứ nèn , nún cứ nún " kiểu như :

" Hai chị em con Bé còn bé thế mà ló dzụ nàm náng hết , chả lể lang gì ai cả " . Thiểu số này chắc là người vùng quê , ít học .

Nói về cách phát âm sai , người miền Nam sai nhiều hơn vì không phân biệt được những phụ âm vừa nêu trên . Thí dụ : các /cát - chắc / chắt - tít / tích

- chan / chang - hoàn / hoàng . . . v . . . v . . . Còn các chữ sau đây người miền Bắc phát âm phân biệt , rõ ràng : vàn , vàng , dàn , dàng , giàn , giàng . Người Nam thì cái nào cũng " dàng dàng " ráo trọi !

Người Việt hải ngoại và tiếng Việt dùng trong nước :

Trong những năm người Việt bắt đầu về Việt Nam trong sợ sệt và e dè , có bà bạn của gia đình tôi vì có việc cần kíp phải về Việt Nam . Bà kể , bà cẩn thận trang phục cho mình bộ quần áo bà ba cũ kỹ , chiếc nón lá rách và mang đôi dép cũ lẹp xẹp với ý định giấu lý lịch Việt kiều tị nạn và hòa lẫn vào đám đông bình dân . Trong lúc ngồi trên chuyến xe đò về miền tây có người hỏi : " Chị ở ngoại quốc mới về phải không ? " . Bà đâm hoảng , vì làm sao mà " nó " biết ? Hay đây là công an chìm ? hay là tình báo ? Mà ở Mỹ mình là công chức quèn , có " chính chị chính em " gì đâu . Bà chối quanh nhưng người đó cứ bảo " Không ! Tôi biết chị ở nước ngoài về , giấu không được đâu ." Rốt cuộc bà phải thú nhận ở Mỹ mới về lo cho Mẹ đau nặng .

Sau đó bà về Mỹ mang theo nỗi thắc mắc : Làm sao mà " nó " biết , mình có điểm trang lòe loẹt gì đâu . Thật là tài thánh !

! . Tôi nói với bà rằng : Bà ơi ! , theo tôi suy nghĩ thì nó biết là do cách trò chuyện trao đổi của bà . Nếu bà nói chuyện kiểu như : " Tui cố gắng đón chuyến xe sớm nhất để tránh nạn kẹt xe " thì họ biết ngay là bà ở xa mới về . Vì người trong nước nói như thế này : " Tôi tranh thủ bắt chuyến xe sớm nhất để tránh sự cố ùn tắc " . Bà vỡ lẽ à há à há lia lịa : " Vậy mà tui nghĩ hổng ra ! "

Nói về tiếng Việt dùng trong nước hiện nay quí ngài vc chế ra những chữ quái đản : như xưởng đẻ , nhà ỉa , giải phóng mặt bằng ( đuổi nhà chiếm đất thì nói ra cho rồi ) bệnh tiêu chảy cấp , bệnh tay chân miệng , bệnh mò cắn . . .

Lại còn những chữ nghe kêu vang mà không chứa bao nhiêu nghĩa :

Việc chi cũng xử lý , xử lý vợ con , tiền bạc , bạn bè , vật dụng , buôn bán , đồ ăn , nước thải gì cũng " xử lý " ráo ! Sản xuất thì " đại trà " , cái gì to , đẹp thì là " quành cháng " ( hoành tráng ) , ấn tượng . Rồi thì nào là " cá thể" " thông tin " " chất lượng " " tồn tại " . Nhiều , nhiều lắm kể không hết . Có thể nói loại ngôn ngữ này dần dần xâm lấn ngôn ngữ miền Nam trước 75 . Đó là điều đáng buồn . Sau đây xin nêu vài thí dụ loại ngôn ngữ này làm mất đi tính trong sáng của tiếng Việt .

" Vì thức ăn chất lượng kém , hồ cá ông A chỉ còn mươi cá thể " ( con cá thì nói là con cá cho rồi , cá với thể ! ) Đây là ý họ muốn nói từng con cá một . Chuyện gì cũng " khả năng " : " Ngày hôm nay có khả năng mưa " " Khả năng người tuyết có thật " " Trái đất nổ tung là một trong các khả năng " . " Vì tham nhũng học sinh giỏi có khả năng thi hỏng " . Những câu như trên rất tối nghĩa . Lại chế ra những chữ kêu vang như : " Chế Linh lần này về nước hát chẳng qua là khai thác tên tuổi mình một thời tạo được dấu ấn cho một bộ phận người nghe " .Còn câu sau đây nghe thật chói tai : " Khoảng 90/100 động , thực vật , từng tồn tại trên trái đất đã tuyệt chủng " . Tồn tại có nghĩa là thứ gì còn hiện hữu hiện diện cho tới ngày hôm nay . Đã " tồn tại " thì sao là tuyệt chủng được ?

Thật chán , họ cứ tưởng là trau chuốt ngôn ngữ cho trác tuyệt hóa ra là dốt , dốt , dốt ! .

Người viết không kỳ thị một ai cả , dầu biết chắc cách hành văn này của người miền Bắc ( vc ) đem vào Nam sau 75 và đang lây lan sang hải ngoại . Không kỳ thị ngôn ngữ của vùng , miền nào của đất nước , chỉ chê thứ ngôn từ vc sau 75 làm tổn hại ngôn ngữ Việt Nam , mất đi sự trong sáng , văn chương bóng bẩy của tiếng Việt mà đáng ra phải có . Thiết tưởng người hải ngoại không nên bắt chước dùng những chữ này của vc . Người có học không học lóm chữ của kẻ dốt . Vẫn thấy nhan nhản trên báo chí diễn đàn truyền thông của người Việt hải ngoại dùng chữ của vc . Nào là tham quan , giải mã , sơ tán , lon , máy bay tiêm kích , tàu sân bay . .v .v . .

VC. nó nói gì kệ nó . Tiếng miền Nam mình có những chữ như thế để dùng . Sao không viết thăm viếng , giải nghĩa , giảng giải , di tản , cấp bậc . Sĩ quan mình có ai nói là hồi trước tôi mang lon thiếu tá , trung tá , hay đại úy đâu . Sao không nói máy bay nghênh cản , hay chiến đấu cơ , máy bay không chiến . . . thiếu gì chữ để dùng ? . Tụi nó bày đặt không dùng âm Hán tự . Vậy " lính thủy đánh bộ " " đại trà " " vĩ mô " " vi mô " " cơ động " thì là gì , có sạch Hán tự hay không ?

Vấn đề i và y :

Trong nước có quá nhiều " hộc giả tiến sủy " nên có nhiều học thuyết . Có học giả chủ trương nên viết tất cả từ " i " thay thế " y " . Họ viện dẫn ngôn ngữ Việt nguyên thủy từ thời Pháp thuộc . Rồi nào là ngữ âm pháp , âm ký ,ngữ cảm bản ngữ , âm tiết , ghi âm phụ , ngữ âm học . . v . . v .để nằng nặc viết những chữ như sau : nước Mĩ , người Mĩ , li kì , cao kì , nguiễn văn í , uiên bác , khuiên bảo , quiên góp , thuiết minh . . v . v . .

Vậy làm sao giải quyết những chữ như : cổ súy , thanh thủy , uỷ viên , thành lũy . . . Vậy tên người ta là Lê Thụy Anh , phải viết sao đây . Hay lại biện minh là vì đứng sau nguyên âm phải chịu như vậy . Thế thì đổi làm gì cho tối tăm chữ nghĩa ? Kí thì khác với ký chứ ?

Tôi rất ngưỡng mộ và trân quí văn chương Việt Nam , nhất là các tác giả miền Bắc . Trong chúng ta chắc chắn nhiều người cò nhớ đoạn văn sau đây của nhà văn Thanh Tịnh :

" Hàng năm cứ vào cuối Thu lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc , lòng tôi lại nôn nao nhớ đến buổi tựu trường . Tôi quên thế nào được , một buổi sớm mai hôm ấy , Mẹ tôi nắm lấy tay tôi dẫn đi trên con đường dài và hẹp . . . " Và cái sân nó rộng cái mình nó cao hơn những buổi trưa hè đầy vắng lặng . Lòng tôi đâm ra lo sợ vẩn vơ . . . " Hoặc đoạn văn sau đây của Đinh Hùng , êm như thơ :

" Thu năm nay tôi lại đi trên con đường vắng này nghe từng chiếc lá rơi trên bờ cỏ . Những cây liễu đứng rũ buồn như những người cung nữ thời xưa và trong vườn nhà ai thấp thoáng bóng hoa phù dung buổi sớm nở trắng như một linh hồn còn trẻ . Nắng ở đây vẫn là nắng của ngày xưa và linh hồn tôi vẫn là linh hồn tôi năm trước . Tôi đem lòng về để gặp mùa Thu thương nhớ cũ và may cũng gặp Thu về để nước hồ xanh . Bước chân ai xa vắng ngoài kia hay cũng chỉ là tiếng gió thoảng mong manh . . . "

Ôi , những đoạn văn trong sáng làm rung động lòng người . Bởi thế những bài tập đọc ấy trên nửa thế kỷ rồi mà nhiều người vẫn còn nhớ .

Từ bình dân và phương ngữ :

Tôi là người sinh trưởng ở miền Nam . Nói theo kiểu dân dã là " người Nam gặc " . Không phủ nhận là người miền Nam nói và viết sai chính tả nhiều hơn miền Bắc . Ngay cả chữ " gặc " là phát âm chữ " rặc " tức là rặc ròng không pha trộn không lai căn . Bản thân chữ " rặc " cũng không chắc viết sao cho đúng , vì đây là từ bình dân trong văn nói , ít thấy xử dụng trong văn viết và người miền cực Nam phát âm thành " gặc " kiểu như cá gô . Xin đọc thí dụ sau đây :

" Tui ở Gạch Giá ( Rạch Giá ) tui bắt cá gô bỏ trong gổ nó nhảy gột gột . Con này " bự tổ chảng " con kia " bự chần dần " còn con này là " bành sờ ki " luôn . Cỡ này thêm " ông già chống gậy " là nhậu " quắc cần câu " nhậu " tét ghèn " cho tới "xỉn " mới đã . Gụ ( rượu ) này là " hết xẩy " đó nghen . " Câu này , chữ này chỉ là nghe được trong ngôn ngữ dân dã , thật không biết viết sao cho đúng . Xin kể thêm vài từ bình dân :

Chài bài , thí dụ đống cát , lúa bị chài bài ( chảy ra , chuồi ra , xoạc ra ) Rồi lại có : chành bành , chang bang , chàng ràng , chàng hảng , banh càng

. . .

Màu sắc thì thêm tiếng đệm :

Vàng khè , vàng ưởng ,vàng óng , vàng mơ , vàng ệch . . .
Xanh lè , xanh lét , xanh mét , xanh ngắt , xanh chành . . .
Tím rịm , tím ngắt , tím giắt , tím bầm
Đỏ ké , đỏ lòm , đỏ hỏn , đỏ chét , đỏ dạ , đỏ chót
Đen thui , đen thùi , đen kịt , đen kịn
Trắng nõn , trắng dã , trắng bệch , trắng mét . . .

Lại còn : càm ràm , mè nheo , chèo bẻo , lảnh lót , cà tửng , leo lẻo , lẻo lự , le ngoe , hóc búa , chình ình , thúi ình , thúi hoắc . . . kể không xiết !

Lại còn nhóm chữ này : " Ngủ nướn nằm trườn trườn " không biết viết sao cho đúng . " Nướn " hay là " Nướng " . Có lẽ chữ " nướn " là đúng hơn vì nói trại từ chữ nán ?. Còn nướng thì nóng quá làm sao ngủ . Cũng không chừng mùa hè nóng quá ngủ như bị nướng ? Còn nằm trườn trườn chỉ hành động lăn trở khi ngủ như trườn hay bò nhưng cũng có thể khi nằm ngủ thân thể dài ngoằng nên là " trường " chăng ?. Lại còn dài thòn , dài nhằng , dài thượt . . . Lại còn mướt rượt , láng o , láng lẩy , láng lìn ? Rồi thười lười , tàng hoạc , trớt huớt , xà hoác , xảnh xẹ . . . Ôi thôi , kiểu này phải thua luôn . Tiếng Việt mình đáng yêu biết bao !

Nói về ngôn ngữ địa phương , thời " ở lính " thỉnh thoảng tôi có nghe một số bạn người miền Trung nói : " Con đường thẳng ống đường kiệt " Quả thật rất lạ tai . Có lẽ là con đường cái quan chăng ? Vì là đường cái , quan trọng ( hay dành riêng cho quan chức ) nên thẳng như cái ống ? Đây chỉ là suy nghĩ quẩn quanh của riêng tôi , không chắc là đúng . Lại còn những chữ như : ốt dột , mô ,tê , răng , rứa , chừ nghe dễ thương chi lạ . Kiểu như : " Anh noái rựa em hung ưng mô , cại ni nì " . Đã một thời trái tim tôi rụng xuống giòng Hương giang vì những âm thanh quyến rũ đó .

Vì tiếng Việt của mình phong phú đến độ gần như rắc rối , thế nên theo tôi nghĩ chẳng mấy ai dám tự xưng là mình viết đúng hoàn toàn . Phần tôi chắc cũng không ngoại lệ . Ngay trong bài viết này chắc cũng có sai phạm , nên bài viết chỉ có mục đích trình bày và gợi nhớ mà thôi . Mặc dầu cẩn trọng , tự tin , nhưng tôi chỉ dám hy vọng là mình viết ÍT SAI mà thôi . Được như vậy cũng do tôi nghiền ngẫm học thuộc lòng những chữ có dấu hỏi ngã và cách phát âm của người miền Bắc trong các chữ cuối : t , c , n , ng , i , y , .

Thí dụ : lươn , lương , rún , rúng . . . tai , tay , cai , cay , các , cát . . . .

Bởi vì trong một bài văn có tính nghiêm túc , hay một bài thơ mà viết sai chính tả thì câu , nghĩa muốn diễn đạt một đường lại ra một nẻo khác .

Gần đây ta thường thấy những câu như sau , gọi là ngôn ngữ hiện đại , hại điện : " Phở tiệm X nấu hơi bị ngon " hoặc cô Y hơi bị đẹp " nghe thật ngớ ngẩn . " Bị " chỉ thể trạng phủ định cho một sự việc nào đó như : bị bệnh ( không khỏe ) bị túng thiếu ( không có tiền ) xe bị hư ( xe không tốt ) v . . v. . .Chẳng ai nói " Tui hơi bị khỏe quá " " Tui hơi bị giàu " " Xe tui hơi bị tốt " . Cách nói như thế chỉ có ở người ít học hay bắt chước kẻ ít học .

Không rò ở Việt Nam mình có Viện Hàn Lâm ngôn ngữ hay không và độ khả tín vào các " hộc giả " như thế nào . Bởi nhan nhản mình đọc được nào là : " Anh quản lý đời em , mình tranh thủ khẩn trương lên . Đám cưới phải thật ấn tượng , hoành tráng " Nghe muốn ói !

Tôi trân trọng người đọc bài và góp ý nghiêm chỉnh . Tôi luôn luôn cảm ơn những phê phán xây dựng để học được từ những điểm sai của mình , để không vấp phải lần nữa . Để kết luận , tôi chỉ mong ước mọi người viết ÍT SAI tiếng Việt . Càng ít sai càng tốt . Đó cũng là cách biểu tỏ lòng yêu mến dân tộc Việt , Tổ Quốc Việt và văn hóa Việt .

T .T. MÂY TRÊN NGÀN .( Cánh Thép)

No comments:

Post a Comment