Tuesday, August 02, 2011

Người Lính VNCH trong kho tàng âm nhạc Việt Nam.

 
Người viết diễn đọc.
       
     Ba mươi lăm năm lặng lẽ trôi qua, vết thương "gãy  súng" hầu  như chưa   khép  lại   một   giây  trong  lòng  những  Người  Lính  VNCH ... Văn  chương,  ngôn  từ   dù  có  diễn  tả,  sắp  xếp   khéo  léo  đến  đâu cũng không  nói  lên  được trọn  vẹn  những bi  hùng, tang  thương  của  Người  Lính  VNCH  trong  và  sau  cuộc  chiến.  Xin  hãy  giữ  gìn   và   bảo  vệ   tinh  thần "Vị  Quốc Vong Thân" của  các  anh  như  giữ   gìn   ngọn lửa  thiêng trong lòng dân tộc. "Vinh Danh-Tưởng Niệm-Tri Ân" Người  Lính  Việt  Nam  Cộng  Hoà.

     Trở  ngược dòng lịch sử  cách đây trên 56 năm  vào  ngày 20/07/54, Thực  dân  Pháp  và  Cộng  sản  Bắc  Việt   đã  ký  Hiệp Định  Geneve chia đôi đất  nước Việt Nam, giòng sông Bến Hải nơi  vĩ  tuyến 17 được chọn làm ranh giới giữa hai miền Nam Bắc. Miền Bắc bị Hồ Chí Minh  cai   trị   bằng  chủ   nghĩa  cộng  sản  khát  máu,  phi  nhân,  bạo  tàn ; Miền  Nam  được  Tổng  Thống  Ngô  Đình  Diệm  lãnh  đạo  theo  chủ  nghĩa  Nhân  Vị  với  phương  châm "Dân  Vi  Quý - Xã  Tắc Thứ Chi - Quân Vi  Khinh".  Ngay  sau  khi  đất  nước  bị  chia  đôi, cộng sản  đã  gài   lại   miền Nam  một  số  cán  bộ  nồng  cốt   để   thực   hiện   ý   đồ xâm lược  và  nhuộm đỏ  nửa  phần còn lại  của  đất nước bằng vũ  lực. Những  năm  cuối  thập  niên 1950  và  đầu  thập  niên  1960, cộng  sản  bắt  đầu  chính sách  khủng bố, bắt cóc, ám  sát, thủ  tiêu các viên chức  xã   ấp  và  đánh phá các đồn  bót  hẻo  lánh  của  Việt Nam Cộng Hòa. Trước  sự   bành  trướng  ý   đồ  xâm  lược  của  cộng  sản,  hằng  hằng  lớp   lớp  thanh niên của  miền  Nam  đã  giã  biệt  kinh  kỳ,  lên  đường  đáp  lời  sông  núi, làm tròn  bổn  phận  và trách  nhiệm của người  trai  trong  thời  loạn.
 
     "Bạn ơi,  quan hà xin cạn chén ly bôi, ngày mai tôi đã đã đi xa rồi ... thành  đô  lưu  luyến  chắn  bước  chân  tôi,  trước  giờ  chia  phôi  mấy ai   không  bùi   ngùi,  kỷ  niệm  buồn  vui   mãi  ghi  trong  hồn  tôi ...". Những ngày nơi  "Trung Tâm 3 Tuyển Mộ và Ngập Ngũ" lập  thủ  tục  hồ  sơ,  chờ  đợi  đi  thụ  huấn  tại  quân  trường,  niềm  vui  của  những chàng trai  mới  vừa  chập chững bước  vào  ngưỡng  cửa  quân  đội  là "Hôm  nay  ngày  Chủ  Nhật,  Vườn  Tao  Ngộ   em  đến   thăm  anh ... đường Quang Trung nắng đổ xa xôi mà  em  đâu có  ngại  khi  tình yêu ngun  ngút  cao  lên  rồi..."  Ngày  vui  với  bao  sự   nôn  nao,  đợi  chờ trong tâm trạng miên man đã  đến,  những người  trai  đi  viết  sử  xanh  cho  mai  sau  đã  đặt   bước  chân  vào   ngưỡng   cửa  quân  trường ... bài  học  đầu  đời  trong  cuộc  sống  quân  ngũ   nơi   lò  luyện  thép  là  kỷ   luật  của  quân  đội,  là  thi   hành  trước  khiếu   nại   sau ... Người khóa  sinh khép  mình trong  khuôn  khổ   thời  gian  nơi  quân  trường,  ngoài   những  buổi  học  tập   về   quân  sự,  tâm  lý  chiến,  nhân  cách, lý  tưởng  và  trách nhiệm của  Người  Lính VNCH ... người  khóa  sinh  phải  rèn luyện tinh  thần, nghị  lực,  ý  chí  sắt đá ... rèn  luyện  thể  lực  khỏe  mạnh  có  sức chịu  đựng  dẽo dai, bền bỉ để chống chọi với  mọi  thời tiết khắc nghiệt ... ngày ba buổi trên đường đi  ra bãi  tập  và  trên  đường về,  người  khóa  sinh lưng mang  balô, đầu đội nón sắt, súng cầm tay ... vừa chạy đều  bước  vừa  vận dụng hết  bình dưỡng khí  trong  hai  lá  phổi  để  hát  thật  to "Đường  trường  xa,  muôn gió  câu  bay  dập  dồn,  đoàn hùng  binh trong sương  lướt  gió  reo  vang,  đi  đi  đi   lời   thề  nguyền  tung  gươm  thiêng  thi   gan  tài,  đời  hùng  cường  quyết  chiến  đấu  đoàn  quân  ra  đi ...", "Trên   đầu  súng  quê  hương,  Tổ  Quốc  đã  vươn  mình,  trên  lưỡi  lê  căm  hờn, hờn  căm  như  triều sóng,  ôi  xôn  xao  chiêng trống  hối  thúc  đã  giục  giã  khắp chốn  rộn ràng, ôi  lửa  thiêng dậy  bập  bùng,  tay  đốt  lửa  tay  vung  kiếm. Trên đầu  súng  xâm  lăng,  xiềng  xích  với  bạo  tàn, trên lưỡi  lê  nô  lệ  cùm gông phải  gục ngã, tay  nâng niu cây súng súng thép với  đạn đồng mới  đã  lên  nòng  và  những  loạt  đạn  đồng vàng, bông  lúa  trổ tràn  đồng  sâu ..." ; "Quyết chiến, thề  quyết  chiến ... Quyết chiến ... quyết  không  cần  hòa  bình  đen  tối,  chẳng   liên  hiệp  ngồi  chung  quân  bán  nước  vong  nô.  Quyết chiến, thề  quyết chiến ... Quyết chiến ... đánh cho  đến  cùng  dù  mình  phải  chết, để  mai  này  về  sau  con cháu  ta  sống còn. Vận  nước  đang  vươn  lên, hằng  ngàn  chiến  công  chưa  quên,  hằng  vạn  xác  quân  vong  nô  đã  chứng   minh   cho   sức   mạnh  hào  hùng  quân  dân.  Thề   chớ   bao  lui  chân,  ngồi   cùng  với  quân  xâm  lăng.  Ta thề chết chớ  không  hề  lui ... Quyết không hề  phản bội  quê hương ... Ta  thề  chết  chớ  không  hề  lui ... Quyết  không  hề   phản  bội  quê  hương ... ",  những   bài   hùng  ca  quyện  theo  nhịp  bước  của  những  đôi  chân  cứng  đá  mềm, khói  bụi  tung  bay  mịt  mờ  trên  đường  ra  xạ   trường,   bãi  tập ... thao  trường  đổ   mồ   hôi   miệt  mài  cho  đến  khi  đứng   nghiêm   trước   bàn  thờ   Tổ  Quốc,  nhận   lãnh   sáu  chữ  "Tổ Quốc-Danh Dự-Trách Nhiệm" với lời thề "Vị  Quốc Vong Thân", người thanh niên tuổi  trẻ  ngày nào ... giờ  đây  thật  sự  đã  trở  thành  Người  Lính.

     Đêm cuối cùng nơi  quân trường, tiếng vui cười  rộn rã nâng ly chúc tụng  xen  lẫn lời  quyến luyến  chia  tay chúc nhau  may  mắn  trên con đường  binh  nghiệp  mai   sau  "Cuộc  liên  hoan  nửa  khuya  sắp  tàn, mà  sao  tình mình thêm chứa chan ... Xiết tay  nhau mến  trao lần cuối, viết  cho  nhau  những  dòng  lưu  niệm  của  những   ngày   trong  quân trường  mình  sống  yêu   thương ...".  Sau  vài   ngày  phép  ngắn  ngủi,  những  Người  Lính  mới   còn   thơm  mùi  nắng  quân  trường ... mang  hành  trang "Tổ  Quốc Trên Hết"  trình  diện  đơn  vị  thuộc  các  quân  binh  chủng QLVNCH, hiện diện trên  khắp  nẻo  đường đất  nước  làm  nhiệm  vụ  gìn  giữ,  bảo  vệ  quê  hương "Gio  Linh  đón  thây  giặc  về làm  phân  xanh  cây  lá, Pleime  gió  mưa  mùa, Tây  Ninh  nắng  nung   người   mà   trận  địa   thì   loang   máu   tuơi,  Đồng  Tháp  vắng  bóng  hồng,   hỏi   tôi   yêu   ai ..." ; Ngày  hành   quân  nắng  cháy,  thân  thể  bốc khói hoặc lạnh buốt dưới cơn mưa tầm tả  thấm qua  chiếc poncho mỏng   manh ... những  hạt  mưa  ngừng  rơi   thì   màn  đêm  sắp   phủ  trùm   lên   vạn  vật  "Chiều  bàn  giao  cho  vùng  đêm  đen  biên  giới,  theo  cánh   quân   anh  đóng   ven  lưng  chừng  đồi,   nghe  muôn  côn  trùng than  trong đêm  trường sầu  thương  thế  nhân ...", Người  Lính  suy   tư   nhìn  ánh   hỏa  châu  sáng  rực  ở   một   góc  trời   "Ôi   đẹp  làm   sao ... màu   hỏa  châu   đêm  đêm  tô  son,  tô   phấn  những  con đường,  ôi   những  con  đường  mang  nặng   đau   thương ... Cho  anh  nhận  diện  quê  hương giữa  đêm  đen  buồn  bằng  những  dòng  sông  chảy xuôi đêm trường, ôi những dòng sông nhẫn nhục đau thương ...", có  những  đêm  dài  trong cái  lều  vải  cá  nhân  nhỏ  bé,  Người  Lính nâng  niu  cánh thư  hồng nuốt  từng chữ  "Từ  bàn  tay  tiên,  nắn  nót  từng   nét    gửi   cho   anh,   để   anh   vui   bước   đường   quân   hành.  Môi  em  đang  xinh,  mắt  em  vẫn  tình ... màu  xanh  vẽ   nổi  đôi  tim,  ghi  dấu  ngày  đầu  ta  biết  mình ...".

     Xếp lại lá thư thơm mùi giấy học trò ... Người Lính gối đầu lên chiếc balô,  mỉm  cười  với  bao  ý  nghĩ  như  thầm  gởi  đến  ai  đó  "Xa  quá  người  ơi ... kỷ  niệm  ngọc  ngà, vòng  tay  ấm  bờ  môi, mắt  nhìn  thật  đậm  đà ... nhưng  thép súng đang  còn  say  máu  thù, hẹn em khi khắp trời  nở  đầy hoa có  tôi về ...". Đem cuộc đời  hiến dâng cho  non sông, tổ  quốc ... Người  Lính  chỉ   mơ   ước  ngày  nào  đó  chiến  chinh  tàn, quê hương không còn bóng dáng giặc thù  cộng sản "rồi anh sẽ  dìu em tìm thăm mộ  bia  kín  trong nghĩa  địa  buồn, bạn  anh đó đang say ngủ yên,  xin  cảm  ơn ... xin  cảm  ơn  người  nằm  xuống ...". Ước  mơ  nhỏ bé  đưa  anh  thiếp  vào  giấc  ngủ ... vạn  vật đắm chìm trong màn đêm tĩnh lặng, phố phường còn đang ngủ  say  thì anh "Lội bùn dơ  băng lau lách  xuyên  đêm, sương trắng  rơi  vai  tôi  ướt  lạnh mềm, chim muông buồn rủ nhau bay về  đâu, ngẫn ngơ  lũ  vượn gọi  nhau ...". Người Lính ẩn  hiện  trong  màn  sương  rồi  khuất  chìm  trong  mưa  giăng kín  lối "Chiều   mưa  biên  giới   anh  đi   về   đâu ... sao  còn  đứng  ngóng  nơi  giang  đầu, kìa  rừng  chiều  âm  u  rét  mướt, chờ  người  về   vui  trong  giá  buốt,  người  về  bơ  vơ ...", Người  Lính tạm dừng bước quân hành,  nuốt  vội  chút  lương  khô  khi  những  hạt  mưa  bong bóng  cuối  cùng  vừa vỡ  tan trên giòng sông Hương thơ  mộng ... thành phố đã lên đèn ... Đất  Thần  Kinh cổ  kính  với  bao  danh  lam,  thắng  cảnh, trăng  nước  hữu  tình  đã  đi   vào  văn  chương,  âm  nhạc  Việt  Nam. Tiếng chuông Thiên  Mụ  thánh  thoát  ngân  vang  chùn  chân  bao  lữ  khách ... chiếc nón  bài  thơ  nghiêng nắng, tà  áo  dài  thướt  tha  trên  cầu Tràng Tiền đã  làm ngẫn  ngơ  bao chàng trai  hùng ... trên  đường  dập  dìu  tài  tử,  giai  nhân tăng thêm nét sinh động, rực rỡ  sắc màu của  phố phường ... vài  chiếc đò  con  lững  lờ  trên  giòng  nước  Hương Giang  tĩnh  lặng... núi  Ngự  Bình im  lắng  tháng năm  mây  che  đầu  núi  là  đề  tài  muôn  thuở  của  văn  nhân,  thi  sĩ,  nhạc sĩ.  Một cơn  gió  buốt  khẽ  khơi dậy tâm  tư   Người  Lính  trẻ  xa  nhà  "Ngày  xa  thành  phố  nỗi  vui  cùng  nỗi  buồn  đầy   ấp   balô  nặng  lắm. Tám  thằng  trong  chúng  tôi,  đứa  nghiêng  vai  ngồi   tiếc   nuối,   đứa  khoanh   tay   nhìn  trời.  Xa   nhau  trong  vài   giờ   không  gian  thì   lại  cách  xa  ngút  ngàn  rồi  em  ơi ... gió  sông  Hương lạnh  lắm  phải  chăng  sông núi  lạnh  hay  tại  vì  anh  xa  em ...". Đưa mắt  nhìn  về   phương  trời  xa,  nhớ   lại   đêm   nao ... em  nghẹn  ngào  tiễn  đưa ... anh  ôm  em  vào  lòng,  vuốt  nhẹ  bờ  vai  thì   thầm  khẽ  bảo  đời   lính  là "Tám  hướng  bốn  phương  trời  mây, thôi   nhé  anh  đi   từ   đây ... kỷ  niệm   nào  không  có   vui  hay  buồn,  chiều  nào  không  có  hoàng  hôn,  tình  nào  hơn  nước  non ...".

     Những  buổi  chiều  nhạt  nắng  hoàng  hôn  nơi  tiền  đồn  biên  giới hoặc  những  đêm  ngước  nhìn  sao  trời   lấp  lánh ... "Tôi  chỉ  nghĩ ... quê  mẹ không phải  riêng ai ... không của  anh, không của  em  mà của mọi  người. Xin  gởi  đến bằng tiếng nói  trong  tôi, không bị  rơi  ngoài  bầu  trời ... cho  đời  lính  một  niềm  vui ...".  Gót  giày  saut  giẫm  tàn   những  ngày  nắng  Hạ  ...  úa  chiếc  lá   mùa  Thu  ...  tan  cái   giá  rét  mùa Đông ... ánh  nắng hồng trải  dài khắp  muôn nơi mang nàng Xuân đến với thế gian ... Người Lính lại  thất hứa  với  mẹ thêm một  lần  nữa "Con  biết  không về  mẹ  chờ  em  trông,  nhưng  nếu  con  về   bạn  bè  thương  mong, bao  lứa  trai  cùng chào  Xuân  chiến  trường, không  lẽ  riêng  mình  êm  ấm ... Mẹ  ơi, con Xuân  này  vắng   nhà ...". Trên  con đường "Bảo Quốc-An  Dân" ... Người Lính  đem  sinh  mạng, một phần  thân  thể  giữ  từng tấc đất  của quê  hương ... Người  Lính nào tiếc  chi   giòng  máu  thắm  tuôn  đổ  để  đổi  lấy  cuộc  sống  ấm  no,  hạnh  phúc,  giấc  ngủ  an  lành cho  người  dân hậu phương. Những nơi Người Lính đến  rồi   đi   đã  gieo  lại   trong  lòng   người   dân   sự    thương   mến, quyến  luyến   lúc   chia  tay  cũng   như   tình  cảm  thầm  kín   hiện  lên trong   ánh   mắt   của   những   người   em  gái  hậu  phương  nhưng ... "Thương  yêu  này  xin  gởi  cho  mây  cuối  phương trời, ngày  mai  tôi  lên  đường, thôi  đành xa  đành mất, đời  lính  là  muôn nơi ... thành phố này  xin  trả  cho  người ...".

     Sau những tháng ngày dài cắm ngọn cờ chiến thắng trên những thân xác  "Sinh Bắc-Tử Nam",  đơn  vị  được về  thành  phố  đôi  ba  ngày ... tình cờ  gặp  lại  những  thằng  bạn cũ,  thôi  thì  nâng  chén mềm môi ... ngả  nghiêng  trời  đất "Túy  ngọa  sa  trường  quân  mặc  tiếu ... Cổ lai chinh chiến kỷ  nhân hồi" ... "Đường phố  khuya rồi, chênh chếch bóng trăng soi ... uống cạn hết ly  này ghi nhớ mãi đêm nay ... Minh ba người tuy không gian chia làm muôn lối, nhưng là một thôi ...". Bạn bè kẻ nơi người  ngã ... thằng  lướt  gió  tung  mây,  thằng  vượt  sóng trùng khơi, thằng  mòn  gót  giày  cùng  chung  một lý tưởng "Vì Nước quên thân ... Vì  Dân  chiến  đấu" ... cho  đến  một  ngày ............................................

     Một ngày gãy súng tang thương,  uất  nghẹn ... Người tự  sát để bảo toàn  khí  tiết kẻ  chinh nhân ... Người hối  hả  kinh hoàng rời  khỏi quê hương trước khi  làn sóng đỏ phủ  trùm lên đất mẹ "Một ngày bảy lăm, con bỏ  hết giang san, hai  mươi năm tình ... yêu người yêu cuộc sống ... giờ  nơi  nước mình niềm đau thay nỗi  vui ... Sài Gòn đã  chết  rồi phải mang  tên  xác  người ..." ; Người  mang  khăn  gói  bị  lừa  vào  tử  địa "Trại Cải Tạo" với chính sách gian trá "một tháng học tập" không có  ngày  về   "Chiều  trong  tù,  anh  nhớ  em ... Ôi   đất   trời  dường  như  tấm  khăn,  bưng  kín  đời   người  trong  tối  tăm,  phương  hướng  nào  nhìn  ra  mắt  em. Hàng song sầu che mắt sâu, những bóng người ngẫn ngơ ngó nhau, tay xanh nào  thầm ra dấu đau thay cho  lời  chào  thăm mỗi  chiều ..." ; Người  thì  tìm đủ  mọi cách để rời khỏi cái  thiên đàng   ngập  máu  và  nước  mắt  của   người   dân,  ra  đi   đối   diện  tử   thần  trên  trùng  dương  bao  la  với  một  hy  vọng  mong  manh  được  trôi  giạt đến  bến bờ  tự  do nào  đó  trên thế  giới  "Đêm  nay, đêm  tối trời  anh bỏ quê hương ... ra  đi trên chiếc thuyền hy vọng vượt trùng dương ... Anh đâu  đâu  có  ngờ  đêm buồn, bỏ  lại  em  cay  đắng thật  thương ... hò  ơi ... hò  ơi   tạm  biệt  nước  non ..." ; Người   lê   tấm  thân   phế   tàn  bị   lũ  thú  mang  danh "giải  phóng" nhìn  bằng cặp mắt  hận thù,  xua  đuổi   bên   lề  cõi  sống ... những   đêm  khuya   lang   thang  khập  khễnh  nạng  gỗ,  lết   lê  cuộc  đời  "gãy  súng"  trong  mưa   gió   trên  con  đường thống  khổ,  tang thương  kéo  dài  trên 35 năm, không biết  đi về đâu ngay chính trên  quê hương của  mình "Ôi một ngày ba mươi đó, chiến chinh tàn gieo  tang tóc  thê  lương, người  chiến binh  tự  sát không  quy  hàng, khắp xóm làng hằng  vạn  người  phơi  thây ! Ôi một ngày  ba  mươi  đó, kiếp lao  tù  không một  bữa  ăn no, ngày đem thân cày  thay thế  trâu bò,  đêm tối  về  đói  lạnh nằm co ro ! Mưa rơi ... rơi  lạnh  buốt thân tôi, đi  về đâu  thành  phố đổi tên rồi. Tim rỉ  máu ... tôi  nhớ tháng tư xưa, ngày ba mươi máu nhuộm đỏ quê nhà ...Tim rỉ  máu, tôi  nhớ  tháng tư  xưa, ngày ba  mươi máu nhuộm đỏ quê hương ..." !

     Những  người   may   mắn  đến  được  bến  bờ  tự  do ... chiều  chiều ngóng trông về  cố  quốc  với  bao  nỗi  xót xa, não nề  trong tâm trạng của  người "ngã  ngựa" lê  cuộc sống  lưu  vong, biệt xứ ... "Chiều nay có   một   người   di   tản  buồn ... gọi   anh  em  còn  ai   hay  mất  ai ... còn  bao  nhiêu  thằng  xông pha chiến  khu  và  bao  nhiêu  nằm  trong những lao  tù ... Ở  đây  có  những chiều  mưa rất  nhiều, nhiều hơn khi  hành quân trong tháng mưa ... Buồn  hơn  đêm  rừng  thưa  vắng  tiếng bom ... ngày vui  ơi  giờ  đâu nữa không còn ... Cho tôi xin lại  ngọn đồi  ở   nơi  tôi  dừng  quân  cũ ... cho  tôi  xin  lại  bờ  rừng  nơi  từng  chiến đấu  bên nhau ... cho  tôi  xin  một  lần chào, chào  bao  nhiêu người  đã  khuất ... xin  cho  tôi  một  mộ  phần  bên  ngàn  chiến  hữu  của  tôi ..."

     Những tháng ngày đầu bỡ  ngỡ nơi đất lạ quê người rồi cũng qua đi, những gót giày saut viễn xứ  đã  tạm ổn định cuộc sống, họ  hít thở bầu không  khí   tự  do  bao  nhiêu  thì   họ  càng  thương  nhớ,  xót  xa  cho  những  người đồng đội, chiến hữu  bấy nhiêu  đang hứng chịu  cực hình, tra tấn trong lao tù cộng sản ... "Ai trở về xứ  Việt, nhắn giùm ta người ấy  ở  trong tù ... nghe  đâu đây vang giọng hờn rên xiết, dài lắm không đằng  đẵng  mấy  mùa Thu ... Ai  trở  về  xứ  Việt, thăm  giùm ta  người  ấy  ở  trong  tù ... cho  ta  gởi  một  mảnh trời  xanh biếc, thay  giùm  ai  màu trời  âm  u ... Các bạn ta  ơi  bao  giờ  được thả ... đến bao  giờ  ăn được  bát  cơm  tươi ... được  lắng  nghe  tiếng  chim  cười  ...  đến  bao  giờ ... đến   bao  giờ ... đến  bao  giờ ..." ; Chính   sách   nhân  đạo   của  chính phủ  Hoa Kỳ  đã  mang  những người  tù "gãy súng" từ  cõi  chết, có  bằng  tốt  nghiệp "cải  tạo" ba  năm  trở  lên  sang  định cư  tại  Mỹ  trong  chương  trình  "H.O" ...

     Dòng đời  lặng lẽ  trôi  qua ... ngoảnh  lại  nhìn  thoáng  đó  đã  trên 35  năm, mái  tóc  ba  phân khét  mùi  thuốc súng  ngày nào ... giờ  đây sợi  còn, sợi  mất ... trắng  nhiều hơn  đen  hoặc  sương  tuyết  phủ  kín mái  đầu ... khuôn  mặt  hằn bao  vết tích tang thương "Tháng Tư Đen ... ba  triệu  người  biệt  xứ  ... Tháng  Tư  Đen ... ôi  máu  đỏ  lao  tù ... Tháng  Tư  Đen ... xác  người   ngập   đại  dương ... Tháng  Tư  Đen ... trời  quê  cha  tang  trắng ... Tháng  Tư  Đen ... thương  đất   mẹ   ngập  sầu ... Tháng  Tư  Đen ... con  bước  hận lưu vong. Quê hương tôi  chết  từ   ngày  gãy  súng,  bạn  bè  tôi  nằm  chết   không  mồ ... nghĩa  trang buồn  giặc tàn phá  tan  hoang. Ai trở về bên ấy, xây giùm tôi Biên Hòa nghĩa  trang xưa, gom giùm tôi  những nắm xương tàn, dựng lại cho tôi pho tượng Thương Tiếc xưa ..." Dòng  thời  gian  nghiệt  ngã  xoáy vào  tâm  hồn  "Người  Lính già  xa  quê  hương, nhưng trong tim  chưa  tàn  ánh  lửa  vẫn ước một ngày theo bước  Quang  Trung ... vẫn   thấy  quê   hương đêm  ngày  réo  gọi ... vẫn  thấy  trong  tim canh  cánh  đường về ... vẫn  thấy  nơi  đây  chỉ  là  đất  tạm ... thầm  hẹn  ngày  về  chết  giữa  quê  hương ..." !

     Người  Lính  năm  xưa  nhất  định  phải  trở  về ...

     "Ta  sẽ  về  Đông  Hà,  ta  sẽ  về  Gio  Linh,
     Giành  lại  đất  quê  hương  xây  bằng  nước  mắt,
     Giành  lại  đất  quê  hương  tháng  năm  mồ  hôi.

     Ta  sẽ  về  Cam  Lộ,  ta  sẽ  về  Triệu  Phong,
     Bằng  con  tim  lửa  cháy,  bằng  bàn  tay  xiết  lại,
     Bằng  hờn  căm  ngàn  đời  Gio  Linh  ơi.

     Đây  giờ  đã  đến,  giờ  bão  tố,
     Giờ  sấm  sét  ngay  trên  đầu  giặc,
     Giờ  hờn  căm  quân  dân  ta  vùng  lên,
     Giờ  phản  công,  giờ  oai  linh  đã  đến,
     Giờ  oai  linh  đã  đến.

     Từ  không  trung,  anh  hùng  mây  xanh,
     Từ  đại  dương,  anh  hùng  biển  khơi,
     Đây  bộ  binh  sức  mạnh  tuyệt  vời,
     Ta  sẽ  thắng,  ta  sẽ  thắng.

     Ta  sẽ  về  Sài  Gòn,  ta  sẽ  về  Thừa  Thiên,
     Giành  lại  đất  quê  hương  chan  hòa  ánh  nắng,
     Giành  lại  đất  quê  hương  thiết  tha  ngàn  đời.

     Ta  sẽ  về  Hà  Nội,  ta  chiếm  lại  Thăng  Long,
     Bằng  con  tim  hẹn  ước,  bằng  dòng  máu  kiêu  hùng,
     Hận  thù  nung  lòng  người  Thăng  Long  ơi.

     Đây  giờ  đã  đến,  giờ  bão  tố,
     Giờ  sấm  sét  ngay  trên  đầu  giặc.
     Giờ  hờn  căm  quân  dân  ta  vùng  lên.
     Giờ  phản  công,  giờ  oai  linh  đã  đến,
     Giờ  oai  linh  đã  đến.

     Từ  không  trung,  anh  hùng  mây  xanh,
     Từ  đại  dương,  anh  hùng  biển  khơi,
     Đây  bộ  binh  sức  mạnh  tuyệt  vời,
     Ta  sẽ  thắng,  ta  sẽ  thắng".

26/10/2010
Hoàng Nhật Thơ



                

No comments:

Post a Comment