Anh chào đời và lớn lên bình thường như bao người thanh niên khác, được cưu mang trên dãy giang san hoa gấm thân yêu hình chữ "S" mang tên Việt Nam. Cha của anh là một chiến sĩ thuộc QLVNCH, gót giày saut gắn liền với chiến địa, cô em gái ngoài giờ học thì phụ giúp mẹ trông coi một tiệm sách báo nhỏ. Tiếng "ê, a" hồn nhiên của quãng đời tuổi thơ dưới mái học đường đã bị át đi bởi tiếng súng sa trường, khuôn mặt ngây thơ với ánh mắt ngơ ngác giữa đêm khuya giật mình kinh hoàng tỉnh giấc bởi đạn pháo của cộng sản rót về thành phố. Thời gian lững lờ trôi, từng trang sách vở được lật qua thoáng đó đã mười hai (12) năm.
Con đường khoa bảng rộng mở thênh thang cũng là lúc khói lửa chiến tranh lan rộng trên quê hương. Hình ảnh ánh hỏa châu sáng rực một góc trời, tiếng súng đì đùng phá vỡ sự tĩnh lặng của không gian trong những đêm dài thức trắng bên ánh đèn khuya, nhai nuốt từng chữ nghĩa chờ ngày thi cử ; Hình ảnh từng đoàn quân xa, từng đoàn trực thăng đưa những người con yêu của Tổ Quốc ra chiến trường ngăn bước quân thù, bảo vệ quê hương ; Hình ảnh những chiếc xe cứu thương hú còi inh ỏi lao nhanh trên đường phố tiến về bệnh xá hoặc Quân Y Viện, để giành giựt lại mạng sống của những người thương binh từ bàn tay của tử thần ; Hình ảnh những vành khăn tang phủ trắng mái đầu trẻ thơ vô tội đang bập bẹ, ngơ ngác bên quan tài của người cha đã đáp đền nợ nước, được trang trọng phủ lá cờ Tổ Quốc ; Hình ảnh thê lương, tang tóc của người dân bởi thảm họa chiến tranh do lũ cộng sản gây nên ; Hình ảnh hằng hằng lớp lớp thanh niên lên đường tòng quân đáp lời Sông Núi ...
Tất cả những hình ảnh đó đã làm cho cuộc đời anh từ bước thênh thang nơi chốn văn chương rẽ lối sang bước quân hành, quyển vở công danh của tương lai đã được khép lại mang theo tuổi thư sinh đi vào dĩ vãng ; Những hàng cây Phượng Vỹ đỏ thắm nơi sân trường đã được thay thế bằng những hàng cây Bả Đậu gai nhọn tua tủa, xấu xí vô duyên ; Con đường tình thơ mộng ngập lá me bay trong ánh nắng vàng hiu hắt sau buổi tan trường đã được thay thế bằng con đường ra xạ trường nắng cháy, khói bụi tung lên từ dưới những đôi chân cứng đá mềm 1, 2, 3, 4 ... ; Mái học đường thân yêu nơi đào tạo những người hữu ích cho mai sau, đã được thay thế bằng "thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu"... Cho đến một ngày đẹp trời nơi Vũ Đình Trường trong ngày lễ mãn khóa, trước bàn thờ Tổ Quốc sau lời tuyên thệ "Vị Quốc Vong Thân", những chiếc nón tung bay ngập trời kèm theo những tiếng reo hò mừng rỡ ... Anh hãnh diện trở thành Người Lính VNCH.
Người Lính trẻ với niềm tin sắt đá hiên ngang bước vào chiến cuộc, từ Đông Hà, Quảng Trị ... miền địa đầu giới tuyến cho đến vùng Cao Nguyên khô cằn sỏi đá, xuống tận mũi Cà Mau, phần đất cuối cùng của quê hương có rừng U Minh sình lầy nước đọng, nơi được mệnh danh là "muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội như bánh canh". Gót quân hành vương bùn lầy cho lúa thêm xanh ; Máu của anh tuôn đổ để lấp vá lại những phần đất mẹ bị loang lỗ vì chiến cuộc, máu của anh tuôn đổ cho quê hương được thanh bình, cho người dân được sống an lành, ấm no, hạnh phúc nơi hậu phương ; Mồ hôi của anh tuôn đổ đêm ngày cho đất mẹ được phì nhiêu và tiếp tục tuôn chảy xuyên qua những địa danh trong chiến sử rồi rơi vào dòng nhạc của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, một người nhạc sĩ của lính, viết cho lính hát và hát cho lính nghe, để trở thành một nhạc phẩm bất hủ "Trong bao lần quân hành, tôi qua vùng khô cằn, mồ hôi thành Biển Mặn trên môi".
Trên bước đường "Bảo Quốc_An Dân", anh đã trưởng thành trong khói lửa chiến chinh, những chiếc huy chương trên ngực áo là những chiến công hào hùng ; Thân thể đầy những vết đạn thù, pháo giặc là những chiến tích của bao lần vào sinh ra tử, những lần đem máu xương và sinh mạng để bảo vệ từng tấc đất của quê hương ... Anh đã bao lần "quỵ" trên chiến trường nhưng ý chí cương quyết không "ngã" khi bóng dáng quân thù còn thấp thoáng trên quê hương ; Những người bạn đồng đội đã dìu ... cõng ... khiêng tấm thân đẫm máu đào của anh bao nhiêu lần trên chiếc brancard đưa lên trực thăng chưa sơn màu tang trắng, có lẽ ông người lính "Thương Tiếc" chưa chấp nhận cho anh về trình diện.
Tình hình chiến sự trở nên khốc liệt vào tháng 3 và những ngày của tháng 4 năm 1975, trong một trận tử chiến ngăn bước quân thù tiến về thủ đô, anh đã ngã quỵ bởi một tràng đạn của giặc quét nát đôi chân ... Anh trở thành người tàn phế khi tuổi đời vừa đúng 25 .......................... ...............................................................................................................!!!
Anh giựt mình tỉnh dậy bởi những tiếng quát tháo hận thù, những báng súng đập vào người, những khuôn mặt đằng đằng sát khí dưới chiếc nón cối tanh mùi máu, những họng súng AK đen ngòm sẵn sàng khạc đạn ... Anh cùng những anh em thương binh bị lôi từ trên giường bệnh xuống, bị kéo lê trên đường trong khi những mũi súng, báng súng AK đánh phủ tấp nập lên những thân thể không còn nguyên vẹn ...! Những kẻ mang danh "giải phóng" không tánh người quăng những tấm thân thương tật, tàn phế nơi trước cổng bệnh viện ... Anh nhìn xuống tấm thân bầm dập, đau nhức đang loang máu bởi trận đòn thù "Giải phóng Miền Nam", anh chợt nhìn thấy những dòng máu thắm rỉ ra từ hai miếng băng trắng quấn đôi khúc chân gần sát háng ... đôi chân một thời ngang dọc đã gởi lại chiến trường ... Vài ngày sau khi anh gãy chân là ngày những Người Lính VNCH gãy súng ...! Đất nước đã đổi chủ thay tên ... Lịch sử đã sang trang máu ... Uất nghẹn ... đau đớn ... nát tan ...! Kẻ cụt tay, người cụt chân, kẻ bụm chùm ruột lòng thòng bên ngoài, người thì cặp mắt bị băng kín bằng miếng vải trắng đang rỉ ra những dòng máu đỏ ... đang cố kéo lê nhau lết ra đường sau khi nhận được sự "khoan hồng" bằng trận đòn thù tàn nhẫn, dã man của lũ người khát máu mang danh "giải phóng". Còn hình ảnh nào đau thương, xót xa hơn nữa không ...!
Anh đói khát lê tấm thân rách nát, nặng nề khó nhọc kéo lết hai khúc chân rỉ máu, đau nhức, lở loét ... từng vệt máu loang dài sau tấm thân phế tàn lết lê trên những con đường quen thuộc nơi thành phố thân yêu mới vừa bị đổi tên ... Những tấm lòng nhân ái, những bàn tay ấm áp tình người đã giúp đỡ và dìu anh lên xe đò trở về làng cũ, mái nhà xưa ...
Mái nhà xưa còn đó nhưng những khẩu súng AK47, K54 chĩa thẳng vào người, kèm theo những lời quát tháo, chửi bới không cho anh lết vào, ngôi nhà thân yêu đã bị "giải phóng". Uất nghẹn ... có miệng mà chẳng thốt nên lời, anh bị hai con thú cộng sản đội lốt người kéo lê xềnh xệch quăng ra đường trong tiếng cười man rợ, đắc chí của một lũ quỷ đỏ gian ác mang danh "giải phóng".
Tứ cố vô thân ... Bạn bè, đồng đội, chiến hữu được đảng và nhà nước "khoan hồng" đưa vào những trại tù khổ sai, khắc nghiệt trên hai miền Nam, Bắc không hẹn ngày về. Anh vất vưỡng khắp hang cùng, ngõ hẻm, di chuyển bằng đôi mông gầy khô trên mảnh mo cau, với đôi tay khẳng khiu kéo lê tấm thân phế tàn chỉ có da bọc xương trong thiên đàng cộng sản. Những người lành lặn, đầy đủ chân tay còn bữa đói, bữa trợn trừng nuốt từng hạt bo bo, thì nói chi những kẻ tàn phế như anh ... cái đói hầu như ngự trị trong anh ngày này sang ngày khác, mọi ngày như mọi ngày.
Những đêm mưa tầm tã, anh cuộn mình trên mảnh ván nhỏ dưới gầm cầu, co ro trong chiếc áo trận thân thương, những cơn gió thổi mạnh lùa những hạt mưa vào người anh, cõi lòng buốt giá càng thêm giá buốt, đôi chân cụt nhức đau càng thêm đau nhức ... Anh gượng đau ngồi dậy nép mình vào một góc tránh những hạt mưa, quơ tay xua đuổi bầy muỗi đói đang bu trên những giọt máu rỉ ra từ vết thương của hai khúc chân, anh ngồi chờ sáng nhìn những giọt lệ trời tuôn đổ xuống quê hương mến yêu bị phủ bởi lá cờ máu, một địa ngục trần gian mà bọn thú của "đỉnh cao ngu dốt" láo phét gọi là "thiên đàng cộng sản".
"Quê em hai mùa mưa nắng ...", mùa mưa dầm dề đã qua đi, nhường lại cho những ngày nắng nóng nung người, thân thể không nguyên vẹn của anh nhễ nhại đẫm ướt bởi những dòng "Biển Mặn", cơ hồ bốc cháy trên những con đường lê lết gượng níu những chuỗi ngày tàn, anh không tham sống sợ chết ... anh đã đối diện với cái chết từng giây từng phút trong những ngày khoác chiến y, anh đã đi trong những cơn mưa pháo kinh hoàng của quân thù, thân thể anh đã nhận bao nhiêu viên đạn, mảnh pháo ... một tràng đạn lìa đứt đôi chân, nhưng anh vẫn sống ... Anh cố giữ hơi thở trong một cái xác chết còn cử động để chờ ngày nhìn bọn cộng sản đền tội ; Chiếc áo trận thân thương của một thời để nhớ, được anh trân quý nâng niu xếp lại để trong bọc mang theo bên mình, anh không muốn "nó" bị phai màu dưới cái nắng như muốn thiêu hủy cả vạn vật, anh cố giữ gìn "nó" không bị rách nát như tấm thân anh, để một ngày nào đó anh trân trọng khoác lên mình chào đón những "KBC" của ngày xưa trở lại quang phục Giang San.
Một buổi trưa Hè với sức nóng gần 40 độ C, anh ngồi dưới một tàng cây lớn bên ven đường, hơi nóng bốc lên từ con đường nhựa trước mặt đã đưa anh lội ngược dòng tiềm thức về Mùa Hè Đỏ Lửa 1972. Từ cuối tháng 3 đến giữa tháng 9/1972, quê hương ngập chìm trong biển lửa hận thù bởi lũ người mang đôi dép râu đi giải phóng, máu người dân Miền Nam tuôn chảy vương trên vành khăn tang trắng khắp nơi nơi, máu của những Người Lính VNCH tuôn chảy từ dòng sông Bến Hải đến tận mũi Cà Mau, để bảo vệ từng tấc đất của quê hương, từng căn nhà góc phố của người dân. Một mùa Hè ... máu và lửa đỏ cả quê hương, lũ cộng sản đem lửa hận thù từ phương Bắc định thiêu hủy Miền Nam Việt Nam, nhưng ngọn lửa hận thù và giấc mộng điên cuồng của bọn chúng đã bị QLVNCH dập tắt và đập tan. QLVNCH đã bắt bọn chúng đền mạng cho những người dân lành, trẻ thơ vô tội đã chết dưới đôi dép râu giải phóng, đền mạng cho sự điêu tàn đổ nát của Miền Nam Việt Nam và phải trả cái giá cho từng viên gạch Cổ Thành rơi đổ. Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ ngạo nghễ tung bay phất phới trên Cổ Thành Quảng Trị sáng ngày 16/09/1972, đã chấm dứt trận chiến Mùa Hè Đỏ Lửa và cũng chứng minh cho sự chiến đấu oai hùng, anh dũng của Người Lính VNCH trong sứ mệnh bảo vệ Quê Hương, Dân Tộc ... "Cờ bay, cờ bay oai hùng trên thành phố thân yêu, vừa chiếm lại đêm qua bằng máu ...". Anh đã bước đi trong sức nóng kinh khiếp ngàn ngàn độ C của Mùa Hè Đỏ Lửa thì sức nóng 40 độ C của ngày hôm nay có nghĩa lý gì ... và cũng trong Mùa Hè Đỏ Lửa này, anh đã mất đi ba người thân yêu nhất trong đời ... Cha của anh đã vĩnh viễn nằm xuống trong "mô đất lạ vùi chôn thân bách chiến" nơi thị trấn An Lộc, Mẹ và cô em gái thì thân xác nát tan thành muôn mảnh vụn bởi đạn pháo của quân thù ...! Hai dòng nước mắt từ dòng dĩ vãng tang thương chợt lăn dài ...!
Một bàn tay vỗ nhẹ trên vai đã đưa anh trở về thực tại ... Chiếc áo hoa rừng quen thuộc trước mắt đã làm cho anh lộ rõ nét vui mừng hiện trên khuôn mặt, anh chợt bàng hoàng xót xa nhìn người lạ trước mặt đang chống cây nạng gỗ với một cánh tay áo và một ống quần dư thừa ...! Sau đôi lời đổi trao, anh được biết người vừa mới quen là một chiến sĩ QLVNCH đã gởi lại một tay và một chân trong đống gạch vụn đổ nát của Cổ Thành Quảng Trị vào Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 ...!
Hai người lính "Ngụy" mới quen nhau ... Hai người hùng của một thời ngang dọc ... Hai mảnh đời bất hạnh hôm nay nương tựa, chia sớt cho nhau từng củ khoai, từng chén cơm từ những tấm lòng nhân ái ... nâng đỡ dìu dắt nhau lê lết rao bán từng tấm vé số và còn bao nhiêu mảnh đời bất hạnh Thương Phế Binh VNCH đang lê tấm thân tàn phế trong bàn tay của lũ giặc thù cộng sản ngay chính trên quê hương của Mẹ Việt Nam đã bị cưỡng bức đổi chủ thay tên ...!!!
Một chiều cuối năm 2008 ..., hai anh tình cờ gặp một bà cụ từ nước ngoài về thăm quê hương ... Một thời gian không lâu, sau khi bà cụ trở lại Mỹ ... Hai anh xúc động đến nghẹn lời khi nhận được tình "Huynh Đệ Chi Binh", "Tình Quân Dân Cá Nước" từ "Đêm Tình Thương", từ Đại Nhạc Hội "Cám ơn Anh ... Người Thương Phế Binh VNCH".
35 năm ... Lết lê trên đường ngậm đắng nuốt cay, ôm mối thù nhà, nợ nước chờ ngày rửa hận ; Hơn nửa đời người hít thở khói xe, bụi đường bên lề cõi sống ... Vết thương thân thể đã lành nhưng vết thương lòng "Tháng Tư Đen" chưa hề khép lại một giây .............!!!
Mùa Hè 2010
"Mũ Đen" Hoàng Nhật Thơ
No comments:
Post a Comment