Thursday, December 08, 2011

Một Người Đi Xa


*Lời 2 của nhạc phẩm Mưa Nửa Đêm
Tác giả : Trúc Phương
Trình bày : Hoàng Nhật Thơ

Wednesday, December 07, 2011

Tuesday, December 06, 2011

Tìm Lại Thương Đau ...!


Thời gian âm thầm, hờ hững trôi qua trên những tháng ngày lết lê hít thở bụi đường, kể từ khi được "giải phóng" bằng những khẩu súng AK47 đánh phủ tấp nập lên người, bị quăng ra khỏi quân y viện với một thân thể rách nát đẫm máu, đôi chân cụt chưa lành đau đớn cơ hồ ngất lịm ... thoáng đó mà đã 36 năm. Nếu lê lết lại từng giờ phút của dĩ vãng, từng tấc đất khập khểnh thương đau, bệnh cũng phải lết lê hít thở bụi đường để sống, đau cũng phải khập khểnh té lăn lốc để mưu sinh, thì đó là cả một quãng đường dài lê thê, gập ghềnh, ngập tràn bao đắng cay, chua xót, thống khổ, tang thương ... nhưng đứng ở cái mốc thời gian hiện tại, nhìn về quá khứ thì nó chỉ là một thoáng lướt qua, dù giàu sang hay nghèo khổ, dù trên đỉnh cao quyền lực hay lây lất bên lề cõi sống thì thời gian 36 năm vẫn là 36 năm. Hơn nửa kiếp người, kể từ ngày "gãy súng", nát đôi chân khi tuổi đời vừa chớm đôi mươi, tôi chưa một lần trở về thăm lại chốn xưa, tôi muốn đi tìm lại những mảnh vỡ thương đau của tâm hồn trên dòng sông dĩ vãng, muốn được đối diện với những gì không còn hiện hữu, nhưng được ghi lại bằng nỗi xót xa tột cùng trong trang ký ức tang thương, tôi cố gắng đi một lần trước khi trả thân xác về với cát bụi, gởi linh hồn vào cõi hư vô ... Tôi đi tìm lại thương đau ...!

     Trên cuộc đời này, con người có thể vì một lý do nào đó mà chọn cái chết, hoặc đi vào chỗ chết để tìm cái sống, hoặc chấp nhận cái chết cho lý tưởng mà họ đeo đuổi, chớ không có ai đi tìm thương đau ... Một người hùng mũ đỏ, trung úy Nguyễn Văn Đương, trong tình thế hoàn toàn tuyệt vọng trước muôn trùng quân giặc, anh bình tỉnh ra lệnh cho thuộc cấp thoát thân, còn anh đã chọn riêng cho mình một con đường trên ngọn đồi máu, anh ở lại can trường chiến đấu đơn độc cho đến viên đạn sau cùng anh dành lại cho anh trước khi quân CSBV tràn ngập ngọn đồi 31 tại chiến trường Hạ Lào năm 1971 ... một cánh hoa dù sáng trên đồi máu, sáng ngời trong trang chiến sử QLVNCH, sáng mãi trong lòng dân tộc ; Một Hải Quân thiếu tá Ngụy Văn Thà, hạm trưởng Hộ tống hạm Nhật Tảo HQ10, trong trận hải chiến với hải quân Trung Cộng nơi quần đảo Hoàng Sa năm 1974, Hộ tống hạm Nhật Tảo bị thiệt hại nặng nề, phòng máy chánh và phòng chỉ huy bị trúng đạn, anh bị thương và biết tình trạng chiếc hạm không thể cứu vãn, anh đã ra lệnh cho người hạm phó và thủy thủ đoàn còn lại phải đào thoát, phần anh ở lại hiên ngang đứng trên chiến hạm từ từ chìm khuất vào lòng biển mẹ, khâm phục thay người anh hùng áo trắng "Tổ Quốc Đại Dương" ; Ngày 30/04/1975, năm vị tướng lãnh cùng một số sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ các cấp và trung tá CSQG Nguyễn Văn Long đã anh dũng chọn cái chết theo mệnh nước, trong những giờ phút uất nghẹn tột cùng bị bức tử "gãy súng", quê hương, đất nước rơi vào tay giặc ; Bao nhiêu người chiến sĩ VNCH đã chọn cái chết trong cơn tuyệt vọng, uất hận tột cùng nơi các lao tù "cải tạo" ; Hằng triệu người Việt rời bỏ thiên đàng máu của lũ cộng sản vô thần, liều chết lao vào đại dương mênh mông bằng những con thuyền bé nhỏ, lênh đênh trên sóng nước bao la không bờ bến với muôn ngàn hiểm nguy, hy vọng mong manh được trôi giạt đến bất cứ một nơi nào trên thế giới có hai chữ "Tự Do" ; Chiến sĩ Võ Đại Tôn bỏ lại vợ hiền, con thơ bơ vơ trên con đường tha hương nơi đất Úc ; Anh hùng Trần Văn Bá, Hồ Thái Bạch, Mai Văn Hạnh, Lê Quốc Quân từ bỏ công danh, cuộc sống an nhàn trên đất Pháp ; Chiến sĩ "Ó Đen" Lý Tống từ bỏ con đường tương lai rộng mở thênh thang trên đất Mỹ ; Người tù can trường Nguyễn Hữu Cầu, người tù thế kỷ Trương Văn Sương và các nhà đấu tranh dân chủ trong nước ... chấp nhận chết trong tay lũ bạo quyền CSVN, để tranh đấu cho "Tự Do" cho dân tộc, để đấu tranh phá tan gông xiềng nô lệ, giải thể chế độ độc tài, ươn hèn, khiếp nhược, bán nước và hại dân ; Có người chọn cái chết trong cơn quẫn trí vì sản nghiệp tiêu tan, có người quyên sinh giải thoát cuộc đời khi con tim vỡ nát ngập chìm trong giòng lệ của biển tình .v..v... Đó là trường hợp của những người chọn cái chết, chấp nhận chết hoặc đi vào chỗ chết để tìm cái sống, chớ đâu có ai đi tìm thương đau cho cuộc đời, thì nói chi là đi tìm lại thương đau ...

     Tôi đã dự tính cuộc hành trình này từ lâu, nhưng vì điều kiện sức khỏe và tài chánh không cho phép, nên tôi chờ và chờ ... và hôm nay, tôi quyết định sẽ lên đường vào sáng ngày mai, ngày 30/03 ... cũng cái ngày này của 39 năm về trước, trong khi dân chúng Miền Nam chuẩn bị đón mừng mùa lễ Phục Sinh, thì bọn CSBV xua quân ào ạt vượt sông Bến Hải tấn công Miền Nam Việt Nam, gây nên trận chiến "Mùa Hè Đỏ Lửa" kinh hoàng, tàn khốc, máu và lửa đỏ cả quê hương trong suốt năm tháng rưỡi. Trở lại cuộc hành trình tìm lại thương đau, hành trang mang theo và mặc trên người gồm có hai cái áo thun, hai cái quần lính đã được cắt ngắn đến đầu gối, hai chiếc áo trận bạc màu, một cái áo mưa, vài đồ dùng lặt vặt cá nhân và một khung hình nhỏ với tấm ảnh cũ đã phai màu, tôi dự trù thời gian đi đến nơi tôi muốn đến là một tháng với phương tiện di chuyển là đôi chân cụt với cặp nạng gỗ, vấn đề tài chánh thì nhờ vào số tiền một trăm đô, mới vừa nhận được do hội cứu trợ anh em thương phế binh VNCH từ hải ngoại gởi về, đổi ra được hai triệu tiền già Hồ "âm phủ", tôi dùng một phần của số tiền này làm vốn bán vé số, kiếm lời để ăn uống hằng ngày trên cuộc hành trình, tôi cất hay nói đúng hơn là giấu số tiền còn lại trong đôi chân cụt để phòng hờ chuyện xui rủi.

     Giã từ cái chòi "ngàn sao" gió lộng cuối con hẽm nhỏ tối tăm, tôi lên đường ... Đi qua bao nhiêu địa phương bằng đôi chân cụt trong thời gian dự định là một tháng, đoạn đường này dài thật dài đối với một người chỉ còn nửa đôi chân, nhưng nó có thấm vào đâu nếu đem so sánh với con đường tang thương dài 36 năm, thênh thang thống khổ, lầy lội mồ hôi, máu và nước mắt. Cuộc hành trình, ngày lang thang dưới cơn nắng cháy, tạt vào bến xe, ghé qua khu chợ, vào quán cà phê, quán ăn ... gọi mời, rao bán từng tấm vé số, khi những tấm vé số trên tay đã vơi đi phần nào, hoặc cái bao tử "trống đổ liên hồi" hay quá mệt thì tôi dừng chân tạm nghỉ, mua đỡ ổ bánh mì hoặc phần cơm hộp chan nước thịt kho, một chai nước lạnh, ăn uống vội vã rồi tiếp tục lên đường, những giây phút này đôi khi làm tôi nhớ lại lúc cơm cá khô lùa canh "mưa" nuốt vội trên bước quân hành thuở xưa. Những buổi tối rã rời đôi chân hoặc mưa tuôn tầm tả, tôi tìm một mái hiên, góc phố ngả lưng nghỉ qua đêm, có những đêm mưa to gió lớn, tôi ngồi dậy phủ cái áo mưa mỏng lên người, co ro, sưởi ấm bằng những điếu thuốc cháy tàn trên môi, suy nghĩ miên man, nhìn mưa chờ sáng.

     Ngày 29 tháng 04, phân nửa đôi chân và cặp nạng gỗ đã đưa tôi vượt qua con đường dài gần một trăm năm mươi cây số, chỉ còn khoảng ba cây số nữa là đến địa điểm mà tôi muốn đến. Phố nhỏ đã lên đèn, đôi chân cũng rã rời, thôi thì kiếm tí gì lót bụng rồi tìm góc nào đó nghỉ sớm ... nằm cả đêm thao thức, trằn trọc không ngủ được ... cảnh cũ thân quen đã thay đổi nhiều, phố xưa một thuở in dấu giày với bao kỷ nệm, người lính trẻ của 36 năm trước đã trở về đây ... Tôi trở lại vùng hành quân không có ba lô, súng đạn, không nón sắt, giày saut, không bạn bè, đồng đội ... Tôi trở lại bằng thân phận một thương phế binh vong quốc ngay chính trên quê hương của tôi ... Tôi trở lại bằng một trong những mảnh đời bất hạnh bị lũ cướp nước chà đạp bên lề cõi sống trong một đất nước thân yêu đã bị đổi chủ thay tên ... xót xa, nghèn nghẹn ... tôi thiếp vào giấc ngủ cô đơn. Tiếng gà gáy sáng, tôi ngồi dậy với đôi mắt còn cay xé, chai nước uống còn lại một ít đủ để đánh răng, rửa mặt ... Trời chưa vội sáng, nhưng trên đường đã lắm kẻ ngược xuôi, họ là những mảnh đời khốn khổ, vội vã, hấp tấp lao vào dòng đời khi mặt trời còn say ngủ và trở về nhà sau khi phố xá đã lên đèn, để thoi thóp sinh tồn trong một đất nước "lao động là vinh quang", nhưng người dân làm rã người kiệt sức vẫn không đủ ăn trong chính sách gian trá "xóa đói giảm nghèo" của lũ bạo quyền "đỉnh cao trí tuệ" của loài người về phương diện ngu dốt. Tôi đến một quán cà phê nhỏ bên đường mới vừa mở cửa, một quán cà phê đơn sơ với nền đất và vài cái bàn cây, trong quán đang có ba người đàn ông vừa uống cà phê vừa trò chuyện với nhau, tôi không đi vào quán mà ngồi xuống cạnh một gánh xôi bên ngoài, tôi đang nhai miếng xôi thì một người đàn ông trạc tuổi tôi, từ trong quán đi ra bước đến gần tôi, mỉm cười lên tiếng :

_Chào anh, anh từ xa mới đến à ?
Tôi trả lời :
_Dạ, chào anh, tôi từ xa đến đây, tôi trở lại nơi này sau 36 năm.
Người đàn ông đưa mắt nhìn đôi chân cụt với chiếc áo trận bạc màu trên người tôi và khẽ hỏi :
_Anh ... dân "KBC" ?

Ôi ... ba chữ "KBC" thân thương này chỉ có phe ta mới biết, lâu lắm rồi tôi mới được nghe lại, một chút vui nhẹ dâng trong lòng, tôi nhìn anh và trả lời bằng một cái gật đầu nhẹ.
_Mời anh vào trong quán, anh em mình uống cà phê, nói chuyện chơi. Tôi cũng là một "KBC" đây.
_Dạ cảm ơn anh, tôi ngồi ngoài này được rồi, đôi chân của tôi không tiện gì cho mấy.
_Vậy để tôi vào làm ly cà phê cho anh nhé.
Anh bước trở vào quán, vài phút sau mang ra hai ly cà phê. Anh đưa tôi một ly ...
_Mời anh dùng ly cà phê sữa nóng. Tôi tên là B.
_Cảm ơn anh B ... Tôi tên là A.

     Anh B đưa gói thuốc lá mời và ngồi xuống bên cạnh tôi, sau vài lời đổi trao về đơn vị trong cuộc đời binh nghiệp ... . Anh tâm sự, ra trường phục vụ ở một đơn vị tác chiến được hai năm thì "đứt phim", bị lũ cướp nước "khoan hồng" gần ba năm tù đày, khi ra tù thì cha mẹ đã mất, gia tài để lại cho anh và cô em gái là căn nhà lá thân thương này, căn nhà đã che mưa, chắn gió cho hai anh em khôn lớn, cô em gái có gia đình hiện đang ở kế bên. Những tháng ngày sau khi ra tù, nhờ vào cái mảnh bằng tốt nghiệp "cải tạo" và lý lịch "ngụy", nên anh đã chật vật tìm được những việc làm như kéo xe cây, đào đất, khuân vác, đạp xích lô ... Hai vết thương bởi đạn thù, pháo giặc ghim nơi lưng và chân quá đau nhức vì làm việc nặng nhọc, nên anh ngồi trước cửa nhà hành nghề vá xe, khâu vá phần nào mảnh đời rách nát của anh trong dòng tang thương, thống khổ của quê hương bởi thảm họa cộng sản. Ngưng lại giây phút, anh đưa tôi bao thuốc và lấy một điếu gắn lên môi, anh bật lửa rít một hơi thuốc dài, ánh mắt xa vắng qua làn khói thuốc, anh kể tiếp ...
     Năm 1980, vào một buổi chiều cuối tuần lúc vạt nắng cuối ngày vừa tắt, ... khi đang dọn dẹp đồ nghề để nghỉ, thì một tiếng kêu nhỏ nhẹ vang lên từ phía sau lưng :
_Ông ơi ...
Tôi quay lại ngước nhìn lên, đó là một cô gái khoảng gần bằng tuổi tôi, hai tay đang vịn chiếc xe đạp cũ. Tôi lên tiếng :
_Xin hỏi cô cần chi ?
Có lẽ cô gái thấy tôi còn trẻ nên đã đổi cách gọi ...
_Chiếc xe của tôi bị xẹp bánh, anh vui lòng xem giùm tôi nhé.
_Dạ được.
Vài phút sau, tôi đã tìm ra một vết thủng nhỏ, có lẽ cán phải đinh. Tôi chỉ cho cô gái thấy và nói :
_Để tôi vá lại cái ruột xe cho cô ... cô vui lòng chờ trong chốc lát nhé. À xin lỗi ... tôi không có cái ghế để mời cô ngồi, mong cô thông cảm cho.
_Dạ không sao, tôi đứng chờ cũng được mà, cảm ơn anh.
Trong lúc vá ruột xe, tôi và cô gái ấy trò chuyện với nhau, tôi được biết cô ta là cô giáo dạy ở một trường tiểu học trong phố, vài đêm trong tuần phải đi dạy thêm cái đám "đỉnh cao trí tuệ" ở một lớp "bình dân học vụ".
Ngưng lại một tí, anh B mỉm cười kể tiếp :
_Từ buổi vá xe "duyên" ấy, chúng tôi đã quen nhau, tìm hiểu nhau và một năm sau đó, chúng tôi nguyện ước ký "nợ" khâu vá mảnh đời cho nhau trong những tháng ngày còn lại của kiếp người. Hai vợ chồng chúng tôi có một đứa con trai hiện đang làm việc cho một công ty tư nhân ở trên tỉnh, vợ tôi vẫn còn dạy học, tôi thì trông coi cái quán này và cũng còn hành nghề vá xe để phụ thêm, lây lất qua ngày trong cái thiên đàng đảng giàu sang, dân thống khổ, quê hương tả tơi.
Anh quay lại gọi người phụ nữ mới vừa xuất hiện trong quán :
_Em ơi.
Người phụ nữ bước đến đứng bên anh và khẽ gật đầu chào tôi. Anh quay lại nói với tôi ...
_Giới thiệu với anh, đây là người bạn đời yêu quý của tôi.
Anh cũng không quên giới thiệu :
_Còn đây là anh A, từ xa mới đến và cũng là dân "KBC" như anh.
Tôi khẽ gật đầu :
_Chào chị.
_Dạ chào anh.
Tôi cũng kể vắn tắt về hoàn cảnh của tôi và hôm nay trở lại nơi này để thăm những thằng bạn và đồng đội cũ. Anh B hỏi tôi :
_Bạn bè, đồng đội của anh cũng ở nơi này à ?
Tôi gật đầu, đưa ánh mắt buồn bã, chỉ tay về một cánh rừng nhỏ xa xa ... tụi nó ngủ vùi nơi đó đã 36 năm rồi ... Một khoảnh khắc im lắng, một chút gì xót xa trong ánh mắt của mỗi người ...!

Trời đã sáng tỏ, tôi đưa tiền trả tiền xôi, nhưng bà cụ bán xôi nói :
_Cậu khỏi phải trả tiền đâu, để tôi gói thêm ít xôi cho cậu mang theo ăn dọc đường.
Tôi nghèn nghẹn ...
_Dạ cảm ơn bác.
Tôi cầm tiền quay sang anh B, nhưng anh đã lên tiếng :
_ Thôi tiền bạc gì, có một ly cà phê, chẳng lẽ tôi đãi anh không được sao.
Anh B vừa nói vừa nhét vài tờ giấy bạc vào túi tôi ...
_Anh giữ dùng làm lộ phí.
Tôi lấy tiền ra trả lại cho anh, nhưng anh nắm tay tôi và nói :
_Chút tình chiến hữu mà.
Vợ anh đứng kế bên lên tiếng :
_Đây là chút lòng thành của vợ chồng tụi em, mong anh nhận cho, khi nào trở về, mời anh ghé lại nghỉ ngơi vài hôm. Em sẽ làm vài món nhậu để ông xã em và anh lai rai, hàn huyên, tâm sự với nhau.
Một niềm cảm xúc nhẹ dâng, không biết nói gì hơn, tôi đưa tay bắt tay anh.
_Cảm ơn anh chị thật nhiều.

     Một cái siết tay thật chặt trong tình "Huynh Đệ Chi Binh", tình chiến hữu tao ngộ trong hoàn cảnh và thân phận của hai kẻ "gãy súng". Tôi xin phép chào tạm biệt bà cụ bán xôi tốt bụng và vợ chồng người chiến hữu mới quen quý mến. Tôi chống cặp nạng quay lưng bước đi ... Quý hóa thay hai chữ "tình người" trong lòng những kẻ bất hạnh, thống khổ, những nạn nhân từ cuộc đổi đời tang thương của quê hương !

     Trên đường, tôi ghé vào chợ mua một miếng thịt heo quay nhỏ, một bó nhang, hai cây đèn cầy, một bao thuốc lá, một xị rượu trắng. Mặt trời trên đỉnh đầu, tôi đã đặt chân lên vùng lửa khói năm xưa, dù cảnh vật thay đổi rất nhiều trong hơn nửa đời người, nhưng làm sao tôi quên được nơi này và những ngày đau thương cũ ... Đơn vị tôi chiến đấu dũng cảm với quân số địch đông hơn gấp mấy lần, chống trả mãnh liệt từng đợt tấn công biển người của cộng quân, cố gắng ngăn chận quân giặc đang tìm cách tiến về thủ đô Sài Gòn. Lũ giặc từng lớp, từng lớp bị đốn ngã ... bạn bè, đồng đội, kẻ hy sinh, người bị thương, kẻ tan xác, máu vương đỏ từng gốc cây, bụi cỏ ... phần tôi thì lãnh nguyên một tràng đạn nát cả đôi chân trong những ngày sau cùng của cuộc chiến, tôi và những người đồng đội bị thương nặng được tải thương trong lằn đạn của địch ... giã từ vũ khí ngày 25/04/1975.

     Tôi giựt mình tỉnh dậy bởi tiếng la hét, bởi những khẩu súng AK47 đánh phủ người, tôi và những anh em thương bệnh binh bị lũ nón cối kéo lê xềnh xệch quăng ra khỏi quân y viện, trên đường phố đã thấy những chiếc nón cối, mũ tai bèo, dép râu, lá cờ hai màu xanh đỏ với ngôi sao vàng ... tôi trố mắt ngơ ngác bàng hoàng đến nỗi quên cái đau đớn đang hành hạ xác thân bầm dập đẫm máu đào, một người đi đường dừng lại bên tôi nói "mất nước rồi". Ôi còn nỗi đau đớn nào hơn nữa không ... Tôi bò trườn đi trong ánh nắng buồn sắp tắt trên quê hương vừa bị cưỡng bức đổi chủ ... chiều ngày 30/04/1975 !

     36 năm như giấc mộng thoáng qua, từng hình ảnh của hơn 1/3 thế kỷ trước lần lượt hiện ra như mới vừa xảy ra ngày hôm qua ... Tôi đã trở lại chiến trường xưa, tôi đứng lặng yên một hồi lâu, để cho niềm cảm xúc, xót xa tự dâng trào lên khóe mắt rồi chảy dài xuống mặn bờ môi ... chiến trường xưa giờ phủ đầy cỏ dại, bụi thời gian đã che lấp dấu giày saut, cảnh vật với 36 mùa thay lá đã phủ mất dấu vết của một thời lửa đạn, xác bạn bè đã mục rã trong lá cây rừng hòa lẫn vào lòng đất mẹ ... có ai biết được nơi chốn thanh vắng, ngàn lá xanh tươi hiện giờ đã từng là chiến trường đẫm máu, nơi đã vùi chôn bao nhiêu thân xác của những chàng trai đi viết sử xanh và xác lũ giặc xâm lăng ... Dòng thời gian đã khỏa lấp dấu vết chiến trường xưa, hình ảnh tang thương của tháng ngày bi hùng nhạt nhòa sau hàng mi nhẹ khép ...!

     Tôi trở về đây tìm lại thịt xương của đôi chân gãy, tìm bạn bè, đồng đội trong khói sương, tìm giòng máu tuôn đổ thắm sa trường, tìm niềm đau hằn vương trong ký ức ... Tôi đi từng gốc cây, bươi từng bụi cỏ, hy vọng mong manh tìm được một chút gì còn sót lại của ngày xưa ... một mảnh giày saut, một tấm thẻ bài hoặc một mảnh xương khô ... Tôi cũng tìm lại thương đau từ một vết thương không lở loét, không vết sẹo, nhưng không bao giờ lành và chưa hề khép lại dù chỉ một giây, vết thương lòng "Tháng Tư Đen" ... Ánh nắng chiều dần phai, kỷ niệm buồn vương vạt nắng lưa thưa ...!

     Tôi đi nhặt vài viên đá nhỏ, chất chồng lại tượng trưng cho một nấm mộ, tôi lấy từ trong gói hành trang bày trước nấm mộ ... một miếng thịt quay, chai rượu đế, bao thuốc lá, một gói xôi ... tôi cũng không quên lấy ra khung hình pho tượng "Thương Tiếc" mà tôi đã mang theo, tôi thắp hai cây đèn cầy và ba nén nhang ... tôi nhỏ ba giọt rượu lên nấm mộ và đốt một điếu thuốc, tôi ngồi lặng yên ... tôi thắp thêm ba nén nhang, nhỏ ba giọt rượu và đốt điếu thuốc thứ hai, tôi ngồi lặng yên ... tôi thắp thêm ba nén nhang, nhỏ ba giọt rượu và đốt điếu thuốc thứ ba ... thân hình tôi khẽ rung động và rung động từng cơn, sự cảm xúc bị đè nén đã bật thành những tiếng nấc đau thương, uất nghẹn, xót xa ... mới đó mà đã hơn nửa đời người ... bạn bè, đồng đội, người thì nằm xuống dưới lòng đất mẹ loang lổ tang thương, kẻ kéo lê mảnh đời thống khổ trên quê cha rách nát tang tóc, người thì sương tuyết phủ mái đầu, miệt mài đấu tranh khi chiếc bóng đời đang ngã dần về Tây trên bước đường lưu vong, viễn xứ ... hai dòng nước mắt trào tuôn chảy dài theo từng tiếng nấc xé nát cõi lòng ...!

     Tôi đã trở về đây thăm anh em sau 36 năm dài tang thương, lê lết, kể từ khi tôi gãy chân, anh em "gãy súng" vĩnh viễn nằm lại nơi đây, anh em có linh thiêng hãy về uống rượu tâm sự với tôi, cùng tôi ôn lại quãng đường chinh chiến cũ và xin hãy phù hộ cho quê hương sớm thoát khỏi gông cùm cộng sản khát máu. Hôm nay là ngày 30/04/2011, tôi về đây thăm và làm đám giỗ cho anh em cùng với ngày đại tang của quê hương, ngày Tổ Quốc quấn khăn tang lần thứ 36 !

      Bóng tối phủ trùm lên khu rừng vắng lặng, tôi ngồi lắng yên suy nghĩ ... ngọn lửa của cuộc cách mạng "Hoa Lài" đã soi sáng tự do Tunisia, ngọn lửa dân chủ đã thiêu đốt chế độ độc tài Ai Cập, đang bùng cháy dữ dội tại Libya và lan dần ra đến các chế độ độc tài, cộng sản trên thế giới, sôi sục tinh thần đấu tranh của người Việt hải ngoại, đang hừng hực trên quê hương tôi, đất nước đang chuyển mình, sóng lòng dân đang cuồn cuộn trong huyết quản chuẩn bị đồng loạt dâng trào khai tử lũ cộng sản bạo tàn khát máu. Tôi ôm tấm hình pho tượng "Thương Tiếc" vào lòng, tôi nghe tiếng lá rừng xào xạc trong gió, có phải chăng là nhịp bước của những gót giày saut đang trở về và hình như có tiếng cười nói xôn xao của bạn bè, đồng đội quyện trong hồn thiêng sông núi thoảng theo từng cơn gió vọng về, chuẩn bị giờ phút lịch sử cùng toàn dân hân hoan chào mừng ngày quê hương thoát khỏi gông cùm xiềng xích của lũ bạo quyền cộng sản vô thần.

     Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ sẽ tung bay khắp khung trời Tổ Quốc Không Gian, phất phới kiêu hùng từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau, tung bay ngạo nghễ nơi hải đảo Trường Sa, Hoàng Sa, trên từng phần đất của quê cha, trên từng con sóng đại dương của biển mẹ Việt Nam và oai hùng tung bay phất phới nơi các quốc gia tự do trên toàn thế giới.

     Giờ phút lịch sử đó, toàn dân Việt Nam sẽ ôm nhau vui mừng đến rơi lệ.

     Ngày đó sẽ không xa.

     Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ Muôn Đời.

Nhân ngày Tưởng Niệm Quốc Hận lần thứ 36.

Monday, December 05, 2011

Người Ngoài Phố


Tác giả : Anh Việt Thu
Trình bày : Hoàng Nhật Thơ

Nhờ "Giải phóng"



Nhờ "giải phóng" ... Dân tự do đói khổ,
Tự do nghèo để đảng được giàu sang,
Dân lầm than với cuộc sống cơ hàn,
Để đảng được huy hoàng trên xương máu.

Nhờ "giải phóng" ... Dân tự do mát mẻ,
Người không quần ... Kẻ không áo lang thang ...
Trong ngục tù ... cộng sản gọi thiên đàng,
Của chủ nghĩa bạo tàn và khát máu.

Nhờ "giải phóng" ... Dân tự do sinh sống,
Nơi gầm cầu, hè phố ... lết lê la,
Vì đảng đã ăn cướp hết cửa nhà,
Để dân sống như  hồn ma lảng vảng.

Nhờ "giải phóng" ... Dân tự do thoải mái,
Nhai khoai mì, củ sắn, nuốt bo bo,
Chuyện vệ sinh ... thì dân chẳng cần lo,
Ăn không có ... có phân đâu mà  ị.

Nhờ "giải phóng" ... Dân đứng đầy đường phố,
Chồng ăn mày ... Vợ bán máu nuôi con,
Đây ông già bươi đống rác lượm lon,
Kia bà cụ lưng còng bán vé số.

Ôi "giải phóng" ... Dân lành mất sự sống,
Cách mạng về ... Dân chẳng buổi ăn no,
Nhờ Bác, Đảng ... Dân cày thế trâu bò,
Nhờ độc lập ... Dân bò lê khắp phố.

Cộng sản vô ... Dân trở thành vô sản,
Bộ đội vào ... Dân quấn mảnh khăn tang,
Cách mạng chi ...! Dân sống cảnh cơ hàn,
Nhờ "giải phóng" ... Dân làm phỏng cả "dzế" ./.

Dec 04, 2011

Sunday, December 04, 2011

Đợi Chờ ...




Tôi đợi chờ em đến bao giờ,
Tháng ngày dệt mộng kết thành thơ,
Mộng tan ... tỉnh giấc ... em hư ảo,
Tôi biết mình khờ ... sống trong mơ !

Tôi đợi chờ em cuối nửa đời,
Em đem tình ấy giỡn đùa chơi,
Khi chợt hiểu ra ... đầu đã bạc,
Tôi khẽ gục đầu ... giấu lệ rơi !

Tôi đợi chờ em đã mấy mùa,
Thu vàng hiu hắt  sầu đong đưa,
Chiếc lá thu phai … buồn giăng lối,
Giọt mưa thu  vỡ … mất nhau chưa !

Tôi đợi chờ em bao thu rồi,
Hằng năm nhìn lá với mưa rơi,
Tôi chờ em đến giây phút cuối,
Em khẽ trả lời : "Chẳng yêu tôi" !

 Feb 20, 2009