Sunday, June 24, 2012

Ngày Quân Lực 19.6_Tâm Tư Người Lính Già Lưu Vong !


Video clips "Ngày Quân Lực 19.6_Tâm Tư Người Lính Già Lưu Vong"
Người viết diễn đọc

Saturday, June 16, 2012

Khi Tôi Chết ...

Khi Tôi Chết Hãy Đem Tôi Ra Biển


khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
đời lưu vong không cả một ngôi mồ
vùi đất lạ thịt xương e khó rã
hồn không đi, sao trở lại quê nhà
 

khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
nước ngược dòng sẽ đẩy xác trôi đi
bên kia biển là quê hương tôi đó
rặng tre xưa muôn tuổi vẫn xanh rì
khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
và nhớ đừng vội vuốt mắt cho tôi
cho tôi hướng vọng quê tôi lần cuối
biết đâu chừng xác tôi chẳng đến nơi
khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
đừng ngập ngừng vì ái ngại cho tôi
những năm trước bao người ngon miệng cá
thì sá gì thêm một xác cong queo
khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
cho tôi về gặp lại các con tôi
cho tôi về nhìn thấy lệ chúng rơi
từ những mắt đã buồn hơn bóng tối
khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
và trên đường hãy nhớ hát quốc ca
ôi lâu quá không còn ai hát nữa
(bài hát giờ cũng như một hồn ma)
khi tôi chết nỗi buồn kia cũng hết
đời lưu vong tận huyệt với linh hồn.
Du Tử Lê
----------------------------------
Khi Tôi Chết Đừng Đưa Tôi Ra Biển
Khi tôi chết, đừng đưa tôi ra biển

Đưa tôi về Lao Bảo, Khe Sanh
Để đêm nghe vang dội khúc quân hành
Ôi ! Lính chiến một thời kiêu hãnh quá.
 
Khi tôi chết, đừng đưa tôi ra biển
Đưa tôi về Ben-Hét, Đắc-Tô
Nơi bạn bè tôi, xây mộng sông hồ
Nguyện trấn giữ dãy Trường Sơn yêu quý.
Khi tôi chết, đừng đưa tôi ra biển
Đưa tôi về Bình Giả, Chiến Khu Đ
Cho hồn tôi siêu thoát với lời thề
Thân chiến sĩ, nguyện xin đền nợ nước.
Khi tôi chết, đừng đưa tôi ra biển
Đưa tôi về Cái Nước, Đầm Dơi
Đêm U Minh, nghe tiếng thét vang trời
Mừng chiến thắng để dâng về tổ quốc.
Khi tôi chết, đừng đưa tôi ra biển
Trả tôi về với dân tộc Việt Nam
Gói thân tôi ba sọc đỏ màu vàng
Xin liệm kín với hồn thiêng sông núi.

Cựu Trung Tá TQLC Nguyễn Văn Phán
------------------------------------------
Khi Tôi Chết ...
Khi tôi chết ... hãy mang tôi về biển
Biển quê hương lửa rực đỏ Hoàng Sa
Lửa can trường, hùng khí Ngụy Văn Thà
Lửa Nhựt Tảo bi hùng ca trung liệt.

Khi tôi chết ... hãy mang tôi về biển
Biển Thuận An, pháp trường cát tang thương
Thăm bạn bè gục ngã không chiến trường
Xác trôi nổi, đại dương loang máu đỏ.

Khi tôi chết ... nếu không mang ra biển
Xin mang về vùng "Tổ Quốc-Không Gian"
Thăm những người trai cánh sắt đại bàng
Vùng lửa đạn một chiều hoang gãy cánh.

Khi tôi chết ... nếu không mang ra biển
Mang tôi về đồi bão lửa Charlie
Phủ thân anh ... Hồn Sông Núi Quốc Kỳ
Một ngày nao anh đi tròn nợ nước.

Khi tôi chết ... nếu không mang ra biển
Mang tôi về đồi máu Hạ Lào xưa
Để tôi nghe tiếng đạn cuối vọng đưa
Và nhìn lại cánh dù trên đồi máu.

Khi tôi chết ... nếu không mang ra biển
Mang tôi về rừng lá thấp xanh xanh
Thắp nén nhang trên lối cũ quân hành
Chào tưởng niệm những hùng anh Sói Biển.

Khi tôi chết ... nếu không mang ra biển
Mang tôi về sông Thạch Hãn, La Vang
Để tôi tìm viên "Ngọc Bích" vỡ tan
Của người lính mũ đen tên Bắc Đẩu.

Khi tôi chết ... nếu không mang ra biển
Mang tôi về với Quảng Trị vang danh
Thăm bạn bè gục ngã nơi Cổ Thành
Và nghe lại bài "Cờ Bay" chiến thắng.

Khi tôi chết ... đưa tôi về An Lộc
Thăm "Biệt Cách Dù Vị Quốc Vong Thân"
Thăm từng nhà, góc phố của người dân
Thăm chiến hữu vùi thây mô đất lạ.

Khi tôi chết ... Hãy đưa về quê mẹ
Về Bình Long Anh Dũng của ngày nao
Để tôi tìm lại những giọt máu đào
Của đồng đội bên chiến hào giữ nước.

Khi tôi chết ... mang tôi về Xuân Lộc
Thăm bạn bè tuyến thép giữ quê hương
Tìm đôi chân đã gởi lại chiến trường
Của thằng bạn đang bên đường lê lết.

Khi tôi chết ... mang tôi về thăm lại
Những ngục tù vùi xác bao hùng anh
Nắm xương tàn mục rã giữa rừng xanh
Ngày "gãy súng" ... Anh thành người tử tội.
 
Khi tôi chết ... nếu không mang ra biển
Cũng xin đừng vùi xác đất lưu vong
Hãy mang tôi về lại với non sông
Để nhìn thấy quê hương ngày quật khởi.

June 10, 2012
Hoàng Nhật Thơ


Thursday, June 14, 2012

Thư Không Niêm Gởi Bạn


Thư Không Niêm Gửi Bạn
(Thay lời một vị thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa đang kẹt
ở VN gửi người bạn cũ ngày xưa đã vượt biên
nhưng nay lại viện dẫn đủ mọi lý do để về vui chơi)
Gửi nhờ tập vé số trên tay,
Chống nạng đến đây để gặp mày.
Hụt hẫng thấy mày ngồi giữa quán,
Đang cùng bầy cán bộ vui say.
Không muốn bị mang tiếng quấy rầy,
Khi lòng đang thất vọng chua cay,
Nên đành mượn tạm vài trang giấy,
Viết bậy đôi câu gửi tới mày.
x
x x
Mày hãy cùng tao nhớ lại ngày,
Cùng mày trong bóng tối chia tay,
Mày thề rằng nếu Trời cho thoát,
Mày ắt không quên mối hận này.
Từ đó, trong đau đớn dập vùi,
Bọn tao mòn mỏi đợi tin vui.
Ngờ đâu hạnh phúc lùi xa mãi,
Nghĩ đến quê hương lại ngậm ngùi.
Mày trở về chơi đã lắm lần,
Lúc thì viện cớ gặp người thân,
Lúc theo "từ thiện" tìm danh vọng,
Hí hửng vô tròng bọn ác nhân.
Hàng vạn hàng trăm các hội đoàn,
Tranh đua làm thiện thật gian nan.
Hân hoan vì chút hào quang giả,
Họ đã an nhiên giúp bạo tàn.
Mày cũng lần theo đóm múa may,
Hết quà lại cáp phát rền tay.
Tiền Tây, tiền Mỹ xài như rác,
Lầu các thi nhau mọc dẫy đầy.
Mày biết dân đây được những gì,
Khi đoàn cứu trợ đã ra đi?
Đất đai ngập lụt, nhà tan nát,
Ngơ ngác trên tay một gói mì!
Biết chăng vì những đứa như mày,
Sự thật quê nhà chẳng chịu hay,
Hãnh diện ta đây về "cứu viện",
Nên bầy quỷ đỏ hiện còn đây.
Mày có biết mày đã tiếp tay,
Nuôi dân cho chúng để rồi nay,
Chúng càng thêm có đầy phương tiện,
Để khiến dân ta mãi đọa đày.
Cả bầy chúng vẫn sống xa hoa,
Xuất ngoại đầu tư, sắm sửa nhà,
Con cái tiêu ra hàng bạc triệu,
Đồng tiền đó liệu lấy đâu ra?
Mày so với chúng được bao lăm,
Tỷ phú tiền Tây chúng cả trăm.
Của cải một thằng trong Bắc phủ,
Thừa nuôi dân sống đủ nhiều năm.
Phải chăng vì cật ấm cơm no,
Mày lại mơ màng chức vị to,
Nên mới trở cờ o bế giặc,
Qua sông ngoảnh mặt với con đò?
Tao xót xa nhìn lũ bạn thân,
Ngày xưa vượt biển lắm gian truân,
Nay khuân tiền bạc về quê cũ,
Góp sức nuôi bè lũ hại dân.
Bạn mình giờ lắm kẻ giàu sang,
Áo gấm xênh xang rộn xóm làng.
Có đứa vênh vang bằng cấp lớn,
Hùa theo lũ ngợm chống Cờ Vàng.
Có thằng may mắn lắm đồng ra,
Thơ thới về đây, bỏ vợ nhà.
Có đứa làm sui gia với giặc,
Ra ngoài trở mặt líu lo ca.
Thấy miệng mày thoa mỡ nói năng,
Lòng tao chua xót chợt hay rằng,
Xuống thuyền mấy đứa đêm hôm đó,
Giờ đã "vinh quy" đủ bấy thằng!
Tao tưởng bao năm ở nước ngoài,
Chúng mày phải biết rõ hơn ai,
Ngày ngày đọc thấy nhiều tin tức,
Sao lại vô tâm được thế này?
Lần cuối cho tao nói một lời:
Nếu còn người trở lại ăn chơi,
Đua đòi danh lợi, buôn "từ thiện",
Thì chớ mơ chi chuyện vá trời.
x
xx
Nắng chiều cuốn xác lá trôi,
Bóng đôi nạng gỗ đơn côi ngược dòng.
Trần Văn Lương
Cali, 5/2012
Nguồn Email

Wednesday, June 13, 2012

Hồn Quân Lực

LLDB.jpg





Tôi không là nhà Thơ                
Cũng chẳng là Thi sĩ
Đôi khi hồn mộng mị
Nên tập viết văn thơ.
       
HỒN QUÂN LỰC
   
Đời quân ngũ nay còn đâu nữa
Bởi quê hương giờ của quân thù
Bao anh hùng trí dũng đa mưu
Trong phút chốc phù du uất hận
Khoác lên người những màu áo trận
Nào lính Dù, Biệt Động, Thủy Quân
Nào Biệt Cách, Thủy Thủ, Không Quân
Trên khắp nẻo mồ chôn xác giặc
Quê hương mất nhưng hồn Quân Lực
Không phai mờ tiềm thức quân nhân
Bao nhiêu năm vẫn đọng thâm tâm
Tình chiến hữu mặn nồng gắn bó
Thành phố xưa tạm phải lìa bỏ
Bởi quân thù nhuộm đỏ lối đi
Vũ Đình Trường khúc nhạc Quân Kỳ
Đời nghiệp lính luôn ghi nhớ mãi
Ngày Quân Lực đồng tâm nhớ lại
Bao vong linh chiến sĩ vô danh
Vì quê hương dân tộc bỏ mình
Trang sử vàng lưu danh chiến tích.

Mũ xanh.Delta81BCD 

Saturday, June 09, 2012

Ngày Quân Lực 19.06 _ Tâm Tư Người Lính Già Lưu Vong.




Kính thưa quý niên trưởng,
Kính thưa quý huynh trưởng,
Kính thưa quý chiến hữu đang chai gót lưu vong trên đất khách, quý chiến hữu đang mòn rách tấm thân trên quê hương.
Kính thưa quý anh em chiến hữu TPB.VNCH đang thống khổ chống cả một trời tang thương trong tay giặc nơi quê nhà.

Từ sau cuộc chính biến ngày 01/11/1963, chính trường Miền Nam Việt Nam thật sự bất ổn bởi những cơn lốc chính trị từ những sự tranh giành quyền lực của các tướng lãnh và thay đổi nhiều đời chính phủ dân sự như :

_Ngày 30/01/1964 : Tướng Nguyễn Khánh chỉnh lý hạ bệ các tướng lãnh cách mạng ngày 1/11/1963.

_Ngày 13/09/1964 : Trung Tướng Dương Văn Đức & Thiếu Tướng Lâm Văn Phát lật đổ Nguyễn Khánh.

_Ngày 24/10/1964 : Chính Phủ Dân Sự của Quốc Trưởng Phan Khắc Sữu.

_Ngày 31/10/1964 : Chính Phủ Dân Sự của Thủ Tướng Trần Văn Hương.

_Ngày 16/02/1965 : Chính Phủ Dân Sự của Thủ Tướng Phan Huy Quát.

_Ngày 19/02/1965 : Cuộc đảo chính không thành của Thiếu Tướng Lâm Văn Phát & Đại Tá Phạm Ngọc Thảo.

     Bọn CSBV đã lợi dụng tình trạng rối loạn của chính trường Miền Nam để gia tăng đánh phá trong mưu đồ nhuộm đỏ nửa phần còn lại của đất nước. Trước tình hình lâm nguy của Tổ Quốc, chính phủ dân sự do Thủ Tướng Phan Huy Quát lãnh đạo đã quyết định giao quyền lãnh đạo đất nước lại cho quân đội. Qua nhiều phiên họp, Đại Hội Đồng Quân Lực đã thành lập Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia Lâm Thời và đề cử Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu vào chức vụ Chủ Tịch Ủy Ban ... Ngày 19/06/1965, Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu ra mắt Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia, Ông đã thay mặt đại gia đình quân đội đứng ra nhận lãnh trọng trách lèo lái con thuyền quốc gia trong cơn nghiêng ngả của đất nước, vì thế ngày 19/06 được gọi là Ngày Quân Lực. Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu và sau đó là Tổng Thống dân cử của Nền Đệ Nhị VNCH đã lãnh đạo toàn thể Quân Dân Cán Chính VNCH đập tan mọi cuồng vọng xâm lăng của CSBV ; QLVNCH đã dùng máu xương, sinh mạng của mình đánh tan hầu hết các cuộc tấn công của cộng quân và hoàn thành ước nguyện "Sinh Bắc Tử Nam" cho lũ giặc xâm lăng. Nhưng đau đớn thay ... VNCH bị bán đứng, QLVNCH bị trói tay trên bàn cờ chính trị thế giới của kế hoạch tháo chạy trong danh dự với chính sách "Bức Tử" VNCH được che đậy bằng cụm từ "Việt Nam hóa chiến tranh" của chính phủ Hoa Kỳ.

VNCH chết tức tưởi !
QLVNCH bị bức tử uất nghẹn !
Miền Nam Việt Nam bị xóa sổ đau thương !
Dân Tộc Việt Nam đắm chìm trong biển máu tang thương !

Người viết là một trong số những người lính trẻ và nhỏ nhất của QLVNCH xin được nói lên tâm tư của một Người Lính VNCH "gãy súng" xa quê hương nhân dịp Lễ Kỷ Niệm Ngày Quân Lực lần thứ 47.

Những tia nắng nhạt dần và mờ phai cuối chân trời ... những áng mây bàng bạc lững lờ trôi trong không gian bao la vô tận ... hằng triệu người Việt tị nạn cộng sản trải nỗi lòng tha hương viễn xứ trong ánh mắt hướng nhìn về phía xa mờ xa bên kia nửa vòng trái đất  để tìm lại trong ký ức những hình ảnh mến yêu nơi quê hương Việt Nam ngàn đời yêu dấu và cũng để đau đớn xót xa cho một ngày nước mất nhà tan, gởi thân nơi đất khách bởi thảm họa cộng sản. Thoáng đó đã 37 năm kể từ ngày Người Lính VNCH bị bức tử gãy súng ... ngoảnh lại nhìn ... những sợi tóc đời mỗi ngày mỗi thưa dần, cát bụi thời gian và tuyết sương viễn xứ đã phủ trắng mái đầu ... mỗi phút giây trôi qua, con đường viễn xứ càng dài thêm trong khi bước chân vong quốc của Người Lính đã không còn "chân cứng, đá mềm" của một thời lửa khói, hai đóm mắt hỏa châu đã mờ, hơi thở cạn dần. Người Lính năm xưa của một thời bi hùng bây giờ là Người Lính già lưu vong mòn mỏi rã rời lê bước chân vong quốc ... Người Lính VNCH còn lại gì khi chiếc bóng đời dần phai theo vạt nắng hoàng hôn cuối chân trời trên đất khách ...

Hai mươi năm chinh chiến, những thanh niên Miền Nam 17, 18 tuổi đầu, nào biết gì ngoài cơm cha, áo mẹ, công thầy ... nhưng vì tình yêu quê hương, dân tộc ... vì trách nhiệm của người trai trong thời loạn, họ đã hy sinh quãng đời thanh xuân và hạnh phúc cá nhân mang tâm hồn trong trắng như chiếc áo thư sinh lao vào chiến cuộc với ước mơ hiền hòa đem máu xương, sinh mạng của mình bảo vệ hai chữ "Tự Do" cho quê hương ... "Bạn ơi, quan hà xin cạn chén ly bôi ... ngày mai tôi đã đã đi xa rồi, thành đô lưu luyến chắn bước chân tôi, trước giờ chia phôi mấy ai không bùi ngùi, kỷ niệm buồn vui mãi ghi trong hồn tôi. Rồi đây mai này ai hỏi đến tên tôi ... bạn ơi hãy nói khoác chiến y rồi, người thư sinh ấy đã xếp bút nghiên giã từ trường yêu với bao nhiêu bạn hiền, có về là khi nước non vui bình yên ..."  Hai mươi năm khói lửa phủ trùm quê hương, Người Lính trực diện đánh đuổi quân thù, sống cận kề với cái chết vây quanh ... ngày bước quân hành dưới cơn nắng cháy nung người, đêm bước đi âm thầm trong bóng đêm của rừng già âm u, trên đồng ruộng ngập nước hoặc ngồi lạnh căm ghìm súng nơi vọng gác để canh giữ quê hương. Người Lính cùng đồng đội thay phiên nhau chia sẻ từng muỗng cơm nuốt vội nơi giao thông hào dưới cơn mưa pháo của quân thù, chia nhau những giọt nước còn sót lại nơi đáy của bi-đông dưới cơn nắng cháy nung người và khói lửa chiến trường, chuyền tay nhau điếu thuốc nóng cháy cả đôi môi, lạnh co ro trùm tấm poncho dưới cơn mưa tầm tả ...  nhiều lần cắn chặt hàm răng đè nén cơn đau nhìn máu hồng tuôn đổ vì viên đạn, mảnh pháo của quân thù ghim vào thân thể ... bao nhiêu lần mang chiến thắng trở về từ cõi chết để dâng lên Tổ Quốc. Người Lính hơn bảy ngàn đêm với giấc ngủ chưa tròn nhìn ánh hỏa châu soi sáng chiến trường, âm thầm bước đi trong bóng đêm dày đặc màn sương để canh giữ quê hương cho người dân được an lành trong giấc ngủ nơi hậu phương ... "Nặng vai balô khi chuyển quân qua áo sương lạnh đầy hơn một lần, gian nan giữa giờ phố phường ngủ trọn mơ đêm dương gian, mình đi khi nước đau ... chẳng thở than ..."

     Chiến tranh là đồng nghĩa với mất mát, tang thương ... Đời Lính là dựa lưng nỗi chết để mang niềm vui cho đời ... Hai mươi năm chinh chiến với hằng trăm ngàn trận chiến lớn nhỏ, Người Lính đã đem dòng máu hồng tô đậm trang chiến sử ... Người Lính đã đem sinh mạng cắm ngọn cờ vàng ngạo nghễ trên từng phần đất quê hương như An Lộc, Bình Long Anh Dũng, Komtum Kiêu Hùng, Trị Thiên Vùng Dậy ... Người Lính dựa lưng nỗi chết trong cơn bão lửa đỏ cả quê hương dưới hằng trăm ngàn quả đạn pháo của quân thù để hoàn thành sứ mạng cao cả "thừa thắng xông lên tái chiếm lãnh thổ" mà Vị Tổng Tư Lệnh đã giao phó trong Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 ... những địa danh như Bình Giả, Dakto, Khe Sanh, Tân Cảnh, Chu Pao, Tống Lê Chân, đồi Thường Đức 1062, Đồng Tháp, U Minh và còn rất nhiều địa danh khác đã được tô đậm trong trang chiến sử bằng máu của Người Lính VNCH. Hai mươi năm chinh chiến là hai mươi năm Người Lính dựa lưng nỗi chết từng giây phút ... Người Lính dựa lưng nỗi chết dưới hằng trăm ngàn quả đạn pháo của quân thù trong suốt 69 ngày đêm để chiếm lại từng tấc đất quê hương, từng căn nhà, góc phố của người dân nơi Thị Trấn An Lộc ... sự hy sinh của Người Lính VNCH đã làm cho những dòng lệ của Cô giáo Pha rơi kết đọng thành hai câu thơ bất hủ "An Lộc Địa Sử Ghi Chiến Tích ; Biệt Cách Dù Vị Quốc Vong Thân" ; Trận chiến 510 ngày đêm của TĐ92BĐQBP bị vây phủ bởi hai sư đoàn CSBV với nhiều đợt tấn công biển người của địch quân nơi ngọn đồi Tống Lê Chân đã viết nên trang sử bi hùng của Người Lính VNCH nói chung, về người hùng Lê Văn Ngôn nói riêng, vị trung tá trẻ tuổi nhất của QLVNCH khi vừa đúng 25 năm tuổi đời ; Người Lính dựa lưng nỗi chết không còn nghe tầm đạn đi của viên đạn sau cùng nơi ngọn đồi máu 31 Hạ Lào, để lại sự tiếc thương của đồng đội và người đời sau mãi cất tiếng ca vang "Anh không chết đâu anh, người anh hùng mũ đỏ tên Đương, tôi vẫn thấy đêm đêm một bông dù sáng trên đồi máu ..." ; Người Lính dựa lưng nỗi chết nơi chiều rừng xanh bão lửa Charlie, không bao giờ trở lại với đơn vị cho dù là trở về bằng hòm gỗ cài hoa, Trung Tá Tiểu Đoàn Trưởng Nguyễn Đình Bảo và gần 500 chiến sĩ thuộc Tiểu Đoàn Song Kiếm Trấn Ải đã vĩnh viễn ở lại với Charlie, những chiến sĩ mũ đỏ trở về từ cõi chết đau thương nghẹn ngào vẫy tay tạ từ Charlie, người dân thị thành thương tiếc vẫy tay chào buồn anh đi ; Hằng chục ngàn Người Lính dựa lưng nỗi chết vĩnh viễn trong cơn bão lửa của Mùa Hè Đỏ Lửa nơi Cổ Thành Quảng Trị để cho những người bạn đồng đội dựng ngọn cờ chiến thắng vào ngày 16/09/72 và từng nẻo đường quê hương vang lên bài hùng ca chiến thắng bằng máu và nước mắt "Cờ bay, cờ bay oai hùng trên thành phố thân yêu vừa chiếm lại đêm qua bằng máu, cờ bay cờ bay tung trời ta về với quê hương, từng con đường quân ta tiến về. Ta ôm nhau mắt lệ nghẹn ngào, quỳ hôn đất thân yêu, Quảng Trị ơi chào quê hương giải phóng, hồi sinh rồi này mẹ này em vui hôm nay qua đêm đen tìm thấy ánh mặt trời. Đi lên, đi lên trên hoang tàn ta xây dựng ngày mai, nhà vươn lên, người vươn lên, quân với dân xây tin yêu đời mới ... dắt nhau về, anh đưa em về Gio Linh, Cam Lộ, Đông Hà ... sạch bóng thù, đồng hân hoan quân dân vui vang câu hát tự do ..."

     Lễ Kỷ Niệm Ngày Quân Lực 19/06/1973 được tổ chức trang nghiêm, hùng tráng trên Đại Lộ Trần Hưng Đạo ngay giữa lòng Thành Phố Sài Gòn với sự tham dự đông đảo của Quân-Dân-Cán-Chính VNCH và sự theo dõi của Quân Dân Cán Chính VNCH trên toàn quốc qua hệ thống truyền thanh truyền hình ... Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu kiêm Tổng Tư Lệnh Tối Cao QLVNCH long trọng tuyên dương sự chiến đấu anh dũng, sự hy sinh vô bờ bến của QLVNCH trong cuộc chiến chống bọn CSBV xâm lược trong bài diễn văn lịch sử :

     "Chiến hữu các cấp,

Cách đây đúng một năm cũng vào Ngày Quân Lực ... Tôi đã ra lệnh cho anh em thừa thắng xông lên tái chiếm lãnh thổ ... đúng 3 tháng sau, anh em đã đánh bại quân CS xâm lược trên khắp các chiến trường chính yếu và những lãnh thổ trọng yếu đã được tái chiếm, thời gian 3 tháng đó là thời gian quyết định, những chiến thắng đó là những chiến thắng quyết định, quyết định sự thảm bại sau cùng trong những cố gắng sau cùng của quân cộng sản xâm lược kể từ Tết Mậu Thân 68, đồng thời buộc chúng 3 tháng 6 mới đây, lệnh ngưng bắn lại được cộng sản long trọng cam kết thêm một lần nữa nhưng trong những ngày qua, chúng vẫn tiếp tục vi phạm trầm trọng hơn nữa. Như vậy đủ xác nhận rằng chủ trương của cộng sản không phải là vãn hồi hòa bình bằng một giải pháp ôn hòa dựa trên tinh thần hòa giải quốc gia, hòa hợp dân tộc qua công thức tổng tuyển cử tự do dân chủ để thực thi quyền dân tộc tự quyết của nhân dân Miền Nam, trái lại càng xét nhận rằng bản chất của cộng sản vẫn là hiếu chiến,chủ trương của cộng sản vẫn là chiến tranh xâm lược, ý đồ của chúng vẫn là thôn tính trọn vẹn Miền Nam bằng vũ lực và bạo tàn. Với kinh nghiệm từ năm 54, qua những hiệp định về Việt Nam và các quốc gia láng giềng, với kinh nghiệm Hiệp Định Ba Lê năm nay với những vi phạm tiếp diễn sau cái thông cáo chung ngày 13.06 vừa qua, cộng sản chỉ ký kết hòa ước là để tự cứu nguy khi chúng bị thảm bại nhưng đồng thời để chuẩn bị một cuộc xâm lăng mới. Cho nên không còn ai ngây thơ tin tưởng rằng cộng sản sẽ tôn trọng ngưng bắn nghiêm chỉnh để vãn hồi hòa bình thật sự tại phần đất này. Nhân dân Miền Nam hơn ai hết lại càng không thể ngây thơ tin tưởng rằng cộng sản đã từ bỏ ý đồ xâm lăng để có hòa bình thật sự bền vững tại phần đất này.
     Chiến hữu các cấp trước ai hết, anh em lại càng phải thấy rằng hòa bình dù mỏng manh như hiện tại cũng không phải là một món quà tự nhiên mà có, ngồi chờ tự dưng nó đến, càng không phải nhờ sự kêu gọi thiện chí hay van xin lòng nhân đạo của cộng sản mà được như một số người chủ bại ngây ngô lầm tưởng. Trái lại,  hòa bình mà không nô lệ cộng sản là nhờ nơi sức mạnh, nơi tinh thần, nơi ý chí của cả dân tộc quyết tâm chiến đấu để tự tồn, thực hiện bằng xương bằng máu của hằng ngàn hằng vạn thân xác anh em, bằng hy sinh vô bờ bến của hằng ngàn hằng vạn đồng bào. Hòa bình mà phải tước đoạt cam go từ trong tay một kẻ thù vô cùng bạo tàn khát máu, bằng giá hằng chục hằng trăm thị tứ xóm làng điêu tàn đổ nát của Miền Nam thân yêu chúng ta. Chính nhờ ý chí kiên trì và sức mạnh của dân quân chúng ta kết hợp cùng những dân tộc yêu chuộng hòa bình và tự do trên khắp thế giới mới buộc được cộng sản ký kết hòa bình hồi tháng giêng năm nay, rồi trong những tháng vừa qua cũng với ý chí kiên trì với sức mạnh và bằng xương bằng máu mà quân dân Miền Nam chúng ta mới chận đứng được cộng sản giành dân lấn đất.
     Suốt 18 năm trường, không khi nào cộng sản nghĩ đến chấm dứt xâm lăng vì thiện chí hòa bình hay vì tình thương dân tộc, mà cộng sản chỉ buộc phải dừng bước xâm lăng khi chúng bị ta đánh bại, cho nên cộng sản cũng sẽ không khi nào từ bỏ ý đồ tái xâm lăng nếu không thấy rằng tái xâm lăng rồi cũng sẽ bị quân dân ta đánh bại. Đó là lý do mà Miền Nam chúng ta phải mạnh, phải duy trì và kiện toàn sức mạnh quân sự, phải có sức mạnh quân sự với một quân đội quyết chiến quyết thắng mới ngăn chận được xâm lăng tái diễn, mới bảo đảm được hòa bình lâu dài ... và chỉ có một sức mạnh quân sự sẵn sàng đánh bại mọi hành động xâm lược của cộng sản chứ không có gì khác hơn thì mới làm cho cộng sản tôn trọng mọi hiệp định hoà bình mà chúng đã ký kết. Cho nên Ngày Quân Lực năm nay không chỉ để đánh dấu chiến thắng mà các anh em đã đạt được, mà còn để biểu dương sức mạnh mà chúng ta phải tiếp tục chuyển qua để biểu dương ý chí quyết chiến quyết thắng mà anh em phải tiếp tục nuôi dưỡng trước một kẻ thù gian manh lật lộng là cộng sản. Tôi kêu gọi toàn thể anh em hãy không ngừng đề cao cảnh giác tột độ để ngăn chận hữu hiệu, để phản ứng kịp thời, mãnh liệt mọi hành động giành dân lấn đất của chúng ... hãy liên tục rèn Cán chỉnh Quân, trui luyện chí khí, trau dồi tác phong, cải tiến chiến thuật, canh tân kỷ luật để đập tan mọi công cuộc tái phát xâm lược của chúng ... Anh em đã làm được sứ mạng đánh bại xâm lăng xây dựng hòa bình, thì nay anh em phải làm được sứ mạng ngăn chận tái xâm lăng bảo vệ hòa bình.
     Chiến hữu các cấp,
     Hôm nay trước quốc dân với sự có mặt của những đơn vị chiến thắng về đây đại diện cho những đoàn quân chiến thắng ... những cá nhân xuất sắc về đây đại diện cho những quân binh chủng xuất sắc ... những cấp chỉ huy về đây đại diện cho toàn thể quân đội anh hùng ... Tôi long trọng tuyên dương toàn thể quân lực chiến thắng và anh hùng ... Tôi kính cẩn nghiêng mình trước các anh em đã hy sinh, tôi gởi lời thăm các anh em đang điều trị, tôi gởi lời thăm các anh em đang ghìm tay súng bảo vệ đất nước, tôi gởi lời thăm các anh em đã trở về từ ngục tù cộng sản, tôi sốt sắng cầu nguyện cho các anh em đang còn trong ngục tù cộng sản, tôi gởi lời thăm các anh em cựu chiến binh, các cháu cô nhi, các chị quả phụ tử sĩ toàn quốc ... nhân dân ghi ơn tất cả các bạn, đất nước hãnh diện nơi các bạn.
     Thân chào."

     Trong những ngày khoác chinh y ... Người Lính VNCH chẳng những dựa lưng nỗi chết trên chiến trường mà còn dựa lưng nỗi chết ngay cả ở mọi nơi, mọi lúc ... Người Lính dựa lưng nỗi chết và có người đã chết ba lần, thịt da nát tan như trường hợp của Trung Úy mũ đen "Bắc Đẩu" Nguyễn Ngọc Bích nơi chiến trường La Vang, Quảng Trị ... "Người tên Bắc Đẩu chết trận La Vang, liệm xác ba lần Ngọc Bích cũng tan, chỉ còn vì sao thôi, chỉ còn vì sao thôi, cuộc đời dài mươi năm, người vội về xa xăm ..." ; Người Lính mang mộng ước gì khi dựa lưng nỗi chết giữa rừng lá thấp nơi chiến trường Bình Lợi, Người Lính đã mang mộng ước ra đi vĩnh viễn không trở về với bạn bè, đồng đội để nghe từ chiếc máy thâu thanh vang lên "Sao không hát cho những người còn mải mê, lá rừng che kín đường về phồn hoa, không hát cho những bà mẹ từng đêm nhớ con xa hay hát cho những người vừa gục xuống chiều qua ..." ; Người Lính dựa lưng nỗi chết trên sóng nước trùng khơi bao la và trong một lần xa bến nào đó, họ đã không còn dịp nhìn thấy lại "Trùng khơi nổi gió, lênh đênh triền sóng lắc lư con tàu đi ..." ; "Phi đạo chạy dài, anh cất cánh bay lên ... ngả nghiêng cánh chim, con tàu xé trời rời xa thành phố rồi ...", Người Lính dựa lưng nỗi chết trong chiếc quan tài bay giữa vùng trời lửa đạn và trong một phi vụ tiếp ứng cho đơn vị bạn, anh đã bay vào vùng miên viễn không có ánh nắng chiều rơi không gian chợt tối, không còn dịp thắt lại chiếc khăn ấm được đan bởi chính đôi bàn tay của người vợ hiền yêu dấu, của người yêu bé nhỏ hậu phương ; Người Lính dựa lưng nỗi chết nơi sông hồ kinh rạch, trầm mình sình lầy ngập cả thân mình trong màn đêm âm u dày đặc nơi Đặc Khu Rừng Sát, Rừng già U Minh để phục kích, tiêu diệt những kẻ đi gây tang tóc trên mảnh đất mẹ thân yêu ... ; Người Lính dựa lưng nỗi chết vĩnh viễn lúc đang ăn cơm khi một viên đạn bắn sẻ của quân thù xuyên qua đầu, máu và óc bầy nhầy chảy xuống nhuộm đỏ những hạt cơm sấy trong miệng chưa kịp trôi xuống bụng ; Người Lính dựa lưng nỗi chết trong giấc ngủ sau phiên đổi gác và anh không bao giờ thức dậy khi hứng một quả đạn pháo của giặc, thân xác tan nát hằng trăm mảnh vụn văng tứ tung gom lại chưa đầy một nón sắt, Người Lính chết mà vẫn chưa biết mình đã chết ; Người Lính dựa lưng nỗi chết ngay cả trên đường về phép dự đám tang của mẹ già nhưng chuyến xe đò định mệnh đã đưa anh về thế giới xa xăm vì cán phải mìn của lũ giặc dã man đi "Giải Phóng Miền Nam" ... Ôi tang thương ... Người Lính trở về để tang cho mẹ bằng cỗ quan tài liệm kín đời anh ...; Người Lính dựa lưng nỗi chết ở một nơi nào đó trên quê hương mịt mờ thuốc súng, rồi một buổi chiều hoang trốn nắng, hàng cây nghiêng ngả, Người Lính trở về im lìm trong chiếc poncho buồn liệm kín đời anh ... vành tang trắng đẫm lệ chít vội lên đầu người góa phụ ngây thơ. Từ dòng sông Bến Hải ngăn đôi bờ Nam Bắc chạy dài xuống tận mũi Cà Mau, vượt khơi ngút ngàn xa hải lý "Tổ Quốc Đại Dương", vượt cao vút cao vùng trời "Tổ Quốc Không Gian" ... ba trăm năm mươi ngàn Người Lính VNCH đã dựa lưng nỗi chết vĩnh viễn trong hai mươi năm dài chinh chiến chỉ để đánh đổi hai chữ "Tự Do" cho quê hương. 

     Người Lính dựa lưng nỗi chết chứng kiến chung quanh mình bao đồng đội gục ngã vì hai chữ "Tự Do" cho quê hương ... người thì tan xác trong đạn pháo quân thù ... người gục ngã máu tuôn nhuộm đỏ chiến y ... người thì thoi thóp không nói được hai tiếng "vĩnh biệt" vì những dòng máu đang tuôn trào nghẹn nơi cổ họng, hơi thở cạn dần và dứt hẳn, cặp mắt trợn trừng. Hai mươi năm chinh chiến, hầu như mỗi ngày đều có Người Lính VNCH gục ngã ở nơi chiến trường nào đó trên quê hương ... Người nơi tiền tuyến gục ngã ... Người ở hậu phương tiếp tục lên đường cho sự sinh tồn của quê hương "Muôn lớp trai đi nghìn sau theo dấu chân đi vào thiên lý, biết bao người xong nợ xương máu không trở về, người đi vào tối vẫn lưu danh cho đời mãi, nó anh hùng ngày mai ..."

     Người Lính mỉm cười chấp nhận tất cả những gì gian nan, cực khổ, hiểm nguy nhất với một ước mộng đơn sơ, hiền hòa mang sự yên bình cho quê hương ... Mỗi một trang chiến sử đã được viết bằng bao nhiêu sinh mạng, máu xương và một phần thân thể của Người Lính VNCH ... Bộ quân sử oai hùng của QLVNCH đã được viết bằng máu của những người trai thời loạn trên vành tang trắng của thân nhân họ. Sự hy sinh cao cả của Người Lính VNCH được trang trọng thành kính ghi ơn trong sáu chữ "Vinh Danh-Tri Ân-Tưởng Niệm".

Đất nước VNCH nhỏ bé chạy dài từ vĩ tuyến 17 xuống đến Mũi Cà Mau, tài nguyên thiên nhiên của đất nước và ngân sách quốc phòng không đủ trang trải chi phí khổng lồ cho cuộc trường chinh chống cả khối Cộng Sản Quốc Tế, nên chính phủ MNVN đã nhận viện trợ quân sự từ chính phủ Hoa Kỳ. Hai mươi năm dài chinh chiến triền miên trên quê hương ... Chính phủ Miền Nam Việt Nam đã đập tan cuồng vọng xâm lăng của bọn CSBV ... Người Lính VNCH chiến thắng hầu hết các mặt trận lớn nhỏ nhưng đớn đau, uất nghẹn thay ... vì nhận sự viện trợ quân sự từ người bạn đồng minh nên Chính phủ MNVN đã không được quyền tự quyết định vận mệnh đất nước ... Người Lính VNCH đã không được quyền chiến thắng cuộc chiến khi chính thể VNCH đã bị ngã giá xong xuôi bởi quyền lợi của Hoa Kỳ và khối CSQT. Chính phủ và Quốc Hội Hoa Kỳ đã dùng vấn đề viện trợ quân sự ép buộc Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ký vào Hiệp Định Paris 1973, nhưng Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và các giới chức có thẩm quyền của MNVN đâu ngờ rằng Hiệp Định Paris 1973 đã đưa đến kết quả bi thảm cho MNVN vào ngày 30/04/1975.

     Đại Tướng William Westmoreland đã thốt lên lời tạ lỗi đối với QLVNCH như sau : "Chúng ta không thua tại Việt Nam, nhưng chúng ta đã không giữ đúng lời cam kết đối với QLVNCH. Thay mặt cho quân đội Hoa Kỳ, tôi xin lỗi các bạn cựu quân nhân của Quân Lực MNVN vì chúng tôi đã bỏ rơi các bạn." (nguyên văn Anh ngữ : On behalf of the United States Armed Forces, I would like to apologize to the veterans of South Vietmamese Armed Forces for abandoning you guys.) ; Cựu Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger và cũng là kẻ chủ chốt bán đứng VNCH cho Khối CSQT cũng đã thú tội : "Sự thảm bại tại Việt Nam năm 1975 là do Hoa Kỳ chớ không phải do VNCH".
      Hiệp Định Paris 1973 là một bản án "Tử" cho VNCH ... con chốt thí VNCH đã bị chính phủ Hoa Kỳ đẩy sang sông cho khối CSQT, thân phận một đất nước nhỏ bé đã bị định đoạt xong trên bàn cờ chính trị của các cường quốc tư bản và cộng sản thì cho dù Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu có từ chức hay không ... Ông Dương Văn Minh hoặc ai là người lãnh đạo sau cùng thì Miền Nam Việt Nam cũng bị sụp đổ vì chính phủ Hoa Kỳ bức tử Miền Nam Việt Nam chớ không phải chỉ bức tử nền Đệ Nhị Cộng Hòa MNVN. Ngày 27/01/1973, Hoa Kỳ đã bàn giao VNCH cho khối Cộng Sản Quốc Tế trên giấy tờ, để rồi đúng 2 năm, 3 tháng, 3 ngày sau đó ... Ông Dương Văn Minh đã chính thức tuyên bố bàn giao MNVN cho khối CSQT qua bàn tay của CSBV. Ngày 30/04/1975, VNCH bị chết tức tưởi và oan nghiệt trong thân phận một nước nhược tiểu.

     Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu bị cả bạn lẫn thù ép buộc từ chức và Ông bị áp lực phải rời bỏ quê hương cũng bởi bạn và thù. Ông đã im lặng, uất nghẹn mang nhiều nỗi "hàm oan" trong bao nhiêu năm dài như bán nước, làm mất quê hương, đào ngũ trong thời chiến, bỏ chạy khỏi quê hương nuốt 16 tấn vàng. Ngày 29/09/2001, Ông đã âm thầm khép mắt vĩnh biệt toàn thể Quân Dân Cán Chính VNCH trong đắng cay, tủi nhục, uất nghẹn trên cương vị Cựu Nguyên Thủ Quốc Gia vong quốc, trong thân phận một người con dân VNCH mất nước. Ông ra đi để lại cho ngàn sau một câu nói bất hủ "Đừng nghe những gì cộng sản nói mà hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm". Một nén hương lòng thành kính dâng lên linh hồn Cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, nghiêm chào vĩnh biệt vị Tổng Tư Lệnh Tối Cao của QLVNCH. Ngày 30/04/1975, Người Lính VNCH bị bức tử gãy súng ... Người bạn đồng minh vì quyền lợi chính trị đã nhẫn tâm bức tử Người Lính VNCH, cả thế giới tự do nói chung, những quốc gia ký trong Hiệp Định Paris 1973 nói riêng đã ngoảnh mặt làm ngơ khi bọn CSBV xua quân và chiến xa cày nát Hiệp Định Đình Chiến tấn công MNVN, họ cũng im lặng đến độ dã man nhìn VNCH hấp hối để rồi bị khai tử tang thương vào ngày 30/04/1975. Cuộc chiến Việt Nam đã bị kết thúc bằng mảnh khăn tang đẫm máu phủ trùm lên toàn thể Quân-Dân-Cán-Chính của Miền Nam Việt Nam và sau đó là trùm phủ cả quê hương cho đến ngày hôm nay và cho đến bao giờ ...

Ngày 30/04/1975, quê hương tàn chinh chiến ... Hằng trăm ngàn Người Lính VNCH lần lượt khăn gói lên đường đi vào cõi chết với chính sách gian trá, thâm độc "một tháng học tập" trong cái bẫy giết người tinh vi của lũ quỷ đỏ mạo danh "chống Mỹ, cứu Nước" ... Hằng trăm ngàn người đã vĩnh viễn ở lại "Địa Ngục Máu" được che đậy bằng danh từ hoa mỹ "Trại Cải Tạo" ... Người còn sống thì trở về bằng thân xác bệnh hoạn, tiều tụy sau bao năm dài bị hành hạ, tra tấn từ thể xác đến tinh thần, nhà cửa đã bị chiếm đoạt, vợ con bị cưỡng bức vào tuyệt lộ nơi "Vùng Kinh Tế Mới" bởi sự trả thù gian ác của lũ người tự xưng đi làm "cách mạng". Sau những năm dài chết đi sống lại nơi các địa ngục "Trại Cải Tạo", Người Lính tiếp tục bị lũ giặc dã man chà đạp bên lề cõi sống trong một nhà tù lớn nhất thế giới mang tên Việt Nam. Hai mươi năm chinh chiến, những năm dài lê bước chân kẻ thua cuộc nơi các trại tù từ Nam chí Bắc sau ngày tàn cuộc chiến... có gian nan, cực khổ, hiểm nguy nào mà Người Lính VNCH chưa trải qua ... có cái chết nào mà Người Lính chưa từng đối diện thì xá chi những tháng ngày bị lũ bạo quyền trù dập sau ngày rời khỏi nhà tù nhỏ bước vào nhà tù lớn. Nhìn đất nước tan hoang, người dân cực khổ lầm than, oằn oại dưới đôi dép râu "giải phóng" ... Người Lính cảm thấy xót thương cho người dân lành vô tội vì sống dưới khung trời tự do của Miền Nam Việt Nam mà phải hứng chịu sự trả thù hèn hạ, đê tiện của lũ người tự xưng đi "Giải phóng Miền Nam" ; Người Lính xót thương người dân Miền Bắc vô vàn vì họ sống trong bóng tối triền miên dưới chế độ cộng sản vô thần, độc tài, khát máu trong khi người dân Miền Nam ít ra cũng được hít thở không khí tự do trong hai mươi năm dưới hai nền Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam ... Nói chung, Người Lính VNCH xót xa cho cả dân tộc bị đắm chìm trong bể máu của chủ nghĩa cộng sản vô thần, khát máu kể từ khi Người Lính bị bức tử gãy súng.

     Sau những năm dài thoi thóp lết lê trong nhà tù lớn, những Người Lính có từ ba năm tù "cải tạo" trở lên đã được ra đi theo diện "Tù Nhân Chính Trị" giã từ quê hương sống cuộc đời vong quốc ... vui cũng nhiều mà xót xa nghẹn ngào cũng không ít ... bao nhiêu năm đem cuộc đời, sinh mạng và máu xương để gìn giữ mảnh đất quê cha mà giờ đành phải nuốt hận vào lòng, uất nghẹn lìa xa, sống cuộc đời viễn xứ  "Sài Gòn ơi, tôi xin hứa rằng tôi trở về ... người tình ơi, tôi xin giữ tròn mãi lời thề, dù thời gian có là một thoáng đam mê, phố phường vạn ánh sao đêm nhưng tôi vẫn không bao giờ quên."

     Người Lính đặt chân đến bến bờ tự do từ những ngày di tản kinh hoàng, từ những chuyến vượt biển, vượt biên hãi hùng, từ ngày ra đi theo diện "tù nhân chính trị" rời xa quê hương trong đong đầy nước mắt. Người Lính đặt chân đến bến bờ tự do với vết thương lòng "Tháng Tư Đen" còn hằn đau trong trái tim, ánh mắt cùng những vết thương trên thân thể từ cuộc chiến và những năm dài bị tra tấn trong ngục tù cộng sản ... Người Lính cũng như đa số người Việt tị nạn cộng sản đã làm lại từ đầu với đôi bàn tay trắng từ một ngày "Mất quê hương, mất tất cả" để trang trải miếng cơm tha hương, manh áo tị nạn nơi đất khách. Dù vật lộn với cuộc sống tha hương, chật vật chạy đua với thời gian hạn hẹp còn lại của cuộc đời in hằn những vết đau, Người Lính vẫn góp một bàn tay trong công cuộc đấu tranh, có mặt hầu hết trong các cuộc xuống đường, biểu tình lên án bọn CSVN chà đạp "Nhân Quyền", tố cáo tội ác CSVN trước công luận thế giới, ngồi co ro lạnh căm ngoài trời trong những đêm không ngủ để lên án bọn CSVN phản quốc đã dâng hiến đất nước cho quan thầy Tàu Cộng, đập tan các âm mưu xâm nhập Cộng Đồng Người Việt Tị Nạn Cộng Sản qua Nghị Quyết 36 ... tháng ngày viễn xứ lặng lẽ trôi qua ... Người Lính của một thuở bi hùng bây giờ là Người Lính Già Xa Quê Hương, dù sương tuyết phủ trắng mái đầu vẫn miệt mài trên con đường tranh đấu, đóng góp sức tàn, hơi cạn trong công cuộc giải thể bạo quyền CSVN. Dù biết chắc chắn một điều sớm hay muộn thì chế độ bạo quyền CSVN phải sụp đổ nhưng Người Lính không tránh khỏi bi quan là có được nhìn thấy ngày đó hay không khi cuộc đời đã gần đất, xa trời.

     37 năm trôi qua ... vết thương lòng 30/04 vẫn chưa và không bao giờ khép lại. Những Người Lính già lưu vong mang vết thương ấy bước đớn đau trong những ngày còn lại của cuộc đời trên con đường vong quốc ... Những người trai của một thời lửa đạn không may mắn còn kẹt lại nơi quê hương, âm thầm xót xa mang vết thương "gãy súng" sống thoi thóp trong bàn tay của kẻ thù chờ ngày quang phục lại giang san. Thế mà có một số người vô ý thức đã mở miệng nói :"Chuyện ngày xưa đã trôi qua mấy mươi năm, tại sao mấy ông lính già mãi nhắc và viết về quá khứ ... tại sao còn sống trong quá khứ hoài, phải chăng còn tiếc nuối một thuở "vàng son, danh vọng" ? Một điểm đáng buồn hơn là trong số những người nói câu này, có những kẻ đã từng khoác vào mình bộ quân phục QLVNCH.

Kính thưa quý vị,

     Đúng, chúng tôi vẫn nhắc và viết hoài về một quá khứ bi hùng của những người trai thời loạn trong cuộc chiến chống bọn giặc CSBV xâm lăng để bảo vệ hai chữ "Tự Do" cho quê hương ... chúng tôi là những người đóng góp xương máu trực diện đánh đuổi quân thù, có trách nhiệm đóng góp tiếng nói, viết lại sự thật về một quá khứ bi hùng trong cuộc chiến ... những nỗi xót xa, tang thương của Người Lính VNCH sau ngàn tàn cuộc chiến. Chúng tôi nói và viết về quá khứ không phải để kể lể sự hy sinh và càng không phải để cầu mong sự thương hại hay bất cứ sự đền đáp nào cho dù trong số những người lính già chúng tôi có hằng trăm ngàn đồng đội chiến hữu đang lê lết tấm thân không nguyên vẹn sống cuộc đời thống khổ cả thể xác lẫn tinh thần trong bàn tay kẻ thù trên quê hương đã mất ... Chúng tôi chỉ muốn đóng góp những trang sử bi hùng trong hai mươi năm tự do của MNVN được viết bằng máu của Người Lính VNCH và những trang sử đẫm máu của quê hương dân tộc sau ngày tàn cuộc chiến lưu lại cho những thế hệ mai sau.

_Chúng tôi tiếc nuối một dĩ vãng 20 năm tự do của quê hương đã mất sau ngày 30/04/1975.

_Chúng tôi tiếc nuối cuộc sống thanh bình, tự do, ấm no, hạnh phúc của người dân hậu phương bên này bờ sông Bến Hải đã bị lũ giặc cướp đi từ một ngày "giải phóng" năm xưa.

_Trong những dịp lễ Tưởng Niệm Ngày Quốc Hận, Kỷ Niệm Ngày Quân Lực hoặc đại hội Quân Binh Chủng ... Những Người Lính già chúng tôi mới có cơ hội gặp và cùng nhau hàn huyên tâm sự, cùng nhau ôn lại những tháng ngày nơi thao trường đổ mồ hôi, những buồn vui chung điếu thuốc trong đơn vị hoặc những tháng năm dài cùng nhau treo sinh mạng trên đầu súng nơi chiến trường ... đây là giây phút những Người Lính già sống trong quá khứ chứ chúng tôi không sống trong quá khứ quyền uy, chức tước hay địa vị.

Đời Lính ngủ trên bờ đê, đồng ruộng ngập nước, ngủ trên lá rừng khô mục đẫm ướt sương đêm, ngủ trong giao thông hào, ngủ dưới cơn mưa tầm tả hay nắng cháy nung người ... Hai mươi năm chinh chiến, Người Lính trợn trừng nuốt cơm khô gạo sấy trong vị mặn của máu và mồ hôi, uống từng ngụm nước từ sông hồ kinh rạch, từ lỗ chân trâu ... mạng sống mong manh trên bước quân hành. Quê hương chinh chiến triền miên, Người Lính ít có thời gian về thăm gia đình ... cha mẹ già mỗi ngày đưa mắt nhìn về phương trời xa và tự hỏi lẫn nhau "sao lâu quá, không thấy thằng nhỏ về thăm nhà ..." ... tháng ngày lặng lẽ trôi qua cho đến một buổi chiều thu ... lá vàng khóc lá xanh rơi ... "thằng nhỏ" trở lại im lìm trong hòm gỗ được trang trọng phủ lá quốc kỳ ; Người vợ hiền thầm lặng ôm ấp nỗi nhớ nhung chăm sóc, dạy dỗ con thơ ... từng đêm trăn trở nghĩ đến một điều sợ không dám nghĩ cho đến một ngày bàng hoàng trở thành cô nhi quả phụ chít vội mảnh khăn tang ôm con thơ vào lòng ngất lịm bên quan tài người chồng "Vị Quốc Vong Thân". Đời lính như thế thì có gì là vàng son, danh vọng ... nếu có, thì "danh vọng" của Người Lính là im lặng nhận lãnh bốn chữ "Tổ Quốc Ghi Ơn" sau khi khép mắt vĩnh viễn, đáp đền nợ nước ... Gia tài của Người Lính là khẩu súng, nón sắt, giày saut, balô, áo trận và Người Lính khiêm nhường đứng ở vị trí thấp nhất trong năm đẳng cấp ngoài xã hội "Sĩ, Nông, Công, Thương, Binh" thì "Vàng Son" của Người Lính là gì ... "Vàng Son" của Người Lính là hòm gỗ cài hoa được phủ lá quốc kỳ, được đặc cách lên một cấp nhưng xót xa kèm theo chữ "Cố"... Người Lính VNCH không đem sinh mạng lao vào chỗ hiểm nguy để đánh đổi hai chữ "anh hùng" ... không đem cái chết của mình để đánh đổi vòng hoa thương tiếc "Tổ Quốc Ghi Ơn" ... Người Lính VNCH không đem một phần thân thể đổi lấy cặp nạng gỗ hay chiếc xe lăn để được người đời gọi là Thương Phế Binh. Tất cả sự hy sinh của Người Lính chỉ đơn giản trong tám chữ "Vì Nước Quên Thân-Vì Dân Chiến Đấu". Nếu không có dĩ vãng bi hùng của Người Lính thì Miền Nam Việt Nam không có hai chữ "Tự Do" trong hai mươi năm dài khói lửa ... Nếu không có dĩ vãng tang thương "Tháng Tư Đen" thì Người Lính VNCH không trở thành những "tử tội" trong các địa ngục máu "Trại Cải Tạo", không sống những năm dài vong quốc ngay chính trên quê hương và mọi nẻo đường thế giới tự do ; Nếu không có Tháng Tư Đen tang tóc thì quê hương không tan nát, người dân không kéo lê kiếp sống thống khổ, thê lương dưới lá cờ máu bởi sự cai trị độc tài, khát máu, dã man và ngu dốt của lũ quỷ đỏ CSVN.

Hơn nửa cuộc đời khoác chiến y đem sinh mạng bảo vệ quê hương và những năm dài chết đi, sống lại trong lao tù cộng sản ... những tháng ngày lưu vong, viễn xứ ... nhìn lại đã gần xong một kiếp người. Hôm nay kỷ niệm Ngày Quân Lực 19.06, ngày mà 47 năm về trước QLVNCH đứng ra nhận lãnh trách nhiệm cao quý lèo lái con thuyền quốc gia trong cơn phong ba nghiêng ngả của đất nước trên dòng sông lịch sử, nhưng không ngờ mười năm sau đó một quân đội bi hùng, thiện chiến đã bị bức tử tang thương. Một thời để nhớ, một thuở bi hùng chỉ còn là kỷ niệm trong trang ký ức dần mờ phai theo dòng thời gian ... Người Lính già tiếp tục dấn thân tranh đấu với một ước mơ duy nhất được nhìn thấy quê hương sớm thoát khỏi sự cai trị độc tài, ngu dốt của lũ quỷ tư bản đỏ ác với dân, hèn với giặc ... để người dân Việt Nam được nở nụ cười và hít thở bầu không khí tự do trên quê cha, đất tổ ngàn đời yêu dấu ... để Người Lính già được trở về sống những ngày cuối của cuộc đời, đi thăm lại những địa danh một thuở in dấu giày, thắp nén nhang cho những đồng đội, chiến hữu đã vĩnh viễn dựa lưng nỗi chết nơi chiến trường xưa, dang rộng đôi vòng tay "Huynh Đệ Chi Binh" ôm chặt vào lòng những người chiến hữu không may mắn đã gởi lại một phần thân thể trong những ngày khói lửa chiến tranh trùm phủ quê hương, góp công sức trùng tu lại Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa, dựng lại Pho Tượng Thương Tiếc và sau cùng xin được khép mắt nghìn thu trong mộ phần "bên ngàn chiến hữu của tôi" trên mảnh đất mẹ Việt Nam mến yêu.

Thời gian chầm chậm trôi nhưng thoáng đó đã 37 năm kể từ ngày 30/04 tang thương năm xưa. Chúng tôi, những người trai của một thời bi hùng, dù bây giờ là những Người Lính già tha hương nương náu tấm thân thua cuộc trên đất khách hoặc những Người Lính già không may mắn đang âm thầm mang nỗi đắng cay làm người vong quốc lê lết ngay chính trên quê hương hay những người Thương Phế Binh VNCH lê cuộc đời trên đôi nạng gỗ chống tang thương hơn nửa cuộc đời trong bàn tay của giặc ... Chúng tôi vẫn luôn hãnh diện về những tháng ngày khoác chinh y làm Người Lính VNCH gìn giữ quê hương, một quãng đời đẹp và ý nghĩa nhất trong một kiếp người.

Người Lính VNCH mang nặng trên vai sáu chữ "Tổ Quốc-Danh Dự-Trách Nhiệm" đi suốt chiều dài cuộc chiến 20 năm trên quê hương.

37 năm vong quốc, "Tổ Quốc-Danh Dự-Trách Nhiệm" vẫn quằng nặng trên vai Người Lính VNCH trên con đường đấu tranh quang phục lại giang sơn.

Ngày 30/04/1975, Người Lính VNCH bị bức tử nhưng tinh thần "Vị Quốc Vong Thân" của họ sẽ bất tử trong lòng dân tộc, trong dòng lịch sử Việt Nam.

Trân trọng kính chào trong niềm tin quang phục lại quê hương.

Kỷ Niệm Ngày Quân Lực lần thứ 47
Hoàng Nhật Thơ