Tuesday, November 29, 2011

"Người Lính"



Dòng thời gian âm thầm lặng lẽ trôi qua từng giây phút, chảy xuôi một chiều cố định bất di bất dịch theo quy luật của tạo hóa và thời gian cũng vụt thoáng qua rất nhanh. Đâu có ai biết được dưới mặt của dòng thời gian phẳng lặng hiền hòa đó có biết bao nhiêu biến cố lịch sử, bao nhiêu thảm họa vì chiến tranh, bao nhiêu thăng trầm của một đời người. Dòng thời gian hững hờ trôi chảy mãi, khi ta ngoảnh lại nhìn thì dù là một khoảnh khắc vừa thoáng qua hay xa mờ cuối dòng tiềm thức, ta khẽ gọi đó là dĩ vãng. Dĩ vãng của một thời để nhớ "từ khi anh thôi học là từ khi anh khoác áo treillis ..." ; Dĩ vãng của một thời để thương trên bước đường quân hành nhìn quê hương "đẹp tựa trong tranh, gót bùn lầy cho lúa thêm xanh ..." ; Dĩ vãng của một thời để đau từ "một ngày bảy lăm, con bỏ hết giang san ..." ! Nhân dịp Lễ Chiến Sĩ Trận Vong của Hoa Kỳ ... Tôi viết những dòng chữ này để tri ân 58,000 chiến binh Hoa Kỳ, các chiến sĩ đồng minh Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan, Đại Hàn .v..v... đã hy sinh trên chiến trường Việt Nam ; 350,000 chiến sĩ QLVNCH và những người đã nằm xuống cho hai chữ tự do của Miền Nam Việt Nam. Tôi cũng trân trọng viết về một "Người Lính" trẻ nhất nhưng lại là một "Người Lính" đặc biệt nhất của QLVNCH.

     "Người Lính" đó không có số quân, không có cấp bậc, không có chức vụ, anh đã khoác vào mình bộ quân phục của QLVNCH với đầy đủ quân trang, quân dụng từ lúc mới vừa chào đời vào năm 1966 ; Anh cũng không xuất thân từ bất cứ một quân trường nào, anh được đào tạo và hiện diện với quê hương vào cuối năm 1966  bởi đôi bàn tay khéo léo của Đại úy Nguyễn Thanh Thu (*). Đến năm 1968, "Người Lính" được tân trang lại và vinh dự được tổng thống Nguyễn Văn Thiệu kiêm tổng tư lệnh tối cao của QLVNCH chủ tọa buổi lễ khánh thành cùng với sự hiện diện của hầu hết các giới chức cao cấp trong ba ngành hành pháp, lập pháp và tư pháp, các vị tướng lãnh cùng một số đông quân nhân các cấp và đồng bào từ thủ đô và các tỉnh lân cận về tham dự. Buổi lễ khánh thành long trọng chào đón "Người Lính" được nghiêm trang tổ chức vào ngày 01.11.1968 với đầy đủ lễ nghi quân cách. "Người Lính" đặc biệt đó mang tên "Thương Tiếc" thuộc đơn vị "Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa".

     "Người Lính" ngồi lặng yên với một tư thế bình thản, bất động dưới nắng mưa chứng kiến những thăng trầm lịch sử ; "Người Lính" là chứng nhân của những mất mát, đau thương, tang tóc trên mảnh đất miền Nam bởi lũ cộng sản khát máu gây nên ; "Người Lính" với khuôn mặt ưu tư, ánh mắt đượm một nỗi u buồn xa vắng nhìn quê hương mịt mờ trong khói lửa, nhìn từng cụm khói bốc lên từ một chiến trường nào đó trên quê hương, nơi mà các chiến hữu, các người bạn đồng đội đang xông pha trong lằn tên, mũi đạn đánh đuổi quân thù, bảo vệ từng tấc đất của quê hương. Hằng đêm "Người Lính" ngồi lặng yên nhìn hỏa châu soi sáng một góc trời, nơi đang xảy ra trận giao tranh ác liệt giữa những người con yêu của tổ quốc đang đánh đuổi những kẻ mang đôi dép râu cuồng vọng từ phương Bắc vào xâm lăng, gây cảnh tóc tang trên mảnh đất mẹ thân yêu ; Những đêm khuya, "Người Lính" nghe tiếng đại bác của quân thù vọng về thành phố, phá tan sự tĩnh lặng của không gian, tạo nên nỗi lo âu hiện lên khuôn mặt còn ngáy ngủ của người dân hậu phương.

     "Người Lính" mang linh hồn của trên 18,000 anh hùng QLVNCH tại nghĩa trang Quân Đội Biên Hòa và trên 350,000 anh linh QLVNCH trên khắp bốn vùng chiến thuật đã xong nợ xương máu không trở về ! "Người Lính" đã chứng kiến bao nhiêu cặp mắt nhạt nhòa của những "lá vàng khóc lá xanh rơi" ; Bao nhiêu vành tang trắng của những góa phụ ngây thơ đang gục đầu bên hòm gỗ cài hoa ; Bao nhiêu vành tang trắng phủ lên đầu những trẻ thơ vô tội còn đang bập bẹ chưa biết gọi tiếng cha, đang ngơ ngác nhìn mọi người đang gục đầu tuôn rơi những dòng lệ tiễn đưa những đứa con yêu của Tổ Quốc trong một chuyến quân hành cuối cùng không bao giờ trở lại đơn vị !

     Trong những đêm khuya âm u vắng lặng, thỉnh thoảng vài cơn gió rít trong không gian tạo cho khung cảnh nghĩa trang thêm huyền bí và rợn người, những hạt sương đêm vô tình đọng vương nơi khóe mắt "Người Lính", long lanh dưới ánh đèn đêm mờ ảo đã tạo nên bao huyền thoại về "Người Lính". Những chuyến xe đò về trể trong đêm, khi chạy ngang qua nghĩa trang Quân Đội Biên Hòa, hành khách trên xe thỉnh thoảng thấy một người lính đứng đón xe bên vệ đường, xe dừng lại ... "Người Lính" thanh thản bước lên xe một cách bình thường như bao hành khách khác, xe chạy được một quãng ... người lơ xe quay lại định hỏi chuyện "Người Lính", nhưng không thấy bóng dáng "Người Lính" đâu cả, người lơ xe trố mắt kinh ngạc dáo dác tìm chung quanh rồi bất chợt hỏi một câu làm vài người và sau đó là cả xe đều tỉnh ngủ và rùng mình ... "Ủa ... Anh lính đâu mất rồi ....?". Hành khách trên những chuyến xe xuôi ngược trên tuyến đường này và người dân địa phương rùng mình không phải vì sợ bóng ma hay oan hồn của "Người Lính" mà là sự linh thiêng của những người đã can đảm đem cái chết của mình để đánh đổi sự sống cho quê hương và 17 triệu người dân miền Nam.

     Ngày 30/04/1975, QLVNCH đau đớn nhận một quân lệnh "bức tử" phải bước ra khỏi đoạn đường chiến binh còn đang dang dở, một đoạn đường dài 20 năm đã vùi lấp trên 350,000 anh hùng "Vị Quốc Vong Thân" ... 150,000(**) người đã bỏ lại một phần thân thể trên đoạn đường xương máu này để bảo vệ hai chữ "Tự Do" cho quê hương, dân tộc.

     Sau ngày 30/04/1975, "Người Lính" không bị lũ cộng sản tập trung vào các trại tù khổ sai khắc nghiệt nhưng lũ người cộng sản không tim óc đó đã hèn hạ trả thù bằng cách giật sập và phá hủy thân anh, lũ cộng sản đê tiện không tánh người đã trả thù ngay cả trên một pho tượng đồng vô tri nhưng có linh hồn. "Người Lính" bây giờ không còn ngồi nơi chốn cũ, "Người Lính" đã quyện vào lá cờ Hồn Thiêng Sông Núi, "Người Lính" hiện diện trong trái tim của tất cả Quân Dân Cán Chính VNCH đang lưu vong biệt xứ hay đang lê lết trên quê hương đổ nát.

     Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã từng nói "Quốc Gia thắng, tất cả còn ; Cộng sản thắng, mất tất cả". Một câu nói thật đúng, nhưng Người Lính VNCH không mất tất cả, Người Lính VNCH vẫn còn một bảo vật, đó là lá Quốc Kỳ đang tung bay phất phới ở bất cứ một quốc gia tự do nào trên thế giới có bóng dáng Người Lính VNCH. Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ là Hồn Thiêng Sông Núi, là Tổ Quốc của Người Lính VNCH, là niềm tin mãnh liệt cho một ngày quang phục lại Giang San, trang trọng dựng xây lại pho tượng "Người Lính" "THƯƠNG TIẾC" để Vinh Danh_Tưởng Niệm và Tri Ân những anh hùng QLVNCH "Vị Quốc Vong Thân"./.

May 30, 2010
Hoàng Nhật Thơ


*Điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu, cấp bậc sau cùng là Thiếu Tá thuộc Cục Chiến Tranh Chính Trị.

**Theo thống kê tính đến đầu năm 1975 của Nha Cựu Chiến Binh & Nạn Nhân Chiến Cuộc.



No comments:

Post a Comment