Friday, June 14, 2013

Cuộc đời thăng trầm của Tướng Nguyễn Khánh.

Cuộc đời thăng trầm
của Tướng Nguyễn Khánh
________________________________________________________________________________________________ 
Trần Đại Hải
 
    Cựu Đại Tướng Nguyễn Khánh đã từ trần hôm Thứ Bảy (12.1.2013) tại Sacramento, thủ phủ của tiểu bang California, thọ 86 tuổi.
Từng giữ chức quốc trưởng và thủ tướng, lại kiêm luôn tổng tư lệnh và tổng tham mưu trưởng quân đội trong giai đoạn 1964-1965, ông Khánh được xem là người phá kỷ lục về quyền lực tối cao trong lịch sử 20 năm của Việt Nam Cộng Hòa. Tuy nhiên giai đoạn ông nắm quyền là giai đoạn Việt Nam Cộng Hòa trở nên bất ổn nhất về mặt chính trị với những cuộc đảo chính cùng những cuộc biểu tình liên miên.
 Cơ hội đi lên
 Sau cuộc đảo chính 1963, nhân vật đứng đầu cuộc đảo chính là tướng Dương Văn Minh được "Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng" cử làm quốc trưởng. Tuy nhiên tư thế lãnh đạo của ông Minh không mạnh, hoàn toàn thụ động và bất lực trước sự hỗn lọan của tình hình, nhờ đó nên tướng Nguyễn Khánh có cơ hội đi lên.
Theo hồi ký của tướng Trần Văn Đôn thì có lần khi ba tướng Dương Văn Minh, Lê Văn Kim và Trần Văn Đôn cùng nhân vật dân sự Nguyễn Ngọc Thơ diện kiến Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert McNamara với sự hiện diện của của Đại sứ Cabot Lodge và trùm CIA McCone, ông McNamara đã hỏi một cách bất lịch sư: "Ai là sếp ở đây?" (Who is the boss here?) 
Theo tướng Trần Văn Đôn thì thì lẽ ra ông Minh lớn phải nhanh nhẩu trả lời: "Me. I am!" tuy nhiên, ông ta chỉ liếc quanh bốn người rồi im lặng. Như vậy, chính ông Minh đã khiến người Mỹ xem thường, cho rằng ông không có đủ tư thế lãnh đạo.
Trên thực tế thì sau ngày 1.11.1963 quyền lực tổng thống mà ông Ngô Đình Diệm từng nắm đã bị phân tán nhiều nơi, nhưng không phải phân tán giữa tướng Minh và thủ tướng Thơ mà là giữa những thành viên của Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng (HĐQNCM).
Quyền hạn của ông Thơ chỉ là thứ quyền ủy nhiệm mà tướng Minh trao cho ông chiếu theo hiến pháp lâm thời. Còn bên trong HĐQNCM, tướng Minh không hề là người lãnh đạo mà chỉ là nhân vật đứng đầu 12 tướng lãnh có quyền lực ngang nhau, trong đó không một cá nhân nào có quyền ra quyết định mà phải là quyết định tập thể.
Đúng lúc này, lợi dụng sự tê liệt của chính quyền ở giai đoạn tiền và hậu đảo chính, cộng sản đã phá vỡ hệ thống ấp chiến lược vốn được xây dựng một cách dàn trải và đầy tính trình diễn dưới thời Đệ Nhất Cộng Hoà. Cộng sản đã có thể kiểm soát một vùng nông thôn rộng lớn ở các tỉnh Long An, Định Tường, Vĩnh Bình và Kiến Hoà.
Tình hình đòi hỏi một lãnh tụ mạnh mẽ, linh họat và đầy sáng kiến. Người đó cần đi khắp miền quê để vận động và trấn an dân chúng, đến các đơn vị binh sĩ để khuyến khích và cổ vũ tinh thần. Tuy nhiên tướng Minh vẫn tỏ ra thụ động và bất lực. Ông chỉ lẩn quẩn ở Sài Gòn và tập trung sức lực cho việc thanh minh và giải thích những tin đồn chính trị hay những lời chỉ trích, thí dụ như tin đồn về xu hướng "trung lập hoá" Nam Việt Nam theo chủ thuyết De Gaulle.
Cả Sài Gòn tướng Minh cũng không làm chủ được tình hình.
Sau cuộc đảo chính, HĐQNCM thay đổi luật báo chí và kết quả là hàng loạt tờ báo ra đời. Đến khi bị báo chí chỉ trích, chính quyền lại ra một sắc luật báo chí mới, nhằm kiểm soát quyền ngôn luận. Còn tình hình chính trị thì hết sức hỗn lọan. Chỉ trong vòng 6 tuần sau ngày đảo chính, đã có đến... 62 đảng phái ra đời. Có những đảng cũ tái sinh rồi chia ra làm bốn, làm năm. Có đảng được thành lập từ những chính trị gia vừa trở về sau khi lưu vong bên Miên, bên Pháp. Có đảng chỉ loe hoe ông đảng trưởng và vài ba đảng viên. Các đảng phái ô hợp này không đóng góp được gì cho tự do dân chủ ngoài việc thi hành quyền tự do chỉ trích chính phủ và chỉ trích lẫn nhau một cách ô hợp.
Tình hình tệ hại đến độ có tờ báo mỉa mai rằng sự khắt khe của ông Diệm và ông Nhu thế mà đúng: họ biết rằng Việt Nam chưa đủ trưởng thành để xây dựng một nền dân chủ lành mạnh.
Để “lành mạnh hóa” sinh họat chính trị HĐQNCM giao cho đại tá Phạm Ngọc Thảo hai nhiệm vụ: thứ nhất, thành lập "Hội Đồng Nhân Sĩ", thứ hai, cải tổ để các đảng phái hợp nhất thành, ba hay bốn đảng chính, không để tình trạng hỗn lọan này tiếp diễn. Tuy nhiên ông Thảo chỉ thành lập được Hội đồng Nhân sĩ là hết mức, không làm được nhiệm vụ thứ hai.
Vì chính phủ trung ương không có phương hướng và mục đích nên tình hình trở nên càng ngày càng tệ hại. Ở nông thôn cộng sản mỗi ngày mỗi lấn tới trong khi chỉ có 6% lực lượng quân đội tích cực tham gia những hoạt động an ninh.
Tình hình đòi hỏi một thủ lĩnh mạnh và cương quyết và tướng Nguyễn Khánh, lúc này là tư lệnh Quân Đoàn I, có vẻ như đáp ứng được điều này!
Ngày 30.1.64, với sự hỗ trợ của Nguyễn Chánh Thi, Đỗ Mậu và Trần Thiện Khiêm, Nguyễn Khánh tổ chức chỉnh lý, đưa toàn bộ những tướng "cách mạng" như Đôn, Xuân, Kim, Đính và tướng Vỹ mới ở Pháp về lên quản thúc ở Đà Lạt. Riêng Minh lớn vẫn ở lại Sài Gòn với danh vị quốc trưởng bù nhìn trong khi Nguyễn Khánh thao túng với chức thủ tướng.
 Ngôi sao Nguyễn Khánh
 Trong giới tướng lãnh thời ấy, Nguyễn Khánh được xem như con sói già cô đơn: nguy hiểm, táo bạo, nhưng đơn độc. Ông Khánh được xem là có khả năng quân sự nhưng vụng về ở mặt chính trị. Khánh còn khác người ở bộ râu dê củn cởn ở chóp cằm trông giống mấy vai gian trong tuồng hát bội. Người ta kể rằng ông Khánh từng tuyên bố: khi đã bắt tay vào việc gì rồi thì sẽ để yên, không bao giờ làm rụng một sợi râu cho đến khi hoàn tất công việc.
Nguyễn Khánh sinh năm 1927 trong một gia đình điền chủ ở Trà Vinh. Thuở nhỏ ông sống và đi học bên Miên, sau chuyển về Sài Gòn. Mẹ ông có một quán rượu ở Đà Lạt nhưng ông lại thì sống cùng cha và bà kế mẫu là đào cải lương Phùng Há.
Khi còn ở tuổi thiếu niên ông từng hai lần bỏ vô bưng tham gia Việt Minh và lần nào cũng thất vọng bỏ về. Về thành, Khánh lại gia nhập quân đội Pháp để chống lại Việt Minh và đến năm 1952 thì đã là một sĩ quan xuất sắc trong lực lượng Pháp tại miền cao nguyên Trung Phần. Sau hiệp định Geneva, Khánh tích cực ủng hộ ông Diệm và trở thành Tham Mưu Phó của quân đội Việt Nam.
Năm 1960 ông đã phá tan cuộc đảo chính của Vương Văn Đông - Nguyễn Chánh Thi bằng cách vờ vịt thương thuyết để những lực lượng trung thành từ xa có đủ thì giờ tiến về Sài Gòn giải cứu. Năm 1961, vì sự xích mích với Ngô Đình Nhu, Khánh bị thuyên chuyển về làm tư lệnh vùng II và âm thầm mưu tính việc lật Diệm nhưng không kịp.
Tháng 12 năm 1963, sau cuộc đảo chính của Minh lớn một tháng, Khánh xin thuyên chuyển về vùng IV để trổ tài cầm quân vì đó là nơi cộng sản đang lộng hành. Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng lại nghi ngờ nên điều Khánh làm tư lệnh vùng I: đưa con sói già đơn độc ra đó, mấy ông tướng cách mạng yên tâm hơn nhiều. Đúng lúc này, Đỗ Mậu lại tìm đến với ông.
Là Giám Đốc Nha An Ninh Quân Đội dưới thời Ngô Đình Diệm, đại tá Đỗ Mậu nắm rõ lý lịch và hành tung của từng viên tướng. Chính sự hiểu biết này đã giúp ông ta lôi kéo những vị tướng bất mãn lại thành một khối trong cuộc đảo chính tháng 11.1963. Tuy nhiên sự am tường này lại khiến các tướng cảm thấy không yên tâm với họ Đỗ. Sau khi thưởng cho Mậu lon thiếu tướng thì họ bàn kế vô hiệu hóa và cô lập hóa. Không ai muốn dây với một con người tuy có dáng vẻ lừ đừ bên ngoài nhưng rất tráo trở và giảo hoạt như Mậu.
Đúng lúc này, tướng lưu vong Nguyễn Chánh Thi -- cựu tư lệnh nhảy dù -- vừa từ Miên trở về. Đỗ Mậu lập luận với HĐQNCM rằng trong cuộc đảo chính 1960 Thi đã bị Khánh dùng mưu lừa nên vẫn còn căm hận, và do đó cách hay nhất là sử dụng Nguyễn Chánh Thi để kiểm soát Nguyễn Khánh. Thế là Nguyễn Chánh Thi được cử làm tư lệnh phó vùng I, dưới quyền Nguyễn Khánh.
Thực chất, bên trong lại là mưu sâu của Đỗ Mậu: dùng Nguyễn Chánh Thi làm cầu nối để giao hảo với Nguyễn Khánh: trong tình thế mới, Nguyễn Chánh Thi sẽ quên thù xưa mà hướng đến tương lai.
Đỗ Mậu lại đi đêm với Trần Thiện Khiêm, người đã từng cộng tác chặt chẽ với mình trong cuộc đảo chính trước kia và mới bị thuyên chuyển từ vai trò Tham Mưu Trưởng xuống Tư Lệnh Phó Vùng III. Việc hạ chức này lại khiến ông Khiêm trở nên sáng giá khi nắm trong tay hai sư đoàn 5 và 7 đóng ở sát nách Sài Gòn.
Ngoài ra, Mậu còn lôi kéo tướng Dương Văn Lân, tư lệnh Bảo An. Đây là điều không có gì khó vì Lân đang bị HĐQNCM điều tra vì tội tham nhũng.
Đúng lúc này thì HĐQNCM lại làm một việc vụng về theo một đề nghị thiếu suy xét của Trần Văn Đôn. Giữa lúc tổng thống Pháp de Gaulle lăng xăng phá Mỹ bằng chủ thuyết "Trung lập hoá Đông Dương" thì HĐQNCM lại ngây ngô mời một số tướng tá quan đang lưu vong bên Pháp về để "đóng góp vào công cuộc chống Cộng". Trong số này có cựu trung tá Trần Đình Lan, một gián điệp khét tiếng của Phòng Nhì Pháp, được bố trí cư ngụ tại nhà tướng Lê Văn Kim, em rể của Trần Văn Đôn.
Với sự hỗ trợ của tướng Dương Văn Đức, Mậu đã ngụy tạo hồ sơ để tố giác rằng những tướng lãnh trong HĐQNCM đã bị gián điệp Pháp mua chuộc và nhiều quan chức Mỹ cũng mắc bẫy nầy. Suốt hai tuần đầu của tháng 1.1964, đã có những cuộc gặp gỡ thường xuyên giữa Nguyễn Khánh và những viên chức Mỹ tại Huế về việc này.
Ngày 25.1.1964, Nguyễn Khánh vào Sài Gòn bàn bạc kế hoạch với những nhân vật đồng hội rồi trở về Huế. Ba ngày sau, 28.1.1964, Nguyễn Khánh thầm lặng sử dụng phương tiện dân sự bay vào Sài Gòn trong y phục dân sự để tiến hành “Chỉnh lý”.
Tối 29.1.1964 các đơn vị ra tay, bắt giữ các tướng lãnh hàng đầu trong HĐQNCM như Đôn, Kim, Xuân, Đính với tội danh bị Pháp mua chuộc và hòan tòan không gặp bất cứ sự kháng cự nào. Thoạt tiên, những bại tướng này bị giải ra Đà Nẵng rồi sau đó đưa vào quản thúc tại Đà Lạt. Riêng Dương Văn Minh thì  được Nguyễn Khánh "mời" ở lại Sài Gòn để làm quốc trưởng bù nhìn.
 Quyền lực
 Sau cuộc “Chỉnh lý” Nguyễn Khánh đã là chủ tịch HĐQNCM, và HĐ này được mở rộng với 17 tướng và 32 sĩ quan cao cấp.
Nguyễn Khánh còn giao cho Nguyễn Tôn Hoàn -- một đảng viên Đại Việt theo Công Giáo mới trở về từ Pháp -- thành lập nội các. Thấy Nguyễn Tôn Hoàn lúng túng, không thành công theo yêu cầu của mình, Nguyễn Khánh bèn tiện thể tự giao cho mình chức thủ tướng.
Dưới Nguyễn Khánh có Nguyễn Tôn Hoàn là đệ nhất phó thủ tướng, đặc trách bình định; Nguyễn Xuân Oánh nắm đệ nhị phó thủ tướng đặc trách kinh tài và Đỗ Mậu đặc trách văn hoá xã hội.
Tháng 3 năm 1964, khi McNamara sang thăm Việt Nam, ông đã được tổng thống Johnson chỉ thị là phải chứng tỏ Mỹ ủng hộ Nguyễn Khánh bằng "hàng ngàn bức hình chụp chung", điều mà sau này McNamara ghi lại trong hồi kỳ là "nỗi bực bội khôn nguôi"!
Nguyễn Khánh hứa hẹn sẽ tổ chức bầu cử quốc hội trong vòng một năm nhưng ngay sau đó lại nóng nảy giải tán "Hội Đồng Nhân Sĩ" -- được Dương Văn Minh lập nên từ trước.
Đồng thời Nguyễn Khánh cũng đề ra chương trình "Quốc Gia Sinh Tồn" với chủ trương giải tán Lực Lượng Bảo An (Civil Guard), để sáp nhập một phần vào quân đội chính quy, một phần chuyển về lực lượng tự vệ nông thôn là "Thanh Niên Chiến Đấu". Tuy nhiên, một thời gian sau ông lại cải tổ lực lượng này thành những đơn vị "Nghĩa Quân".
Về an ninh, trong 43 tỉnh thời bấy giờ đã có 21 tỉnh được xếp hạng nghiêm trọng (critical) và 14 tỉnh cực kỳ nghiêm trọng (super-critical). Nguyễn Khánh chủ trương triệt thoái ra khỏi những khu vực an ninh tồi tệ, không thể bảo vệ. Thế nhưng điều này đã tạo cơ hội cho cộng sản về cả tâm lý cũng như quân sự: sau khi làm chủ những vùng nông thôn rộng lớn, họ thỉnh thoảng đột kích vào vùng đô thị để gây tiếng vang.
 Bất lực – phải ra đi
 Trong lúc đó thì vùng thị thành cũng không yên. Trên đường phố thì các tổ chức Phật Giáo biểu tình đòi tiêu diệt "dư đảng Cần Lao" trong khi người Công giáo thì cũng không thua, ào ào xuống đường phản biểu tình. Dần dà, các tổ chức sinh viên học sinh cũng vào cuộc, nhiều khi với sự giật dây của cộng sản hay của những chính khách Đại Việt đang toan tính đảo chính.
Có lúc Sài Gòn hầu như lâm vào tình trạng vô chính phủ với đỉnh cao vào tháng 8.1964, Nguyễn Khánh lại "hờn dỗi" bỏ lên Đà Lạt để "suy nghĩ", giao quyền lại cho phó thủ tướng Nguyễn Xuân Oánh.
Điều này thể hiện chỗ yếu của ông ta. Theo bình luận thì trong người Nguyễn Khánh có sự pha trộn phức tạp giữa sự táo tợn mang tính võ biền ở bề ngoài và sự thiếu quyết đoán của nhà lãnh đạo chính trị. Ông ta không có khả năng đưa ra những quyết định dứt khoát, đúng nơi và đúng lúc. Đến khi này các tướng trẻ ngoi lên và tình hình càng thêm phức tạp và ông càng trở nên bất lực hơn.
Nhóm các “Tướng Trẻ” là các tướng Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Chánh Thi, Nguyễn Hữu Có, Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Đức Thắng, Nguyễn Bảo Trị, Lê Nguyên Khang, Cao Văn Viên và Chung Tấn Cang.
Ngày 13.9.1964, Lâm Văn Phát, Dương Văn Đức và Huỳnh Văn Tồn tiến hành đảo chính theo sự xúi giục của Nguyễn Tôn Hoàn, kẻ đã bất mãn vì không "lên" được thủ tướng.
Lập tức các tướng trẻ tổ chức phản đảo chánh với sự yểm trợ của không quân do Nguyễn Cao Kỳ chỉ huy: Kỳ cho máy bay quần trên đầu phe đảo chính doạ sẽ ném bom và thế là quân đảo chính phát rét, phải rút lui.
Nguyễn Khánh thoát nạn và nhớ đó thế giá của Nguyễn Cao Kỳ cùng các tướng trẻ lên cao vùn vụt.
Cũng lúc này, vì sức ép của Mỹ, Nguyễn Khánh tuyên bố thành lập Thượng Hội Đồng Quốc Gia bao gồm những chính khách dân sự cao niên. Ngày 29.10.1965 hội đồng bầu Phan Khắc Sữu làm quốc trưởng.
Sợ rằng Nguyễn Khánh không kiềm chế nổi mấy ông tướng trẻ nên Đại sứ Maxell Taylor nhờ tướng Westmorland đứng ra mời họ đến tư thất của mình dự tiệc. Trước mặt Westmoreland và phó đại sứ Alex Johnson, Taylor dằn giọng với các tướng rằng người Mỹ không muốn thấy những cảnh tượng lộn xộn nữa.
Trong khi đó, để rộng con đường tiến thân, các tướng trẻ gây áp lực buộc Nguyễn Khánh phải thông qua sắc luật mới, quy định rằng tướng lãnh đã trải qua 25 năm ở quân đội phải giải ngũ. Với ý đồ này họ muốn loại trừ những tướng già hơn như Minh, Đôn hay Kim chẳng hạn.
Thế nhưng quốc trưởng Phan Khắc Sửu nhất định không chịu ký duyệt. Thấy vậy, ngày 20.12.1964  các tướng tức giận lật đổ Phan Khắc Sửu, giải tán Thượng Hội Đồng và bắt các thành viên đưa lên Pleiku tống giam.
Đại sứ Maxell Taylor lại nổi trận lôi đình. Ông cho “mời” bốn tướng trẻ thuộc Hội Đồng Tướng Lãnh gồm Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Chánh Thi, Nguyễn Văn Thiệu và Chung Tấn Cang đến để trút cơn thịnh nộ lớn. Taylor nói như mắng: "Tối hôm ấy ở nhà Westmorland tôi đã nói rõ ràng rồi, các anh có hiểu tiếng Anh không?". Khi Nguyễn Cao Kỳ trả lời rằng đủ để hiểu; Taylor nói tiếp: "Như thế bữa tiệc ở nhà tướng Westmoreland tối hôm ấy thật là phí quá!".
Các tướng trẻ lấy làm tức giận và biết vậy, Nguyễn Khánh lại đánh bài tháu cáy: biến mối nhục của các tướng trẻ thành mối sĩ nhục quốc gia để tìm kiếm sự hậu thuẫn chính trị. Ông tố cáo trước báo chí Mỹ là đại sứ Maxell Taylor đã xen vào chuyện nội bộ của Việt Nam. Ông nói rằng ông ta và các chiến hữu chỉ đấu tranh cho tự do của dân tộc và chỉ phụng sự tổ quốc của mình chứ không phụng sự ý thích của ngoại bang. Và ông ta kết luận rằng khi làm như thế ông Taylor đã không “phục vụ tốt quyền lợi của nước Mỹ” và chính phủ Mỹ cần triệu hồi Taylor về nước ngay lập tức.
Tuy nhiên, chính phủ Mỹ cứng rắn: nếu Taylor phải về nước thì Mỹ sẽ ngưng viện trợ. Ván bài tháu cáy của Nguyễn Khánh đi vào ngõ cụt, báo hiệu cho sự đi xuống của ông ta.
Lỡ phóng lao, Nguyễn Khánh lại chơi tiếp một canh bạc liều hơn: đi dây với "Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng". Ông bí mật liên lạc Mặt Trận và ra lệnh phóng thích vợ của Huỳnh Tấn Phát, phó chủ tịch Mặt Trận, để chứng tỏ thiện chí.
Dĩ nhiên điều này không qua mặt được con mắt cú vọ của người Mỹ.
Ngày 27.1.1965 Hội Đồng Tướng Lãnh tổ chức lật đổ nội các Trần Văn Hương và yêu cầu Nguyễn Khánh đứng ra thành lập nội các mới; đại sứ Maxell Taylor liền phản đối, cho rằng chính phủ Mỹ "không thể làm việc" với Nguyễn Khánh.
Chưa đầy một tháng sau, ngày 19.2 đại tá Phạm Ngọc Thảo và Lâm Văn Phát đem quân từ miền Tây kéo về Sài Gòn đảo chính, họ chiếm nhiều mục tiêu và bao vây nhà Nguyễn Khánh, tuy nhiên Kỳ đã giúp Khánh trốn ra Vũng Tàu bằng phi cơ. Sau đó, các tướng trẻ lại đem quân hành phản đảo chính với sự yểm trợ của không quân do Kỳ làm tư lệnh. Phe Thảo-Phát bị tan rã.
Ngay hôm sau, 20.2.1965, Hội Đồng Tướng Lãnh bỏ phiếu bất tín nhiệm Nguyễn Khánh. Để đối phó, ông dùng máy bay riêng đi các quân khu để vận động vây cánh, tuy nhiên tới Đà Lạt thì máy bay hết xăng phải ngừng lại ở phi trường. Đúng lúc này, tướng Westmoreland cử người đến gặp ông khuyên nên rút lui để tránh xáo trộn tình hình và hứa hẹn sẽ bảo đảm an ninh.
Để giữ thể diện, Khánh được phong làm đại sứ lưu động và lên đường nhận nhiệm sở một cách rình rang.
Nguyễn Khánh đi rồi thì chỉ còn tướng trẻ với nhau. Các tướng bèn hội họp và thành lập hai cơ cấu lãnh đạo: một là "Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia" do Nguyễn Văn Thiệu làm chủ tịch, một là "Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương" do Nguyễn Cao Kỳ làm chủ tịch.
Sự kiện này lại mở ra một bước ngoặt khác cho trang sử của Việt Nam Cộng Hòa.
 Trần Đại Hải
 
Tham khảo:
Trần Văn Đôn, (1978). Our Endless War. California: Pressidio Press. Trang 133-134. [1]

No comments:

Post a Comment