Wednesday, January 29, 2014

Nén hương Tình-Giọt Lệ Nghĩa Ngày Đầu Năm.




Những vạt nắng cuối ngày mờ nhạt, mệt mỏi bám vương trên đường như còn tiếc nuối một chút gì để nhớ để thương trong khoảnh khắc rồi  mang theo những gì đã qua của ngày cuối năm lặng lẽ tan biến vào dòng thời gian. Khu chợ chiều 30 tết đã thưa, không khí ồn ào, náo nhiệt đã giảm theo số lượng người trong chợ. Người bán thì vừa dọn dẹp vừa nán lại cố bán hết số hàng của mình, kẻ mua thì thong thả không còn phải tranh giành như lúc chợ đông người nhưng họ cũng không kém phần vội vã khi mua những thực phẩm hoặc vật dụng cần thiết cho buổi cơm chiều 30 cúng rước ông bà về ăn tết và đón mừng năm mới trong 3 ngày tết. Tập vé số may mắn "Cung Chúc Tân Xuân" còn lại 50 tấm vừa được hai mẹ con bà cụ từ nước ngoài về thăm quê hương mua hết. Trong lúc đang trả tiền mua vé số, bà cụ khẽ hỏi tôi :
_ Cậu là Thương Phế Binh VNCH ?
Tôi ngước nhìn cụ, nhẹ gật đầu và trả lời ngắn gọn:
_Dạ phải.
Bà cụ rươm rướm nước mắt quay sang bảo cô con gái :
_Con đưa mẹ 3 triệu.
Cô gái móc bóp lấy tiền đưa mẹ, bà cụ trao cho tôi :
_Bác lì xì Tết cho cậu.
Tôi hơi bàng hoàng không dám nhận và ngập ngừng chưa biết nói sao thì cô gái con bà cụ đã lấy số tiền đó nhét vào túi tôi kèm theo lời nói :
_Mẹ và em có tí quà tết biếu anh, mong anh hãy nhận cho.
Tôi cảm động ngập ngừng nói :
_Cảm ơn bác và cô, kính chúc bác và cô nhiều sức khỏe, gia đình được vạn sự cát tường trong năm mới.
Bà cụ mỉm cười khẽ vỗ vai tôi.
_Cảm ơn cậu. Mẹ con tôi cũng mến chúc cậu nhiều sức khỏe và may mắn trong năm mới. Chào tạm biệt cậu.
Cô con gái cũng không quên chúc tôi những điều tốt đẹp trong năm mới.
Hai mẹ con quay lưng bước đi. Tôi nhìn theo hai mẹ con bà cụ mà lòng xúc động khôn tả vì tấm lòng của hai mẹ con bà cụ mới quen nói riêng và những người dân Việt xa xứ nói chung còn thương và nghĩ đến người Lính VNCH ngã ngựa năm xưa. Tôi cảm nhận hình như hai giọt lệ đọng vương nơi khóe mắt. Tôi quay người chống đôi nạng gỗ khập khễnh bước đi ... Một cơn gió cuối đông thổi đến.

Tôi đi được vài bước, chợt giựt mình và dừng lại vì thoáng nghe (Mùa xuân của mẹ), tôi giựt mình không phải vì bài hát mà vì một giọng hát quen thuộc đã lâu rồi tôi chưa hề nghe lại. Trong phút giây quá bất ngờ, tôi chưa nhớ là giọng hát của ai. Một cơn gió cuối đông mang theo cái lạnh còn sót lại của mùa đông chợt thổi đến làm tôi rùng mình. 
Tôi đưa tay vào túi móc ra gói thuốc, lấy một điếu gắn lên môi. Tôi bập bập vài cái lấy trớn và cho đầu điếu thuốc cháy đều, tôi rít một hơi thật dài, đưa ngụm khói chứa đầy chất nicotine vào sâu tận mọi ngõ ngách của cơ thể hầu kích thích dòng ký ức đã vơi cạn. Tôi nhắm mắt cho tâm hồn tĩnh lặng trong giây phút tìm lại những gì muốn nhớ .... Một thoáng lặng lẽ trôi qua, tôi mở mắt, mỉm cười và nói thầm trong lòng như để một mình tôi nghe : "Giọng hát của thằng Nam ... Nguyễn Văn Nam. Tôi vội quay người chống đôi nạng gỗ khập khễnh lần đi về hướng phát ra tiếng hát, tiếng hát càng lúc rõ hơn theo quãng không gian thu ngắn, đi đến gần góc khu chợ phía bên kia, tôi đã thấy một người đang ngồi ôm đàn, đầu đội chiếc nón vải đi rừng và khoác trên người chiếc áo màu xanh olive. Tôi tiến đến gần đứng bên cạnh lặng yên nhìn và nghe nó hát ... Nó không để ý đến tôi hay nhìn bất cứ ai qua lại trước mặt. Cặp mắt nó không chớp, nhìn xa vắng như gom nhặt những hình ảnh kỷ niệm của một thời để nhớ đưa vào lời ca tiếng hát làm cho giọng hát của nó não nuột, sầu thảm hơn đưa hồn tôi trở về những ngày lửa khói năm xưa. Tôi nghe nghèn nghẹn nơi tim và cố ngăn những giọt lệ nóng không rơi từ khóe mắt, tôi chờ nó vừa buông dứt câu cuối của bài hát, tôi khẽ gọi :
_N.A.M.
Nó đưa ánh mắt xa vắng nhìn tôi rồi thản nhiên tiếp tục hát, hình như tâm hồn của nó đang lơ lửng ở tận vùng hành quân thuở xưa. Tôi kêu lớn :
_NGUYỄN VĂN NAM. NAM Sa Đéc.
Nó ngưng hát, đưa ánh mắt ngạc nhiên nhìn tôi ...
_Mày hở Nam ? Tao, Hải đây.
Thoáng giây phút bàng hoàng, nó đã trở về thực tại, nó ngước lên nhìn và nói :
_ĐẶNG SƠN HẢI ...
_Đúng rồi. Tao là ĐẶNG SƠN HẢI, HẢI Vĩnh Bình đây.
Nam mừng rỡ, vội quơ lấy cặp nạng gỗ trước mặt định đứng lên. Tôi đặt một bàn tay lên vai nó dằn xuống.
_Mày ngồi cho khỏe.
Tôi ngồi xuống bên cạnh, móc gói thuốc ra mời nó và tôi cũng gắn một điếu lên môi. Nó hỏi tôi :
_Ngọn gió nào đưa mà đến đây vậy ?
_Cặp nạng gỗ này đưa tao đến gặp mày chớ có ngọn gió nào. Tao vừa rời chợ thì chợt nghe tiếng hát quen thuộc của mày nên trở vào tìm mày...
Tôi ngồi xuống bên cạnh Nam, để cặp nạng kế bên và móc gói thuốc ra để trước mặt hai đứa. Trên 40 năm, bạn bè mới gặp lại, thôi thì biết bao chuyện để nói nhưng nơi chốn đông người nói nhiều không tiện nên hai thằng chỉ hỏi thăm nhau sơ qua về hoàn cảnh, cuộc sống sau ngày tang thương của đất nước. Hai thằng nghẹn ngào rồi im lặng, mỗi thằng theo đuổi một ý nghĩ riêng tư, gom nhặt từng hình ảnh kỷ niệm của thời quân ngũ đã trôi xa trong dòng tiềm thức ... Người qua, kẻ lại nhìn hai thằng tôi bằng ánh mắt xót thương ... Họ đâu biết trên 40 năm về trước, hai thằng tôi là những người lính trẻ đã hiến quãng đời thanh xuân cho đất nước và mỗi thằng đã gởi lại một chân nơi chiến trường khi tuổi đời chưa tới hai mươi.
_Về nhà Nam ơi.
Nam và tôi đồng loạt ngước nhìn lên. 
Tôi và người mới đến trố mắt nhìn nhau cố tìm lại trong ký ức hình ảnh của thằng bạn thân quen nào đó của thời xa xưa mà giây phút quá bất ngờ chưa nhận ra nhau.
Thằng Nam lên tiếng nói với người mới đến và chỉ tôi :
_Thơ, mày chưa nhận ra nó hở ? Thằng Hải, Đặng Sơn Hải ở Vĩnh Bình đây.
Tôi lẫm bẫm :
_Thơ, Trương Minh Thơ ... Hoàng Nhật Thơ ...
Thằng Thơ vui mừng thốt lên :
_Hải Đen rồi quỳ xuống ôm chặt tôi, nghẹn nói :
_Hải, mày khỏe không ? Từ ngày ra trường đến nay đã trên 40 năm mới gặp lại. Mày đi đâu mà lạc đến đây ?
Tôi trả lời nó :
_Ngày xưa, đôi chân miệt mài hành quân đây đó. Sau ngày đứt phim thì cặp nạng gỗ lang thang đó đây chớ đi đâu mà lạc. Còn mày làm gì ở đây ?
_Tao lái xe ba gác chở hàng mướn. Tao vừa phụ người chủ dọn dẹp hàng trong chợ và chở hàng về xong thì quay lại chở thằng Nam về. Thơ trả lời và nói tiếp :
_Hai thằng mày ngồi đây chờ tao chút. Tao đi mua ít đồ về cho buổi cơm đêm nay sẵn mua vài món về làm mồi, ba thằng lai rai đón giao thừa hội ngộ.
Thằng Thơ vừa nói xong đã quay lưng đi. Thằng Nam nhìn theo dáng thằng Thơ đi và nói một mình :
_Thoáng đó mà một năm rồi, nhanh thật.
Tôi hỏi :
_Chuyện gì ?
Thằng Nam đang thả hồn về quá khứ nên chẳng nghe tôi hỏi. Tôi đặt một bàn tay lên vai nó lay nhẹ và lập lại câu hỏi :
_Chuyện gì ?
Nó chẳng buồn quay lại, ánh mắt xa vắng từ từ kể :
_Cách đây một năm, tao  từ Sa Đéc đặt chân đến phố Kiên này, sau 3 ngày lang thang bán tiếng hát độ nhật thì tao gặp thằng Thơ cũng nơi khu chợ này vào một chiều cuối năm. Hai thằng mừng rỡ ôm chầm lấy nhau, tay bắt, mặt mừng. Sau vài câu hỏi thăm nhau, nó mời tao về nhà dùng cơm, đón Tết và hết lời giữ tao ở lại với nó. Hai thằng độc thân, gia cảnh giống nhau không còn ai nên tao nhận lời ở lại với nó cho có bè bạn, cùng chia sẻ những đắng cay trong cái "thiên đàng"không ánh sáng này. Tao thì thiếu chân đứng ngoài xã hội nên không giúp được gì trong việc làm của nó, vì thế tao bảo nó mỗi sáng chở hàng xong thì chở tao ra thả nơi khu chợ này trải nỗi lòng qua lời ca tiếng hát hầu kiếm được vài đồng tiền nhân hậu từ những người còn biết thương người lính năm xưa. Hằng ngày nó chạy xe ba gác chở hàng mướn,  tao thì ngồi nơi này, thỉnh thoảng rảnh việc, nó mua 2 ly cafe mang đến ngồi với tao cho đỡ buồn, đôi lúc ngứa miệng, nó cũng nghêu ngao vài bài, chiều tối sau khi xong việc thì nó đến chở tao về. Hai thằng cũng cơm cháo qua ngày, thỉnh thoảnh hai thằng lai rai tâm sự tìm về kỷ niệm của một thời để nhớ, thắm thoát đã một năm rồi, thời gian qua nhanh quá !
Tao lấy một điếu thuốc mồi lửa rồi gắn lên môi nó. Nó nhẹ gật đầu cảm ơn, nó bập bập vài hơi rồi rít một hơi dài đưa ngụm khói tràn ngập hai lá phổi, nó từ từ nhả khói ra và thả ra những vòng tròn khói thuốc đẹp mắt. Nó đưa ánh mắt suy tư xuyên qua những vòng tròn khói thuốc rồi kể tiếp :
_Thằng Thơ nhiều lần khuyên tao nghỉ ở nhà, lớn tuổi rồi mà mỗi ngày mày phải lên dây thiều cổ khủng bố màn nhĩ bà con, tao sợ có ngày mày bị đứt dây nói quá. Đồng lương của tao dù không bao nhiêu nhưng cũng đủ cho hai thằng có cơm thì ăn cơm, không cơm thì húp cháo cũng sống qua ngày. Tao biết thằng Thơ hết lòng vì bạn nhưng nhìn nó vất vả quá, tao đành lòng nào ngồi yên ở nhà vì thế tao viện cớ ở nhà không làm gì buồn quá, nếu mầy không cho tao đi hát thì tao sẽ ra đi, nhờ tao áp lực như vậy, nó mới chịu đồng ý cho tao đi kiếm tiền bằng bình hơi của hai lá phổi. Ngày nào kiếm được khá thì tao mua vài kí gạo, vài con cá, mớ tép ... còn ngày nào thúi hẻo thì cũng mua được bó rau, trái bầu. Nói chung thì cũng sống qua ngày chờ ngày đi đoàn tụ diện OB.
_Trời tối rồi, đi về tụi bây ơi.
Tiếng thằng Thơ vang lên làm cắt ngang câu chuyện của thằng Nam. Thằng Thơ để đồ mới mua lên xe rồi giúp từng thằng lên xe và đường trường xa trực chỉ về nhà đón xuân.
Phố đã lên đèn, tiếng rao hàng của những người bán rong, những gánh hàng quằn vai người phụ nữ, những chiếc xe bán hàng nặng còng lưng người đẩy, những người nghèo nạn nhân của chế độ ưu việt, những người bán buôn cực khổ, đầu tắt, mặt tối chưa hề biết mừng Xuân, vui Tết là gì kể từ cuộc đổi đời bi thảm năm xưa. Xen lẫn trong những cuộc đời khốn khó đó là những kẻ quần này, áo nọ đèo nhau trên những chiếc xe gắn máy đời mới bóp kèn inh ỏi lượn qua lại trên đường, những kẻ thừa cơm ăn, áo mặc không phải đổ mồ hôi, nước mắt cho cuộc sống dã trở thành vô cảm trước họa cộng sản đang tàn phá quê hương dân tộc bằng những chính sách gian manh, độc ác, gian trá, thủ đoạn. Nhìn những biểu ngữ căng ngang trên cao "Mừng Đảng, Mừng Xuân", thằng Hải bật miệng thốt lên hai tiếng ĐM rồi nói :
_Mừng Đảng, Mừng Xuân ... mừng cái củ cải tao nè.
 Từ một nỗi sầu chất chứa đã lâu trong tâm khảm, thằng Nam bật miệng "Mẹ ơi, hoa cúc, hoa mai nở rồi ...".
Thằng Thơ dừng xe lại trước một quán nhỏ bên đường, một cô bé ngồi trước quán, miệng đang lép bép hình như đang hát. Thằng Thơ gọi :
_Cháu Phương Thy.
Cô bé mải mê ca hát một mình nên đâu nghe gọi. Thằng Thơ kêu lớn :
_Cà Chua.
Cô bé giật mình chạy ra.
_Dạ chào chú cưng, chú cần chi ạ ?
Cô bé thẹn thùng nhìn và chào tôi với thằng Nam rồi quay sang thằng Thơ trách móc :
_Chú cưng kỳ quá, cháu lớn rồi vã lại năm mới cũng sắp đến mà chú cứ gọi "Cà Chua" hoài. Ghéttttttttttttttttt chú ghê.
Thơ cười và ghẹo tiếp :
_Lớn hay nhỏ, năm cũ hay năm mới thì cũng là Cà Chua mà.
Cô bé chu mỏ xí''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''' một tiếng dài rồi bẽn lẽn, thẹn thùng.
Nhìn cái miệng xinh xinh và nét mặt thẹn thùng của cô bé... ôi đáng yêu làm sao .... Quay sang thằng Thơ, tôi nói :
_Tao muốn gọi mày bằng chú, Thơ ơi.
_Mày còn làm ăn được gì mà ham đèo bồng.
Tôi cười và chỉ vào cái chân cụt :
_Tao cụt cái chân này nhưng chân kia thì chưa cụt à. 
Cô bé Cà Chua thơ ngây hỏi :
_Chân kia là chân gì vậy chú Thơ ?
Tôi và Nam quay mặt sang hướng khác cười khúc khích. Thơ vỗ đầu con bé và nói :
_Chuyện người lớn, con nít hỏi làm gì ?
Sau một thoáng suy nghĩ, hình như cô bé Cà Chua đã hiểu nên chỉ vào tôi la lớn :
_Á'''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''''' chú này nói bậy quá.
Cả ba thằng bật lên cười trong sự thẹn thùng mắc cỡ của cô bé.
Thằng Thơ lên tiếng :
_Thôi không giỡn nữa, cháu bán cho chú 2 thùng beer Heineken, thùng 24 .và 1 góc tư nước đá, cháu chặt nước đá nhỏ giùm chú nhé, sẵn cho chú mượn cái thùng để ướp beer luôn, nhớ để vào ít muối hột nhé cháu cưng.
_Dạ, chú về đi, tí nữa cháu mang qua.
_Sẵn xe đây, chú chở về luôn.
Cô bé Cà Chua chỉ đống beer để ở một góc quán và nói :
_Chú lấy beer giùm cháu đi, cháu chặt nước đá.
Thằng Thơ mang 2 thùng beer để lên xe, móc điếu thuốc ra hút trong khi chờ đợi cô bé Cà Chua chặt nước đá. Khoảng vài phút sau, cô bé mang cái thùng nước đá để lên xe.
_Năm nay chú Thơ ăn Tết lớn nhé.
_39 năm nay, mùa xuân của mẹ có về trên quê hương đâu mà ăn Tết lớn với Tết nhỏ ! Hôm nay chú gặp lại người bạn cũ đã trên 40 năm chưa gặp nhau nên mở tiệc nhỏ gọi là Xuân Hội Ngộ chớ Tết nhứt gì. Tiền beer và nước đá bao nhiêu cho chú trả tiền luôn.
Cô bé Cà Chua cười và nói :
_Tiền bạc gì ...Cháu biếu chú vui Tết với bạn bè mừng Xuân Hội Ngộ.
Quán nhỏ của cháu bán buôn có lời bao nhiêu đâu mà biếu.
_Dạ chú khỏi lo chuyện đó. Cháu mới được người chị họ từ bên Mỹ về thăm quê hương, lì xì 200 đô. À, chú nhớ chị Hạ Như không ?
_Hạ Như .........Hạ Như ở Nha Trang. Lúc trước cô ấy có xuống đây chơi vài hôm rồi đi vượt biển phải không ?  Cô này hiền, đẹp, nói chuyện nhỏ nhẹ dễ thương .
Cô bé Cà Chua xí xọn nói lớn :
_Chà, chú nhớ kỹ thế, chắc chú để ý và thương thầm chỉ từ dạo ấy rồi phải không ? 
_Thôi đừng xí xọn, Hạ Như mà nghe được, Hạ Như sẽ cắt dây nói của hai chú cháu mình đó.
Cô bé chu đôi môi thuyền lật ngược ghẹo tiếp :
_Xí xọn gì ...xí''''''''''''''''. Chú khoái muốn chết mà còn làm bộ. Chú có để ý và thương thầm chỉ thì chịu đi, lớn rồi còn mắc cỡ gì  nữa. Chú xạo bà cố luôn, pótay.com chú. À mà chú có cần cháu qua nấu nướng gì tiếp không ?
_Nếu cháu rảnh thì qua giúp chú cũng được nhưng mà ai trông chừng quán ?
_Cháu đóng cửa quán để chung vui Xuân Hội Ngộ với mấy chú. Thôi mấy chú về trước đi, tí nữa cháu qua, cháu sẽ rủ chị Hạ Như cùng qua nhé.
Ba thằng xẹt ngang đường là tới nhà thằng Thơ, nhà do ba mẹ nó để lại. Trước nhà là một khoảng sân rộng, nhà tường, mái tole, nền gạch. Thằng Thơ cho xe vào đậu trong sân sau khi khóa kỹ rồi ba thằng xách đồ vô. Chính giữa nhà là bàn thơ ông bà, bên phải là bộ salon, bên kia là một cái divăng. Thằng Thơ chỉ bộ salon nói :
_Hai thằng mày ngồi chờ tao xuống nhà sau làm mồi nhậu tí.
_Mầy có cần 2 thằng tao phụ gì không ?
_Khỏi đâu, tao làm đồ nhậu dã chiến, đơn sơ và nhanh lắm. Hai thằng mày ướp beer cho lạnh rồi lai rai tâm sự trước đi.
Thằng Thơ đi vào nhà bếp một tí sau mang ra một dĩa tôm khô củ kiệu với vài con khô mực nướng và một dĩa nhỏ đựng tương, ớt.
_Mình gầy sòng Xuân Hội Ngộ đi nào. Thằng Thơ nói xong, liền ngồi xuống cạnh thùng beer ướp lạnh lấy ra phát mỗi thằng 3 chai.
Thằng Nam bật miệng nói :
_Gì mà 3 chai, dữ vậy mậy. Bộ mày định giết tao và thằng Hải hở ?
_Lấy 1 lần 3 chai để khỏi mắc công lấy hoài.
Thằng Thơ đưa chai beer lên nói :
_Dzô, mừng Xuân Hội Ngộ sau 40 năm.
Ba thằng lai rai, tâm sự ôn lại những kỷ niệm nơi thao trường đổ mồ hôi, chặng đường đã qua từ khi mãn khóa, những tháng ngày gót sông hồ ngược xuôi và những năm dài lang thang không ánh sáng trong cái thiên đường quái đản kể từ sau ngày đại tang năm xưa.
Bathằng thay phiên nhau kể lại  vắn tắt quãng đời binh nghiệp của mình.
_Thằng Nam ra trường về sư đoàn 5 và đã gởi lại một chân trên chiến trường. Vài năm sau ngày 30/4, ba mẹ của Nam đã qua đời vì già yếu, bệnh tật. Ông anh lớn của Nam đã hy sinh trong Tết Mậu Thân. Không còn ai ruột thịt, vợ con cũng không có ... nên nó lê tấm thân tàn chống đôi nạng gỗ, mang cây đàn guitar lang thang đó đây bán tiếng hát để mưu sinh qua ngày cho đến khi lang thang xuống Kiên Giang và gặp thằng Thơ.
_Thằng Hải ra trường về sư đoàn 18, bao năm tháng dài vào sinh ra tử mang vài vết thương nhỏ trên người, trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến  đã gởi lại một cái chân bên "Tuyến Thép Xuân Lộc". Người anh lớn là sĩ quan thuộc Liên Đoàn 81 BCD, được phe "thắng cuộc" khoan hồng bằng những năm dài tù đày  và vĩnh viễn nằm xuống trong ngôi mộ máu "Trại Cải Tạo" nơi núi rừng lạnh giá, hoang vu ngoài miền Bắc. Ba mẹ Hải đau đớn vì nhớ thương con nên sinh bệnh và lần lượt qua đời cách nhau 1 năm. Em gái của Hải dẫn đức em trai út đi vượt biển nhưng không bao giờ đến được bến bờ Tự Do. Quá buồn vì những nỗi đau mất mát "Nước mất, nhà tan", Hải giao nhà cho người cô và lang thang đây đó mưu sinh bằng nghề bán vé số cho đến ngày hôm nay gặp lại 2 thằng bạn cùng khóa ngày xưa.
_Tao (Thơ) là con một nên ra trường được về phục vụ gần nguyên quán. Tao là Ông Địa U Minh thuộc Tiểu Đoàn 530ĐPQ, Tiểu Khu Kiên Giang, sau trận chiến với Công Trường 103 U Minh Thượng của cộng quân vào mùa hè 1974, Tiểu Đoàn được thuyên chuyển lên trấn đóng vùng biên giới Hà Tiên-Cambodge, đến đầu năm 1975 thì tao được thuyên chuyển qua Chi Đội 911 Cơ Giới cho đến ngày gãy súng. Tao được Đảng và nhà nước chăm sóc kỹ bằng những hạt bo bo, lát mì khô và khoan hồng bằng hai năm lao động khổ sai, khắc nghiệt trong nhà tù "xã hội chủ nghĩa". Sau khi ra tù nhằm lúc ngăn sông, cấm chợ, thắt lưng buộc bụng của thời "bao cấp", tao phải bán chiếc xe Honda 67 để lấy tiền mua chiếc xe ba gác "lao động vinh quang" chở hàng mướn sống lây lất đến hôm nay.
_Chào chú cưng và hai chú.
Tiếng cô bé Cà Chua vang lên làm gián đoạn cuộc tâm sự của ba thằng.
Cô bé Cà Chua xuất hiện nơi cửa cùng với 1 người con gái. 
Thằng Thơ lên tiếng :
_ Chào cháu cưng. Mời cháu vàààà cô ........... vào nhà.
Người con gái đi cùng với Cà Chua lên tiếng :
_Dạ cảm ơn và chào anh Thơ cùng hai anh. Anh thơ quên Như rồi sao ? Hạ Như đây.
_Làm sao quên được. Nhiều năm không gặp. Hạ Như vẫn đẹp như ngày nào. Hạ Như vẫn khỏe chứ ?
_Dạ cảm ơn anh Thơ, Như vẫn khỏe, còn anh thế nào ?
_Cảm ơn Hạ Như, anh vẫn còn thở qua ngày. Mời người đẹp Nha Trang và cháu Thy ngồi nhập tiệc với bọn này cho vui. À mà hai người mang thức ăn gì qua nhiều vậy ?
Phương Thy lên tiếng :
_Dạ cháu và chị Như mang 2 đòn bánh Tét, nồi thịt kho cho chú cúng ông bà, còn đây là dĩa gỏi ngó sen tôm thịt do chị Như làm để ủy lạo "Cây Mùa Xuân Chiến Sĩ" cho các chú nhậu.
_Cảm ơn Hạ Như và cháu cưng. 
_Ê Thơ, dzô ..........đấp mô hòai mậy. Có giai nhân quên bạn bè rồi hở ?Tiếng thằng Hải & Nam la lên.
_Hai thằng quỷ xứ này phá hoài, để tao nói chuyện với Hạ Như chút mà, tụi mày muốn chết thì tao cho chết. Nè dzô 100%.  Kể từ bây giờ tao là diễn viên chánh nhé.(Phần còn lại của bài viết, danh từ "Tôi" được dùng thay cho nhân vật THƠ)
Con bé Cà Chua đang ngậm một họng thức ăn vội nuốt vào trợn trắng mắt và xía vô :
_Chị Hạ Như qua đây cùng chú Thơ núp lùm xí xọn hở ?
_Cô cháu Cà Chua này xí xọn thiệt áh. Thơ nói.
Hạ Như xen vào :
_Chú cháu xí xọn giống nhau muh.
Tôi quay sang Hạ Như :
_Hạ Như này.
_Tụi mình khai mạc chương trình văn nghệ Xuân Hội Ngộ đi.
Tôi nói xong liền đứng dậy đi lấy cây Organ và 2 cái microphones gắn dây vào cái Ampli cũ. 
_Hải, mày đánh organ nhé.tôi đưa 1 cái micro cho Hạ Như :
_Mời người đẹp thành phố biển khai mạc.
_Dạ các anh hát trước đi.
 _Tiên khách, hậu chủ. Mời hai thằng quỷ sứ hay cháu Cà Chua hát trước.
_Chú cưng hát trước đi, cháu đang nhai.
Thằng Hải lên tiếng :
_Thơ, mày mở màn đi, lâu rồi không nghe giọng hát của mày. Vã lại mày là chủ nhà vừa là chủ xị và hôm nay gặp lại người đẹp Hạ Như muh.
Hạ Như ngồi kế bên thúc nhẹ cù chõ vào hông tôi, dịu dàng nói :
 -Anh hát trước đi. Nghe Phương Thy nói anh hát hay nhưng Như chưa được hân hạnh thưởng thức giọng hát của anh
_Đến gìờ giao thừa sang năm mới rồi, Thơ cầu chúc tất cả một năm mới VẠN SỰ CÁT TƯỜNG. Để mở đầu chương trình Xuân Hội Ngộ với chủ đề"Lính & Mùa Xuân" Thơ hát 1 bài nhạc xuân để nhớ lại những mùa xuân xưa trong thời chinh chiến.
Thằng Hải đưa chai beer lên và nói :
 _Yes sir, dzô 100% trước, hát mới hay.
_Dzôôôô 100%. Cả bọn đồng loạt hô lên.Ba chai beer Heineken cụng chan chát. Hạ Như & Cà Chua cũng giơ hai ly nước ngọt lên cùng chung vui.
_Chúc Mừng Năm Mới.
_Chúng mình hát vài bài nữa rồi nghỉ nhé. Tôi nói.
Hạ Như hình như luyến tiếc cuộc vui nên hỏi :
_Sao nghỉ sớm vậy anh Thơ ? Tết mà, xả láng sáng chơi tiếp luôn.
_Wowwwwwwwwwww  Hạ Như sung vậy.Chút nữa tụi anh phải đi xa nên nghỉ, còn lo chuẩn bị đồ đạc nữa. Khi về thì mình họp tiếp.
_Các anh đi Tết ở xa à ?
_Tụi anh đi Biên Hòa thăm bạn bè, chiến hữu.
_Tí nữa, Hạ Như với mẹ và Phương Thy cũng đi Biên Hòa nè.
_Hạ Như và mẹ đi thăm thân nhân à ?
_Dạ không. Mẹ và Như đi thăm ba ở Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa.
_À, tụi anh cũng đi thăm bạn bè, chiến hữu ở đó nè. 
_Các anh mướn xe chưa ?
_Tụi anh đón xe đò đi.
_Hay là mời các anh đi chung xe với gia đình Như nhé. Sáng nay Như mướn xe 7 chỗ ngồi, Như bảo họ 1 giờ này đưa xe tới, đi ban đêm cho mát và cũng không kẹt xe.
_À nếu không có gì phiền thì Hạ Như cho tụi anh quá giang nhé. Gần tới giờ rồi, thôi mình tan hàng, lo chuẩn bị là vừa.
Mỗi người một tay ngoại trừ Hải và Nam, thoáng đã thanh toán xong. Tội cho con bé Cà Chua lo rửa chén giúp.
Hạ Như hỏi tôi :
_Các anh cần mang theo những gì ? Để Hạ Như phụ.
_Không có gì nhiều đâu, để tụi anh tự làm được rồi. Hạ Như và Cà Chua về lo chuẩn bị đồ đạc đi.
_Dạ Hạ Như và Phương Thy chuẩn bị xong hết rồi anh.
_Bọn mình đi qua nhà Phương Thy nhé, chắc xe cũng gần đến rồi.
Cả bọn đi qua nhà Thy. Mẹ Hạ Như đang ngồi uống trà. Ba thằng chúng tôi cất lời.
_Kính chào bác.
Tôi tiếp lời :
_Tụi con kính chúc bác một năm mới nhiều sức khỏe, vạn sự cát tường.
Mẹ Hạ Như mỉm cười nói :
_Cảm ơn các cậu, bác cũng chúc các cậu năm mới nhiều sức khỏe, vạn điều may mắn, tốt đẹp.
Mẹ Hạ Như nhìn sang thằng Hải :
_Cậu này nhìn quen quen.
_Dạ chào bác. Chiều nay ở chợ, bác và cô mua vé số giúp con và lì xì tết cho con.
_À, bác nhớ rồi. Hèn chi nhìn thấy quen. Mấy người lớn tuổi như bác hay quên quá.
Hạ Như nói với mẹ :
_Mấy anh này cũng đi thăm bạn bè ở Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa nên con mời đi chung với mình luôn.
_À, vậy thì các cậu đi chung cho vui.
Một chiếc xe Mercedes van 7 chỗ ngồi vừa đỗ trước cửa đúng 1 giờ theo lời hẹn. Anh tài xế xuống xe tiếp mang hành lý lên xe. Mẹ Hạ Như ngồi trên chiếc ghế trước, Hạ Như và Phương Thy nhường cho Hải và Nam ngồi ở băng trên cho tiện việc lên xuống. Hạ Như, Phương Thy và tôi ngồi ở băng sau cùng. Phương Thy cố tình chui vào ngồi ở phía trong để Hạ Như ngồi giữa kế tôi, cô bé Cà Chua này cũng tinh nghịch và biết điều gớm nhỉ.
Xe từ từ lăn bánh lao vào màn đêm tĩnh lặng, nhà nhà đã yên giấc sau giờ phút giao thừa, vài nhà vẫn còn đèn sáng tiệc tùng đón mừng năm mới. Vài chiếc xe gắn máy của những cặp tình nhân vẫn còn thả tà tà qua lại trên đường. Họ ngồi sát vào nhau như tìm hơi ấm hạnh phúc tình yêu trong không khí se lạnh của giây phút giao mùa.
Sau một ngày mệt mỏi, mọi người trong xe đã ngủ yên trong tiếng nhạc xuân phát ra từ cái máy CD của xe..........
Tiếng anh tài xế vang lên đánh thức mọi người :
_Đến thành phố rồi quý vị ơi, có ai muốn ăn uống hay mua sắm gì không ?
Ngoqài trời chưa sáng hẵn, thành phố còn đang say giấc, vài hàng quán mở đèn sáng nhưng chưa mở cửa, những chiếc xe bán hàng rong và những người thức khuya dậy sớm vì miếng cơm manh áo đã có mặt trên đường trong ngày đầu năm để tìm sinh kế trong năm mới nhưng cuộc đời chẳng có gì mới ngoại trừ mỗi năm người dân càng nghèo khổ hơn và khốn khó hơn suốt 39 năm nay kể từ khi bị lũ người man rợ "giải phóng".
Mẹ của Hạ Như lên tiếng hỏi :
_Mấy cậu có cần uống cafe cho tỉnh không ? Nhân tiện cho chú Tân (tài xế) nghỉ mệt tí.
_Dạ. bác tài (tài xế) ơi, tìm quán nào uống cafe cho tỉnh và nghỉ mệt tí nhé.
Xe dừng lại 1 quán cafe trên đường Trần Hưng Đạo, tôi và chú tài xế vào quán mua 4 ly cafe  sữa đá và 3 chai sữa tươi.
Tôi đưa 3 chai sữa tươi mời mẹ của Hạ Như, Hạ Như và Phương Thy.
_Dạ mời bác, Hạ Như và cháu cưng dùng sữa tươi cho khỏe.
Tôi, Hải, Nam và cậu thanh niên tài xế tên Tân, 4 người đứng hút thuốc uống cafe, lặng yên nhìn thành phố thân yêu đã đổi chủ thay tên, mỗi người thả hồn theo 1 cảm xúc riêng tư từ dòng sông dĩ vãng. Bỗng Tân lên tiếng :
_Xin hỏi các chú trước đây có ai ở sư đoàn 21 không ?
Cả 3 thằng đưa mắt nhìn Tân chưa ai trả lời thì Tân nói tiếp :
_Ba của cháu phục vụ ở sư đoàn 21, nên cháu hỏi xem có ai là đồng đội của ba không chớ không có ý gì.
Tôi lên tiếng và giới thiệu :
_Các chú không có ai ở sư đoàn 21 cả. Đây là chú Nam sư đoàn 5, chú Hải sư đoàn 18, còn chú là thiết giáp. Ba của cháu có khỏe không ? Chiều nay nếu về sớm các chú sẽ ghé thăm.
_Dạ cảm ơn các chú nhưng rất tiếc ba của cháu đã bỏ thây trong trại tù "cải tạo" ngoài miền Bắc rồi. Năm 1975 là năm cháu thi tú tài phần I nhưng cháu bị nhà nước đuổi học ngay sau khi Miền Nam Việt Nam bị cưỡng chiếm và ba cháu cũng như các chú bác sĩ quan QLVNCH bị lũ người chiến thắng lừa vào tù bằng chính sách "khoan hồng" gian trá, thủ đoạn "1 tháng học tập" thành 1 tháng thiên thu.
Tôi quay sang Hải và Nam nói :
_Trời sáng hẵn rồi, hai thằng mày nói chuyện với cháu Tân, tao vào quán mua vài ổ bánh mì thịt và ít bánh mang theo.
Tôi vào quán khoảng 15 phút trở ra với 2 bọc thức ăn và 1 khay đựng 4 ly cafe, nói :
_Sáng rồi, tụi mình tiếp tục lên đường. Tao mua thức ăn và mua thêm 4 ly cafe sữa đá cho 3 thằng mình và cháu Tân.
Tôi đến hỏi mẹ của Hạ Như :
_Thưa bác có cần ăn sáng, phở, hủ tiếu gi không ạ ?
_ Bác không đói đâu, các cậu có đói thì tìm quán nào ăn rồi mình lên đường.
_Dạ cháu có mua bánh mì thịt, bánh bao, xôi và vài ly chè mang theo. Tụi cháu cạp gì cũng được, chỉ sợ bác với Hạ Như và Phương Thy đói bụng thôi.
4 thằng chui vào xe, sau khi ai đã vào chỗ nấy, Tôi đưa bọc bánh mời Hạ Như :
_Em ăn tí gì lót lòng buổi sáng.
Hạ Như chưa kịp trả lời thì Phương Thy đã lên tiếng :
_Trời
Hạ Như quay sang hỏi Phương Thy :
_Gì thế em ?
_Dạ không có gì. Phương Thy trả lời và lẩm bẩm :
_Wowwwwwwwww Em nữa. Ngọt ngào và tình tứ thế kia.
Hạ Như quay sang nhéo Phương Thy :
_Em Thy xí xọn quá.
_Úi dza, em có xí xọn gì đâu. Sáng nay chú Thơ uống cafe sữa chắc có pha thêm chút mật gấu.
Tôi lên tiếng :
_Cô bé này cà chua thật muh.
Hạ Như tiếp :
_Anh đặt tên Phương Thy là Cà Chua, thật đúng muh.
_Í dza, hai người bênh nhau nữa.
Chiếc xe bỗng thắng gấp làm mọi người trên xe giật mình, thì ra có một chàng thanh niên lái xe gắn máy chen lấn ẩu tả lao vào phía trước đầu xe van của bọn này. May mà cậu tài xế thắng kịp, nếu không thì ... Cậu tài xế Tân lắc đầu nói :
_Sợ bọn thanh niên thời nay lái xe quá. Có đi mua quan tài thì cũng từ từ chớ.
Cậu tài xế phải chật vật mất cả tiếng đồng hồ mới đưa chiếc xe len lỏi thoát ra khỏi dòng xe cộ đông đúc, tiếng động cơ ồn ào, tiếng còi xe inh ỏi, mùi khó chịu của xăng dầu và khói thải ra từ những chiếc xe đông như đàn kiến  làm ngộp cả thành phố trong ngày đầu năm. Xe ra tới xa lộ Biên Hòa có phần dễ chịu hơn, tuy không đông nghẹt như trong thành phố nhưng dòng xe đủ loại tấp nập lao nhanh vun vút ngược xuôi trên đường quá nguy hiểm.
Khi những ánh nắng hồng ấm áp,tươi thắm của vầng thái dương trải dài trên quê hương để đón chào chúa xuân đến thì chúng tôi cũng vừa đến trước Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa, nơi an nghỉ nghìn thu của những người chiến sĩ QLVNCH đã hy sinh trong cuộc chiến để bảo vệ 2 chữ Tự Do cho Miền Nam thân yêu. Từ ngoài nhìn vào, cây cối um tùm do Đảng đê tiện chủ trương trồng cây thành một khu rừng che khuất cả nghĩa trang. Cậu tài xế cho xe lăn bánh chậm chạp trên lối vào nghĩa trang, dọc dường chúng tôi nhận thấy từng nhóm 5, 3 người, những chiếc xe gắn máy được tự chế thêm dành riêng cho những anh em không may đã gởi 1 hoặc cả đôi chân trong cuộc chiến. Chúng tôi thật cảm động khi nhìn thấy những chiếc áo, quần lính và mũ vải đi rừng ngày xưa trong từng nhóm người này. Nam & Hải ngồi ở băng ghế trên, bấm nút hạ cửa kính xe xuống, thò đầu ra ngoài vẫy tao chào những người chiến hữu năm xưa và nhìn xem có người bạn đồng đội năm nào hay không.
Xe dừng lại và đậu bên ngoài khu mộ phần, cậu Tân ở lại giữ xe, chúng tôi xuống xe và mang vật dụng vào, nhìn cảnh điêu tàn của Nghĩa Trang, nhiều bia mộ đã bị lũ người mang danh "giải phóng" đập phá, bắn phá vỡ nát không còn nhận ra danh tánh. Đây là chủ trương trả thù dã man, độc ác, hèn hạ của lũ người man rợ dành cho những người bên phe thua cuộc dù là những nắm xương tàn trong huyệt mộ. Chúng tôi cảm thấy uất nghẹn và thương xót các anh hùng QLVNCH đã "Vị Quốc Vong Thân" bao nhiêu thì càng căm thù lũ cộng sản bấy nhiêu, thế mà bọn chúng vẫn thỉnh thoảng ra rả cái mồm kêu gọi "hòa hợp, hòa giải" khi cần moi tiền của người Việt Hải Ngoại và che giấu những mưu đồ gian trá, nham hiểm. Trong từng khu mộ phần đã thấp thoáng những người đến sớm đang thắp nhang cúng người xấu số, mùi nhang thơm và khói hương lan tỏa khắp nghĩa trang. Mẹ của Hạ Như tìm đến phần mộ của chồng rồi bày đồ ra để cúng, ngôi mộ đã được Mẹ của Hạ Như và Hạ Như quét dọn sạch sẻ, tươm tất khi 2 người vừa đặt chân về đến quê hương ngày đưa ông Táo về trời. Mẹ của Hạ Như, Hạ Như và Phương Thy quỳ lạy trước phần mộ, tội nghiệp Hải và Nam không quỳ được vì thiếu 1 chân nên đành ngồi bẹp xuống, chúng tôi 3 thằng ở phía sau, 1thằng quỳ, 2 thằng ngồi cùng vái lạy 1 người đại huynh trưởng đã hy sinh vì Chính Nghĩa Quốc Gia trong Tết Mậu Thân kinh hoàng 1968. Thắp hương xong hương hồn ba của Hạ Như xong, anh em chúng tôi đi tìm những phần mộ của đồng đội, của bạn bè cùng khóa để thắp hương tưởng niệm. Xong phần thắp nhang tưởng niệm bạn bè, đồng đội, Tôi tìm một khoảng đất trống tương đối bằng phẵng, trải những tờ báo ra, và lấy từ trong bọc ra những ổ bánh mì thịt, bánh bao, xôi, mấy ly chè đặt trên tờ báo, đốt nến, thắp nhang tưởng niệm. Tôi cũng lấy từ trong bọc ra 1 chai rượu đế nhểu vài giọt vòng quanh rồi mọi người cùng quỳ xuống lạy 18,000 linh hồn tử sĩ nơi nghĩa trang nói riêng, 350 ngàn linh hồn chiến sĩ QLVNCH nói chung đã nằm xuống vì hai chữ Tự Do cho Miền Nam Việt Nam, van vái các linh hồn có linh thiêng hãy phù hộ người dân vùng lên khai tử lũ cộng sản phản quốc, sát nhân, bạo tàn, một lũ người chỉ biết ÁC với DÂN-HÈN với GIẶC.
Xong phần thắp nhang tưởng niệm, chúng tôi 3 thằng đi vòng vòng chào hỏi các chiến hữu có mặt nơi nghĩa trang trong ngày đầu năm đến thăm thắp nhang tưởng niệm những anh hùng"Vị Quốc Vong Thân".
Phần đông những chiến hữu có mặt ngày hôm nay là các anh em TPB.VNCH, những mảnh đời bất hạnh dù thân thể không còn nguyên vẹn phải chật vật trong cuộc sống sau cuộc đổi đời tang thương của quê hương, bị những người "may mắn thắng cuộc" chà đạp bên lề cõi sống. Họ vẫn dành chút thời gian thường xuyên đến đây mỗi năm quét dọn,chăm sóc mộ phần của những chiến hữu đã nằm xuống. Đời đời nhớ và cảm ơn anh, người Thương Phế Binh VNCH.
Ánh nắng chiều đã dần phai trên khu nghĩa trang buồn. Mọi người lần lượt ra về. Nhóm chúng tôi mỗi người 1 tay thu dọn sạch sẻ nơi vừa bày đồ ra cúng rồi đến quỳ lại chào từ biệt ba của Hạ Như và các bạn bè, đồng đội trước khi ra về.
Xe từ từ lăn bánh ra tới xa lộ, pho tượng Người Lính "THƯƠNG TIẾC" trước nghĩa trang không biết đã bị lũ người chiến thắng mang đi vùi dập và thủ tiêu nơi đâu. Xe rời Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa, nơi an nghỉ nghìn thu của những người con yêu của Tổ Quốc đã xong nợ núi sông không bao giờ trở lại. Mọi người trên xe ngoại trừ cậu tài xế, dõi mắt nhìn cho đến khi Nghĩa Trang mờ dần và khuất đi sau một khúc quanh trên đường. Trong xe thoang thoảng mùi khói hương thơm tình đồng đội còn vương trên quần áo và mái tóc của mọi người. Mẹ của Hạ Như lấy khăn tay chậm dòng nước mắt đang tuôn trào và dường như 2 giọt lệ nghĩa tình đang rưng rưng nơi khóe mắt của mọi người trong ngày đầu năm.
Áng nắng chiều đã nhạt phai, chỉ còn vài vạt nắng vương cuối chân trời như luyến tiếc một ngày đầu năm thoáng vội qua mau. Khí hậu bên ngoài mát dịu, tôi bảo cậu Tân tài xế hạ cửa kính xe xuống 1 tí cho gió mát từ ngoài lùa vào. Những ngọn gió mát len qua cửa lùa vào trong xe đã đưa mọi người thiếp vào giấc ngủ sau 1 ngày mệt nhọc. Có lẽ vì trái tim không ngủ yên nên chỉ mình tôi đang lim dim thả hồn vào những gì mơ ước ... Những cơn gió như muốn đùa cợt khi thổi những sợi tóc của Hạ Như bay lòa xòa vướng trên mặt tôi. Tôi cảm nhận hình như có gì đè nặng bên vai trái, tôi nhẹ quay đầu nhìn qua thì Hạ Như đang tựa đầu ngủ say trên vai tôi. Tôi không dám cựa mình sợ nàng tỉnh giấc mộng đẹp (biết đâu ?) Mùi thơm nhẹ nhàng của mái tóc cộng với hương thơm của da thịt thoát ra từ thân thể nàng thật sự đã làm tôi ngây ngất. Nhin gương mặt ngủ say của Hạ Như, tôi nhận thấy nét đẹp của nàng càng ngày càng mặn mà hơn, một vẻ đẹp dịu hiền, đạo đức, thanh cao, thánh thiện ... một nét đẹp đã làm con tim tôi rối nhịp đập trong những ngày quen biết ngắn ngủi từ nhiều năm trước, khi nàng và mẹ từ Nha Trang đặt chân đến phố Kiên để tìm đường vượt biển. Ngày xưa tôi đã thầm yêu Hạ Như nhưng không dám ngỏ lời thì bây giờ làm sao tôi dám nói gì khi Hạ Như đã là đóa hoa hồng có chủ, thôi thì "Dù mai đây, ai đưa em đi đến cuối cuộc đời ..."

Xuân Giáp Ngọ 2014
Hoàng Nhật Thơ

No comments:

Post a Comment